Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

09:56

Cuộc truy lùng chưa từng có trong suốt 17 ngày đêm

Nếu như cuộc vượt ngục của hai tử tù Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam được coi là vụ trốn tù nguy hiểm nhất của Trại tạm giam số 1 từ trước đến nay thì cuộc truy lùng của Công an Hà Nội ngay sau đó được coi là lớn chưa từng có ở thời điểm đó.

Cuộc truy lùng chưa từng có trong suốt 17 ngày đêm 
Trong suốt 17 ngày đêm liên tục, gần như những lực lượng tinh nhuệ nhất của Công an Hà Nội đã được huy động cho cuộc truy bắt có một không hai này.
Lần theo dấu vết
Ngay sau cuộc trốn thoát của 2 tử tù Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam, Ban chuyên án đã được thành lập. Nhiệm vụ của Ban chuyên án là phải bắt bằng được 2 đối tượng nguy hiểm này trong thời gian ngắn nhất, tránh để cho chúng có thể gây ra những hoạt động nguy hiểm.
Tất cả những trinh sát “cứng” của Phòng Cảnh sát Hình sự và Phòng Cảnh sát điều tra cũ (thời điểm đó Phòng Cảnh sát điều tra vẫn chưa sáp nhập vào Phòng cảnh sát Hình sự theo Pháp lệnh Điều tra hình sự mới) đều đã được huy động vào cuộc để lần theo dấu vết của Thân và Hải.
Tất cả các mối quan hệ của 2 tử tù từ trước đó, đặc biệt là đối với Thân đều được lên danh sách. Do xác định Nguyễn Văn Thân từng theo các bè buôn gỗ khắp các tỉnh dọc sông Đà nên hắn có rất nhiều mối quan hệ, rất nhiều mũi trinh sát được điều về các tỉnh như Lai Châu, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… để lần tìm manh mối.
Bên cạnh đó, mọi mối quan hệ với 2 đối tượng này đều được tính đến. Không chỉ có vậy, mọi thông tin dù nhỏ nhất từ phía người dân đều được cơ quan thu thập, phân tích để lần theo đường đi của Thân và Nam sau khi chúng trốn thoát khỏi trại tạm giam.
Thời điểm này, qua công tác nắm tình hình các trinh sát nhận được một nguồn tin rất có giá trị, trong buổi sáng mà Thân và Nam bỏ trốn, có một người trông cá đêm trên đường đi về nhà đã gặp 2 người đàn ông hỏi xin đi nhờ xe đạp. Sau đó khi đến gần ngã tư Canh thì họ xuống thuê “xe ôm” đi đâu không rõ.
Theo mô tả của người trông cá, hình dáng của 2 người đàn ông đi nhờ xe trông có vẻ mệt mỏi và căng thẳng. Xác định đây có thể là nguồn tin đầu mối, Ban chuyên án đã chỉ đạo các mũi điều tra tập trung lần tìm theo hướng này.
Không quá khó khăn để các trinh sát tìm ra người lái “xe ôm” đã chở các đối tượng vào buổi sáng ngày hôm đó. Anh lái “xe ôm” này cho biết, hai người đàn ông đã thuê anh chở từ khu vực ngã tư Canh tới gần chợ Nhổn, một trong hai người vào nhà người quen ở gần đó lấy tiền trả cho anh rồi đi mất.
Nguồn tin ban đầu này rất quan trọng, song chưa đủ cơ sở để khẳng định 2 người đàn ông kia có phải chính là Thân và Nam hay không. Để đảm bảo sự chính xác, các trinh sát cần phải xác định được đối tượng mà 2 người đàn ông này đến gặp. Và việc này phải được tiến hành bằng cách xác minh xem Thân và Nam có người quen nào ở khu vực Nhổn hay không.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đồng thời rà soát lại các thông tin trước đó về mối quan hệ của Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam, Ban chuyên án phát hiện ra có một người tên là Hà. Hà vốn là bạn của Thân, nhà ở phố Đồng Xuân, nhưng hắn lại có một quán cà phê ở tại Nhổn. Đến đây thì dấu vết của Thân và Nam đã dần “sáng” lên.
Khai thác nóng Hà, thì Hà khai nhận Thân và Nam đã đến tìm Hà để nhờ giúp đỡ. Sau khi khi cho Nam 200 nghìn đồng, Hà đã dùng xe máy để chở 2 đối tượng này về xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ. Đây chính là quê của đối tượng Nguyễn Văn Thân.
Cuộc vây ráp trên bãi ngô
Từ lời khai của Hà, ngay lập tức các tổ công tác đã được tăng cường tới xã Trung Châu. Tuy nhiên, khi các trinh sát có mặt tại đây, thì Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam đã rời nơi lẩn trốn sang Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cùng với những nguồn tin quan trọng được cung cấp từ quần chúng nhân dân, các trinh sát phát hiện sau khi trốn sang Yên Lạc, Vĩnh Phúc, Thân và Nam đã liên lạc được với Trần Văn Chinh (là thông gia của anh trai Thân). Dù biết rằng Thân và Nam vừa mới trốn tù nhưng Chinh vẫn đưa Thân và Nam sang ẩn náu tại ruộng ngô của Chinh ở bãi Tân Bồi thuộc xã Trung Châu, Đan Phượng.
Ngay lập tức, Chinh đã được mời đến cơ quan công an làm việc. Chinh đã phải khai nhận, sau khi đưa Thân và Nam trốn ở bãi ngô của mình, Chinh đi tìm nguồn tiếp tế cho 2 đối tượng này. Tuy nhiên do công an truy tìm gắt gao, Thân và Nam không dám ở lại bãi ngô của Chinh lâu.
Được sự giúp đỡ của 3 đối tượng là Thuần “cụt”, Thời và Kế (người cùng làng với Chinh và cũng biết Chinh che giấu cho 2 kẻ đang bị truy lùng gắt gao) chúng đã di chuyển sang bãi ngô xã Trung Châu. Trước khi lẩn trốn vào đây, 2 kẻ trốn trại được Thời mua cho mỳ tôm, trứng luộc để làm lương thực dự trữ.
Từ lời khai của Chinh, các trinh sát đã tìm được Thời và bắt đối tượng này phải chỉ ra nơi ẩn náu của Thân và Nam. Tuy nhiên do bãi ngô xã Trung Châu quá rộng, diện tích khoảng 5km2, chạy dài hơn 3km, nên khi lực lượng truy bắt tiến vào đây, do thấy động nên cả Thân và Nam đã bỏ chạy mỗi người một hướng.
Trong hoàn cảnh Thân và Nam lẩn trốn trong địa hình bãi ngô rộng ngút tầm mắt như vậy, để bắt được chúng, không còn cách nào khác Ban chuyên án phải cho rà soát toàn bộ khu vực bãi ngô của xã Trung Châu. Các lực lượng đã được huy động một cách tối đa cho cuộc tìm kiếm vô tiền khoáng hậu này.
Theo thống kê sau khi kết thúc chuyên án, đã có trên 500 cán bộ chiến sĩ của Công an thành phố Hà Nội tham gia vào cuộc tìm kiếm. Ngoài 2 đơn vị chủ công là Cảnh sát điều tra và Cảnh sát Hình sự, Ban Giám đốc còn điều toàn bộ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động, một số lực lượng tinh nhuệ của công an các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… ngoài ra còn có sự phối hợp của Công an tỉnh Hà Tây (cũ).
Việc tìm kiếm được tiến hành bằng cách chia bãi ngô ra từng ô và dàn hàng ngang, mỗi hàng khoảng 200 cán bộ chiến sĩ, kèm theo đó là hơn 100 lá cờ có cán cao khoảng 4m, khi quét xong ô nào sẽ cắm cờ báo hiệu hết ô đó. Theo kế hoạch của Ban chuyên án, các đơn vị của Công an Hà Nội sẽ  rà soát trong bãi ngô, còn Công an Hà Tây cũ cùng công an các xã quanh đó sẽ chốt chặn phía trong và phía ngoài đê.
Tảng sáng ngày 5-11, tức là gần 10 ngày sau khi 2 đối tượng bỏ trốn khỏi Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội, trong lúc cuộc vây ráp còn chưa bắt đầu thì bất ngờ Nguyễn Hải Nam bị một tổ công tác phát hiện, bắt giữ khi hắn đang đóng giả một người đi chăn vịt.
Thì ra trong lúc trốn chui trốn lủi trong bãi ngô, thấy lực lượng công an đổ quân để tìm kiếm, Nam hoảng sợ biết mình sẽ khó mà trốn thoát. Hắn tìm đường trốn vào một nhà dân ăn cắp vài món đồ để đóng giả là người đi chăn vịt.
Theo tính toán của Nam, với cách này hắn sẽ đường hoàng đi qua các chốt gác để trốn thoát. Tuy nhiên, vốn là kẻ sinh ra ở thành phố nên cách tính tưởng như là an toàn của Nam đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng. Trong lúc hắn còn đang cắp thúng, cầm sào giả người chăn vịt mò mẫm trong đêm tối tìm đường lên đê thì bị chặn lại với lý do, chẳng có ai lại đi chăn vịt vào cái giờ oái ăm này. Nam lập tức bỏ chạy nhưng rất nhanh chóng đã bị các trinh sát khống chế tại chỗ.
Khai thác nhanh Nguyễn Hải Nam, hắn khai Nguyễn Văn Thân vẫn còn đang trốn ở trong bãi ngô. Lập tức, cuộc càn quét bãi ngô để tìm kiếm tên Thân bắt đầu. Trong suốt một buổi sáng, toàn bộ bãi ngô rộng lớn đã được tìm kiếm một cách kỹ lưỡng, tuy nhiên bóng dáng của tên Thân vẫn không thấy đâu.
Kẻ cuối cùng bị bắt
Lúc này để tìm lại được manh mối của Thân, các trinh sát đã đặt ra rất nhiều tình huống, tuy nhiên có một điểm trong lời khai của Nam được các trinh sát chú ý. Đó là trước khi tìm đến và nhận được sự giúp đỡ của Chinh, Thân đã từng dắt Nam tới nhà của một người họ hàng xa có tên là Trần Văn Đắng ở tại xã Trung Hà, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc.
Tuy là ở 2 tỉnh khác nhau, nhưng xã Trung Hà và Trung Châu quê của Thân chỉ cách nhau có một con sông. Ban chuyên án nhận định, Nguyễn Văn Thân sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, sau khi bị vây ráp ở bãi ngô Chung Trâu, rất có thể hắn sẽ vượt sông qua Trung Hà để tìm nơi lẩn trốn, và rất có thể Thân sẽ tìm lại nhà của Đắng. Ngay lập tức các tổ trinh sát đã được Ban chuyên án “điều” về Trung Hà để nghe ngóng tình hình.
Quả không sai, các trinh sát đã đã có cơ sở để khẳng định Đắng có biểu hiện che giấu tung tích của Thân. Tập trung đấu tranh với Đắng, Đắng phải thừa nhận đã giúp Nguyễn Văn Thân lẩn trốn. Theo lời của Đắng, sau khi Thân tìm đến và được hắn đồng ý giúp đỡ, hàng ngày Thân vẫn ăn cơm ở nhà Đắng, nhưng ban đêm lại trèo lên ô văng nhà để ngủ và tiện bề quan sát.
Sau hai ngày như vậy, thấy không yên tâm, Thân đã chuyển ra ngoài bãi dâu để trốn, chỉ ban đêm mới dám mò vào để lấy đồ tiếp tế. Chúng ám hiệu với nhau, khi nào ngọn đèn trước cửa nhà Đắng tắt tức là mới an toàn để mò vào.
Ngay lập tức, Ban chuyên án đã cho lực lượng Cảnh sát Hình sự khép chặt vòng vây và đã bắt được Nguyễn Văn Thân khi hắn đang lẩn trốn trong một đụn cây dâu khô được chất lên như kiểu cây rơm. Thân chui vào nằm trong đó vừa ấm, vừa kín nhưng dấu vết của hắn đã bị lộ.
Cùng một lúc các trinh sát giật tung những cây dâu phía ngoài lao vào đè chặt Thân xuống. Hắn chưa kịp định thần thì chiếc khóa số 8 đã bập vào hai cổ tay. Khi bị bắt Thân khai nhận, sau khi biết là bị phát hiện ở bãi ngô Trung Châu, hắn đã trốn ra phía bờ sông và may mắn tìm được một chiếc thuyền để qua sông sang Trung Hà tìm sự giúp đỡ của Đắng.
Như vậy, cuộc truy lùng 2 tên tử tù trốn trại diễn ra liên tục trong 17 ngày đêm và chỉ kết thúc vào chiều 14-11-2001 khi Nguyễn Văn Thân được áp giải về trụ sở Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội.
Trong cuộc tìm kiếm này Ban Giám đốc Công an Hà Nội đã không ít lần trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ huy công tác truy bắt. Và cho đến khi cuộc truy bắt kết thúc, thì lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội vẫn không coi đó là chiến công mà đó là một nhiệm vụ phải hoàn thành vì danh dự của công an thành phố và vì sự nghiêm minh của pháp luật.
Chỉ 6 tháng sau cuộc vượt ngục, phiên tòa xét xử Thân và Nam cùng 9 người khác có hành vi giúp sức, che giấu cho các đối tượng này đã được tiến hành ngay trong khuôn viên của Trại Tạm giam số 1 với kết cục, 2 kẻ tử tù này vẫn không thể tránh khỏi bản án mà chúng xứng đáng phải nhận.
(Theo An ninh thủ đô) Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét