Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

11:35

Hải Phòng: Một kiểu... “độc quyền”

 

(DĐDN) - Nhiều DN tại Hải Phòng “kêu trời” vì khi cần đăng bố cáo thành lập, giải thể, hay điều chỉnh giấy phép... Sở Kế hoạch Đầu tư Hải Phòng yêu cầu DN chỉ và phải đăng trên “Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia”.



Nhiều DN đặt câu hỏi: Cổng thông tin Đăng ký DN quốc gia được sinh ra để thực hiện vai trò là cơ quan quản lý nhà nước hay để làm dịch vụ đăng ký nội dung DN cần công bố ? 
Hiểu sai luật ?
Giải thích với DN, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho rằng đang vận dụng chính xác Điều 8c, Nghị định định số 05/2013/NĐ-CP ngày 9/1/2013 của Chính phủ, có nội dung như sau: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN, DN phải đăng nội dung đăng ký DN trên Cổng Thông tin Đăng ký DN quốc gia theo quy định tại Điều 28 Luật DN và trả phí công bố nội dung đăng ký DN”.
Tuy nhiên, tại Điều 28 Công bố nội dung đăng ký kinh doanh, Luật DN quy định: “Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, DN phải đăng trên mạng thông tin DN của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc một trong các loại tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp về các nội dung chủ yếu ...”.
Tuy nhiên, với nội dung phía sau của Điều 8c: “...theo quy định tại Điều 28 Luật DN...” đã quy định rất rõ là các cơ quan, DN phải thực hiện theo Luật DN, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã yêu cầu các DN chỉ và phải đăng công bố nội dung đăng ký DN trên Cổng thông tin Đăng ký DN quốc gia.
Hơn nữa, Nghị định số 05/2013/NĐ-CP không “trói buộc” DN nhất thiết phải đăng công bố trên Cổng thông tin Đăng ký DN quốc gia: “Cty CP phát hành thêm cổ phần phổ thông và chào bán số cổ phần đó cho tất cả cổ đông phổ thông theo tỉ lệ cổ phần hiện có của họ tại Cty phải gửi văn bản thông báo việc phát hành thêm cổ phần phổ thông đến địa chỉ thường trú của các cổ đông theo hình thức gửi bảo đảm. Thông báo này phải được đăng trên Cổng thông tin Đăng ký DN quốc gia hoặc đăng báo trong ba số liên tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo” - khoản 2, Điều 8c...
Ngoài ra,  theo các DN, “cổng thông tin đăng ký DN quốc gia”, chỉ là trang cổng điện tử nội bộ của Cục Đăng ký kinh doanh (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Nhiều DN đặt câu hỏi: Cổng thông tin Đăng ký DN quốc gia được sinh ra để thực hiện vai trò là cơ quan quản lý nhà nước hay để làm dịch vụ đăng ký nội dung DN cần công bố ?
Sinh ra lợi ích nhóm ?
Việc các DN lựa chọn đăng công bố nội dung đăng ký DN trên loại hình phương tiện thông tin đại chúng nào là thuộc quyền của DN theo Luật DN đã quy định.
Ngày 9/8/2013, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 106/2013/TT-BTC quy định: “Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thu phí cung cấp thông tin đăng ký DN và phí công bố nội dung đăng ký DN; Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh là cơ quan thu lệ phí đăng ký DN và phí công bố nội dung đăng ký DN trên địa bàn tỉnh....”. Chính vì thế, nhiều DN có chức năng làm dịch vụ tư vấn, thành lập DN cho hay, điều này có nghĩa cơ quan chức năng đang “độc quyền” làm dịch vụ công bố nội dung đăng ký DN.
Mặt khác, Thông tư 106 còn quy định: “Trường hợp Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh tiếp nhận yêu cầu và thu phí công bố nội dung đăng ký DN thì Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh được trích 90% số tiền phí thu được để trang trải cho công tác công bố nội dung đăng ký DN và thu phí; 10% cơ quan thu phí nộp vào ngân sách nhà nước... Trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh tiếp nhận yêu cầu và thu phí công bố nội dung đăng ký DN thì Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh được trích 30% số phí thu được; Phần còn lại 70% Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh chuyển về Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh; Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh được trích 60% số tiền phí thu được để trang trải cho công tác công bố nội dung đăng ký DN và nộp vào ngân sách nhà nước 10% số phí thu được”. Thông tư 106 cũng quy định: “300.000đồng/ lần” đăng thông tin.
Nhiều DN cho rằng, tỉ lệ “ăn chia” cũng cho thấy phần lớn số tiền đó rơi vào tay những người làm dịch vụ. Hơn nữa, Luật DN quy định phải đăng 3 lần liên tục, có nghĩa là 900.000 đồng. Như vậy, nếu nhân với số lượng các DN của cả nước có nhu cầu công bố nội dung đăng ký DN thì số tiền sẽ lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng/ tháng. Trong khi đó, đăng trên báo là sự thỏa thuận giữa DN và cơ quan báo chí để giảm bớt chi phí cho DN.
(Theo DĐDN) Minh Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét