Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

16:05

 Đẩy lùi tội phạm rửa tiền ở Việt Nam

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tội phạm rửa tiền đã xuất hiện ở Việt Nam, thậm chí đã đến mức đáng lo lắng. Tội phạm rửa tiền đã tác động đến nền kinh tế thuần khiết và nền tảng hoạt động của ngân hàng, tài chính. Thực tế, tội phạm tham nhũng, buôn bán vũ khí, buôn bán ma túy... có thể liên quan tội phạm rửa tiền. Và khi có tiền, bọn tội phạm có thể làm tất cả…
Tội phạm rửa tiền vào Việt Nam bằng con đường nào?
Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển cùng với sự gia tăng thương mại và đầu tư quốc tế đa dạng, phong phú với nhiều hình thức kinh doanh khác nhau. Đồng thời có lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường nhiều sẽ là điều kiện thuận lợi cho tội phạm rửa tiền hoạt động.
Hơn nữa, việc Việt Nam thực hiện chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng là một điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tội phạm nước ngoài muốn rửa tiền tại Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Văn Thống, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát kinh tế - Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho biết, tội phạm rửa tiền ở Việt Nam có thể thực hiện ở 2 dạng: Dạng thứ nhất là đối tượng phạm tội trong nước như lừa đảo, tham nhũng, mua bán ma túy, sau đó “hợp pháp hóa” số tiền phạm tội mà có bằng cách thực hiện các giao dịch như mua bán bất động sản, chuyển giao cho người khác. Dạng thứ 2, phổ biến hơn, đó là đối tượng phạm tội ở nước ngoài, sau đó chuyển “tiền bẩn” từ nước ngoài về Việt Nam để hợp pháp hóa, chuyển sang “tiền sạch”.
Cách chuyển tiền của bọn chúng có thể qua hệ thống ngân hàng dưới hình thức gửi tiền cho thân nhân, hoặc đầu tư tiền vào các hợp đồng kinh tế “ma”.
Ngay cuối năm 2012, Viện KSND Tối cao đã tiếp nhận yêu cầu của Cảnh sát nước ngoài đề nghị thực hiện bản án kê biên tài sản chỉ giá hàng triệu USD, nguồn gốc do một đối tượng người Australia, gốc Việt buôn ma túy mà có, sau đó chuyển về cho thân nhân ở Việt Nam để mua bất động sản. Tuy nhiên, những tài liệu đó chưa đủ căn cứ theo pháp luật Việt Nam nên chưa thực hiện được.
 
Các ngân hàng đã phát hiện được nhiều giao dịch nghi vấn “rửa tiền”. Ảnh Hồng Vinh.
Một trong những dòng chảy của “đồng tiền bẩn” vào Việt Nam hiện nay là thông qua việc kinh doanh “tiền ảo”. Đó là các loại tiền điện tử như LR, paypal, webmoney…
Vừa qua, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự bắt giữ đối tượng Vũ Văn Lăng, trú tại phường Đằng Giang (Ngô Quyền, Hải Phòng), Giám đốc Công ty TNHH Giao dịch nhanh về tội kinh doanh trái phép. Thông qua việc kinh doanh tiền điện tử LR, Lăng đã “giúp” nhiều đối tượng chuyển “tiền bẩn” vào Việt Nam.
Trường hợp thứ hai cơ quan Công an đã làm rõ nhận “tiền bẩn” từ nước ngoài chuyển về thông qua Vũ Văn Lăng, đó là một ổ nhóm tội phạm chuyên trộm cắp CC chùa của người nước ngoài, sau đó bán cho một số công dân Mỹ. Cầm đầu đường dây này là một đối tượng trú tại Hải Phòng. Để chuyển được tiền về, các đối tượng đã câu kết với một số đối tượng người Mỹ, những đối tượng này sẽ đặt mua hàng bằng các CC chùa đánh cắp được, sau đó bán hàng đó đi, chia đôi lợi nhuận và gửi nửa còn lại về cho các đối tượng ở Việt Nam (thông qua dịch vụ chuyển tiền của Lăng). Vụ án này đang được giao cho Công an TP Hải Phòng tiếp tục điều tra.
Vẫn khó khăn trong công tác xử lý tội phạm rửa tiền
Tính đến thời điểm này, vẫn chưa có đối tượng nào bị xử lý với tội danh trên. Vì sao như vậy?
Thượng tá Nguyễn Văn Thống cho biết, thời gian qua, cơ quan điều tra đã nhận được một số giao dịch đáng ngờ về việc chuyển tiền do các ngân hàng chuyển đến. Tuy nhiên, công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn do các đầu gửi từ nước ngoài về, việc hợp tác để xác minh về người gửi rất lâu và rất khó, trong khi thời gian điều tra vụ việc là có hạn. Hơn nữa, tội phạm rửa tiền ở nước ngoài rất tinh vi, chúng chuyển lòng vòng qua nhiều người, ở nhiều nước khác nhau để bịt đầu mối.
Trong thực tiễn xét xử của Việt Nam, khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản từ việc thực hiện tội phạm, và sau đó hợp pháp hóa hoặc sử dụng tài sản đã chiếm đoạt được vào các hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động kinh tế khác, thì thông thường người phạm tội chỉ bị truy tố về hành vi phạm tội nguồn mà không đồng thời bị truy tố theo Điều 251 BLHS, vì hình phạt đối với các tội phạm nguồn trong trường hợp này thường đã rất nghiêm khắc, trong nhiều trường hợp là hình phạt cao nhất - tử hình.
Chẳng hạn như đối với đối tượng Nguyễn Phi Khanh trong vụ án liên quan đối tượng Lăng như đã nói ở trên, cơ quan CSĐT đã khởi tố đối tượng về tội trộm cắp tài sản (tội nguồn) nên sẽ không khởi tố đối tượng thêm tội rửa tiền.
Trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như - vụ án lớn gây sự chú ý trong thời gian qua cũng… suýt truy tố được 2 đối tượng về tội rửa tiền. Ban đầu, cơ quan Công an đã khởi tố 2 đối tượng Hùng Mỹ Phương và Nguyễn Thiên Lý về tội danh rửa tiền. Bởi 2 đối tượng này đã có nguồn tiền không hợp pháp (hàng trăm tỷ đồng) để cho Huỳnh Thị Huyền Như vay với lãi suất 0,4%/ngày đến 3,7%/ngày.
Tuy nhiên, sau đó, Viện KSND Tối cao đã đề nghị chuyển đổi tội danh để xử lý 2 đối tượng này với tội cho vay lãi nặng. 
Cần có một lực lượng mạnh để chống tội phạm rửa tiền
Để có thể phòng, chống tội phạm rửa tiền, trước hết, theo kiến nghị của cơ quan điều tra, phải hoàn thiện cơ chế quản lý về kinh tế. Nghĩa là phải có sự khai báo rõ ràng về thu nhập cá nhân, về khối tài sản cá nhân, khi chuyển một lượng tiền lớn thì ngay cả người chuyển và người nhận phải khai báo rõ ràng về nguồn tiền, lý do chuyển hay được nhận…
Hơn nữa, chúng ta phải tiến tới cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt. Bởi khi sử dụng thanh toán bằng tiền điện tử, mọi hoạt động tài chính của mỗi người sẽ được quản lý chặt chẽ và dễ dàng hơn…
Hợp tác quốc tế vẫn luôn được coi là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam cũng như các nước. Thiếu tướng Chris McDevitt, Trưởng sĩ quan liên lạc Cảnh sát liên bang Australia tại Hà Nội cũng đã từng nói, tội phạm rửa tiền cũng chỉ là một trong số các loại hình tội phạm xuyên quốc gia và cách thức tốt nhất có thể để đấu tranh chống lại tội phạm xuyên quốc gia là hợp tác chặt chẽ với nhau...
Tại Việt Nam, một số nơi như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục An ninh 2 đã có lực lượng chuyên sâu về công tác phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát điều tra, nơi tiến hành các hoạt động tố tụng liên quan nhiều đến tội phạm rửa tiền thì còn mỏng.
Vì thế, thiết nghĩ, cần phải có một lực lượng Cảnh sát điều tra về tội phạm rửa tiền mạnh hơn, chuyên trách hơn, được trang bị đầy đủ các kiến thức về loại tội phạm này cũng như các trang thiết bị công nghệ tốt, hiện đại.
Như thế, mới có thể đương đầu, tiến tới đẩy lùi tội phạm rửa tiền đang có nguy cơ “tấn công” Việt Nam.
(Theo CAND) T. Hòa - Lệ Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét