Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

“Đường lưỡi bò”

10:29

 Trung Quốc dùng thêm "luận điệu" nào để ngụy biện?

Ngoài những luận điệu mà chúng ta đã biết, Trung Quốc đã ngụy tạo, đánh tráo khái niệm như thế nào về Công ước Luật biển 1982?
Bằng việc làm rõ 2 khái niệm “quốc gia quần đảo” và “khái niệm quần đảo”, TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, lại một lần nữa vạch trần sự ngụy biện của yêu sách đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẫn đang tìm mọi cách để hiện thực hóa nó. 
 
Đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc
Thưa ông, đường lưỡi bò vô lý, vẫn đang được Trung Quốc tìm cách hiện thực hóa bằng mọi giá. Ngoài việc “ỷ thế nước lớn” quan điểm vùng nước lịch sử vô lý, Trung Quốc còn dựa vào “lý lẽ” nào?
Như các bạn đã biết, Trung Quốc đang tìm mọi cách để hiện thực hóa “đường lưỡi bò” trên mọi phương diện. Họ cho rằng 80% diện tích Biển Đông trong phạm vi “đường lưỡi bò” là vùng nước lịch sử của họ. Nhưng “lập luận” đó bị thế giới lên án, phản đối nên họ vận dụng chế độ quốc gia quần đảo đối với Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau đó họ vận dụng quy định về đường cơ sở, cố tình áp đặt cách tính đường cơ sở, phạm vi chế độ pháp lý quốc gia quần đảo cho Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó, họ chứng minh “đường lưỡi bò” được tạo bởi vùng nước quốc gia quần đảo mà 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tạo ra. Đó cũng là cách để Trung Quốc cố tình hiểu sai, đánh tráo khái niệm về Công ước Luật Biển năm 1982.
Vậy chế độ pháp lý của quốc gia quần đảo và chế độ pháp lý về quần đảo trong Công ước Luật Biển 1982 có gì khác nhau, thưa ông?
Công ước Luật Biển năm 1982 đã dành một phần (Phần IV), gồm các điều 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54  để quy định về phạm vi và chế độ pháp lý của Quốc gia quần đảo và Quần đảo. Theo đó, Quốc gia quần đảo là Quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có thể bao gồm một số đảo khác nữa. Còn Quần đảo là một nhóm các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo , các vùng nước nối giữa và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau chặt chẽ đến mức tạo thành một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.
Theo ông, nội dung rõ nhất, quan trọng nhất nằm ở điều nào của Công ước Luật Biển?
Nôi dung quan trọng nhất là tại Điều 47, Công ước quy định về Đường cơ sở quần đảo: Quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá nổi xa nhất của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ số 1/1 và 9/1. Chiều dài của các đường cơ sở này không vượt quá 100 hải lý; hoặc có  thể có chiều dài tối đa là 125 hải lý, nếu có 3% tổng số đường cơ sở bao quanh một quần đảo có chiếu dài lớn hơn 100 hải lý; tuyến các đường cơ sở này không được tách xa rõ rệt đường bao quanh quần đảo.
Các đường cơ sở này cũng không được kéo đến hay xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm, trừ trường hợp trên đó có xây các đèn biển hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc trừ trường hợp toàn bộ hay một phần bãi cạn ở cách hòn đảo gần nhất một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải…

Với những nội dung này thì rõ ràng Công ước chỉ quy định cách vạch đường cơ sở thẳng cho Quốc gia quần đảo, chứ không quy định cách vạch đường cơ sở cho các quần đảo không phải là quốc gia quần đảo. Điều đó được hiểu là cách vạch đường cơ sở tại các quần đảo thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển ở cách quốc gia đó một khoảng cách vượt quá chiều rộng lãnh hải thì sẽ phải tuân thủ các quy định tại Phần VIII, Điều 121: Chế độ các đảo.
 
Quân đội Việt Nam tập luận kiên quyết bảo vệ Trường Sa. (Ảnh: An Ninh Thủ đô)
Như vậy, quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa của việt Nam cũng theo quy chế này đúng không, thưa ông?
Đúng vậy, Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định này của Công ước để vạch đường cơ sở và  xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của chúng. Điều này là cơ sở để chúng ta xác định phạm vi, đường cơ sở, thêm lục địa, bãi đá ngầm quần đảo Trường Sa của chúng ta đã tuân thủ đúng, đầy đủ Công ước Luật Biển 1982.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Infonet.vn) Hồng Chuyên thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét