14:00
“Cử tri muốn nghe Thủ tướng nói
nhiều hơn”
TTO - Cử tri phàn nàn thời gian trả lời chất vấn của
Thủ tướng quá ít, còn nhiều đại biểu vắng họp. Đó là những vấn đề
cần rút kinh nghiệm về kỳ họp lần thứ 6 vừa qua của Quốc hội.
Thời gian cho Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội ngày 21-11-2013
quá ít ?
Sáng nay 23-12, cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ 6 của Quốc
hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết cử tri phàn nàn
rằng thời gian trả lời chất vấn của Thủ tướng quá ít nên Thủ tướng không trả
lời hết câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhiều năm trước
đây người ta cứ nói rằng đại biểu Quốc hội là "ông nghị gật", nhưng
giờ đây cử tri và cả dư luận ngoài nước cũng cho rằng Quốc hội hoạt động thực
chất, ngày càng chứng tỏ là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân.
“Tôi cho rằng Quốc hội ngày càng gần dân hơn. Tôi đơn cử một việc
thôi, chỉ qua chất vấn và rà soát sau một kỳ thì hàng trăm dự án thủy điện đã
bị loại bỏ”, bà Ngân nói.
Về những điểm cần rút kinh nghiệm, bà Ngân cho rằng “thời gian
chất vấn dành cho Thủ tướng ít quá, cử tri muốn nghe Thủ tướng nói nhiều hơn.
Thứ hai là có hôm cử tri nhắn vào máy của tôi hỏi tại sao ở Quốc hội ghế
trống nhiều quá, đại biểu Quốc hội vắng họp nhiều. Cử tri rất chú ý theo dõi
kỳ họp Quốc hội và xem trách nhiệm của đại biểu thế nào”.
Cũng nêu ý kiến băn khoăn của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng
- an ninh Nguyễn Kim Khoa nói: “Bố trí chương trình cho Thủ tướng Chính
phủ rất ngắn gọn nên Thủ tướng không trả lời hết các chất vấn của đại biểu
Quốc hội, trong đó có những câu hỏi rất quan trọng. Cử tri cũng phản ánh
trong kỳ họp có một số phiên đại biểu vắng rất nhiều”.
Kết luận phiên họp,Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị có
văn bản yêu cầu đại biểu Quốc hội rút kinh nghiệm việc vắng họp. “Mấy kỳ gần
đây đại biểu vắng họp nhiều quá nên cử tri phê bình. Đề nghị các đồng chí
không xếp lịch đi công tác nước ngoài và các chương trình khác khi Quốc hội
họp, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt. Đó là tôi còn chưa kể những ông cứ
nhắm vào thời gian Quốc hội họp để xếp lịch riêng…”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Trước đó, trình bày báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp, Chủ nhiệm
Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định “kết quả của kỳ họp góp phần
quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới;
tạo dấu ấn tốt đẹp, sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân, để lại nhiều kinh
nghiệm quý cho các kỳ họp sau”.
Ông Phúc cũng cho rằng “phiên chất vấn diễn ra dân chủ, công
khai, có tính tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Các đại biểu Quốc
hội nêu câu hỏi ngắn gọn, thẳng thắn, có trọng tâm. Các vị Bộ trưởng, Trưởng
ngành cơ bản giải đáp được các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, làm rõ nguyên
nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Công tác điều hành linh hoạt, dân
chủ, định hướng nội dung chất vấn vào những nhóm vấn đề đã đặt ra”.
Tuy vậy, bản báo cáo cũng đưa ra nhận định: Một số đại biểu đặt
câu hỏi chất vấn còn dài, chưa đúng trọng tâm. Một số câu trả lời chưa bám
sát chất vấn của đại biểu; chưa có sự trao đổi, tranh luận đến cùng về vấn đề
được đưa ra chất vấn. Một số ý kiến thảo luận trùng lắp, chưa bám sát nội
dung, nặng về nêu tình hình, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, nhất là
trong thảo luận về kinh tế - xã hội. Việc tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ và
hội trường có lúc, có nội dung chưa thực sự đầy đủ. Việc giải trình, tiếp
thu, chỉnh lý có nội dung chưa thật thuyết phục.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét