Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

12:02

Giá sữa bất ổn: “Lắm sãi không ai đóng cửa chùa”?
(PetroTimes) - Câu chuyện về sữa ở Việt Nam dường như chưa bao giờ có hồi kết, nhất là khi cách đây vài ngày, Hãng sữa Abbott (Mỹ) tố Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Song Nam (32 Phan Đình Giót, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) làm giả giấy tờ nhập khẩu sản phẩm sữa ENSURE của hãng này vào Việt Nam. PV Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội về vấn đề này.
PV: Thưa ông, mấy ngày qua, dư luận đang sôi sục vì nghi án Công ty Song Nam giả mạo giấy tờ nhập khẩu sữa của Hãng Abbott (Mỹ). Ông nghĩ sao về chuyện này?
Ông Vũ Vinh Phú: Chúng ta nên thận trong nghe từ hai phía rồi phân tích sau bởi Hải quan và đội chống buôn lậu của ta chưa công bố gì. Án tại hồ sơ nên cần lắng nghe cả hai tai. Tuy nhiên, nếu đúng như thông tin ban đầu này, sữa nhập không chính ngạch thì Công ty Abbott nói không chịu trách nhiệm về chất lượng hoàn toàn đúng vì họ quản lý sản phẩm theo chuỗi.
PV: Thưa ông từ trước đến nay chúng ta đã có tiền lệ nào như thông tin này đối với mặt hàng sữa chưa?
Ông Vũ Vinh Phú: Tôi chưa từng chứng kiến sự việc tương tự như thế này. Hàng giả ở các mặt hàng khác thì nhiều nhưng sữa chưa có. Hiện nay, chúng ta có khoảng 200 nhà nhập khẩu và hàng trăm loại sữa khác nhau từ người già đến trẻ con. Một mặt rất phức tạp, một mặt hình như khó làm giả, hay chưa hấp dẫn về giá trị lắm nên chưa có chăng? Tôi nghĩ, người ta buôn lậu phải là thuốc phiện, vàng bạc hay kim cương, sữa mấy trăm nghìn/hộp chưa xứng đáng để buôn lậu.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội
PV: Theo ông, nếu sự việc này có thật thì chất lượng sữa có phải là điều đáng lo ngại?
Ông Vũ Vinh Phú: Hàng giả, hàng lậu có khi bằng hàng thật, mẫu mã có khi hơn thật. Tem chống giả còn hơn tem thật cơ mà nên chưa chắc chất lượng đã thấp hơn.
PV: Hiện nay trên thực tế, các hãng sữa đua nhau kích cầu bằng các chiêu khuyến mại (giật nắp đổi quà, tích điểm đổi quà, giảm giá sản phẩm mới, dùng thử…), việc làm này có đúng với quy định không, thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Trong chi phí quảng cáo người ta có quyền. Tuy nhiên, Luật Quảng cáo cấm khuyến mãi sai sự thật, chèn ép đơn vị khác.
Hiện nay, nền kinh tế nói chung và kinh tế thương mại nói riêng của chúng ta là không minh bạch. Quảng cáo khuyến mại đôi lúc lập lờ, không rõ, không truy xuất được nguồn gốc, không ai có trách nhiệm cuối cùng, làm cho thương trường không minh bạch, làm cho người tiêu dùng (NTD) thiệt hại. Trong 8 quyền của NTD thì họ có quyền được thông tin. Thông tin bao gồm thông tin khuyến mại. 50% khuyến mại trong thị trường có vấn đề: mập mờ, không rõ ràng, hành hạ người đi lấy khuyến mại, đôi lúc cũng trái đạo đức. Ví dụ giữ nắp hộp để mua tiếp. Nhiều mặt hàng ăn quá cũng nguy hại chứ. Với sữa chua chẳng hạn, ăn 1 hộp/ngày thì tốt, nhưng nhà sản xuất sữa chua nói ông ăn nhiều hộp tôi đổi quà cho. Thế là có vấn đề. Người ta sẽ ăn 2 hộp/ngày, mà ăn 2 hộp/ngày sẽ bị đau dạ dày. Thế nên, các khuyến mại, các quy định phải rõ hơn nữa.
