09:55
Tại chức lương nghìn đô: Chính
quy còn phải "ngước nhìn"
Chia sẻ với Tuần Việt Nam sau thông tin
một số tỉnh thành từ chối tại chức, độc giả tại Nha Trang cho hay, tốt nghiệp
tại chức nhưng bây giờ bạn đã đi làm với mức lương hơn nghìn đô.
Chính quy chưa chắc làm việc tốt hơn
tại chức
Rất nhiều độc giả giới thiệu "tôi là người học tại
chức" và gửi ý kiến tham gia diễn đàn của Tuần Việt
Một bạn đọc ở Nha Trang (nam@...) phản ánh: "Tôi tốt
nghiệp tại chức năm 1997, tự thân vận động. Từ năm 2001 đến nay tôi làm quản
lý, giám đốc hầu hết các công ty nước ngoài nổi tiếng. Lương tháng bây giờ
hơn một nghìn đô. Vậy người có bằng chính quy liệu có hơn tôi hay
không?"...
“Cơ quan tôi có chính quy, công lập, dân lập, tại chức
nhưng không thể nói tại chức là yếu kém. Về thực thi nhiệm vụ chuyên môn số
chính quy không thấy có ai nổi trội, ngay cả những lĩnh vực tin học, tiếng
anh... Cuối cùng khẳng định rằng chịu khó làm việc, nghiên cứu là tốt nhất, đừng
nên phân biệt học như thế nào, Bill Gates chỉ học trung cấp thôi nhưng hiện
nay vẫn là người giàu nhất thế giới” – Độc giả ducmanh@... viết.
Hầu hết độc giả cho rằng nếu nhà tuyển dụng vẫn phân biệt
như vậy là không công bằng, thậm chí còn vô tình loại bỏ những người giỏi có
tâm có tầm nhưng vì hoàn cảnh và điều kiện không được đi học hệ chính quy.
Trong một xã hội công bằng và bình đẳng thì cơ hội cần được chia đều cho mọi
người, và ai giỏi hơn người đó cần được trọng dụng.
Độc giả minhdetruong@.... nêu vấn đề, liệu có ai chứng
minh được rằng người học tại chức thì không có năng lực? Và liệu có phải hễ cứ
loại bỏ những người học tại chức khỏi bộ máy Nhà nước thì sẽ loại bỏ được
tình trạng tham nhũng, quan liêu hay không?! Trong số công chức "không
biết làm việc" hoặc "hành là chính" đâu phải toàn công chức
tại chức mà bao gồm cả chính quy, thậm chí chính quy loại khá... Rất nhiều sinh
viên chính quy ra trường nhưng kinh nghiệm thực tiễn không có, hỏi gì cũng
không biết, chưa làm bao giờ.
Độc giả khác hoamoclan912@…đưa ra một ví dụ cụ thể tại sao
ở các công ty nước ngoài khi tuyển dụng họ không quan tâm bạn học được
loại bằng gì và có trong tay những bằng cấp nào, họ chỉ quan tâm bạn có
làm được việc và đáp ứng được yêu cẩu của nhà tuyển dụng đặt ra hay không.
Trong khi ở nước ta ngay cả các trường đào tạo chính quy chất lượng vẫn chưa
tốt. Tại chức hay chính quy thì cũng có người giỏi và người dở thôi.
Cũng đồng ý với ý kiến trên, nhiều độc giả khác cho rằng
việc từ chối không nhận tại chức là cách nhìn thiếu khách quan và tiệm cận.
Nếu một người được đào tạo loại hình chinh quy mà không liên tục cập nhật
kiến thức mới, tự trau dồi bản thân thì cũng sẽ tụt hậu, vậy thử hỏi họ có
hơn người học tại chức có chí tiến thủ không?! Đó là chưa bàn đến việc người học
chính quy chỉ biết tìm cách vơ vét thì lại càng không đáng chút nào.
Nước chúng ta có bao nhiêu công chức làm tốt mà không có
bằng đại học chính quy?! Đất nước ta hiện nay vẫn còn nghèo, nhiều người học chính
quy không có điều kiện nên phải vừa học vừa làm nhưng người ta có tinh thần
cầu tiến, ý chí phấn đấu. Đất nước đừng nên lãng phí nhân tài, đừng quay lưng
với họ để rồi chảy máu chất xám.
Nên tổ chức thi sát hạch công khai minh
bạch
Việc có nên tuyển tại chức hay không chưa thể kết luận
được một sớm, một chiều. Song mục tiêu cuối cùng vẫn phải là tuyển lựa được
người tài vào bộ máy và cơ hội phải được dành cho tất cả. Có như vậy
mới hạn chế được tình trạng đi "học tại chức" để hợp pháp hóa chức
danh.
Nhiều độc giả hiến kế, đầu tiên, khâu tuyển dụng phải chặt
chẽ, công khai, minh bạch. Có thể tổ chức một cuộc thi sát hạch để chọn
ra những người có năng lực thực sự.
Theo đó, từ nhận hồ sơ đến phỏng vấn phải là quá trình
diễn ra công khai, khách quan. Cuộc sàng lọc phải thật sòng phẳng và công
bằng. Nhà tuyển dụng cho thử việc từ 3-6 tháng rồi mới quyết định bổ nhiệm
chính thức.
“Các doanh nghiệp tư nhân bây giờ thường có kiểu tuyển
người qua 2 vòng, kiểm tra chuyên môn và phỏng vấn trực tiếp. Tôi thấy phương
pháp đó khá đơn giản và hiệu quả mà nhà nước có thể nghiên cứu”- Độc giả
nghiata1987@.....đề xuất một giải pháp cụ thể.
Một vấn đề khác cũng cần phải chấn chỉnh là nâng cao chất
lượng đào tạo, bất kể là ở cấp độ nào, hệ đào tạo nào. Còn nhà tuyển dụng,
nên coi trọng chất lượng thực tiễn, không nên quan tâm bằng cấp.
Và cuối cùng, khâu tuyển dụng "đầu vào" chỉ là
cửa ải đầu tiên. Cơ quan nhà nước cần áp dụng cơ chế đánh giá hiệu quả công
việc thường xuyên để tránh tình trạng chỉ có vào mà không có ra, chỉ có lên
chứ không có xuống. Khi đó, dù là tại chức hay chính quy cũng đều phải chứng
minh năng lực của mình.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét