Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

10:40

 Mở đường cho thuốc nội “ép” thuốc ngoại

Rất ít DN trong nước đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường nghiên cứu khoa học để có chất lượng, hiệu quả điều trị tương đương thuốc biệt dược gốc.

Công nghiệp dược trong nước đã có nhiều bước phát triển, với 121 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế GMP. Tuy nhiên, thuốc nội vẫn lép vế. Chương trình “Con đường thuốc Việt” sẽ “mở đường” cho các DN dược VN có cơ hội để tiến gần với người dân, giảm sức ép về nhập khẩu thuốc, giảm vai trò của thuốc ngoại trong việc “dẫn dắt thị trường” thuốc Việt Nam.
Bác sĩ không mặn mà kê đơn thuốc nội
Cách đây không lâu, khi thực hiện đấu thầu thuốc vào BV, một lãnh đạo BV tuyến TƯ đã thẳng thừng nêu ý kiến: “Thuốc nội, chất lượng kém”. Sau phát ngôn này, đã có rất nhiều ý kiến phản bác, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) sản xuất thuốc trong nước.
Họ cho rằng, thuốc nội đã được nâng cao chất lượng, đạt các tiêu chuẩn GMP. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng sử dụng thuốc nội hiện nay sẽ thấy thuốc nội đang “lép vế” trên sân nhà. Theo tính toán của Cục Quản lý dược, bình quân mỗi năm một người Việt Nam chi cho việc mua thuốc là 600.000 đồng, nhưng hơn một nửa trong số đó cho thuốc ngoại.
Khảo sát của Cục Quản lý dược cho thấy, hiện tỉ lệ thuốc nội được kê ở các BV tuyến trung ương chỉ khoảng 12%, ở tuyến tỉnh là 34%, còn tuyến huyện khoảng 62%. Tại BV Nhi Trung ương, tỉ lệ thuốc nội sử dụng trong BV chỉ chiếm tỉ lệ 10% trong tổng số các loại thuốc được dùng. Một BV khu vực như BV Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí) tỉ lệ dùng thuốc nội chiếm khoảng 40-50%.
Thống kê cho thấy, tổng trị giá tiền mua thuốc nội của 34 BV tuyến trung ương năm 2010 là hơn 378 tỉ đồng (chỉ chiếm 11,9% tổng trị giá tiền mua thuốc). Điều đó cho thấy, BV tuyến trung ương sử dụng phần lớn thuốc ngoại (khoảng gần 90% tổng trị giá tiền mua thuốc). Tại BV tuyến tỉnh, thành phố, tỉ lệ sử dụng thuốc nội trong điều trị có cao hơn (chiếm khoảng 33,9% tổng trị giá tiền mua thuốc vào năm 2010).
Hiện nay, thuốc nội đang được sử dụng nhiều nhất ở tuyến huyện, xã. TS-BS Lê Thanh Hải - GĐ BV Nhi Trung ương - cho rằng, chỉ khi nào chính BS dùng thuốc nội, kê đơn thuốc nội cho con đẻ, cháu ruột mình... thì thuốc nội mới thật sự có chỗ đứng trong BV.
Thuốc nội cần được chứng minh bằng hiệu quả
Chính bởi nghi ngại về chất lượng nên thuốc nội vẫn chưa được ưa dùng. TS Lê Thanh Hải nêu ý kiến, nói thuốc nội tốt thì phải chứng minh được chất lượng tốt, có hiệu quả điều trị, ít tai biến. Nếu chỉ nói chung chung như vậy sẽ khó thuyết phục. Một lãnh đạo BV tuyến TƯ cũng bày tỏ nghi ngại, đã có một số bệnh nhân dùng thuốc nội thời gian điều trị bệnh lâu khỏi hơn so với thuốc ngoại.
Nói về nguyên nhân thuốc nội chưa được sử dụng nhiều, Bộ Y tế chỉ ra rằng, do người dân vẫn còn tâm lý “sính ngoại”, các bác sĩ kê đơn thuốc theo thói quen, mặc dù có những loại thuốc nội tương đương rất tốt, nhưng vẫn kê thuốc ngoại. Các BV tuyến trung ương lấy lý do những ca bệnh đến tuyến trung ương thường là những ca nặng, cần phải dùng biệt dược của nước ngoài, do vậy sử dụng thuốc nội rất ít.
Để “mở đường” cho thuốc nội sẽ là một chặng đường dài. Thuốc nội hiện mới chỉ đáp ứng khoảng gần 50% nhu cầu chữa bệnh với nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngành dược cần có những giải pháp toàn diện để DN thuốc Việt có thể tạo dựng được chỗ đứng. Sắp tới, bộ sẽ điều chỉnh thông tư về quy định kê đơn, yêu cầu các BS ưu tiên thuốc nội.
Ngoài ra, danh mục thuốc BHYT cũng sẽ ưu tiên thuốc nội, chỉ có những biệt dược mà Việt Nam không có mới dùng thuốc ngoại. Vừa qua, Chính phủ đồng ý sẽ nâng 15% chi cho tiếp thị, quảng bá cho các DN trong nước. Vì trên thực tế hiện nay, DN nước ngoài được phép chi quảng bá, hoa hồng tới 30% chi phí, trong khi DN Việt Nam chỉ ở mức từ 5-10% nên không thể cạnh tranh.
Một DN sản xuất dược phàn nàn: Các nhà sản xuất thuốc trong nước nhiều năm qua vẫn chỉ sản xuất những loại thuốc thông thường, có sản phẩm thuốc có quá nhiều DN cùng sản xuất, dẫn đến trùng lắp. Rất ít DN đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường nghiên cứu khoa học để có chất lượng, hiệu quả điều trị tương đương thuốc biệt dược gốc.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - dẫn chứng, thực tế chứng minh trong thời gian qua, những thuốc nội chiếm thị phần nhiều trong các BV đa số là từ các công ty có đầu tư nâng cao chất lượng và có thử tương đương sinh học với các thuốc ngoại khác. Qua điều trị có hiệu quả điều trị tốt ngang với thuốc ngoại, BS đã không ngần ngại kê đơn cho bệnh nhân.
Năm 2014, chi phí mua thuốc sẽ giảm 30%. Ngày 21.12 Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã chính thức thông báo một số quy định mới về đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam - cho biết, với các quy định mới về đấu thầu mua thuốc trong bệnh viện, áp dụng từ năm 2014 chi phí cho mua thuốc sẽ giảm khoảng 20-30%, nhưng vẫn đảm bảo được việc cung ứng các thuốc có chất lượng cao cho điều trị.
Theo quy định mới này, các thuốc tham gia đấu thầu được phân chia theo nhóm (biệt dược, generic); thuốc của các công ty dược lớn sẽ tách riêng với các thuốc được sản xuất ở các quốc gia khác... Với các tiêu chí cụ thể sẽ tránh được tình trạng các thuốc có cùng hoạt chất, cùng hàm lượng của các quốc gia có nền công nghiệp dược kém phát triển, chất lượng thấp hơn thì trúng thầu vì giá rẻ. Đặc biệt, các loại thuốc có hàm lượng “lạ” 350mg, 750mg... sẽ được kiểm soát giá chặt chẽ do thuốc có hàm lượng “lạ” thường là sản phẩm dễ trúng thầu, vì không có sản phẩm cạnh trạnh cả về giá và chất lượng.  Đ.A
(Theo Lao động) NGỌC PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét