Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

 08:02

 Lãng phí lớn nhất hiện nay:
Những chủ trương đầu tư sai lầm

SGTT.Vn - Cuối tuần trước, tại cuộc họp báo quý 2 của Thanh tra Chính phủ, cơ quan này đã công bố kết luận thanh tra tại tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Theo kết luận này, dự án phóng vệ tinh viễn thông Việt Nam – Vinasat 1 (tổng mức đầu tư chưa có thuế VAT là 3.854,32 tỉ đồng), thực tế khai thác từ năm 2008 – 2011 đã lỗ gần 1.589 tỉ đồng, vượt số lỗ dự kiến là 329,45 tỉ đồng. Vinasat 2 có tổng mức đầu tư lớn hơn, chưa có VAT đã trên 5.426,78 tỉ đồng. Nhưng theo Thanh tra Chính phủ, hiệu quả kinh tế của dự án này, nếu ở mức khai thác tốt nhất vẫn lỗ khoảng 62 – 130 triệu USD, trường hợp xấu nhất có thể lên tới 216 triệu USD.


Dự án Vinasat đến nay đã có mức lỗ hàng ngàn tỉ đồng.

Đây là những con số thua lỗ đáng giật mình vì khi bắt đầu có chủ trương triển khai dự án, người ta chỉ vẽ lên những con số rất đẹp. Như nói, về kinh tế, theo tính toán, mỗi năm vệ tinh Vinasat-1 có thể tiết kiệm cho đất nước hơn 10 – 15 triệu USD từ tiền cước thuê kênh. VNPT cho rằng khả năng thu hồi vốn của dự án này là khoảng 9 – 10 năm. Ông Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng bộ Bưu chính viễn thông, người trực tiếp tham gia chỉ đạo dự án còn khẳng định, Vinasat-1 không chỉ đơn thuần là dự án hạ tầng đáp ứng nhu cầu sử dụng, tăng cường khả năng chủ động. Ông từng nói: “Đã đầu tư (cho dự án này) là phải có lãi”.
Nhưng ngay từ thời điểm có chủ trương đầu tư cho dự án, đã có nhiều ý kiến chuyên gia cảnh báo dự án sẽ thua lỗ. Một số chuyên gia về công nghệ thông tin từ những năm 2007, 2008 đã tính toán rằng: Vinasat-1 là vệ tinh cỡ nhỏ, có 20 bộ phát đáp, mỗi bộ cho dung lượng 34 Mbps, như vậy Vinasat-1 tạo được ra dung lượng 680 Mbps mỗi chiều up/down. Cách đây mươi năm, 680 Mbps là một dung lượng kết nối khổng lồ, có lẽ đủ cho cả châu Á dùng cũng không hết. Nhưng với cuộc cách mạng internet băng rộng, giờ đây 680 Mbps may lắm thì cũng chỉ đủ phục vụ cho một quận ở Hà Nội hoặc TP.HCM. Các chuyên gia thời đó đã tính rằng: để có 680 Mbps mỗi chiều phủ khắp Việt Nam, có thể thuê ngay vệ tinh của Thaicom, giá bán không mặc cả là 1.000 USD/Mbps/một chiều/tháng… rẻ hơn nhiều chi phí đầu tư của Việt Nam (còn bị đội lên do lãi suất, trượt giá, chi phí vận hành…)
Như vậy, đây có thể coi như một ví dụ điển hình nữa về lãng phí trong chủ trương đầu tư (sai lầm). Kỳ họp Quốc hội mới đây, các đại biểu quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự án luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi), nhưng câu chuyện lãng phí về chủ trương đầu tư dường như chưa được quan tâm nhất, cho dù, đã có những quan điểm cho rằng, đây mới là một trong những khâu gây lãng phí lớn nhất cho nguồn lực tài chính quốc gia. Mà nguyên nhân chính, là những người ra quyết định đầu tư đã không xem xét toàn diện đến lợi ích, tác động của chủ trương đầu tư đó mang lại. Không những thế, lại không nghe đầy đủ những ý kiến phản biện để rồi tiếp tục có những quyết định, chủ trương đầu tư sai lầm.
Không chỉ có dự án Vinasat-1 và 2, chúng ta rất dễ thấy những chủ trương đầu tư lớn khác đã và đang gây nhiều thiệt hại cho đất nước. Những chủ trương đầu tư mang tính đầu tư phong trào như: đầu tư hàng loạt các nhà máy ximăng lò đứng trước đây, xây dựng các cảng biển, sân bay quá gần nhau… đã gây ra tình trạng lãng phí lớn mà đến nay, hậu quả của nó vẫn còn đó.
Nhà nước đang thiếu một cơ chế để buộc những người ra quyết định, chủ trương phải xem xét, lắng nghe đầy đủ những ý kiến phản biện, góp ý từ các chuyên gia, từ người dân…và phải chịu trách nhiệm khi quyết định đó là sai lầm, gây hậu quả kinh tế – xã hội nghiêm trọng.
Mới đây nhất là quyết định về việc Việt Nam đăng cai ASIAD 19 với tổng kinh phí dự kiến lên tới 150 triệu USD cũng gây nhiều ý kiến băn khoăn, bởi số tiền đầu tư có nhiều khả năng bị đội lên rất nhiều. Hơn nữa, đã có thực tế trước đây Việt Nam đã đổ hơn 5.000 tỉ đồng cho việc đầu tư các công trình phục vụ SEA Game 22 nhưng các năm sau đó, nhiều công trình đã nhanh chóng xuống cấp, bỏ hoang do chất lượng đầu tư kém, do không được tiếp tục khai thác hiệu quả...
Hay ở các dự án, công trình phục vụ các lễ kỷ niệm, đại lễ của các địa phương, điển hình như đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Báo chí trong thời gian này vẫn điểm mặt, chỉ tên những công trình đang xuống cấp tệ hại như bảo tàng Hà Nội, công viên Hoà Bình…những hình ảnh về sự xuống cấp của các công trình này khiến ai trông cũng phải xót ruột, vì tiền đầu tư lớn nhưng kết quả tệ đến như vậy. Báo VnExpress mới đây cũng đăng tải hình ảnh xuống cấp của bảo tàng Phú Yên bị nứt nẻ, mối mọt…chỉ sau đúng một năm xây dựng chào mừng kỷ niệm 400 năm tỉnh Phú Yên.
Hay ở các dự án đầu tư sản xuất xăng ethanol của tập đoàn Dầu khí. Vốn đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng đến nay, cũng có thể coi là những dự án đầu tư sai lầm do sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, thua lỗ và gây khó khăn lớn cho hàng vạn hộ dân đã phải chuyển canh tác sang trồng sắn ở các vùng dự án.
Không thể kể hết những dự án, công trình đầu tư sai ngay từ khâu chủ trương, gây lãng phí bởi chúng quá nhiều, có thể thấy ngay trong các báo cáo tổng hợp thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của Kiểm toán Nhà nước hàng năm. Nhưng đáng nói nhất là ngay ở cả những công trình lớn, có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng trở lên, chưa thấy mấy ai phải chịu trách nhiệm về việc ra quyết định đầu tư sai. Nhà nước đang thiếu một cơ chế để buộc những người ra quyết định, chủ trương phải xem xét, lắng nghe đầy đủ những ý kiến phản biện, góp ý từ các chuyên gia, từ người dân… và phải chịu trách nhiệm khi quyết định đó là sai lầm, gây hậu quả kinh tế – xã hội nghiêm trọng. Thiếu vắng một cơ chế này, lãng phí vốn đầu tư, nguồn lực tài chính, đất đai… cho nhiều dự án, chương trình sẽ còn tái diễn. Trong khi những nguồn lực ấy lại rất cần cho nhiều công trình, dự án cấp thiết khác.
(Theo Sài Gòn tiếp thị) MẠNH QUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét