08:02
CPI tăng thấp nhưng lạm
phát với người nghèo tăng cao
CPI tháng
11 tăng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ 0,34% so với tháng 10.
Điều đó cho thấy, lạm phát đang theo hướng an toàn. Nhưng về bản chất, việc
tăng thấp này lại đang gây áp lực cao cho nền kinh tế.
Chịu áp lực cao nhất là người dân, đặc biệt là những người nghèo.
Vì tính chung cả rổ hàng hóa thì tăng thấp nhưng nhóm hàng lương thực - thực
phẩm, rau xanh, may mặc... lại đứng đầu trong mặt hàng tăng giá cao nhất của
tháng 11. Đây là những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hằng ngày nên khi
tăng cao sẽ khó cắt giảm. Trong bối cảnh thu nhập eo hẹp hiện nay, với rất
nhiều người, nhiều gia đình, chỗ này tăng thì phải tiết giảm chỗ khác để cân
đối. Vì vậy, họ tiếp tục thắt chặt chi tiêu và đây chính là yếu tố cơ bản
khiến CPI tháng 11 giảm tốc mạnh như nói trên. Khảo sát mới nhất của Công ty
nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết 72% người tiêu dùng VN ưu tiên hàng
đầu cho việc tiết kiệm số tiền thừa còn lại sau khi đã trang trải các sinh
hoạt phí thiết yếu. Việc người dân tiếp tục "thắt lưng buộc bụng"
ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp (DN) trong việc giải phóng tồn kho dù
nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá lớn được triển khai. Cung thừa - cầu
yếu đang khiến nhiều công ty rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan"
trong kế hoạch sản xuất hàng phục vụ mùa cuối năm. Làm thì lo ế mà không làm
thì thấp thỏm sợ lỡ cơ hội. Những DN kiệt quệ, coi cuối năm là cứu cánh của
sức mua thì đứng trước nguy cơ ngưng sản xuất.
Trong bối cảnh này, một loạt sản phẩm, dịch vụ thiết yếu lại tiếp
tục tăng giá. Mới nhất và mạnh nhất là giá gas từ đầu tháng 12 tăng tới gần
80.000 đồng/bình 12 kg. Trước đó, giá dịch vụ 3G cũng tăng tới 40%; rồi điện
cũng đã được nới cơ chế sẽ tăng mạnh trong thời gian sắp tới... Những thông
tin này đã và đang tác động khiến sức mua ngày càng yếu đi. Cái khó... bó mọi
đường. Rất nhiều DN đã lên tiếng về chuyện cắt giảm lương, thưởng tết năm nay.
Dễ nhận thấy sự thiếu đồng bộ trong quản lý điều hành ở bức tranh
kinh tế trên. Một mặt chúng ta triển khai nhiều giải pháp để kích thích tiêu
dùng nhưng mặt khác lại khiến thu nhập của người dân teo tóp vì tăng giá sản
phẩm, dịch vụ thiết yếu. Đáng nói là hầu hết các vụ tăng giá này đều thiếu
minh bạch, thiếu sòng phẳng và ép người dân vào thế "đã rồi", vào
thế phải chấp nhận. Kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" đó chính
là một trong những lý do khiến nền kinh tế kẹt bởi núi tồn kho kéo dài mà
không thể thoát ra được. Đến lúc này, khi CPI tháng 11 đảo chiều, giảm tốc
đột ngột, rất nhiều chuyên gia đã lo ngại về nguy cơ kinh tế có thể bị giảm
phát. Và thực tế đã chứng minh, chữa giảm phát còn khó hơn chữa lạm phát.
CPI tháng 11 giảm mạnh, CPI năm nay đã chắc chắn nằm trong kế
hoạch nhưng điều đó có nghĩa lý gì khi áp lực lên cuộc sống của người dân, DN
ngày càng lớn hơn?
(Theo Thanh niên) Nguyên Khanh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét