Nhà Công vụ nay
không còn là nhà ở chung cư cho cán bộ, nhân viên Ngân hàng như quyết định
giao đất mà trở thành Hội sở giao dịch chính của Ngân hàng CP Đông Á tại
Thái Bình. Còn Trụ sở Công an huyện Đông Hưng tuy đã được bàn giao cho Ngân
hàng CP Đông Á gần 2 năm, nhưng đến nay vẫn "nằm im" chờ cơ hội?
Ông Trần Văn Vệ là Giám đốc táo bạo trong các đời Giám đốc Công an tỉnh
Thái Bình có "công lớn nhất" là bán cả chốn "linh
thiêng", ẩn chứa kỉ niệm vui buồn của bao thế hệ Công an đã một đời vì
nước, vì dân, khiến nhiều cán bộ lão thành bức xúc, có đơn thư gửi nhiều cơ
quan chức năng. Mặc dù mưu đồ chiếm đoạt chưa thành, nhưng tiềm ẩn vẫn còn
đó. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì một ngày không xa, cả 2 địa điểm đất
có lợi thế này sẽ rơi vào tay gia đình ông Vệ như chính anh em ông đã từng
làm tại Khu đô thị Trần Lãm, TP Thái Bình...
Những khuất tất
trong việc bán nhà công vụ
Vụ bán Nhà Công vụ Công an tỉnh cho
Ngân hàng của anh trai ông Vệ là ông Trần Văn Đình, trở thành một trong
những vụ việc lộ liễu nhất và chỉ có ông Trần Văn Vệ mới làm được. Để hợp
pháp hóa thủ tục hành chính tránh rủi ro, ngay từ lúc manh nha, ông Vệ đã
vạch ra lộ trình khá hợp lí. Giá trị về tài sản trên đất ông không quan
tâm, thậm chí đến cả thủ tục có rắc rối thì ông sẽ trình cấp trên được.
Điều cốt lõi ông quan tâm là sử dụng giá trị lợi thế của đất và lộ trình
chuyển giao từ danh nghĩa trá hình Ngân hàng CP Đông Á, nếu cần thì anh em
ông chỉ rút vốn bằng chính khối tài sản đó. Đúng là ý tưởng "tuyệt
vời" được rút ra từ một thời ông đã từng đi buôn than và sắt vụn.
Để hợp thức
cuộc chuyển giao đầy ngoạn mục này, đầu năm 2008 trong đề án sắp xếp lại
tài sản của Công an tỉnh Thái Bình mà chủ yếu là bảo vệ cho việc di dời Trụ
sở Công an tỉnh ra địa điểm mới trình Bộ Công an và Chính phủ, ý tưởng đó
đã được ông Vệ lồng ghép, định vị. Sau khi được Bộ phê duyệt, ngày
1/8/2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kí văn bản số 1365/TTg- KTN, chấp
nhận việc sắp xếp lại tài sản của Công an tỉnh Thái Bình. Dựa trên cơ sở
pháp lí này, cùng với việc chuyển giao, bán tài sản của Công an Thái Bình,
việc ông Vệ quan tâm hàng đầu vẫn là bán Nhà Công vụ và Trụ sở Công an
huyện Đông Hưng, bởi 2 địa điểm đó có lợi thế về đất đai. Để theo đúng quy định
tại quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về hình thức việc
bán 2 địa điểm này diễn ra khá hoàn hảo. Có điều định giá đất và tài sản
trên đất đưa ra để đấu giá Nhà Công vụ và Trụ sở Công an huyện Đông Hưng
lại được xác định quá thấp so với mặt bằng giá thị trường tại thời điểm.
Việc tổ chức bán đấu giá 2 địa điểm này cũng bộc lộ nhiều ẩn khuất bởi đã
được ông Vệ định vị. Để kiểm chứng, ngày 19/7/2013 phóng viên Báo Người cao
tuổi làm việc với Đại tá Hoàng Văn Lưu, Trưởng phòng Hậu cần (BH12) Công an
tỉnh Thái Bình, được ông lí giải, chỉ cho xem lướt qua các tài liệu liên
quan. Trong tập hồ sơ có một hóa đơn GTGT chứng minh Công an tỉnh Thái Bình
đã quảng bá bán đấu giá 2 địa điểm trên của Đài Phát thanh - Truyền hình
Thái Bình. Trong thực tế không mấy ai biết được thông báo này và dù có biết
thì cũng không ai chen chân nổi với anh em ông Vệ. Cuộc đấu giá tài sản này
gần như là chỉ định thầu, chỉ có Ngân hàng CP Đông Á là ứng viên duy nhất
và đã thắng. Chỉ trong một thời gian ngắn Ngân hàng CP Đông Á nộp tiền ngay
vào tài khoản tạm gửi của Công an tỉnh Thái Bình tại Kho bạc Nhà nước. Ngày
10/12/2008 nộp 12,021 tỉ đồng toàn bộ giá trị sử dụng đất và tài sản trên
đất của Nhà Công vụ; ngày 25/3/2010 nộp 7,5 tỉ đồng toàn bộ giá trị sử dụng
đất và tài sản của Trụ sở Công an huyện Đông Hưng, trong khi Công an tỉnh
vẫn đang quản lí, sử dụng. Tại sao Hội đồng định giá tài sản lại xác định
giá đất chỉ bằng 50% mặt bằng giá thị trường tại thời điểm đó. Nếu tổ chức
đấu giá công khai thì chỉ riêng 1.071,4 m2 đất của Nhà Công vụ, tọa lạc tại
khu vực lợi thế nhất của đường Lý Thái Tổ, thu về còn cao hơn cả tổng giá
trị tiền sử dụng đất và tài sản trên đất đã bán "độc đắc" cho
Ngân hàng CP Đông Á. Trong 2 vụ bán Nhà Công vụ và Trụ sở Công an huyện
Đông Hưng, Công an tỉnh Thái Bình đã làm thất thoát hàng chục tỉ đồng ngân sách
Nhà nước, để lại một dư âm xấu trong dư luận xã hội.
|
Nhà
Công vụ Công an tỉnh chuyển thành Hội sở giao dịch của Ngân hàng CP Đông
Á.
|
Nhà Công vụ và Trụ sở Công an huyện
Đông Hưng thuộc đối tượng đất và tài sản của an ninh - quốc phòng, chuyển
nhượng phải được kiểm soát nghiêm ngặt theo quy định hiện hành. Thế nhưng,
nếu việc đấu giá và tài sản trên đất này không có vện vết gì thì tại sao
tại quyết định số 2697/QĐ-UBND ngày 29/8/2008 của UBND tỉnh Thái Bình, do
Chủ tịch UBND tỉnh (khóa trước) kí về việc thu hồi đất Nhà Công vụ của Công
an tỉnh và giao đất cho Ngân hàng CP Đông Á lại ấn định để làm "nhà ở
chung cư cho cán bộ viên chức Ngân hàng" và không được chấp thuận của
Cục Công sản Bộ Tài chính? Nếu là đấu giá công khai, thì việc sử dụng toàn
bộ diện tích đất, khối tài sản đó lại thuộc quyền của người mua tự định
đoạt. Thế mà trong quyết định này Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã định đoạt
thay cho Ngân hàng CP Đông Á? Từ đó, bộc lộ tiềm ẩn không bình thường ngay
từ khi mới manh nha bán Nhà Công vụ đã được thiết lập theo ý tưởng của ông
Vệ.
Thông qua lộ trình bán Nhà Công vụ và
Trụ sở Công an huyện Đông Hưng cho Ngân hàng CP Đông Á có dấu hiệu vi phạm
nghiêm trọng Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998, cũng như Nghị định
số 137/2006/NĐ-CP, ngày 14/11/2007 của Chính phủ và quyết định số
09/2007/QĐ-TTg ngày 9/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Ý đồ chuyển hóa từ
Nhà Công vụ sang nhà ở chung cư để bán kiếm lời không thành, anh em ông Vệ
đành cải tạo thành Hội sở giao dịch chính của Ngân hàng CP Đông Á, đương
nhiên Ngân hàng CP Đông Á vi phạm sử dụng đất sai mục đích theo quyết định
số 2697/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 của UBND tỉnh Thái Bình.
Ngân hàng CP Đông Á chi nhánh tại tỉnh
Thái Bình toàn quyền điều hành, chi phối của anh em ông Trần Văn Vệ. Anh
trai ông là Trần Văn Đình (cựu sĩ quan cảnh vệ Phủ Chủ tịch) nghỉ hưu, hiện
là thành viên HĐQT của Ngân hàng CP Đông Á. Với ảnh hưởng và quyền lực của
ông Vệ, hằng năm ngân hàng này mang lại lợi nhuận nhiều tỉ đồng từ giao
dịch hoạt động tài chính của Công an tỉnh Thái Bình, "khép kín"
được khoản tiền khổng lồ sinh lợi từ "chia lô, bán đất" của ông
Trần Văn Kỳ tại Khu đô thị Trần Lãm. Nếu không vỡ lở vụ Công ty TNHH Trường
Phong chiếm dụng hơn 90 tỉ đồng của Ngân hàng CP Đông Á, thì anh em ông Vệ
đã mãn nguyện. Cái chết đầy bí ẩn của bà Trần Thị Vượng trong vụ án này như
là một điềm báo "nhân quả" cho những toan tính tham lam, lộng
hành của họ.
Trụ sở Công an
huyện Đông Hưng “đắp chiếu nằm chờ”
Trụ sở Công an huyện Đông Hưng cũng
được ông Trần Văn Vệ chỉ định bán cho Ngân hàng CP Đông Á với giá 7,5 tỉ
đồng, bao gồm khối tài sản trên đất và giá sử dụng 3.261,5m2 đất. Nếu tổ
chức đấu thầu làm nhà ở thì chỉ riêng giá trị về đất đã có thể thu về cho
Ngân sách gấp ba số tiền đã bán cho Ngân hàng CP Đông Á.
Việc di dời Trụ sở Công an huyện Đông
Hưng ra địa điểm mới và việc nhượng bán tài sản để tăng nguồn ngân sách đầu
tư cho xây dựng Trụ sở mới của Công an huyện là một thực tế chính đáng.
Song việc nhượng bán này tiếp tục vi phạm quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày
14/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ diện tích đất và tài sản trên
đất lại rơi vào tay Ngân hàng CP Đông Á của anh em ông Vệ, với giá rẻ, gây
thất thu lớn cho Ngân sách Nhà nước.
Trong thực tế, anh em ông Vệ trá hình
trên danh nghĩa Ngân hàng CP Đông Á mua trọn gói Trụ sở Công an huyện Đông
Hưng không phải để mở mang hoạt động kinh doanh, bởi Đông Hưng không phải
là đất kinh doanh của Ngân hàng này, mà nếu có xây dựng Phòng giao dịch thì
ở cấp huyện cũng không phải sử dụng đến 3.261,5 m2 đất. Mục đích chính là
khi đã hoàn tất thủ tục pháp lí, anh em ông Vệ sẽ lại "chia lô, bán
đất" như tại Khu đô thị Trần Lãm. Món sinh lợi khả hữu này làm lóa mắt
anh em ông Vệ, để rồi thêm một bằng chứng nữa cho mọi người có cơ sở nhận
diện rõ những thủ đoạn "ma thuật" trong kinh doanh của họ. Thế mà
đã có một Đoàn Thanh tra xác minh cấp Bộ lại không nhận ra sự thật, cho
rằng đó chỉ là suy diễn của dư luận. Nếu không bị báo chí phát hiện kịp
thời, thì hơn 3.000m2 đất kia đã được chia lô rao bán, còn đâu cái cảnh
"đắp chiếu nằm chờ" hoang phế ngay giữa trung tâm huyện Đông Hưng?
Còn gần 500m2 đất tại Trụ sở (cũ) Công
an tỉnh Thái Bình, mặt tiền đại lộ Lê Quý Đôn, được mệnh danh là vùng
"đất vàng" từng được chia lô bán với giá 30 triệu đồng/m2 (trong
khi giá thành tại thời điểm đó từ 100 - 120 triệu đồng/m2) nay đã bị bãi hủy.
Bộ Công an chấp nhận cho Công an tỉnh Thái Bình đầu tư xây dựng thành Nhà
Công vụ trên lô đất này. Dư luận xã hội hoan nghênh với quyết đáp kịp thời
của Bộ Công an và sự năng động triển khai thực hiện dự án của Công an tỉnh
Thái Bình.
(Theo Người cao tuổi) Nguyễn
Trọng Thắng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét