Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

18:05

 Giải mã 6 cái chết bí ẩn trong một gia đình ở Thái Bình

(VTC News) – Những cái chết bất đắc kỳ tử diễn ra liên tiếp với 6 người trong một gia đình, mà vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Kỳ 1: Những lời đồn rùng rợn

Mặc dù sự việc đại gia đình ông Trần Văn Rạng có tới 6 người bỏ mạng bất đắc kỳ tử liên tiếp vì căn bệnh lạ, xảy ra đã chục năm nay, nhưng mỗi khi nhắc lại, người dân quanh xã Vũ Tây (Kiến Xương, Thái Bình), đặc biệt là những người dân ở xóm 9 vẫn không hết sợ hãi.

Vụ việc chết chóc bí ẩn đó, đến nay, vẫn chưa tìm ra lời giải. Và do vậy, mảnh đất rìa làng, cạnh sông Trà Lý lộng gió, một thời nên thơ, giờ cỏ bò hoang dại, tre mọc um tùm, cây cối rậm rạp đổ ngả nghiêng, chẳng có bóng người qua lại.

Những ngôi nhà đổ nát, âm u, rêu mốc, từ lâu không có hơi người. Những người đã chết thì mang bí ẩn về căn bệnh lạ, những người còn sống trong đại gia đình ấy thì tứ tán đi khắp nơi, thậm chí trốn tịt vào Nam, không dám về quê cha đất tổ ở xã Vũ Tây nữa.


Ban thờ lạnh lẽo khói hương, hết sức đau lòng nhà ông Rạng 
Câu chuyện khủng khiếp về những cái chết vẫn chìm trong bức màn bí ẩn rùng rợn. Chính quyền bó tay, mấy chục nhà khoa học nổi danh thiên hạ không tìm được lời giải, các bác sĩ đầu ngành thần kinh, chống độc cũng không tìm ra thứ gì có thể giết người nhanh chóng, khủng khiếp như thế.

10 năm trôi qua, phóng viên Báo điện tử VTC News đã tìm về xã Vũ Tây, đi tìm lời giải cho câu chuyện bí ẩn và hết sức đau lòng này, những mong làm sáng tỏ phần nào câu chuyện, giúp người dân trong vùng, đặc biệt là đại gia đình ông Rạng không phải sống trong cảnh hoang mang, sợ hãi.

Nỗi sợ vô hình

Từ thành phố Thái Bình, tôi cứ đi dọc bờ hữu con đê sông Trà Lý, thì đến xã Vũ Tây. Sông nước mênh mang, tre pheo rậm rạp, đu đưa trong gió. Điều tôi nhận thấy, là đình đền miếu mạo trải dọc cả trong và ngoài đê con sông. Đây quả thực là vùng đất cổ, với bề dày văn hóa sâu.

Gặp mấy bà, mấy chị gánh gồng thõng thẹo trên đê, tôi dừng xe hỏi đường. Mấy chị chỉ nhiệt tình, rằng đi qua con điếm, có con dốc bên trái thì đi xuyên qua cánh đồng, là đến xóm 9. Mấy chị còn kéo tôi qua rặng tre, chỉ cái xóm nhỏ rậm rì cây cối nằm thoi loi giữa cánh đồng thẳng cánh cò bay.

Một chị hỏi: “Nhìn chú biết người ở xa rồi. Thế chú hỏi đường về nhà ai? Xóm ấy nhỏ tẹo, nhà ai cũng biết cả”. Tôi bảo: “Em tìm đường về nhà ông Trần Văn Rạng. Nhưng hỏi về nhà ông ấy thôi, chứ thực ra cả nhà ông ấy chết chục năm nay rồi”.

Nghe đến tên ông Trần Văn Rạng, cả mấy người phụ nữ đổi sắc mặt. Vẻ sợ hãi lộ rõ trong đôi mắt họ. Một chị bảo: “Chúng tôi không biết ông ấy là ông nào đâu. Anh vào xóm đấy rồi hỏi nhé!”.

Nhìn ánh mắt họ, tôi biêt họ đang sợ hãi, chứ không phải họ không biết ông Trần Văn Rạng. Câu chuyện của đại gia đình này đã từng khiến nhân dân trong vùng náo loạn, chính quyền cả tỉnh, rồi bộ ngành trung ương phải quan tâm sát sao, nên không thể có chuyện cư dân ở gần đó mà không biết.

Quả thực, nỗi sợ hãi ấy ám ảnh cả những người dân xa lạ, thì tôi đã phần nào hiểu rằng, vì sao những người ở đại gia đình ấy liên tiếp lăn ra chết, rồi vô số những người hàng xóm, người thân liên tiếp rơi vào trạng thái thập tử nhất sinh, không kiểm soát được mình nữa.

Tìm vào đầu xóm 9, tôi tiếp tục hỏi thăm một vài người về gia cảnh nhà ông Trần Văn Rạng, tuy nhiên, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Tôi mới chỉ nhắc đến tên ông Rạng, người ta đã không muốn trả lời.

Dường như người dân ở đây muốn quên đi cái quá khứ hãi hùng ấy, hoặc cũng có thể họ sợ câu chuyện khơi gợi lại, ám vào gia đình họ. Thế nên, tốt nhất là chẳng nói gì, chẳng nghĩ gì đến chuyện ấy nữa. Không biết làm cách nào, tôi đành hỏi đường vào nhà ông trưởng thôn.

Nhà ông Thành, trưởng thôn, ở sát cánh đồng. Tôi đến, nhưng trong nhà chỉ có vợ ông đang chăm sóc đàn gà. Bà cung cấp cho tôi một thông tin quan trọng: “Người nắm được rõ nhất chuyện về gia đình ông Rạng chỉ có ông Nguyễn Văn Thung. Chồng tôi không nắm được chuyện gì đâu, nên nhà báo có hỏi cũng không có tác dụng.

Nhà ông Rạng người thì chết, người bỏ đi chưa dám về. Tôi nghe nói họ phải bỏ nhà trốn miết để tránh thánh thần quở phạt. Tôi sẽ dẫn nhà báo đến nhà ông Thung để nhà báo hỏi chuyện”.

Nói rồi, bà vợ ông trưởng xóm dẫn tôi đi vòng vèo mấy ngõ ngách. Đến cuối con ngõ, dừng lại trước cái cổng sắt khép hờ, bà bảo: “Đây là nhà ông Thung. Nhà báo vào hỏi chuyện nhé. Tôi về luôn đây”.

Vác dao nói chuyện

Tôi gọi cổng một lát, thì thấy một cụ ông đi ra. Cụ ông dáng người đạo mạo, mái tóc trắng phau, cặp lông mày cũng trắng như cước. Ông mời tôi vào nhà uống nước. Tôi trình bày chuyện khó hiểu ở ngôi làng này, vì sao mọi người sợ nhắc đến gia đình ông Rạng như vậy?

Ông Thung bảo: “Không chỉ dân làng sợ, mà ngay cả tôi đây, sắp xuống lỗ rồi cũng vẫn còn sợ. Người ta sợ nhắc đến gia đình ông Rạng, nhỡ có mạo phạm gì, ám vào gia đình họ, nên tốt nhất là tránh”.

Uống mấy ngụm trà nóng, hít mấy hơi dài, ông Thung mới chợt nhớ ra gì đó. Ông lật đật chạy đến giường, lật đệm lên, lôi ra con dao dài ngoằng. Đó là con dao sắc, đẹp, giống dao của đồng bào miền núi hay dùng.


Một trong số những ngôi nhà bỏ hoang của đại gia đình ông Rạng 



Con dao luôn bên mình ông Thung suốt 10 năm nay 
Ông Thung bảo: “Nói thật với anh, cứ làm gì, nói gì liên quan đến chuyện đó, là tôi kè kè con dao này bên cạnh. Mang theo nó, tôi mới cảm thấy vững tâm. Anh nhắc lại chuyện này, tự dưng tôi lạnh cả sống lưng nên mới nhớ ra con dao. Tôi cứ thủ con dao ở cạnh, cho an tâm”.

Người Việt ở nhiều nơi khi đi đâu xa, đều mang theo con dao và củ tỏi, với niềm tin sẽ xua đuổi ma quỷ, tà khí. Nhiều người còn đánh dấu bằng than, vết son lên trán trẻ con khi ra đường để ma quỷ không bắt đi.

Sau khi đặt con dao bên cạnh, thắp mấy nén nhang trên bàn thờ, khấn vái lầm rầm vài tiếng, lấy lại bình tĩnh, ông Nguyễn Văn Thung mới bắt đầu sắp xếp lại câu chuyện kinh dị, mà ông chứng kiến từ đầu đến đuôi.

Kỳ 2: Sự chết chóc bí ẩn của vật nuôi

Ông Nguyễn Văn Thung (xóm 9, Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) không có máu mủ với đại gia đình ông Trần Văn Rạng, nhưng vì ông Thung là anh trai bà Đào, bà Đào lại là vợ ông Rạng, con dâu họ Trần, nên ông Thung đi lại gần gũi.

Sự việc chết chóc kinh hãi quá, mọi người đều sợ, trốn tránh, nhưng vì thương em gái, nên ông Thung phải tỏ ra can đảm, cáng đáng thay nhiều việc của họ Trần.

Theo ông Thung, bà Đào về làm dâu họ Trần khi mới đôi mươi. Vợ chồng ông Rạng đẻ được 8 người con, gồm 4 trai, 4 gái. Cuộc sống ở vùng quê còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ chăm chỉ làm lụng, mà mỗi ngày lại khá lên đôi chút. 

Một người con trai bỏ xứ vào Nam lập nghiệp, một người xin làm công nhân ở thành phố Thái Bình. Hai cậu con trai, gồm cả và thứ 3 ở với bố mẹ. Mấy người con gái cũng đi lấy chồng cả. Cô lấy chồng trong mãi Tây Nguyên, cô lấy chồng ở xã khác, xóm khác.

Dù con cái chỉ làm nông nghiệp, gắn bó với cây lúa, củ khoai, song do chắt chiu tích cóp, nên những người con của ông bà cũng dần ổn định cuộc sống, xây dựng, sửa sang được nhà cửa. 


Khu nhà bỏ hoang của ông Rạng 
Người con cả Trần Văn Viết được ông bà Rạng chia cho mảnh đất trước ngôi nhà ngói ông bà ở. Vợ chồng anh Viết đã dựng một ngôi nhà rộng rãi khang trang, tường bao quây kín. 

Cậu con trai thứ 3, tên là Trần Văn Út, sau khi lấy vợ vài năm, sinh con đẻ cái, tích cóp được ít tiền, đã xin bố mẹ cho ra ở riêng. Đất đai rộng rãi, nên ông bà Rạng đã cắt cho anh một mảnh rộng chừng 200 mét vuông, phía sau về bên trái ngôi nhà của ông bà. 

Có đất rồi, anh Trần Văn Út dựng tạm một ngôi nhà cấp 4 nho nhỏ, chỉ cỡ 30 mét vuông ở tạm. Ngôi nhà ngay bên bờ ao, phía trước nhà là cái miếu nho nhỏ, giống như cây hương trước nhà. Nhưng nhà chật quá, lại có điều kiện kinh tế, nên anh Út dựng ngôi nhà mới lớn hơn, biến ngôi nhà đang ở thành nhà bếp.

Theo lời ông Thung, mọi việc xây nhà của anh Út diễn ra xuôi chèo mát mái, chỉ đến khi chuẩn bị cất nóc, thì những chuyện kỳ cục liên tiếp xảy đến, khiến ai nấy đều sợ hãi, kinh hoàng. 

Đầu tiên là chuyện xuất hiện một con rắn lớn. Con rắn này là giống rắn hổ mang, to bằng bắp chân người, dài tới vài mét. Con rắn cứ treo thân lủng lẳng trên cây trứng gà. Nhìn con rắn bạnh đầu, thở phì phì, ai cũng khiếp đảm, không dám bắt. Con rắn treo trên cây vài tiếng, mới chịu bò đi, mất hút trong bụi tre.

Chuyện khó hiểu tiếp theo, là gia cầm nhà ông Rạng liên tục lăn ra chết một cách kỳ lạ.


Ông Thung trước ngôi nhà xây dở của của vợ chồng anh Út 
Ông Thung nhớ lại: “Hôm đó, tôi đang làm ở ngoài đồng, thì bà Đào, em gái tôi hớt hải chạy ra bảo tôi sang nhà bà xem có chuyện gì, vì lợn tự dưng lăn ra chết. Lúc đó, tôi nghĩ chuyện lợn, gà lăn ra chết cũng là bình thường, chẳng qua là bị dịch, hay nhiều khi ăn no quá, nó lăn ra chết. 

Tôi đến nhà ông Rạng, thì đã có 2 con lợn của Út chết thẳng cẳng rồi, sùi cả bọt mép. Lúc đấy là 5 giờ chiều. Trong chuồng lợn nhà Út có gần chục con lợn, mới nuôi được hơn tháng, mỗi con nặng cỡ 20-30kg thôi. 

Tôi chỉ đạo mọi người vào việc. Người mài dao, người nấu nước, để chọc tiết làm lông. Lợn vừa chết làm thịt ngay thì còn tươi, chứ để vài tiếng sau, máu đông, thịt lẫn máu thâm sì, bán chả ai mua nữa. 

Nhưng điều khủng khiếp nhất, là tôi cạo lông chưa xong một con lợn, thì cả mấy con còn lại trong chuồng đều tự dưng kêu éc éc, rồi lăn đùng ra co giật, sùi bọt mép, chết thẳng cẳng”.

Dù rất hãi hùng nhìn đàn lợn chết, nhưng khi đó, việc chết người chưa xảy ra, nên không ai nghĩ ngợi gì, chỉ nghĩ là bọn lợn này bị bệnh đột tử gì đó, có thể do loài virus nào đó tấn công lên não, làm nó chết nhanh.

Đến khoảng 6 giờ chiều, khi công việc mổ bụng, moi lòng đàn lợn chết đột tử còn đang ngổn ngang, thì đàn gà mấy chục con nhốt trong chuồng bỗng kêu quang quác, loạn xị ngậu. 

Ông Thung và mọi người vứt dao, thớt chạy đến xem sao. Ai cũng nghĩ chắc có con chuột cống, hoặc con rắn tấn công, đàn gà mới kêu la kinh hãi như vậy. Nhưng trong chuồng không có con vật gì cả. Chỉ có đàn gà vừa chạy vừa bay, đâm đầu vào tường, vào lưới. 

Chúng náo loạn tìm cách thoát thân khỏi chuồng, như có ai đuổi bắt, song không tìm được lối thoát. Ngay trước mắt mọi người, đàn gà mấy chục con quang quác một lúc, rồi cắm đầu, cào chân bành bạch, chết cứng đờ. 

Cái chết của đàn gà bắt đầu khiến mọi người hoảng. Mấy ông hàng xóm sang đụng lợn bỏ chạy khỏi nhà ông Rạng. Mấy đứa cháu nhỏ cũng được di tản đi nơi khác, kẻo lây bệnh từ đàn gà, lợn. 

Đang lúc bàn cãi, không biết xử trí đàn gà, và đàn lợn chết bất đắc kỳ tử thế nào, thì 6 con vịt đẻ đi kiếm ăn ở ngoài đồng bơi qua ao, rồi đủng đỉnh đi vào vườn tìm chỗ ngủ. Đàn vịt vừa lạch bạch đi vào vườn, thì kêu lên quạc quạc. Cả 6 con vịt đẻ kêu la chỉ mấy chục giây, rồi lăn ra đất giãy đành đạch như bị cắt tiết. Chúng giãy một lúc, thì chết hẳn. 


Ngôi nhà của anh Út chưa cất nóc đã liên tiếp xảy ra sự cố 
Vậy là, chỉ trong vòng hơn tiếng đồng hồ, toàn bộ lợn, gà, vịt nhà anh Út lăn ra chết hết. Sau khi bàn tính, ông Thung bảo: “Vứt mấy con vịt đi, không làm được đâu. Cố gắng làm thịt hết đàn lợn, còn gà làm được bao nhiêu thì làm. Có làm thịt hết thì cũng không bán được đâu”. 

Nghe lời ông Thung, anh Út bịt mồm bịt mũi nhặt 6 con vịt vừa chết ném xuống ao. Thế nhưng, điều kỳ lạ là một lát sau, mọi người thấy một con vịt lạch bạch từ ao đi vào vườn. Thấy sự lạ, mọi người chạy ra ao tìm kiếm. Tuy nhiên, 5 con vịt vẫn chết nổi lềnh bềnh, chỉ có một con sống dậy. Kiểm tra đàn gà, thì con nào cũng cứng đơ, không có khả năng sống lại nữa.

Nhắc lại chuyện con vịt đã chết tự dưng sống lại này, ông Nguyễn Văn Thung sởn da gà. Theo lời ông Thung, sau khi sống lại, con vịt không cần sự chăm sóc của mọi người nữa, nó tự ra đồng kiếm ăn, rồi tự làm ổ trú ngụ, chứ không ở trong chuồng. Nó cần mẫn đi tha lá chuối khô, làm cái ổ to tướng ở bụi chuối sát bờ ao. 

Điều kỳ lạ nữa là nó đẻ nhiều trứng khủng khiếp, đẻ cả thúng trứng. Con vịt này làm ổ, đẻ trứng và cứ sống như vậy. Nó chứng kiến lần lượt từng cái chết của đại gia đình ông Rạng, rồi mới biến mất một cách bí ẩn. 

Việc con vịt sống lại, rồi tự làm ổ, đẻ trứng quá nhiều, khiến mọi người trong gia đình ông Rạng sợ hãi. Không ai dám lấy trứng về ăn.

Sau một ngày chết chóc như ngả rạ của lợn, gà, vịt của nhà anh Trần Văn Út, thì sau đó, lợn, gà, vịt nhà ông Rạng cũng đều lăn ra chết cả. Đại gia đình này không nuôi được con gì nữa. Lợn nuôi 10 con, chết cả 10, nuôi 2 con chết cả 2, nuôi một con cũng chết luôn. 

Điều lạ hơn nữa, là bọn lợn cứ nuôi được chừng 1 tháng, nặng cỡ 20-30kg thì mới đột nhiên lăn ra chết. Gà, vịt thì cứ đến khi chuẩn bị làm thịt được thì mới chết. Sau đại gia đình gặp tang gia nhiều quá, thì chẳng ai còn tâm trí đâu nuôi con gì nữa. Chỉ có mỗi con vịt vẫn đẻ trứng đều đều, nhưng không ai dám lấy trứng để ăn.

Kỳ 3: Cái chết đầu tiên

Sau cái chết của đàn vật nuôi xảy ra ở nhà anh Út, thì đại gia đình ông Trần Văn Rạng (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) đón nhận nỗi đau buồn đầu tiên, đó là cái chết bí ẩn của anh Trần Văn Viết, anh trai của anh Út.

Anh Viết sinh ra đã là chàng trai khỏe mạnh, vâm váp. Đến tuổi trưởng thành, thì lấy thôn nữ ở xã bên, cách Vũ Tây chưa đầy 10 cây số làm vợ. Vợ chồng được ông bà Rạng chia cho mấy sào ruộng, tích cực cày cuốc, trồng cấy mới đủ ăn. Để có thêm đồng ra đồng vào, anh Viết chịu khó đi làm thuê làm mướn.

Do cuộc sống không dư giả, nên anh chị chỉ mới đẻ được 1 cháu trai, dự tính xây nhà xong, tích cóp được một chút, mới tiếp tục đẻ đứa nữa. Có chút vốn liếng, vợ chồng anh Viết xin ông bà Rạng cho ra ở riêng. Ông bà Rạng cắt cho một mảnh đất rộng rãi ngay trước mặt, chếch về phía phải nhà bố mẹ, cạnh bờ ao. Vợ chồng anh Viết đã xây một ngôi nhà rộng rãi, khang trang, có sân vườn đầy đủ.

Anh Viết xây nhà xong một thời gian, thì cậu em Trần Văn Út đã phá ngôi miếu để xây nhà riêng cho vợ chồng mình. Vậy là, trên mảnh đất rìa xóm 9, có 3 ngôi nhà của 3 bố con ông Rạng quây quần bên nhau, đi chung một ngõ. Hồi xảy ra sự việc, cậu con duy nhất của vợ chồng anh Viết mới tròn 5 tuổi.


Ngôi miếu nhỏ trong vườn nhà ông Rạng 
Ngay khi anh Trần Văn Út khởi công xây nhà, thì anh Viết, anh trai của Út tự dưng hay ốm đau, khật khừ, tính tình trở nên khó hiểu. Lúc anh kêu đau chỗ này, lúc kêu đau chỗ kia, nhưng đi khám thì chẳng ra bệnh gì. Anh này cũng không ăn uống gì lạ, chỉ ăn con cua, con cá bắt được ở cánh đồng, dưới ao. Do hay kêu đau, đi khám lại không ra bệnh, nên có người đặt câu hỏi rằng, hay là anh này bị thần kinh?

Trước hôm chuẩn bị đổ mái nhà em trai, anh Viết tự dưng rú lên sợ hãi, rồi lăn đùng ra đất co giật, mắt cứ trợn lên, nhìn thấy toàn lòng trắng, như thể sắp lòi ra ngoài. Thấy tính mạng anh Viết có thể gặp nguy hiểm, nên cậu Út nổ xe máy, mọi người lấy vỏ chăn quấn chặt anh Viết, rồi một thanh niên ngồi sau xe máy ôm, phóng nhanh lên thị xã, cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình.

Các bác sĩ đã nhanh chóng cho anh nhập phòng cấp cứu, cho thở ô xi. Được tiêm thuốc trợ sức, thở bình ôxi, nên anh Viết dần tỉnh táo lại. Suốt mấy ngày ở bệnh viện, các bác sĩ đã cho chiếu chụp tim, phổi, não, xét nghiệm máu, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra bệnh gì. Trong máu anh Viết cũng không có dư lượng chất độc nào cả. Nằm viện vài hôm, khỏe lại như thường, anh được xuất viện.

Khi đó, các loài vật ở nhà anh Út, anh Viết và của bố mẹ đã lăn ra chết rải rác sạch sẽ, chỉ còn mỗi con vịt đẻ kỳ quái là sống khỏe, nên gia đình đã sợ hãi, nghĩ đến chuyện phạm phải vấn đề tâm linh nào đó.

Mọi người cũng liên hệ chuyện thần linh quở phạt với sự đau yếu, đặt biệt là cảnh tượng lăn đùng ra đất co giật, đến mức suýt chết mà không tìm ra bệnh của anh Viết, khiến không khí trong gia đình càng trở nên ngột ngạt.

Từ bệnh viện về nhà buổi chiều, thì đến đêm anh Viết có vẻ đuối sức, cứ đi lại khật khừ. Sáng hôm sau, ông Nguyễn Văn Thung chạy sang, thì thấy mọi người ngồi trong nhà đông đúc, còn anh Viết ngồi trên giường, mặt mũi cứ tái nhợt. Anh Viết chẳng nói chẳng rằng, cứ nhìn mọi người với ánh mắt buồn bã.

Bà Đào, em gái ông Thung, mẹ đẻ anh Viết thì cứ liên tục đốt nhang, khấn vái ở bàn thờ. Bà khóc lóc cầu xin thánh thần tha mạng cho cậu con trai của mình. Tầm 8 giờ sáng, anh Viết đòi nằm xuống giường. Anh nằm ngửa, cứ lịm đi, rồi chết. Một cú giật cứng người, và anh ra đi mãi mãi.

Chị vợ anh Viết là người phụ nữ dũng cảm, mạnh mẽ, không tin chuyện mê tín bao giờ. Tuy nhiên, thấy sự việc diễn ra khó hiểu, lại bị mọi người nói ra nói vào, khiến tâm tính chị bất an, lo lắng cho sinh mệnh cậu con trai duy nhất của mình.

Càng về sau, chứng kiến nhiều sự kiện lạ, chị vợ anh Viết càng hãi hùng. Sự lo lắng lên đến tột đỉnh khi cậu con trai duy nhất của vợ chồng anh Viết liên tiếp lăn ra ngất, sau khi xảy ra cái chết của bố, cùng chú, ông nội. Đã mấy lần gia đình phải cấp tốc đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện. Cũng như bố, bệnh viện không tìm ra nguyên nhân khiến cháu bé này liên tục bị choáng, ngất, co giật sùi bọt ở miệng.

Sợ hãi quá, chị đã phải gửi con về quê ngoại, cách quê nội chừng 10 cây số. Điều đặc biệt là cháu ở nhà ngoại thì không sao, nhưng cứ có việc về quê nội, thì lại lăn ra bất tỉnh nhân sự.

Hôm tổ chức trăm ngày cho ông nội, cháu bé đã lăn ra ngất cùng với nhiều người trong gia đình. Cũng may, gia đình đưa đi bệnh viện kịp thời, nên mạng cháu còn giữ được. Dù là người gan dạ, nhưng sợ hãi trước những lời đồn, chị đã cho cháu làm con nuôi một gia đình khác, để cháu mang họ khác, là người của gia đình khác.

Tuy nhiên, dù cháu đã là con của dòng họ khác, nhưng khi về nhà, làm tang lễ cho người thân, cháu bé vẫn lăn ra ngất. Đến hôm bà Nguyễn Thị Đào, mẹ chồng chị mất mạng, là người không phải trong họ Trần, thì ngay trong đêm, mọi người đã đưa 2 mẹ con trốn khỏi ngôi làng nhỏ ở xã Vũ Tây.

Đích thân mấy người trong họ Trần, cùng những người bên ngoại đã góp tiền, rồi đưa hai mẹ con lên tận bến xe Thái Bình để vào tuột trong Nam, tránh xa vùng đất với đại gia đình đang chìm trong chết chóc khủng khiếp với những lời đồn hãi hùng. Hai mẹ con sống trong Nam từ đó đến nay, không dám về lại quê chồng ở xã Vũ Tây nữa.

Còn tiếp…
Cái chết khủng khiếp diễn ra liên tục và bí ẩn với đại gia đình ông Trần Văn Rạng (xóm 9, xã Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình). Đầu tiên là cái chết của anh Trần Văn Viết (con trai ông Rạng). Tiếp theo là cái chết của ông Trần Văn Rạng, rồi bà Nguyễn Thị Đào (vợ ông Rạng), anh Trần Văn Út (con trai ông Rạng), cháu Trần Quốc Khánh (cháu nội ông Rạng, con anh Út), bà Phạm Thị Tâm (mẹ ông Rạng). Tất cả những cái chết này đều bí ẩn, chưa tìm ra nguyên nhân, khiến người dân đồn đại không ngớt.

(Theo VTCNews) Hùng Đặng – Đỗ Hương
17:24

Thả giá bán lẻ, vàng về sát thế giới bằng... niềm tin?

Nhiều hy vọng và hứa hẹn giá vàng về sát thế giới sau khi các ngân hàng tất toán xong trạng thái vàng, nhưng với tình hình thị trường thực tế có vẻ đang ngược chiều.
Sáng 28/6, nhìn vào bảng niêm yết giá bán 35,1 triệu đồng/lượng, người ta kinh ngạc với đà tuột dốc không phanh của vàng một phần, nỗi kinh ngạc còn lớn hơn với mức chênh lệch mua bán như thách thức: từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Chưa bao giờ chênh lệch mua bán bị đẩy xa khủng khiếp như vậy.

Nhưng cũng chỉ ít giờ sau cán đáy 35,1 triệu, vàng tăng vọt lên 36,6 triệu, rồi nhanh chóng đặt giá 37 triệu đồng, trong khi giá thế giới chỉ tăng được 8-9 USD/ounce trong chốc lát rồi lại quay về 1230-1204 USD/ounce. Nguyên nhân chẳng được giải thích, nhưng nhìn vào dòng người ồ ạt đổ đi mua vàng, khiến cửa hàng cháy vàng miếng, vàng phi SJC vốn bị chê ỏng chê eo cũng lập tức được người dân gật đầu mua đại, mua vét, đến nỗi hiệu vàng tỉnh ngoài không còn vàng chỉ lẻ, chỉ bán cho người có tiền mua từng lượng trở lên. Như thế đủ thấy quyền lực của các đại lý kinh doanh vàng được cấp phép chính thức với thị trường này.

 
Người dân đi mua vàng căng thẳng theo dõi bảng giá vàng điều chỉnh liên tục. Ảnh: Quỳnh Anh
Kể từ khi lập đỉnh trên 1.900 USD/ounce năm 2011, đến thời điểm này giá vàng đã giảm hơn 30%. Hàng loạt quỹ đầu tư lớn xả vàng. Nhưng với thị trường nội địa, điểm yếu là khách hàng vẫn bị các nhà kinh doanh vàng "nắm thóp".

Thời điểm ngân hàng tất toán trạng thái vàng, trả nợ vàng cho dân đã thực sự khép lại, vì 2 ngày cuối cùng rơi vào 2 ngày nghỉ cuối tuần. Câu hỏi đặt ra là liệu sau 30/6, giá vàng trong nước có khả năng thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, khi mà nhu cầu mua vàng của ngân hàng để trả nợ đã gần như không còn?

Theo thông tin từ NHNN thì con số chưa hoàn thành tất toán của một số ngân hàng "còn rất nhỏ", chỉ khoảng 2% tổng số. Tuy nhiên, 2% này tương đương với khối lượng cụ thể bao nhiêu thì NHNN không công bố. 

Trong điều hành thị trường vàng, trước phản ánh từ dư luận cho rằng vẫn còn những hạn chế trong chính sách, mức chênh lệch còn ở mức khá cao. Tại kỳ họp Chính phủ 6 tháng đầu năm vừa kết thúc chiều 28/6, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, giải pháp trước mắt vẫn là ổn định thị trường vàng, ổn định tỷ giá đồng Việt Nam. Đến thời điểm này các NH đã tất toán các khoản vàng huy động, những yếu tố bất ổn sẽ khắc phục trong thời gian tới.

Cũng tại kỳ họp này, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN “không gia hạn cho bất cứ một NH nào trong việc tất toán vàng. Không du di cho một ai hết. Cứ hết tháng 6 là kết thúc”.

Nếu theo đúng dự đoán, sau khi các ngân hàng tất toán xong trạng thái vàng, nhu cầu mua vào của ngân hàng để trả nợ không còn, trong khi nguồn vàng chảy về trả lại cho người dân từ ngân hàng đã đáp ứng xong, thì nhu cầu thị trường cũng giảm bớt. Thêm nữa, hy vọng vào việc kéo sát giá vàng trong nước với giá thế giới sau ngày 30/6-thời điểm hoàn thành tất toán- đã được nhiều chuyên gia và nhà đầu tư kỳ vọng. 

Nếu về sát với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sẽ chỉ còn khoảng 30-31 triệu đồng mỗi lượng, tức thấp hơn mức bán lẻ trên thị trường hiện tại xấp xỉ 6,5 triệu đồng. Nhưng liệu có ngân hàng, công ty kinh doanh vàng nào muốn mất trắng 5-6 triệu đồng mỗi lượng vàng cho số vàng còn trong kho? Cùng với đó, việc NHNN đấu thầu vàng cho thị trường, cung ứng khối lượng dồi dào nhưng việc các đầu mối kinh doanh mua vàng về, bán ra khối lượng bao nhiêu và giá bán lẻ NHNN không quyết định được. Với việc NHNN độc quyền nguồn cung bán buôn nhưng thả nổi giá bán lẻ, thì giá có về ngang thế giới hay không là chuyện không khó trả lời.

Chuyện vàng SJC ngày 28/6 tăng vọt giá lên 37 triệu đồng, tăng 2 triệu trong ngày trong khi giá thế giới chỉ nhích lên chút ít rồi quay về giá cũ, cho thấy rõ điều này.

"Sẽ khó có thể trông chờ giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới với quan điểm điều hành thị trường vàng hiện nay cùng với mục tiêu hạn chế vàng hóa nền kinh tế", ông Trần Quốc Quýnh, chuyên gia cao cấp của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam nhận định trên báo Diễn đàn doanh nghiệp.

Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng VN từng khẳng định quan điểm muốn thị trường vàng trở nên bình thường thì điều quan trọng nhất vẫn phải làm cho thị trường vàng liên thông với thế giới. Để làm vậy, cần cho phép thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia. Nhiều quốc gia đã thực hiện cách này, bởi nếu thị trường liên thông với thế giới thì sẽ thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, người nắm giữ còn với cách quản lý như hiện nay thì chênh lệch giá vàng chắc chắn sẽ tiếp tục được duy trì.

Và khi người dân khi còn phải chạy theo những biến động giá không đi đúng quy luật thị trường, thì bất ổn sẽ vẫn thường trực.
(Theo Infonet.vn) Hương Giang
16:15

Chàng trai Bắc Giang giành ngôi vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2013

(PetroTimes) - Tăng tốc xuất thần, Hoàng Thế Anh - học sinh chuyên Toán Trường THPT chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) đã xuất sắc giành ngôi vô địch Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 13.
Với kiến thức vượt trội, Hoàng Thế Anh đã có một buổi thi khá ấn tượng, các phần câu trả lời đều rất xuất sắc. Mặc dù phần thi Về đích không đem lại điểm nào cho em, nhưng với kết quả cao ở các phần trước, Hoàng Thế Anh vẫn giành điểm cao nhất (285 điểm) và đoạt vòng nguyệt quế.
 
Hoàng Thế Anh và niềm vui chiến thắng bên thầy cô, bạn bè.
Giải Nhì thuộc về Đào Nguyễn Thạnh Hưng, học sinh lớp 12 Trường Hóa Trường PT Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM. Đây là lần thứ 3 trường PT Năng Khiếu ĐH Quốc gia TP HCM có thí sinh lọt vào trận chung kết Olympia. Hai thí sinh Bùi Tứ Quý và Thân Ngọc Tĩnh cũng đã xuất sắc giành vé vào chung kết những năm trước đó.
Đồng giải Ba thuộc về các bạn Vũ Hoàng Sơn, học sinh lớp 12 hóa Trường THPT Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nộ và bạn Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu - huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đây là lần đầu tiên trường THPT Phan Đăng Lưu có một thí sinh lọt vào trận chung kết, và là thí sinh thứ 2 đưa cầu truyền hình về với tỉnh Nghệ An, sau thí sinh Trần Thị Thu Hà (THPT Nguyễn Xuân Ôn - Diễn Châu) ở chung kết năm thứ 7.
Trong niềm vui chiến thắng, thầy Bạch Đăng Khoa - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Bắc Giang bắt nhịp các cổ động viên với khẩu hiệu quen thuộc "Thế Anh, Thế mới là Anh". Thầy chia sẻ: “Đây là kết quả không làm chúng tôi bất ngờ và là thành quả xứng đáng của một thời gian dài không ngưng nghỉ cố gắng của tất cả các thầy cô và bản thân Thế Anh. Thời gian qua, để giúp Thế Anh chuẩn bị tự tin nhất về mặt tâm lý và kiến thức, các thầy cô nhà trường đã lập nên một nhóm cố vấn đủ các lĩnh vực và ứng dụng phương pháp dạy và học mới nhất”.
Thầy Đoàn Văn Hùng, Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Bắc Giang cũng không giấu được niềm xúc động khi kể về cậu học trò của mình. Ấn tượng của thầy Hùng với Thế Anh là một học sinh không chỉ học giỏi, luôn đứng tốp đầu về thành tích học tập mà còn là cầu thủ bóng đá, tay vợt cầu lông cừ khôi.
Trước khi bước vào trận chung kết, nhà vô địch Olympia Hoàng Thế Anh cho biết, điều quan trọng nhất với bạn vẫn là việc học để thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư Điện tử hoặc Viễn thông của Trường Đại học Bách khoa. Với 12 năm học sinh giỏi toàn diện, đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, Thế Anh là một tấm gương, được các học sinh trong trường yêu mến gọi là "Huyền thoại của Chuyên Bắc Giang".
(Theo Năng lượng mới) Minh Phương
 16:02

Vụ nữ sinh tố “bồ” của mẹ: Gã tình hờ lãng tử với tiền án cướp tài sản

(GDVN) -Ông P được nhiều người đánh giá là người khá điển trai và có phong cách lãng tử. Tuy nhiên theo dư luận và nhiều người đánh giá rằng ông P lại là kẻ chuyên phá hoại hạnh phúc người khác.

Gã tình nhân lãng tử

Nguyễn Văn P (SN 1969, tạm trú tại TP. Vinh) người bị em NTT (SN 1996, học sinh tại một trường THPT ở TP. Vinh) tố cáo sàm sỡ được không ít người đánh giá là kẻ có duyên trong ăn nói và có phong cách lãng tử.
Từ một gia đình hạnh phúc đầm ấm sự có mặt của P đã khiến gia đình anh Nguyễn Bá T bị tan vỡ

Ngay cả nạn nhân “tố” ông P, em NTT cũng thừa nhận: “Lúc đầu khi biết mẹ với ông ấy có tình cảm với nhau cháu ghét ông ấy lắm. Nhưng lâu sau cháu thấy ông ấy cũng là người không đến nỗi”.

Còn cô Phạn Thị H, nguyên Hiệu Trưởng Trường tiểu học hiện chị H đang công tác cũng cho rằng: “Có một lần ông P có vào nhà tôi nói chuyện tình cảm với cô H. Tôi thì ít gặp ông P nhưng qua lần đó tôi cũng thấy ông ấy là người có phong cách bề ngoài rất lãng tử. Dung mạo và ăn mặc khá lịch sự. Còn cách nói chuyện của ông P cũng thuộc dạng dễ nghe”.

Theo hồ sơ từ CQĐT cung cấp thì ông Nguyễn Văn P hiện đang tạm trú tại một xã ở TP Vinh và hộ khẩu đăng ký tại một phường ở TP. Vinh. Ông P đã có một đời vợ và có một đứa con với người vợ đầu này.
Anh Nguyễn Bá T vừa bực tức và buồn bã khi nói về cuộc tình ngang trái của vợ mình

Năm 1999 ông P bị bắt về tội cướp tài sản và bị toà án xử 8 năm tù giam vì tội danh trên. Nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội của ông P là do đi đòi nợ. Tuy nhiên, trong lúc đòi nợ ông P đã dùng dao đe doạ con nợ và bị bắt ngay sau đó.

Đến năm 2005 ông P được ra tù trước thời hạn và ly hôn với người vợ cũ tên V và để cho người vợ nuôi con. Riêng ông P sau đó đã về mua đất và tạm trú tại một xã ở TP Vinh với nghề nghiệp sửa chữa xe máy từ đó đến nay.

Ông Phạm Hồng Vân – Phó Trưởng Công an xã Nghi Đức (TP. Vinh) cho biết: “Trong thời gian tạm trú tại đây ông P làm nghề sửa xe máy và luôn chấp hành tốt mọi quy định tại địa phương không có biểu hiện gì đặc biệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây do chuyện trai gái gì đó nên ông cũng ít ở nhà”. 

Có hay không là kẻ chuyên phá hoại hạnh phúc người khác?

Trong quá trình tìm hiểu về ông P người bị em NTT tố có hành vi sàm sỡ em thì PV báo Giáo dục Việt Nam có một số thông tin từ người dân về cuộc sống không mấy tốt đẹp của ông P. Theo đó, ông P ngoài việc đã có vợ và có một đứa con thì ông P còn có quan hệ ngoài luồng với một người phụ nữ chưa có chồng khác tại huyện Nghi Lộc, Nghệ An và có một đứa con. Hiện tại người phụ nữ này đang làm nghề bán thuốc tây y. Hiện mối quan hệ này ông P và cô gái này vẫn chưa dứt hẳn mà vẫn còn thỉnh thoảng qua lại.
Hai chị em NTT rơi nước mắt khi nhớ lại quãng thời gian gia đình hạnh phúc trước kia

Điều đáng nói hơn ngoài việc có tình cảm với cô H một người đã có gia đình chồng con khiến gia đình này tan vỡ. Theo một số người dân cho biết trước đó ông P cũng đã có quan hệ tình cảm tương tự với một cô giáo tên L cũng đã có chồng con cũng dạy học tại TP. Vinh làm gia đình này cũng suýt bị tan vỡ...

Anh H.V.T một người biết về chuyện tình này của ông P cho biết: “Trước khi có chuyện cặp bồ với cô H ông P cũng đã từng có quan hệ ngoài luồng với một cô giáo đã có chồng tại TP.Vinh khiến gia đình này suýt tan vỡ. Có thời gian cô giáo này đã bỏ luôn cả chồng con để đi theo ông P.

May mắn hơn gia đình cô H là những người con của cô giáo này đã lớn và có biện pháp răn đe với ông P nên mới cắt được mối tình ngang trái này. Hiện cô giáo này đã về sinh sống với chồng con tại TP. Vinh. Tuy nhiên, tình cảm vợ chồng cũng bị rạn nứt nhiều từ khi xảy ra chuyện này”.

Để kiểm chứng thông tin này chúng tôi đã tìm gặp nhân vật được xem là người tình cũ của ông P nhưng không nhận được sự hợp tác. Như vậy, nếu đúng nếu có chuyện này thì ông P được xem như là một kẻ chuyên đi phá hoại hạnh phúc của người khác? Cùng với đó nhiều người cũng cho hay việc ông P có tình cảm với các cô giáo trên và cô H không phải là do yêu đương mà là do một số lý do tế nhị khác.

Bức xúc vì hành động của ông P anh Nguyễn Bá T (chồng cô H) cho biết: “Hắn là một kẻ chuyên đi phá hoại hạnh phúc của những gia đình như gia đình tôi. Nếu như là một kẻ có lương tâm thì hắn đã không đến rồi lôi kéo dụ dỗ vợ tôi làm gia đình tôi tan nát như bây giờ. Không những vậy hắn còn bòn rút lấy đi bao tài sản trong gia đình tôi mà do tôi và vợ tôi bao nhiêu năm cố gắng bòn góp mới có được”.

Cháu N.T.T cũng cho biết: “Không biết ông ấy cho mẹ cháu ăn phải bùa mê hay sao mà ông ấy nói gì mẹ cũng nghe. Mẹ còn lấy hết toàn bộ đồ đạc sắm sửa lâu nay trong nhà đưa cho ông ấy. Cháu thương mẹ nhưng không biết làm sao nên đành đi theo mẹ để mong mẹ có ngày tỉnh ngộ nhưng không ngờ tý nữa thì …”

Trao đổi về vụ việc trên CQĐT Công an TP. Vinh cho biết: “Sau khi nhận được đơn của cháu T chúng tôi cũng đã vào cuộc điều tra. Ông P là người đã có tiền án về tội “cướp tài sản”. Chúng tôi cũng đã gọi ông P lên làm việc. Hiện vụ việc vẫn đang được chúng tôi tiếp tục điều tra làm rõ”.
(Theo GDVN) X. Hoà
10:45

Chuyện buồn khó tin và lời cầu chúc nhà văn Lê Lựu

Chuyện buồn khó tin và lời cầu chúc nhà văn Lê Lựu 

Nhà văn Lê Lựu (trái - đang viết giấy yêu cầu) và nhà văn Trung Trung Đỉnh (ảnh chụp ngày 20.6.2013). Ảnh: Y TRANG

Chuyện buồn đến với nhà văn Lê Lựu cũng đã dăm năm nay, sau việc ly dị người vợ thứ hai, ông đã “từ con” khi vợ con quyết định “giải tán” ngôi nhà tại Lý Nam Đế (Hà Nội). Mấy năm nay bị ốm đau bệnh tật, ông chủ yếu sống tại Trung tâm Văn hóa danh nhân - đường Tam Trinh, Hà Nội - nơi ông là giám đốc.
Và cũng theo một tờ báo và vài tờ báo mạng cùng trang mạng cá nhân, nay nhà văn Lê Lựu đang quyết đòi lại sổ đỏ mang tên người vợ cả tại quê nhà… Lại thêm một chuyện buồn, chuyện buồn đến khó tin.

Những chuyện có thể nói là rất buồn ấy nhiều người gần gũi với nhà văn Lê Lựu đã biết rõ từ khá lâu rồi. Cũng đã hơn hai năm, tôi mới có dịp đến thăm ông. Còn nhớ dạo sau Tết Tân Mão- 2011, vợ chồng nhà báo Hữu Tính (nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại TPHCM) là người bạn học cùng quê, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đưa tôi đến mảnh đất “hương hỏa” của Lê Lựu. Khi ấy ông còn khá khỏe, chỉ có đôi chân rất yếu. Trí nhớ còn tốt và tương đối linh hoạt, khi nói thỉnh thoảng có nước mắt nhưng vẫn hay cười… Thế nhưng buổi trưa ngày ngày 20.6 này, dường như mọi việc đã khác hơn nhiều. Khi nhà báo Hữu Tính, nhà văn Trung Trung Đỉnh (vốn là đàn em thân quý của Lê Lựu từ hồi còn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội) và tôi - cũng đã quen biết nhà văn Lê Lựu khoảng 30 năm - đến Trung tâm Văn hóa danh nhân thăm ông và có ý định rủ ông về quê chơi.

Ông vừa ăn xong, da dẻ vẫn khá, có thể tự đi lại với chiếc gậy nhưng vẻ như thần sắc không được tốt lắm. Ông nói khó khăn hơn dù vẫn rành rẽ, nhưng không khóc và cũng thiếu vắng nụ cười. Lê Lựu vẫn ở trong một căn phòng tại tầng trệt, có gióng tập đi, có máy tập - sau này được biết là của con gái- chị Lê Thị Lương- mua tặng bố, vẫn có cán cán bộ, nhân viên của Trung tâm Văn hóa danh nhân chăm sóc… Chúng tôi đã nói với ông về những mong mỏi không chỉ của mình, mà có lẽ là của nhiều người thân thiết, gần gũi ông rằng, tuổi ông đã cao, sức đã yếu nên điều cần nhất giờ đây là sức khỏe,  sống bình tâm, thanh thản để hy vọng ông còn có thể cầm bút viết tiếp. Nhưng Lê Lựu không mặn mà lắm với những lời như thế. Ông vẫn đau đáu và trầm uất vì việc muốn “đòi lại” sổ đỏ. Ông không muốn về quê. Sau đó, ông viết vào giấy nhờ nhà báo Hữu Tính một (việc) như sau, bởi khi chúng tôi hỏi ông cần gì.

Ông vẫn nói về sổ đỏ và rằng theo lời khuyên của bác sĩ, ông phải ăn nhiều rau quả nên ông muốn có “quyền trồng cây cối hoa màu (trên) mảnh đất ấy” và bà Mỹ “phải viết giấy cam đoan là không phá hoại hoặc ngăn cấm”.

Chúng tôi về Khoái Châu với lòng nặng trĩu vì chuyện buồn thật khó tin này. Sự thật về mảnh đất ấy chẳng có gì là khó hiểu. Là bạn đồng hương, nhà báo Hữu Tính rõ hơn chúng tôi. Nhưng việc bạn nhờ, ông vẫn làm. Sau khi đưa tờ giấy Lê Lựu viết, chị Lê Thị Lương đã đưa mẹ ký vào tờ giấy cam kết: “Thực tế tôi chưa bao giờ ngăn cản ông và đến nay tôi vẫn cam kết và mong muốn ông Lê Lựu về cùng con cháu cúng giỗ tổ tiên, trồng rau ở vườn, không bao giờ tôi ngăn cản”. Chị Lương nói rằng, gia đình luôn tha thiết mong ông về quê nhà tĩnh dưỡng, nhưng ông không chịu và đã đưa nhiều lần chìa khóa nhà cửa ở quê nhưng do ông làm mất hoặc để quên đâu đó, chứ không ai ngăn cản ông. Chị đưa cho chúng tôi xem “biên bản họp gia đình bàn về quyền sử dụng đất thổ cư” ngày 18.4.2012 của gia đình ông Lê Lựu tổ chức tại thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên, bao gồm “ông Lê Lựu, bà Mỹ, chị Lê Thị Lương” cùng một số họ hàng, cháu trai của ông Lê Lựu.

Nội dung đã thống nhất hai điều: 1. Ông Lê Lựu có quyền sử dụng mảnh đất và tài sản trên mảnh đất này đến khi từ trần. 2. Sau khi ông Lê Lựu và bà Hoàng Thị Mỹ mất đi, mảnh đất này sẽ được giao cho con gái là Lê Thị Lương toàn quyền sử dụng với mục đích thờ cúng tổ tiên, cha mẹ, chị Lương không được chuyển nhượng cho ai và anh Lê Văn Soát (cháu trưởng) là người đứng ra tổ chức cúng giỗ tổ tiên gia đình hằng năm. Biên bản được xác nhận của chính quyền từ thôn, xã đến tận UBND huyện là một việc hiếm có, bởi nhà văn Lê Lựu là danh nhân quê hương của cả Hưng Yên, luôn được quý trọng, nể vì.

Ấy thế nhưng mọi việc không theo những chuẩn mực và những nguyên tắc đã được toàn bộ những người trong cuộc thống nhất, thừa nhận. Chúng tôi không hiểu sao lại có những bài đăng trên báo viết, trên báo mạng cùng những trang mạng cá nhân đã nói sai sự thật để đến mức chính các cháu ruột của nhà văn Lê Lựu cũng nhất mực phản đối. Ngày 15.6.2013 các cháu của Lê Lựu gồm Lê Văn Soát (cháu trưởng) cùng các anh Lê Động, Lê Văn Tảo, Lê Văn Trại viết đơn phản ứng quyết liệt vì những nội dung không đúng của một bài báo đã “gây tổn hại đến uy tín và danh dự gia đình và gây ra sự bức xúc cho con cháu anh em, mất ổn định trong gia đình”.

Một số nhà báo, nhà văn từng viết để “bênh vực”, “thương cảm” Lê Lựu cũng là bè bạn của chúng tôi và có thể họ chưa có điều kiện biết được tất cả sự thật, cái lý và cả cái tình trong những chuyện buồn của một nhà văn đáng quý của chúng ta. Vì thế, những gì viết về ông chưa đúng cũng nên thông cảm. Chúng tôi nghĩ, điều quan trọng chính là ở nhà văn Lê Lựu. Chuyện lý, chuyện tình sẽ ra sao khi ông cứ đòi chuyển tên sổ đỏ của người vợ đầu (đã ly dị), trong khi bà ấy chỉ có một đứa con (với ông), không hề đi bước nữa, bao năm qua vẫn ở ngôi nhà ấy, chăm sóc bố mẹ ông cho đến khi họ mất - sang tên mình? Ngay cả việc có sổ đỏ đứng tên ông - dù rằng vô cùng là khó - thì ông được hay mất, cái gì nhiều hơn, hay chỉ là sự cay đắng, đau đớn không chỉ với ông mà còn là của những người thân trong gia đình, dòng tộc?

Lê Lựu không phải là một người thiếu thốn về vật chất. Điều đó là rõ ràng. Nhưng nay ông thấy còn thiếu gì, cần những gì thì có lẽ chỉ mình ông mới hiểu được. Mong sao nhà văn Lê Lựu luôn tỉnh táo, vững vàng và có nghị lực mạnh mẽ. Hy vọng mọi việc tốt đẹp hơn sẽ đến với ông trong những năm tháng nhiều thử thách này. Chúng tôi viết bài này với niềm mong mỏi cùng lời cầu chúc nhà văn Lê Lựu như thế.
Đỗ Quang Hạnh (Báo Lao Động)
10:04

Quỹ bình ổn bị “lạm dụng?

Nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại tiền nhàn rỗi từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có thể bị lạm dụng trong những thời điểm chưa được huy động vào mục đích bình ổn giá

Tuy chưa có quyết định cuối cùng về việc duy trì hay bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính đã khẳng định tại kỳ họp Quốc hội vừa qua rằng sắp tới sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể về việc công khai tình hình trích lập, sử dụng quỹ này trên trang thông tin điện tử của bộ, mỗi quý một lần vào tháng đầu quý. 
 
Theo các chuyên gia, thực chất của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vận hành lâu nay
là khoản tiền người sử dụng “ứng trước” cho doanh nghiệp. Ảnh: TẤN THẠNH
Sử dụng quỹ chưa đúng mục đích
Thực chất của quỹ bình ổn vận hành lâu nay là khoản tiền người sử dụng “ứng trước” cho doanh nghiệp (DN) và “nhờ” DN cân đối khi có biến động. “Quỹ do dân góp nhưng dân không biết được sử dụng thế nào, không biết giám sát ra sao. Thực tế, nhiều thời điểm đã có hiện tượng DN lỗ ít mà xả quỹ cao. Như thế là không công khai, minh bạch” - TS Lê Đăng Doanh đặt vấn đề.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng không thể nói quỹ này không minh bạch vì thực chất trích lập bao nhiêu, sử dụng và còn lại bao nhiêu thì kiểm toán hoàn toàn nắm được. Nói một cách chính xác là quỹ đã bị sử dụng chưa đúng mục đích. Trong khi chưa sử dụng đến phần tiền nhàn rỗi đã trích lập thì DN có thể sử dụng quỹ vào việc khác, sau này vẫn sẽ hoàn lại khi có yêu cầu xả quỹ để bình ổn giá xăng dầu.
Nhiều ý kiến cho rằng số tiền này có thể đã bị các thương nhân đầu mối “chiếm dụng” để biến thành nguồn vốn lưu động không phải trả lãi trong hoạt động kinh doanh của mình. Như vậy, nhà nước bị thiệt hại mà người tiêu dùng cũng bị “lợi dụng”.
DN nên chia sẻ
Tuy thừa nhận những tác dụng nhất định trong việc bình ổn giá khi có biến động trên thị trường xăng dầu thế giới nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng cần xem xét lại cách trích lập và sử dụng nguồn tiền này.
“Nhiều người cho quỹ bình ổn là không cần thiết nhưng theo tôi là cần vì trong nền kinh tế thị trường thì hoạt động kinh doanh, nhất là kinh doanh xăng dầu đối mặt với rủi ro lớn. Đúng ra phải có hợp đồng kỳ hạn bảo hiểm về giá nhưng chúng ta không làm được thì cần thiết phải lập ra quỹ bình ổn” - ông Ngô Trí Long nói. Ông cũng lưu ý khi tiếp tục duy trì quỹ phải làm rõ nguồn hình thành từ đâu. Hiện nay mới chỉ buộc người tiêu dùng đóng quỹ thông qua giá thành nhưng câu hỏi đặt ra là DN có nên tham gia đóng góp không? Cần làm rõ khi nào được sử dụng quỹ, lúc chưa sử dụng thì phải làm sao cho nguồn tiền đó sinh lời và phải quản lý được.
Nhiều chuyên gia cho rằng với quy mô quỹ lên tới hàng trăm tỉ đồng nhàn rỗi chưa được huy động vào mục đích bình ổn giá xăng dầu, nếu không được huy động để tạo ra của cải vật chất thì sẽ là thiệt hại rất lớn. “Một lượng lớn tiền mặt nằm im một chỗ, không lưu thông sẽ tạo ra ảnh hưởng không nhỏ cho nền kinh tế” - một chuyên gia kinh tế nhận định và cho rằng nếu tiếp tục duy trì quỹ thì có thể cho phép DN sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi làm vốn để phục vụ mục đích kinh doanh nhưng phải trả lãi bằng lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, hình thức này chỉ có giá trị khi DN được phép hoạt động theo cơ chế thị trường thực sự, có sự điều tiết của nhà nước chứ không phải theo kiểu mệnh lệnh hành chính xin - cho như hiện nay.

Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thì nhà nước nên cố định thuế nhập khẩu bằng giá trị tuyệt đối trong 1 năm, sau đó trích một phần từ nguồn thuế đó để tạo lập quỹ. Giải pháp này có ưu điểm là tạo ra nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước, giúp thực hiện tốt chính sách an dân, giảm bức xúc xã hội về mặt hàng thiết yếu này.
(Theo NLĐ) PHƯƠNG NHUNG
Gọi là Quỹ bình ổn nhưng thực chất đây cũng là một loại Phí - Phí xăng dầu, được thu thông qua quá trình doanh nghiệp bán hàng hóa là xăng dầu. Pheo Pháp lệnh Phí và Lệ phí (Số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28 tháng 08 năm 2001). Cũng theo Pháp lệnh này, về nguyên tắc Phí, Lệ phí phải được nộp vào Ngân sách Nhà nước (chỉ trừ một phần cho việc chi phí thu phí mà với việc bán xăng dầu thì chi phí này không đáng kể). Việc chi tiêu ngân sách Nhà nước phải tuân theo Luật Ngân sách. Hiện nay các cơ quan quản lý để lại Quỹ này cho doanh nghiệp tự khấu trừ bình ổn là chưa đúng nguyên tắc, pháp luật quy định. Thiết nghĩ BTC, BCT cần tham mưu cho Chính phủ quản lý Quỹ này đúng quy định, tránh bị lợi dụng, trục lợi.
Thương Giang
09:30

Chạy theo phong trào xổi

Suốt tuần rồi, nhất là hai ngày qua, dòng người ùn ùn đổ về những tiệm vàng. Đọc mấy cái tít trên vài tờ báo lớn Chen nhau vét mua vàng, Giá vàng lên, chen nhau mua cũng đủ hình dung ra cảnh thị trường vàng tấp nập, sôi động ra sao.

Dường như có cả phong trào “người người sắm vàng, nhà nhà mua vàng” trên một đất nước vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhất là thiếu vốn để thúc đẩy sản xuất. Có chi bất thường trong động thái đậm màu kinh tế - xã hội này?
Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới đang xuống đến mức thấp nhất trong vòng hơn 3 năm qua, và đưa ra cảnh báo nếu ai có nhu cầu mua vàng thực sự cũng cần phải cân nhắc, thậm chí còn khuyên không nên mua vàng vào thời điểm này. Điều dễ hiểu là mua vàng khi giá vàng lao dốc sẽ chịu thiệt hại bởi mất lãi suất tiền gửi, đó là chưa kể giá vàng trong nước đang có khoảng cách rất lớn so với giá thế giới, mà khoảng cách này chắc chắn sẽ được Ngân hàng Nhà nước rút ngắn lại; sau thời điểm các ngân hàng thương mại tất toán xong trạng thái vàng (ngày 30.6) giá vàng trong nước có thể còn biến động mạnh nếu vàng thế giới tiếp tục giảm. Và điều quan trọng là hiện tại nhà nước không khuyến khích việc kinh doanh, lưu trữ vàng miếng vì vàng dạng đó sẽ trở thành vốn chết, không tạo ra giá trị gia tăng của cải vật chất cho xã hội, mà ngược lại còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế, lãng phí một nguồn vốn to lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước…
Dù sự phân tích ấy đã được báo chí truyền thông nêu rất nhiều lần nhưng một bộ phận không ít dân chúng, thậm chí cả những người thu nhập thấp, xưa nay chả mấy quan tâm đến vàng vẫn hăng hái, nhắm mắt nhắm mũi vung tiền ra mua vàng. Cũng có thể do họ thiếu lòng tin vào sự phục hồi, phát triển nền kinh tế, cũng có thể ai đó có nhu cầu thực sự nhưng dư luận cho rằng phần lớn người kéo nhau đi mua sắm vàng là bởi “thấy người ta mua thì mình cũng phải mua” kẻo lỡ ít bữa nữa giá lên thì sao. Nếu không thế, tại sao lại đông người mua đến vậy. Theo họ, cái gì đã thành phong trào thì ít khi sai lắm.
Cảnh chen lấn mua vàng theo phong trào ăn xổi ở thì, bất chấp lợi hại có lẽ khiến chúng ta liên tưởng đến khá nhiều phong trào từng diễn ra trên đất nước này, mà cái kết cục thường là thua thiệt cho người tham gia, gây tổn hại cho nền kinh tế. Mặc dù điều đơn giản nhất là muốn làm điều gì phải có hiểu biết, trình độ, kinh nghiệm về điều ấy nhưng trên thực tế người ta vẫn bất chấp.
Chắc nhiều người còn nhớ những phong trào nuôi cá trê phi, nuôi chó cảnh hồi thập niên 80-90 thế kỷ trước. Rồi phong trào chơi chứng khoán, ồ ạt trồng tiêu trồng điều, phá rừng làm thủy điện nhỏ, nơi nơi xây nhà máy đường, nhà máy xi măng lò đứng công nghệ cũ, bỏ lúa trồng khoai lang… từng khiến bao doanh nghiệp, bao người điêu đứng, trắng tay. Có thể do không gặp thời vận, do rủi ro khách quan, tuy nhiên không thể không nhắc tới yếu tố quan trọng: “làm theo phong trào” bất cần biết lợi hại thế nào. Dân gian gọi kiểu ấy là “thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào”. Cứ chạy theo phong trào xổi, lúc rút được bài học kinh nghiệm thì cái giá đắt đã phải trả trước rồi.
(Theo Thanh niên) Nguyễn Thông
Rất nhiều người cũng vì theo tâm lý bầy đàn mấy năm trước “ôm” vàng khi đang ở mức giá 47-48 triệu đồng/lượng. Thế rồi từ đó đến nay giá vàng xuống dần, tuy có lúc trồi sụt. Nếu số vàng đó được giữ đến nay, họ cầm chắc thua lỗ mươi triệu đồng mỗi lượng (còn nếu số tiền đó được gửi ngân hàng lãi suất 14% lúc đó-2011, thì bây giờ sẽ khác rất nhiều). Các chuyên gia từng nhiều lần cảnh báo cùng nhiều bài viết phân tích khá sắc sảo, lô gic về diễn biến giá vàng và sự rủi ro với những nhà đầu tư thứ kim loại này. Đầu những năm 2000, giá vàng chưa đến 450USD/oz. Khi giá vàng vọt lên ngưỡi 1900USD/oz, nhiều chuyên gia đã khẳng định “quả bóng vàng” sắp vỡ bởi nó đã được “bơm” 10 năm liên tục. Một khi giá vàng đã tăng liền 10 năm thì không có lý gì nó sẽ không giảm trong nhiều năm tới?
Thương Giang
08:15

 “Mỹ nghe lén cả trụ sở Liên Hợp Quốc và EU”

(Dân trí) - Đây là thông tin gây chấn động mới nhất liên quan đến những tài liệu mật mà cựu điệp viên Snowden tiết lộ với báo giới, được một tờ báo của Đức đăng tải. Chủ tịch nghị viện châu Âu đã lập tức lên tiếng yêu cầu tiến hành điều tra thông tin trên.

Trụ sở NSA tại Mỹ 
Trụ sở NSA tại Mỹ
Theo hãng tin RIA Novosti của Nga, thông tin được tạp chí Der Spiegel của Đức số ra ngày hôm nay (30/6) tiết lộ. Theo đó, “những tài liệu mật mà người tố giác Edward Snowden có được và Spiegel được xem một phần” cho thấy, Cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ (NSA) đã nghe lén cả các văn phòng của Liên minh châu Âu (EU) tại Mỹ
Một tài liệu của NSA, đề năm 2010, đã gọi Liên minh châu Âu là một “địa điểm mục tiêu”.
“Tài liệu này cho thấy, ngoài việc cài thiết bị nghe lén trong các tòa nhà tại trung tâm Washington, DC, mạng máy tính của cơ quan đại diện EU cũng bị đột nhập. Với cách này, người Mỹ có thể tiếp cận các cuộc thảo luận trong các văn phòng của EU cũng như các bức thư điện tử và tài liệu nội bộ trên máy tính”, Der Spiegel khẳng định.
Và cũng theo tài liệu này, các đại diện của EU tại Liên Hợp Quốc cũng bị theo dõi theo cách thức tương tự.
Thông tin mà Der Spiegel có được còn cho thấy, NSA từng đứng đằng sau một “chiến dịch nghe trộm điện tử”, rõ ràng nhắm tới tòa nhà Justus Lipsius, nơi làm việc của Hội đồng Bộ trưởng EU và Hội đồng châu Âu.
Tờ tạp chí của Đức khẳng định, khoảng 5 năm trước, các quan chức an ninh châu Âu đã chú ý “tới vài cuộc gọi nhỡ rõ ràng nhắm tới hệ thống bảo trì từ xa tại tòa nhà Justus Lipsius. Các nhân viên an ninh sau đó đã lần theo dấu vết các cuộc gọi đến tổng hành dinh của NATO tại ngoại ô của Brussels.
Một phân tích chính xác cho thấy các cuộc tấn công vào hệ thống viễn thông đã được thực hiện từ một khu nhà tách biệt so với phần còn lại của trụ sở NATO, nơi các chuyên gia của NSA sử dụng”
Ngay khi hay thông tin trên, chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã khẳng định với hãng tin Reuters rằng, nếu thông tin trên là chính xác, nó sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng” tới mối quan hệ giữa EU và Mỹ.
“Thay mặt Nghị viện châu Âu, tôi yêu cầu làm rõ toàn bộ và đề nghị cung cấp thông tin thêm một cách nhanh chóng từ giới chức Mỹ liên quan đến cáo buộc này”, ông Schulz khẳng định trong một bức thư điện tử.
Trong khi đó, trong ngày hôm qua, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm cho Tổng thống Ecuador Rafael Correa đề nghị không cho cựu điệp viên CIA Edward Snowden tị nạn chính trị.
Hiện Snowden đang phải đối mặt với các tội danh: đánh cắp tài sản quốc gia, tiết lộ trái phép thông tin quốc phòng và cố ý tiết lộ các tài liệu tình báo mật. Mỗi tội danh này có thể khiến Snowden lãnh án tối đa 10 năm tù.
Theo ông Correa, ông Biden “đã truyền tải yêu cầu một cách lịch sự từ nước Mỹ đối với việc từ chối đề nghị” xin tị nạn chính trị của Snowden.
Vị Tổng thống Ecuador cho biết đã trả lời phó Tổng thống Mỹ rằng: “Cảm ơn ngài phó Tổng thống vì đã gọi điện. Chúng tôi luôn đề cao nước Mỹ. Chúng tôi không muốn ở trong tình thế này”. Nếu ông Snowden có tới “lãnh thổ Ecuador” mang theo đề nghị đó, “những người đầu tiên chúng tôi tham khảo ý kiến sẽ là Mỹ”.
Thanh Tùng
Theo BBC, RIA Novosti
08:03

Công nghệ giữ tươi đến 10 năm

Nhật Bản đã chuyển giao cho Việt Nam công nghệ bảo quản nông sản, thực phẩm (CAS) hiện đại nhất hiện nay. Nông thủy sản sẽ được giữ tươi ngon đến 99,7% so với lúc vừa thu hoạch trong thời gian lên đến 10 năm.

10 năm vẫn tươi như mới



“Đây là công nghệ rất hiện đại, có giá lên đến hàng triệu USD. Sắp tới nếu thành công, tin rằng không chỉ quả dưa hấu, các loại nông sản khác có thể bảo quản được vài tháng, có thể tới vài năm”


Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân

Nhiều năm nay, nông dân luôn lâm vào cảnh được mùa mất giá. Các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, thường xuyên bị thương lái của Trung Quốc ép giá. Dưa hấu, vải thiều... nhiều lúc phải bán tống bán tháo, đổ đi vì ế ẩm.
Thông qua hợp tác quốc tế, Tập đoàn ABI (Nhật Bản) vừa chuyển giao cho Việt Nam công nghệ CAS (Cells Alive System). “Đây là công nghệ rất hiện đại, có giá lên đến hàng triệu USD. Sắp tới nếu thành công, tin rằng không chỉ quả dưa hấu, các loại nông sản khác có thể bảo quản được vài tháng, có thể tới vài năm”, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân nói.
Theo ông Trần Ngọc Lân, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển vùng (Bộ Khoa học - Công nghệ), người phụ trách dự án, CAS là công nghệ hoạt động theo nguyên lý kết hợp giữa đông lạnh nhanh ở nhiệt độ -45 độ C với từ trường, đối tượng được đông lạnh là hải sản, nông sản, thực phẩm... Các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh trong thực tế, sau từ 1 đến 2 năm, thậm chí là 10 năm tùy theo sản phẩm, thực phẩm sau khi bảo quản có chất lượng tươi ngon đạt 99,7% so với khi mới thu hoạch. “Tức là hôm nay đưa vào con cá, con tôm, quả vải, quả quýt, cây nấm..., 1 năm sau, 2 năm sau vẫn như mới. Trong khi ở Việt Nam, hoa quả đã qua thuốc bảo quản cũng chỉ để được cùng lắm 2 tháng. Gạo sau 1-2 năm bị mủn. Còn ở Nhật, hoa quả tối đa 5 năm, gạo 10 năm vẫn y nguyên”, ông Lân cho biết.
Việc Việt Nam sở hữu công nghệ CAS có thể coi là một sự kiện khó tin bởi đây là công nghệ vô cùng mới trong lĩnh vực công nghệ bảo quản nông sản, hải sản, thực phẩm mà không phải quốc gia nào cũng tiếp cận được. Ông Norio Owada, Chủ tịch Tập đoàn ABI (Nhật Bản), đồng thời là nhà sáng chế độc quyền công nghệ CAS cho biết: “Tôi mong muốn công nghệ CAS được chuyển giao vào Việt Nam sẽ giúp người làm nông nghiệp, ngư dân, hay những người chăn nuôi gia súc có cuộc sống tốt hơn. Hoa quả xuất khẩu, nếu không có kỹ thuật bảo quản sẽ chóng hỏng, khi đó giá thành sẽ thấp. Khi Việt Nam sử dụng công nghệ của chúng tôi, các bạn có thể đưa nguyên liệu hay sản phẩm ra các nước trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới với giá thành cao hơn. Đó cũng là lý do phía Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam là nước thứ 8 chuyển giao công nghệ này".
Công nghệ giữ tươi đến 10 năm
Nông dân sẽ đỡ phải lo cảnh được mùa mất giá - Ảnh: Ngọc Thắng
Giải bài toán khó cho nông nghiệp
Theo ông Trần Ngọc Lân, nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất cao vì thực phẩm nhiệt đới có hương vị, chất lượng, màu sắc thơm ngon được người tiêu dùng các nước phát triển rất ưa chuộng. Bên cạnh các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như gạo, cá ba sa, cá ngừ, tôm sú..., có hơn 50 loại trái cây đặc sản mà thế giới rất thích như: vải thiều, nhãn lồng, thanh long, xoài, măng cụt, dứa...
Quá trình chuyển giao và hợp tác sẽ chia làm 3 giai đoạn. Bước đầu tiên (2013 - 2014), xây dựng trung tâm công nghệ CAS, 3 sản phẩm được lựa chọn thử nghiệm là: quả vải, tôm sú và cá ngừ. Giai đoạn 2 (2015 - 2016) sẽ chuyển giao công nghệ CAS ở một số doanh nghiệp hải sản, nông sản Việt Nam; Giai đoạn 3 sẽ chuyển giao chế tạo thiết bị CAS tại Việt Nam; đồng thời thành lập Liên doanh sản xuất và xuất khẩu nông sản, hải sản, thực phẩm Việt Nam bằng công nghệ CAS (với thị trường Nhật Bản và các nước khác).
Phòng thí nghiệm CAS đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 6. Ông Lân chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là công nghệ CAS sẽ góp phần vào công cuộc đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch để giải một trong các bài toán khó của phát triển nông nghiệp hàng hóa, đó là bảo quản tươi hải sản và nông sản nhiệt đới Việt Nam để xuất khẩu và phục vụ dân sinh”.
“Hiện đang là mùa vải nên chúng tôi chọn vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm thử nghiệm đầu tiên. Mục tiêu trước mắt, sẽ bảo quản trong 6 tháng. Sau đó, tiến tới có thể lưu trữ quả vải trong vòng 1 năm. Nghĩa là tới đây, không riêng người tiêu dùng có thể mua vải thiều ăn quanh năm mà đặc sản này có thể xuất khẩu sang tận Mỹ và các nước châu Âu”, ông Lân nói.
CAS được 33 nước, lãnh thổ công nhận
Công nghệ CAS là sáng chế độc quyền của Nhật Bản và được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp hải sản, thịt gia súc gia cầm, nông sản, thực phẩm ở Nhật Bản. Trên thế giới, bằng sáng chế của công nghệ CAS được công nhận ở 22 nước, vùng lãnh thổ và khối EU (11 nước). Hiện nay, CAS được áp dụng ở Mỹ (cá ngừ), Canada (quả thanh quất), Mexico (quả bơ và xoài), Ireland và Anh (hải sản, cá ngừ...), Hàn Quốc...
(Theo Thanh niên) Thu Hằng