Ở Mỹ, một con gà chạy sang hàng xóm đẻ trứng thì hàng xóm đương nhiên được ăn trứng; cây táo chĩa cành sang hàng xóm, họ phải được ăn vì rụng lá ai quét cho? Người ta được ăn là đúng rồi. Các nước họ quy định rất rõ. Mỹ có hàng vạn luật nhưng luật và nghị định chẻ ra rất cụ thể nên dễ và đưa ra tòa án rất nhanh. Mình có Luật Bảo vệ NTD rất ít xử được ai. Hiệp hội Bảo vệ NTD rất ít được bảo vệ mà thậm chí người ta cũng chả muốn được bảo vệ. Bởi gói bim bim có vấn đề đi kiện “được vạ thì má sưng”. Tất cả hiện nay đang mập mờ lẫn lộn, khó giải quyết không minh bạch. Sữa cũng thế, rất nhá nhem.
PV: Vậy đâu là giải pháp khắc phục mập mờ khuyến mại sữa, thưa ông? Vì trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đưa ra chương trình khuyến mại nhưng không có ngày bắt đầu và kết thúc. Khi khách hàng trúng thưởng đổi quà thì nói hết hạn. Thậm chí, gọi điện lên xin tư vấn khuyến mại cũng mất tiền cước?
Ông Vũ Vinh Phú: Khẩn trương làm luật. Ví dụ Luật Quảng cáo khuyến mại. Nếu đi 5 siêu thị mà thấy khuyến mại 5 cái xe ôtô matit, quà lớn… là khuyến mại rủi ro. Mà người ta quy định, khuyến mại rủi ro thì anh phải nộp tiền ký cược khuyến mại vào kho bạc. Nếu xe đó giá trị 300 triệu thì phải nộp vào kho bạc 300 triệu. Nếu có người trúng thì rút ra trả. Nếu không có người trúng thì đơn vị khuyến mại chỉ được lấy lại 150 triệu thôi, còn 150 triệu xung công quỹ để làm quỹ xúc tiến thương mại chung.
Nhưng hiện nay, cả đất nước này có ai công bố kết quả rủi ro ấy là như thế nào không? In một cái xe máy vào nắp bia, ai chứng kiến để khi giật ra được xe máy? Tất cả mập mờ hết nên điều quan trọng là có luật, có nghị định. Chưa kể, có quy định rồi nhưng vấn đề là yếu ở khâu tổ chức thực hiện và giám sát. Ví dụ ở các thành phố lớn là Sở Công Thương giám sát vấn đề khuyến mại nhưng lại lực bất tòng tâm vì Sở có 3 cán bộ ở phòng Quản lý Thương mại mà có đến 500 đơn vị đăng ký khuyến mại. Thậm chí hết đợt khuyến mại họ chẳng báo cáo. Kết thúc tháng khuyến mại liệu các doanh nghiệp và Sở Công Thương có công bố được là tôi đã làm lợi được cho NTD bao nhiêu tiền chênh lệch giá; tôi đã cung cấp được hiện vật khuyến mại được bao nhiêu trị giá không? Bao nhiêu đơn vị báo cáo sau khuyến mại? Họ bất chấp. Họ chỉ đăng ký là vui vẻ thôi.
Tất cả các khuyến mại rủi ro quản lý thế nào? 5 năm nay vẫn thế, không có gì thay đổi. Không ai biết kiểm soát khuyến mại rủi ro thế nào và không ai biết kết quả ra sao. Tóm lại một tổng kết chi tiết về khuyến mại không có. Nếu có, không ai kiểm chứng và cũng không minh bạch trên báo chí. Tôi cam đoan như vậy.
PV: Luật quy định chưa rõ ràng, chúng ta lại lúng túng ở khâu tổ chức thực hiện. Liệu những vấn đề này có liên quan gì đến lợi ích nhóm không, thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Ngay trong Luật Quảng cáo khuyến mại cũng thế, nó không có cái gậy để thi hành. Và tổ chức thực hiện cái gậy này không có, lực bất tòng tâm, không muốn làm hoặc thậm chí có nhóm lợi ích trong đó nữa. Bây giờ người ta đang nói nhiều đến nhóm lợi ích trong việc làm chính sách. Hiện nay, quy trình làm luật của Quốc hội là: các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) làm luật, trình Chính phủ; Chính phủ soát. Nên nói nhóm lợi ích Bộ Công Thương cũng có, nhóm lợi ích Bộ KH&ĐT cũng có.
Ở các nước làm khác: Các chuyên gia độc lập các ngành làm, trình ra Chính phủ nên không có lợi ích nhóm. Chúng ta đưa các bộ vào làm luật nên họ phải bảo vệ lợi ích bộ, ngành mình rồi. Làm sao khách quan được. Mỗi bộ là một quả núi không vượt qua được.
Người tiêu dùng vẫn chuộng sữa ngoại
Trong công tác quảng cáo khuyến mại hàng hóa cũng thế thôi, vẫn xuất hiện nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích từ khi làm chính sách đến khi tổ chức thực hiện và nhóm lợi ích khi công bố khuyến mại quảng cáo. Bây giờ phải đồng bộ các khâu từ ra luật cho đến tổ chức thực hiện. Kinh nghiệm các nước là phải có người chịu trách nhiệm. Hiện nay là ai cũng biết - không ai làm mấy và không ai chịu trách nhiệm. Nếu từ trên xuống dưới đã dột rồi thì không làm được đâu, nhất là những cái li ti như sữa, thịt bò… tất cả đều là hạt cát hết.
Giải pháp nữa là sự quan tâm. Khi những cái lớn đã lấn át đi rồi thì những cái “ăn” của người dân bị vùi lấp ngay. Anh có quan tâm đến người dân không hay anh “chống gậy xuống nước làm chính sách”? Cứ ngồi bàn giấy làm chính sách thì không ổn, rồi nghị định ấy sẽ bỏ hoặc bỏ 2/3.
Quay lại câu chuyện sữa, nó cũng rất lớn nhưng cả chục năm nay không ai giải quyết. Thông tư nọ thông tư kia, toàn là giải pháp hành chính, chưa đâu vào đâu. Ta làm cái gì toàn theo kiểu “tư duy sực nhớ”, “tư duy phong trào” và “tư duy làm từ ngọn”. Hàng biên giới cho vào thoải mái, vào trong mới kiểm tra tiểu thương. Bộ Công Thương cho phép người dân gùi 2 triệu hàng không thuế vào nội địa là cho phép mang hàng lậu Trung Quốc vào. Chúng ta mở toang cửa, ruồi muỗi vào hết. Người ta chỉ khép hờ thôi nên một quả dưa hấu sang cũng kiểm tra; một cân thủy sản sang cũng kiểm tra. Tại sao ta lại buông tuồng thế?
Đất nước nhiều việc phải làm nhưng phải chọn việc để làm. Đâu là mấu chốt. Cũng như người bị bệnh thận sẽ gây ra huyết áp, anh không đi chữa thận lại đi chữa huyết áp. Huyết áp xuống nhưng thận nặng hơn rồi lại huyết áp. Việt Nam mấy năm nay đều thế: lạm phát - giảm phát - lạm phát. Làm không cơ bản, không triệt để, và tất cả các văn bản không rõ ràng minh bạch. Các khâu đều lủng củng và làm theo kiểu hành chính: ép nọ ép kia.
Tôi mà có quyền tôi sẽ đi nhập sữa về bán. Tôi rải khắp mạng lưới đấu với nó. Làm kinh tế phải đấu bằng kinh tế, không được đấu bằng hành chính. Biện pháp hành chính là biện pháp tồi tệ nhất, kém hiệu quả nhất.
PV: Hóa ra cái gì ta cũng yếu… nên giá sữa mới ngất ngưởng như vậy, thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Hiện sữa nước ở ta đã chiếm 80% nhưng sữa bột mới chiếm 20%. 200 nhà nhập khẩu sữa vẫn hoành hành ở Việt Nam. Trong khi đó tâm lý sính ngoại của người Việt cũng lớn. Tất cả mũi tên hướng vào khiến sữa ngoại vẫn hoành hành ta chục năm nay và có quyền hét giá. Cục Quản lý giá cho ra một số văn bản đăng ký giá, niêm yết giá nhưng quan trọng ông có biết cái gốc của nó đâu mà điều tiếp nó. Luật Tiêu dùng bên Đức: giá thành hàng bán bằng chi phí đã được kiểm toán cộng lợi nhuận 10-15% của từng nhóm hàng. Họ làm rõ như ban ngày. Luật quy định vậy mà.
Ở ta, cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ quản lý 18 mặt hàng thôi còn lại bỏ nên thị trường nó quyết định. Ông có dám ra bắt bà bán rau tại sao lại bán mớ rau muống 6.000 đồng không? Không có cơ sở. Ai bán đắt thì người ta không vào. Các nước quản lý theo chuỗi. Một vạn hộp sữa ra, đi đến đại lý cấp 1, cấp 2 rồi đến bán lẻ, họ quản lý hết kể cả chi phí, chất lượng. Nhưng mình đây buông tuồng hết. Sữa đã nhập từ phao số 0 ở cảng Hải Phòng là tóe loe hàng vạn bà bán hàng. Chấm hết. Cách quản lý của chúng ta là không nắm được gì. Không nắm được thì không khiển nó được.
Trong Luật Giá có quy định: “Khi bán giá bất thường nếu không có yếu tố đầu vào thì có quyền kiểm soát giá”. Nhưng lực lượng đâu, thông tin đâu để họ chịu thì không có. Mỗi hộp sữa về Hải Phòng là 500 đồng phí vận chuyển nhưng  kê khai lên 1.000 đồng cũng không biết. Hay chiết khấu cho đại lý là 50 đồng/hộp sữa; hay cho bác sĩ kê đơn 100.000 đồng/yến sữa… tất cả như vào ma trận?
PV: Ông có nhận xét gì về việc quản lý giá và chất lượng sữa ở Việt Nam?
Ông Vũ Vinh Phú: Thứ nhất, hàng chục năm nay việc quản lý sữa là không thành công. Thứ 2, ta nặng về biện pháp hành chính mà không giải quyết bằng biện pháp kinh tế cung - cầu. Thứ 3 là, sản xuất trong nước chưa vươn lên mạnh. Có cố gắng về sữa nước nhưng sữa bột lại đuối. Người ta cần sữa bột nhất lại không làm. Thứ 4 là, những văn bản liên quan đến sữa (luật, nghị định) nửa vời, không rõ và khó tổ chức thực hiện. 4 cái thứ cộng lại, cuối cùng dẫn đến rất khó quản lý giá sữa. Chúng ta có cách quản lý chạy theo “ngửi khói”. Nay thịt bò, mai nước tương, ngày kia thịt bò khô, ngày tiếp giá đỗ ngâm hóa chất… tất cả cứ chạy theo. Thậm chí phòng kiểm nghiệm không có, toàn đưa sang Singapore kiểm nghiệm. Tất cả chúng ta đều bị động, lúng túng trong quản lý, như “múa trong bị” nên ta không làm cái gì cơ bản cả. Có thông tin gì chạy theo, kiểm nghiệm và công bố thì rất chậm. Hướng xử lý có khi mù mịt, có khi rơi vào im lặng.
PV: Rõ ràng giá sữa bị đẩy lên cao khiến người tiêu dùng chịu rất nhiều thiệt thòi. Vậy giờ phải sử dụng biện pháp gì để sữa trở về giá trị thật, thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Phải quay lại biện pháp kinh tế. Thứ nhất, phải đẩy sản xuất trong nước lên. Vinamilk, Hanoimilk, THtruemilk chuyển thêm làm sữa bột đi để bà con tiêu dùng dần dần tiếp cận sữa bột Việt Nam, thay thế sữa ngoại. Đấy là gốc. Các Công ty sữa nội còn xuất khẩu đi nước ngoài cơ mà, sao lại để sữa ngoại thao túng thị trường trong nước. Chết cái là sữa bột của ta không đa dạng.
Thứ 2 là, trong giai đoạn quá độ phải đưa các Tổng Công ty Thương mại có thế lực trở thành tập đoàn thương mại lớn nhập sữa về bán. Tại sao bán lãi thế mà mình không nhập sữa về bán? Ông đi buôn cái gì? Nhà nước vẫn có quyền gọi Tổng Công ty Nhà nước lên. Tại sao mỗi miền có một Tổng Công ty Thương mại Nhà nước mà lại không làm. Phải lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, lấy giá cả áp đảo giá cả, lấy hệ thống phân phối áp đảo hệ thống phân phối.
Thứ 3 là, nên chọn một vài mặt hàng có giá trị lớn, mặt hàng về nhiều để kiểm tra thật kỹ và có sự phối hợp giữa Hải quan, Biên phòng, Thuế vụ, Quản lý giá và Sở Công Thương. Nó là phối hợp.  Làm đi, làm trần cho bằng được giá thành. Nguyên liệu sữa ở nước ngoài giảm cũng phải nắm thông tin.
Thứ 4 là, đối với người tiêu dùng (NTD) phải loa đài, thỉnh thoảng 1 phút trên truyền hình: dùng sữa Việt Nam là yêu nước. Nó cứ rỉ rả vào đầu dần sẽ có tác dụng. Tại sao quảng cáo bim bim là trẻ con đòi mua bim bim ngay mà sữa ta không làm được thế? Thừa nhận là việc quảng cáo, tiếp thị của ta rất yếu. Nhiều khi cứ công bố là sữa nội béo hơn sữa ngoại nhưng ai biết là béo, ai biết là tốt? Thông tin không đến NTD nên bà con mu muội sữa ngoại.
Thứ 5 là phải làm dài lâu, trường kỳ mới ra vấn đề. Ngay một lúc, một sớm một chiều thì phải chịu trận vài năm nữa. Các biện pháp này phải đồng bộ, kiên quyết và có lịch trình cụ thể. Từ nay đến năm 2015 là cái gì, chiếm bao nhiêu thị phần? Điều kiện cần và đủ thế nào? Cơ chế chính sách ra sao? Những cái gì có thể miễn mà không vi phạm WTO thì phải làm. Bây giờ cứ nói giống như Tết của sở Công thương: Tất cả các đơn vị phải cân đối cung - cầu, không để sốt giá. 20 năm nay cũng thế. Nhưng tôi hỏi 3 câu: ai cân đối cung cầu (phải có địa chỉ)?; tiền ở đâu (phải có vốn)?; bán ở đâu, bán cho ai, bán với giá nào? Tất cả những cái đó phải trả lời được. Ta cứ nói vu vơ, cứ nói câu chính trị làm gì. Làm kinh tế chủ yếu phải làm bằng các biện pháp kinh tế. Khi muốn trấn áp mặt trái của kinh tế phải dùng kinh tế làm là chính.
PV: Sữa nội rẻ hơn rất nhiều lần so với sữa ngoại, đó là điều không bàn cãi nhưng liệu chất lượng có như nhau không? Với sữa nội, ông có lời khuyên gì với NTD?
Ông Vũ Vinh Phú: Nếu 2 loại sữa có chất lượng như nhau mà giá thấp hơn thì nên dùng sữa nội thể hiện lòng yêu nước. Tôi không khuyên người ta dùng sữa nội nếu chất lượng sữa ngoại tốt hơn, giá rẻ hơn. Phải công bằng.
Nhưng chất lượng thì phải kiểm nghiệm mới đánh giá được tuy nhiên về cảm quan, công bằng mà nói: sữa ngoại nhìn ưng hơn. Nếu giá nó cao hơn nhưng chất tốt hơn, cộng thêm tâm lý sính ngoại nữa, rõ ràng người ta vẫn dùng. Ít nhất sữa ngoại thơm hơn, còn thành phần thực ra không có ai kiểm nghiệm cả. Họ ghi thế nào thì biết thế ấy.
Chúng ta kém ở chỗ là sản xuất trong nước không chịu thay đổi sản phẩm, mẫu mã, không tìm hiểu tâm lý tiêu dùng. Nước ngoài có bánh kẹo không đường, ít đường cho người tiểu đường nhưng ta lại không làm. Hương liệu thì phải tìm chứ. Trước đây mình có kẹo Hải Hà rất ngon (kẹo 3 lớp giấy), bây giờ không còn… Tất cả mất hết chứ không phải không có. Chúng ta đã có những mặt hàng rất chất lượng từ thời bao cấp nhưng giờ chúng ta tự  đánh mất. Cách làm ăn sản xuất kém sẽ mình hại mình trước tiên.
PV: Để thị trường sữa nhiều bất ổn thế này, trách nhiệm thuộc vầ ai, thưa ông?
Ông Vũ Vinh Phú: Nhiều Bộ phải chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và thêm cả Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, nhưng chủ yếu vẫn là 2 Bộ Công Thương và Tài chính. Nhưng thực tế vấn đề sữa đang bị đùn đẩy nhau. Chúng ta phân công không rõ. Ở các nước, một hộp thịt, Bộ Y tế bảo không được ăn thì các bộ khác nghe hết. Nhưng Việt Nam, Bộ Y tế bảo hủy nhưng Bộ Công Thương bảo còn hạn, vẫn ăn được. Tình trạng của ta đang như vậy. Một dàn nhạc phải có nhạc trưởng, nâng đũa lên thì ai gõ ai dừng. Hiện nay ta gõ lộn xộn, “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo Petrotimes) Trung Sơn thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét