Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

15:18

Tạm trữ gạo ai hưởng lợi?

 “Chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ gạo đang góp phần làm giá gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới, danh nghĩa là hỗ trợ nông dân nhưng thực tế doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi lớn, còn người nông dân chỉ được chút ít lợi ích gián tiếp”, TS. Nguyễn Văn Nam nhận định.
Xin gửi tới quý độc giả những phân tích của PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) về chính sách thu mua gạo tạm trữ mà Chính phủ đang thực hiện và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho nền nông nghiệp nước ta.

Về ý kiến cho rằng chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thu mua gạo tạm trữ đang không mang lại nhiều hiệu quả, và thực tế người nông dân vẫn không có lãi, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam cho rằng Chính sách đó là một cách làm không mang lại hiệu quả trực tiếp cho nông dân, nhưng đấy là cách làm đơn giản và dễ thực hiện nhất, thực tế là nhà nước hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu mua gạo trên thị trường, việc làm này tác động tăng cầu tiêu thụ gạo đẩy giá lúa trên thị trường tăng 100 - 200 đồng/kg. Đây là cái lợi gián tiếp mà nông dân có thể được hưởng. Tuy nhiên, không phải hộ nông dân nào cũng đợi được đến lúc triển khai chương trình mới bán thóc. Vì vậy lợi ích mang lại cho nông dân nghèo rất ít ỏi.
ts-nguyen-van-nam-Baodatviet.vn.jpg 
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam.
Việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu giúp họ giảm chi phí cho việc thu mua gạo, tức là mua được giá rẻ, và đương nhiên doanh nghiệp cũng sẵn sàng xuất khẩu với giá rẻ hơn mà lợi nhuận không bị suy giảm. Thêm nữa, nhà xuất khẩu sẵn sằng bán giá rẻ vì họ có một chân hàng rất dồi dào trong nước, và họ sẽ tiếp tục xuất khẩu lô thứ 2, 3… tổng hợp lại là lợi nhuận của họ cao hơn nhiều so với việc họ dự trữ và chờ giá cao mới xuất hàng. Vì vậy, chính sách hỗ trợ tạm trữ gạo lại vô tình đẩy giá xuất khẩu gạo VN xuống thấp. Với giá thấp đó lợi ích nhà xuất khẩu không hề suy giảm, còn người nông dân chịu mọi thua thiệt, càng làm càng lỗ.

Bản thân nông dân cần bán thóc, còn chương trình lại hỗ trợ mua gạo, như vậy “lợi ích cho người nông dân” chỉ là một con bài chính trị nhằm thực hiện lợi ích thiết thực và lớn lao cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Mặt khác, xưa nay chỉ có thể dự trữ thóc lúa thì mới có thể duy trì được chất lượng hạt gạo, còn dự trữ gạo chỉ có làm chất lượng hạt gạo giảm, dự trữ càng lâu chất lượng càng giảm, kéo theo giá trị giảm.

Về ý kiến cho rằng do dư thừa nên giá lúa bị đẩy xuốngPGS.TS. Nguyễn Văn Nam khảng định không phải như vậy, vì thế giới vẫn thiếu, gạo Ấn Độ, Myanmar, Pakistan… vẫn bán được giá cao hơn của chúng ta. Trong tương lai, các nhà khoa học đều thống nhất dự báo năng lượng và lương thực là hai mặt hàng vẫn tiếp tục khan hiếm. Hiện Trung Quốc đã bắt đầu phải nhập khẩu lương thực, mà Trung Quốc nhập thì sức hút sẽ khủng khiếp.

Tuy vậy, trong tình thế hiện nay của nước ta thì không nên mở rộng thêm diện tích trồng lúa, không chạy theo số lượng mà cần tập trung cho chất lượng lúa và khâu chế biến để tăng giá trị cho hạt gạo. Việc chuyển đổi cây trồng là vấn đề đáng phải nghiên cứu, nhưng phải rất thận trọng tránh lặp lại sai lầm như trồng lúa. Mặt khác phải nghĩ tới những khâu chế biến sản phẩm từ gạo, để làm tăng giá trị gia tăng của hạt gạo, như các nước Đài Loan, Nhật Bản… đã làm.

Đề xuất giải pháp giải quyết những tồn tại, khó khăn trên, PGS.TS. Nguyễn Văn Nam cho rằng phải tái cơ cấu toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm lúa gạo, từ trồng trọt qua thu mua chế biến cho tới tiêu thụ và xuất khẩu. Việc trồng lúa phải được tổ chức lại, theo hướng các cánh đồng mẫu lớn đang triển khai.

Phải xây dựng một hệ thống doanh nghiệp chế biến lớn, hiện đại, đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi giá trị đó, như hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có một số doanh nghiệp ở Đồng Tháp, An Giang làm được vai trò này, nhưng nhà máy còn nhỏ bé cỡ cấp huyện. Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp này, để họ trở thành những doanh nghiệp đầu đàn trong ngành công nghiệp lúa gạo. Để có nhà máy lớn chúng ta cũng có thể gom các nhà chế biến nhỏ hiện nay lại với nhau thành một công ty cổ phần trang bị máy móc hiện đại, xây kho có thể dự trữ thóc 6 tháng, 1 năm phục vụ cho chế biến.

Tổ chức lại việc thu mua thóc lúa cho nông dân, và tiêu thụ gạo trong nước cũng như xuất khẩu thì các nhà máy chế biến lớn sẽ hợp đồng với nông dân về sản xuất, tiêu thụ và họ cũng định hướng cho nông dân trong sản xuất. Nghĩa là tạo một mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chế biến gạo với nông dân mới giải quyết được cơ bản khâu tiêu thụ thóc gạo cho nông dân, như Công ty lương thực Tân Hồng (Đồng Tháp) đang làm.

Thêm nữa, những năm được mùa, các nhà máy vẫn không thể thu mua hết thóc của nông dân. Trước đây, ở Thái Lan theo từng vùng sản xuất lúa người ta xây dựng những cụm kho lớn, để làm dịch vụ phơi sấy, quạt sạch và lưu kho cất giữ thóc hộ cho nông dân. Đến mùa thu hoạch nông dân không bán thóc được cho nhà máy thì mang thóc tới đây phơi khô, quạt sạch gửi vào kho. Với giấy biên nhận lưu kho này nông dân có thể gặp ngay ngân hàng (cũng trong cụm kho ấy) thế chấp và vay tiền về đầu tư sản xuất vụ mới.

Sau đó nông dân chỉ cần theo dõi diễn biến của giá cả thị trường, lúc nào thấy bán được thì thông báo cho ban quản lý kho người ta bán cho anh. Bán xong, nông dân đến làm thủ tục thanh toán với kho và trả nợ ngân hàng, nhận tiền về. Như vậy nông dân không bị ép giá, không bị lừa đảo, vẫn nắm quyền mua bán, mà lại giải quyết được nhu cầu tài chính cho mình. Chính phủ muốn hỗ trợ nông dân cũng rất dễ thực hiện, chỉ cần giảm giá dịch vụ của kho và giảm lãi vay ngân hàng là được.

PGS.TS. Nguyễn Văn Nam cũng cho rằng Bộ NN&PTNT phải có trách nhiệm chính trong việc này, nước xuất khẩu gạo hàng đầu mà phần lớn giống lúa đều phải nhập ngoại, một số giống trong nước sản xuất được thì mới đưa ra đại trà đã bị làm giả, giống không duy trì được phẩm cấp hạt gạo.

Tái cơ cấu sản xuất và kinh doanh lúa gạo chưa làm được bao nhiêu, vẫn để sản xuất nhỏ, mua bán manh mún… không có chính sách đầy đủ để công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngành lúa gạo.

Việc hỗ trợ tạm trữ gạo cần phải tính toán lại, làm sao mang đến lợi ích trực tiếp cho nông dân. Để hình thành hệ thống doanh nghiệp chế biến thì nhà nước phải hỗ trợ đầu tư, phải có chính sách tái cơ cấu cụ thể.

Hiện Đảng và Chính phủ đã coi nông nghiệp và nông thôn là mặt trận quan trọng đang có nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi, để những chính sách này có hiệu quả cần nắm chắc nhu cầu của sản xuất và kinh doanh, phải sử dụng biện pháp kinh tế cụ thể và hiệu quả để đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh mặt hàng gạo cũng như các mặt hàng nông sản nói chung.
(Theo ĐVO) Lê Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét