08:35
Kỳ 2: Ngân hàng vô can ?
Nộp cho tòa án chứng từ rút tiền không có chữ ký của chủ tài khoản, khi tòa yêu cầu bổ sung thì lại có. Đáng nói hơn, khách hàng cũng không hiểu tại sao liên giao cho người rút tiền thì cán bộ tín dụng lại giữ và nộp cho tòa.
Bà Lành cho biết, tháng 6.2010 cần vốn làm ăn nên bà thế chấp căn nhà 79/12 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, để vay 7 tỉ đồng tại VIB chi nhánh Pasteur, thời hạn vay đến ngày 29.6.2025. Thủ tục được giải quyết nhanh do cán bộ tín dụng Nguyễn Hồng Minh và Trần Thanh An giúp đỡ. Xuất phát từ chỗ cần vay gấp nên cán bộ tín dụng bảo bà ký khống bà cũng ký. Chính vì vậy khi nghe tòa án thông báo ông An kiện đòi 6,9 tỉ đồng là tiền cọc và tiền lãi do bà ký bán căn nhà 79/12 Bạch Đằng cho ông An nhưng không thực hiện, bà mới tá hỏa.
“Sự thật không thể chối cãi”
Việc ông An khởi kiện bà Lành đúng hay sai đang được tòa án giải quyết. Nhưng qua những chứng từ rút tiền bất thường trong vụ này cho thấy khách hàng cũng không thể yên tâm khi mở tài khoản tại ngân hàng.
Cụ thể, lần đầu tiên ông An nộp cho tòa án giấy rút 6 tỉ đồng của bà Lành, nhưng không có chữ ký của chủ tài khoản và người nhận tiền (tức bà Lành), nên tòa yêu cầu ông An bổ sung. Sau đó ông An nộp cho tòa một chứng từ tương tự, nhưng lại có chữ ký của bà Lành ở phần chủ tài khoản và người nhận tiền.
Chúng tôi tìm cách tiếp xúc với ông An để được nghe giải thích về vấn đề này nhưng chỉ gặp được người đại diện của ông An là ông Trần Thái Bình. Ông Bình cho rằng, việc ông An mua đặt cọc 6 tỉ đồng cho bà Lành là thật, lý do ông An khởi kiện vì bà Lành cam kết nhưng không thực hiện nên ông An mới khởi kiện đòi tiền cọc và tiền lãi. Vậy tại sao trong hợp đồng không ghi rõ những điều khoản cụ thể như nhiều hợp đồng khác? “Do tin tưởng ông Minh là đồng nghiệp nên ông An mới ký giấy đặt cọc mua nhà của bà Lành và chuyển khoản cho bà Lành 6 tỉ đồng. Luật không quy định hợp đồng đặt cọc phải ghi như vậy, nên khi ông Minh đưa hợp đồng đặt cọc ra là ông An ký. Quan trọng là hợp đồng có chữ ký của vợ chồng bà Lành, ông An có ủy nhiệm chi chuyển khoản cho bà Lành 6 tỉ đồng, bà Lành có rút 6 tỉ đồng này, đó là sự thật không thể chối cãi”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho chúng tôi xem “hợp đồng đặt cọc mua bán nhà” có chữ ký của vợ chồng bà Lành ký ngày 12.11.2010, phía sau có chữ ký của bà Lành đã nhận đủ tiền; giấy ủy nhiệm chi của ông An chuyển khoản cho bà Lành 6 tỉ đồng và giấy bà Lành rút 6 tỉ đồng lúc 8 giờ 56 phút ngày 13.11.2010…
Kiện ngân hàng
Về việc 2 giấy rút tiền cùng một nội dung nhưng có chữ ký và không có chữ của bà Lành, ông Bình giải thích: “Không có chữ ký của bà Lành vì đó là liên giao cho khách hàng. Sau đó tòa yêu cầu bổ sung và ông An tới ngân hàng xin sao y bản lưu có chữ ký của bà Lành”. Trong khi đó, quy định của VIB là giấy rút tiền có hai liên, khách tới rút tiền viết vào liên đầu, chữ viết tự động in xuống liên thứ hai. Còn giấy rút tiền mà ông An nộp cho tòa án lần đầu thì lại không có chữ ký của bà Lành ở phần chủ tài khoản và người nhận tiền, trong khi các nội dung khác thì tự động in xuống đầy đủ. Đây thật sự là điều khó hiểu.
Trong vai người muốn mở tài khoản, chúng tôi cũng đến giao dịch với nhân viên của VIB. Khi được hỏi về thủ tục rút tiền thì nhân viên VIB cho biết, chủ tài khoản phải điền đầy đủ thông tin như số tài khoản, địa chỉ, số CMND, ngày cấp, nơi cấp, rút bao nhiêu tiền. Sau đó nhân viên giao dịch sẽ đối chiếu chữ ký mẫu, chữ ký trong giấy rút tiền rồi kiểm tra CMND, nếu đúng thì làm thủ tục cho rút tiền. Người khác viết hộ thông tin trong giấy rút tiền được không? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, nữ nhân viên này nói ngay: “Chủ tài khoản phải viết và phải ký mới đúng thủ tục, lúc đó mới cho rút tiền”.
Theo thông tin mới nhất, bà Lành đang nhờ luật sư khởi kiện Ngân hàng VIB ra tòa, đòi bồi thường 6 tỉ đồng mà VIB giải ngân theo phiếu rút tiền lúc 8 giờ 56 phút ngày 13.11.2010.
(Theo Thanh niên) Hoài Nam
|
Nền tư pháp các nước tiên tiên, điển hình như
tại Hoa Kỳ, họ đặc biệt coi trọng chứng cứ trong điều tra, xét xử tội phạm. Một
trong những chứng cứ, đó là bằng chứng ngoại phạm. Một người có thể bị nghi vấn
hoặc bị ai đó quy kết gây án nhưng khi đã chứng minh được bằng chứng ngoại phạm
thì lập tức được loại bỏ khỏi diện điều tra. Ta thử giả định bà Lành là thủ
phạm đã tới rút tiền tại ngân hàng vào thời điểm như tố cáo của ông An. Tuy
nhiên đúng thời gian đó bà Lành lại đang làm việc với công an phường. Như vậy 2
sự kiện này chỉ có một là đúng. Nếu ông An đúng thì đương nhiên sự kiện bà Lành
làm việc với công an là giả. Việc điều tra phải theo hướng công an và bà Lành
đã “làm giả” hồ sơ làm việc thế nào, động cơ là gì? Chứng minh rõ được việc này
thì ông An sẽ thắng cuộc!
Thương Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét