Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Hệ lụy khát vàng

 08:21

Cường quốc Trung - Ấn cũng liêu xiêu vì vàng

- Những cú sốc trên thị trường tài chính ngân hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ gần đây cho thấy, rủi ro từ vàng và tín dụng không chừa bất kỳ nước nào, từ nhỏ tới lớn. Hai quốc gia này đang nỗ lực vượt “bão” để ổn định các thị trường này.
Sốc vì ngân hàng thiếu tiền
Giữa tháng 6 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc, với khoản dữ trữ ngoại hối lên tới hàng nghìn tỷ USD, bất ngờ sốc nặng với những biến động trên thị trường tài chính ngân hàng.
Lãi suất cho vay qua đêm - một chỉ báo quan trọng về thanh khoản của hệ thống ngân hàng bỗng dưng vọt lên 15% so với mức phổ biến 2,9% hồi cuối tháng 5. Khoảng một tuần sau, lãi suất đã được kéo giảm xuống 5-7% nhờ nỗ lực từ các bên liên quan và cả sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao nhất nước này.
Tuy nhiên, áp lực thanh khoản vẫn đang đè nặng lên cả hệ thống, đặc biệt với các tổ chức tài chính quy mô nhỏ. Một số chi nhánh của hai ngân hàng hàng đầu Trung Quốc là ICBC và BOC đã phải ngừng cho vay do khát tiền mặt. Tin đồn về khả năng đổ vỡ của một số ngân hàng khiến tình hình thêm trầm trọng.
Vấn đề đặt ra là tại sao tình trạng kém thanh khoản, thiếu tiền lại xảy ra vào thời điểm này khi mà cuộc khủng hoảng trên thế giới đã đi được một chặng đường khá dài? Và trước đó, Trung Quốc từng được đánh giá là khá vững vàng trước giông bão?
 Vàng, tín dụng, Ấn Độ, Trung Quốc, chính sách, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước
Trên thực tế, rủi ro trong hệ thống tài chính nước này đã manh nha từ hơn một thập kỷ qua. Trung Quốc, giống như rất nhiều nền kinh tế trên thế giới, đã theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng và coi đây như một đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế. Trung Quốc thậm chí còn mạnh tay hơn cả Mỹ, EU hay Nhật. Bên cạnh đó còn là vấn đề tín dụng ngầm trong nền kinh tế.
Cũng như Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc trong những năm cuối thập kỷ trước quá nhanh trong một khoảng thời gian ngắn. Chính sách này đã tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn. Nhưng đáng sợ hơn, vài năm gần đây khi mà các nước đã nhận ra và chuyển hướng chính sách thì Trung Quốc vẫn đặt nặng vấn đề tăng trưởng.
Hệ thống ngân hàng bắt đầu gặp khó sau khi NHTW và các lãnh đạo cao cấp nước này gần đây phát đi tín hiệu cho thấy rằng Trung Quốc sẽ không tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng nhanh và sẽ thắt chặt các chính sách tiền tệ.
Ấn Độ suy sụp vì vàng
Trái ngược với Trung Quốc, vấn đề mà Ấn Độ gặp phải cũng rất lớn nhưng lại có nguyên nhân hoàn toàn khác.
Trong năm tài khóa 2012-2013 vừa kết thúc cuối tháng 3/2013 vừa qua, các nhà lãnh đạo Ấn Độ nhận ra rằng tình hình nền kinh tế vẫn đang trên đà xấu đi. Thâm hụt cán cân vãng lãi đã lên mức cao kỷ lục 4,8% GDP (so với 4,3% năm liền trước).
Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, đồng rupee của Ấn Độ đã mất giá chưa từng có. Trong giai đoạn 1/5-22/6, đồng rupee đã mất giá tới 6% và đến ngày 28/6, đồng rupee đã mất giá ở mức kỷ lục 8,9%. Trong rổ tiền tệ của 11 nước châu Á, đồng rupee mất giá mạnh thứ 2 chỉ sau đồng Yên của Nhật Bản, đạt mức thấp kỷ lục mọi thời đại 60,765 rupee/USD vào ngày 26/6. 
 Vàng, tín dụng, Ấn Độ, Trung Quốc, chính sách, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước
Nguyên nhân chính đồng rupee lao dốc không phải do bơm tiền, tín dụng nhiều mà là vì Ấn Độ nhập vàng quá nhiều.
Trong tháng 4/2013, tổng lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ lên tới 117 tấn, và đạt mức cao kỷ lục vào tháng 5/2013 với 162 tấn (bình quân cùng kỳ giai đoạn 2012-13 là 70 tấn/tháng). Nhập khẩu vàng lớn khiến Ấn Độ thâm hụt cán cân vãng lai và dẫn tới nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Có thể thấy, giống như một vài nước châu Á, người dân Ấn Độ là tín đồ sùng bái vàng. Họ mua vàng để cất giữ, làm trang sức, dùng để thanh toán. Người dân ở thành thị có điều kiện gửi vàng vào ngân hàng lấy lãi hay cầm cố vàng vay tiền lên tới 100% giá trị để đầu tư... Trong khi người dân nông thôn thích mua vàng đầu tư trong bối cảnh thiếu các dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông thôn...
Tổng số tiền mà Ấn Độ phải bỏ ra nhập vàng trong năm 2012-2013 là gần 54 tỷ USD. Con số trong năm liền trước là 56,5 tỷ USD. Các con số này cho thấy đồng rupee mất giá một phần do nhu cầu USD tăng cao và trong bối cảnh USD cũng lên giá so với các ngoại tệ khác.
Với vị trí là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới (nhập khẩu chiếm khoảng 25% toàn cầu) và lượng vàng ước tính khoảng 20.000 tấn, có thể thấy, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tăng thâm hụt cán cân vãng lai, qua đó tác động lên dự trữ ngoại hối nước này và kéo theo các hệ lụy khác là khó tránh khỏi.
Gần đây, Ngân hàng TW Ấn Độ (RBI) đã có những biện pháp khá mạnh tay nhằm ổn định lại kinh tế. Một số chính sách đã được đưa ra như: cấm cho vay mua vàng; giảm tỷ lệ cho vay với tài sản thế chấp là vàng; hạn chế nhập khẩu vàng; tăng thuế nhập khẩu vàng (từ 6lên 8%, so với mức thuế 2% vào tháng 1/2012)...
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ gần đây tuyên bố, các chỉ số kinh tế như thâm hụt cán cân vãng lai sẽ được cải thiện mạnh mẽ nếu người dân không nhập khẩu kim loại quý trong 1 năm. Ông cho biết, các biện pháp này đang phát huy hiệu quả, tác động tích cực tới chứng khoán, tỷ giá, lãi suất...
Trên thực tế, cầu về vàng ở Ấn độ đã giảm sau khi Chính phủ tăng thuế nhập khẩu. Nhiều đánh giá cho thấy, nhu cầu tiêu thụ vàng của Ấn Độ năm 2013 có thể giảm khoảng 15% và điều này sẽ khiến thâm hụt cán cân vãng lai sẽ được cải thiện, đồng thời cải thiện triển vọng của đồng rupee.
Có thể thấy, rủi ro từ vàng và tín dụng không chừa một nước nào, từ nhỏ tới lớn. Việc đưa ra các chính sách thích hợp sẽ giúp nền kinh tế được ổn định. Với Ấn Độ, chính sách đưa ra hơi chậm nhưng cuộc chiến chống lại vàng của Chính phủ Ấn độ đã nhận được sự ủng hộ của các đơn vị trong ngành (công ty tài chính, hiệp hội vàng, ngân hàng... ) bởi hậu quả của việc tiêu dùng một lượng USD quá lớn cho mặt hàng kim loại quý này là khá nặng nề, ai cũng thấy rõ.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các nhà phân tích, các biện pháp của Ấn Độ chỉ mang tính ngắn hạn. Về dài hạn, cần có những biện pháp giảm tính hấp dẫn của vàng một cách trực tiếp (sinh lời thấp) và gián tiếp (tạo ra các sản phẩm, công cụ tài chính khác mang lại lợi nhuận tốt hơn như cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt... ). Các biện pháp đó sẽ giúp giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
(Theo Vef.vn) Mạnh Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét