Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013


14:15
Tiết lộ về khủng hoảng suýt gây đại chiến thế giới 3

TPO - Cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân trên quốc đảo Cuba nếu không có sự tỉnh táo, sáng suốt của các lãnh đạo hai cường quốc, có thể trở thành chiến tranh thế giới thứ 3 có sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tiền Phong giới thiệu những thông tin về các hoạt động quân sự được Quân đội Liên bang Xô viết triển khai trong sự kiện khủng hoảng tên lửa Cuba - vùng biển Caribê 
 Khủng hoảng tên lửa đạn đạo Caribeen
Khủng hoảng tên lửa đạn đạo Caribeen.
Tích bão từ giông tố
Ngày 1 tháng 1 năm 1959 nhà lãnh đạo cách mạng Fidel Castro đã tuyên bố Cách mạng XHCN Cuba dành thắng lợi. Nhà nước và nhân dân Xô viết cũng hòa chung niềm vui thắng lợi và nồng nhiệt chúc mừng nhân dân Cuba dành thắng lợi lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista và xây dựng nhà nước Cách mạng Cuba. Trên nguyên tắc tinh thần đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chủ nghĩa quốc tế vô sản. CCCP đã công nhận cuộc cách mạng của nhân dân Cuba và nhà nước Cộng hòa Cuba, hướng tới mục đích giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm xây dựng một xã hội tự do và dân chủ, bảo vệ đất nước Cuba mới độc lập và tự chủ, thành quả vĩ đại của cách mạng Cuba.
Tháng 6 năm 1960. Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên xô, Chủ tịch đoàn chủ tịch Xô viết tối cao Liên xô N.S Khrushchev tuyên bố: “ Chúng ta sẽ làm tất cả, để giúp đỡ Cu ba trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc…bây giờ nước Mỹ không còn là một nước không thể với tới được, như đã từng không thể ”. Sau đó, nhà cách mạng Che Guevara phát biểu trên đài phát thanh tiếng nói Cuba, đã tuyên bố rằng: “..nếu Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Cuba, người Mỹ sẽ được thử vũ khí hạt nhân của Liên bang Xô viết”.
Tình hình chính trị - quân sự trên thế giới vào thập niên 60 - x của thế kỷ 20 mang đặc trưng đấu tranh quyết liệt giữa hai hệ thống, hệ thống tư tưởng cách mạng, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đang dâng cao đồng thời với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Liên bang Xô viết, cũng từ hệ tư tưởng đế quốc chủ nghĩa, các hoạt động chống phá phong trào cách mạng quốc tế của chủ nghĩa đế quốc cũng làm cho mối quan hệ đối đầu giữa CCCP và Mỹ, Châu Âu, châu Á rất quyết liệt, xuất hiện những tình huống khủng hoảng mang tầm thế giới, như cuộc Khủng hoảng Beclin và sự hình thành bức tường Beclin, các hành động đối đầu và thù địch trong các mối quan hệ ở châu Âu, vùng Viễn đông và trong vùng biển Caribeen.
Sự xuất hiện một nước Tự do – độc lập ngay kề nước Mỹ, gần với khu vực châu Mỹ la tinh đã cho người Mỹ thấy một thực tế nguy hiểm, người Mỹ đã hoàn toàn mất Cuba, cánh cửa bảo vệ châu Mỹ. Chính vì vậy, chính phủ Mỹ phải tính đến một hành động can thiệp bằng quân sự với mục đích giành lại Cuba, nhưng không sử dụng quân đội Mỹ, nhằm tránh xung đột với CCCP. Tháng 3 năm 1960. Tổng thống Mỹ D. Eisenhower ký sắc lệnh cho phép Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ CIA thực hiện các hoạt động “Tổ chức, trang bị vũ khí và huấn luyện chiến đấu những người vượt biên, những lính đánh thuê Cuba, từng hoạt động trong chế độ độc tài Batista, đã nhập cư vào nước Mỹ, tổ chức lực lượng xung kích bạo loạn nhằm lật đổ Nhà nước cách mạng non trẻ của Cách mạng Cuba đứng đầu là chủ tịch Fidel Castro.
Vào tháng 6 năm 1960. Bộ trưởng Bộ quốc phòng - Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba Raul Castro, người anh em của Chủ tịch Fidel Castro – nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc Cuba đã tới Matxcova. Cuộc gặp gỡ và hội đàm đã mang lại những đồng thuận về sự giúp đỡ, hợp tác giữa hai nhà nước đồng thời đã ký bản Thông cáo chung, trong bản thông cáo chung này đã xác định nghĩa vụ và trách nhiệm lâu dài của Liên bang Xô viết trong quan hệ đối ngoại với Cuba. Bản Thông cáo chung hoàn toàn không bí mật, nhà nước Xô viết trong tháng 7 năm 1960, đã hai lần cảnh báo chính phủ Mỹ về khả năng CCCP sẵn sàng giúp đỡ nước Cộng hòa Cuba cơ sở vật chất và trang bị chiến tranh, cho đến khả năng sẵn sàng đưa lực lượng vũ trang cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Cuba trong các hoạt động phòng thủ bảo vệ hòn đảo tự do. Nhưng chuyến hàng viện trợ quân sự từ vũ khí trang bị, cơ sở vật chất trong dự bị chiến lược từ chiến tranh thế giới thứ 2 được chuyển đến Cuba. Trong giai đoạn này, Liên bang Xô viết đã viện trợ đến Cuba 30 xe tăng T34-34-85 và SU-100.
Ngày 8 tháng 10 năm 1960. John Fitzgerald Kennedy dành thắng lợi trong bẩu cử Tổng thống Mỹ và ngày 20 tháng 1 năm 1961 trở thành chủ nhân của Nhà trắng. Theo những bài phát biểu và sắc lệnh của Kennedy được công bố trên các phương tiện truyền thông, thế giới thấy rằng ông ta đang trở thành một Roosevelt mới. Kennedy phát biểu: có hai cường quốc quân sự vĩ đại trên thế giới đang sở hữu quá đủ những loại vũ khí tối tân nhất, ngân sách cho phát triển các loại vũ khí hiện đại vô cùng lớn, cả hai quốc gia đều cảm giác thế giới sẽ không an toàn khi các nước tiếp tục phát triển vũ khí nguyên tử, và chúng ta cần phải cố gắng xây dựng lòng tin, để vũ khí nguyên tử không bao giờ được sử dụng.
Nhưng tình hình ở khu vực Caribbê vẫn vô cùng phức tạp, tình trạng đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Cuba vẫn duy trì và không có dấu hiệu chùng xuống. Thất bại của nhóm quân phiến loạn và lính đánh thuê đổ bộ tại Vinh Con lợn (Hiron) vào tháng 4 năm 1961 đã biến vấn đề Cuba trở thành một điểm yếu để đối thủ công kích John Kennedy. Xung đột giữa Mỹ và Cuba phát triển lên đến một cấp độ nguy hiểm, nhen nhóm ngọn lửa thù địch và bùng nổ thành chiến tranh.
Liên bang Xô viết nhiều lần cảnh cáo Mỹ không làm nóng thêm tình hình căng thẳng quanh khu vực Cuba. Đồng thời thông báo, trong trường hợp có nguy cở xảy ra chiến tranh, CCCP sẽ tiến hành tất cả hoạt động giúp đỡ và viện trợ không giới hạn, bao gồm cả các hoạt động quân sự nhằm bảo vệ và phòng thủ nước Cộng hòa XHCN non trẻ Cuba.
Mỹ không chú ý lắm đến những cảnh báo của Liên bang Xô viết. Trong vùng biển Caribbean lực lượng quân sự Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự lớn với cường độ cao. Những hoạt động quân sự bao gồm: hoạt động huấn luyện đổ bộ của lính thủy đánh bộ Mỹ, các chuyến bay trinh sát đường không diễn ra hàng ngày, bao vây cấm vận kinh tế hòn đảo Tự do. Những hoạt động đó chứng tỏ người Mỹ đã nâng tình trạng đối đầu lên một tầm cao mới, và đồng thời trong thời điểm đó đã đưa mức độ của sự căng thẳng lan rộng ra toàn thế giới.
Nhà nước Liên bang Xô viết quyết định nâng tầm viện trợ giúp Cuba với cấp độ cao hơn. Ngày 4 tháng 8 và ngày 30 tháng 9 năm 1961, chính phủ hai nước đã ký thỏa thuận cung cấp vũ khí trang bị, khí tài trên điều kiện ưu đãi nhất. Kế hoạch viện trợ quân sự với tổng giá trị lên đến 150 triệu đô la, nhưng Cu ba chỉ phải trả chậm với giá thành là 67,5 triệu đô la. Đến tháng Ba năm 1962 Các tầu chở hàng Xô viết đã chuyển đến Cuba 400 xe tăng, 40 máy bay tiêm kích MiG 15 và MiG 19, các trạm radar, các khí tài quân sự và vũ khí trang bị. Cùng với các chuyến hàng quân sự, phương tiện chiến đấu, cơ sở vật chất, những đội chuyên gia quân sự đầu tiên cũng đến Cuba (300 cán bộ chuyên gia). Các chuyên gia và huấn luyện viên quân sự bắt đầu huấn luyện các cán bộ, chiến sĩ Cuba, đồng thời, hoạt động học tập, huấn luyện cũng được tiến hành trong các trường quân sự trên lãnh thổ liên bang Xô viết. Để tăng cường khả năng phòng thủ của Cuba. Ngày 12 tháng 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên bang Xô viết đã ra quyết định viện trợ cho Cuba 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-75 SAM-2, 10 máy bay cường kích ném bom IL-28, 4 hệ thống tên lửa hành trình chiến thuật chống tầu P-15, đồng thời tăng cường thêm 650 chuyên gia và cố vấn quân sự.
Trên đất nước Cuba, với sự giúp đỡ của các chuyên gia, các cố vấn quân sự, các phiên dịch viên đã triển khai các hoạt động huấn luyện chiến đấu, các cố vấn và chuyên gia quân sự huấn luyện các kíp trắc thủ, các kíp xe tăng, thiết giáp, học tập nghiên cứu kỹ chiến thuật tác chiến hiện đại và những đặc trưng đặc thù khi sử dụng vũ khí công nghệ hiện đại trong điều kiện thực tế của chiến trường cho cán bộ chiến sĩ Cuba. Nhớ lại những ngày ấy, Chủ tịch Fidel Castro nhận xét: Những chuyến hàng viện trợ từ hệ thống các nước XHCN, chủ yếu từ Liên bang Xô viết là nguồn sống và hy vọng duy nhất mà Cuba nhận được trong tình hình đất nước lâm nguy, khi đứng trước sự lựa chọn vô cùng khó khăn: tự do hay là thành quả cách mạng bị tiêu diệt.
Tình hình chính trị - quân sự trong khu vực địa chính trị quanh biên giới liên bang Xô viết cũng diễn biến phức tạp và căng thẳng vào đầu năm 1962. Mỹ đã triển khai các hệ thống tên lửa ở châu Âu ngay sát biên giới Liên bang (triển khai ở Anh là 60 tên lửa Tor, Ý là 30 tên lửa Jupiter và ở Thổ Nhĩ kỳ là 15 tên lửa Jupiter, trên không phận Liên bang Xô viết liên tục có các chuyến bay trinh sát của Mỹ, rà quét lãnh thổ CCCP.
Đặc biệt, nhà nước Liên bang vô cùng lo lắng với các đầu đạn tên lửa được triển khai tại Thổ Nhĩ kỳ. Theo nhận xét của Bộ trưởng Bộ quốc phòng, nguyên soái Liên bang Xô viết R.Y. Malinowski, từ đó đến Matxcova, tên lửa của Mỹ bay mất 10 phút. Ngoài ra so sánh cán cân số lượng đầu đạn hạt nhân tại thời điểm lúc đó, Liên bang Xô viết có 405 đầu đạn hạt nhân chiến lược, nhưng số lượng đầu đạn của Mỹ gấp 15 lần là thấp nhất. Cần nhanh chóng tiến hành một giải pháp đáp trả, nhằm hạ nhiệt nguy cơ chiến tranh trên thế giới, giảm đi sự đối đầu giữa hai hệ thống CNXH và CNĐQ, giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân, buộc Mỹ và Anh phải bước vào đàm phán về vũ khí hạt nhân trên chiến trường châu Âu. .
Ngày 20 tháng 5 năm 1962 N.S. Khrushchev, sau khi quay trờ về từ chuyến công tác ở Bungaria, tại điện Kremlin đã diễn ra một cuộc họp quan trọng với Bộ trưởng Bộ ngoại giao A.A. Gromyko, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên xô ông A.I. Mikoyan, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyên soái Liên bang Xô viết R.Y. Malinowski. Trong buổi họp, Tổng bí thư trình bầy ý định tăng cường sự hiển diện của lực lượng vũ trang CCCP ở Cuba, đồng thời triển khai trên hòn đảo Tự do tên lửa tầm trung với đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Ngày 24 tháng 5 trong Hội nghị mở rộng của Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Liên xô với sự tham gia của các thành viên ủy ban Quốc phòng Liên bang. N.S. Khrushchev đưa vấn đề thảo luận ra trước hội nghị, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Liên bang Malinowski phát biểu với đề nghị tăng cường sự hiển diện của lực lượng vũ trang, tổ chức Cụm quân lực trên Cuba và chuyển tên lửa tầm trung lên đảo Tự do. Phát biểu chống lại đề nghị này chỉ có ủy viên A.I.Mikoyan, nhưng, các ủy viên Ban chấp hành TW, thuộc Ủy ban Quốc phòng đã ủng hộ Khrushchev và bỏ phiếu đồng thuận với quyết định triển khai tên lửa tầm trung trên đất nước Cuba.
Sự nhất trí với đề nghị của CCCP từ phía Cuba được ký kết trong chuyến thăm của Phái đoàn ngoại giao nhà nước Liên bang Xô viết tại Cuba vào ngày 29 tháng 5 năm 1962. Đoàn ngoại giao bao gồm có Bí thư thứ nhất nước cộng hòa Uzbekistan Sh.R. Rashidov, ủy viên Bộ chính trị Liên xô, đại sứ Liên bang Xô viết tại Cuba, ông A.I.Alexseiev, tư lệnh trưởng lực lượng tên lửa chiến lược Liên bang - Nguyên soái Liên xô S.S. Biryuzov, phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Xô viết Trung tướng Không quân S.I. Ushakov, đại diện chính thức của Cục tham mưu điều hành tác chiến lực lượng Không quân Thiếu tướng P.A. Ageev. Ngày 29 tháng 5, phái đoàn được gặp Raul Castro và Fidel Castro và trình bày đề nghị của Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Liên xô. Đề xuất của phái đoàn gây một sự hiểu lầm và ngạc nhiên lớn đối với Fidel Castro, nhưng những thông tin cung cấp về ý đồ chiến lược của chính phủ Mỹ đã gây sự quan tâm chú ý của Fidel. Fidel yêu cầu có một thời gian để thảo luận với các đồng chí trong Đảng cộng sản Cuba và nhà nước Cuba.
Như đã biết, ngày 30 tháng 5 , Fidel hội đàm với nhà cách mạng Ernesto Che Guevara. Nội dung cuộc hội đàm được giữ hoàn toàn bí mật. Trong ngày, Fidel Castro đưa ra sự đồng thuận cho Phái đoàn của chính phủ Liên xô. Đồng thời, cũng đưa ra quyết định, trong tháng 7, Ông Raul Castro sẽ có chuyến viếng thăm chính thức Matxcova và thống nhất các chi tiết của kế hoạch. 
Nhiệm vụ phát triển dự án kế hoạch triển khai lực lượng quân sự CCCP lên Cuba được giao cho Phó tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Xô viết – Tư lệnh trưởng Cục điều hành tác chiến chiến lược của Bộ tổng tham mưu Quân đội Liên xô, Thượng tướng S.P.Ivanov. Trong Cục điều hành tác chiến chiến lược hình thành Tiểu ban đặc nhiệm, chỉ huy trưởng là Đại tá I.G.Nhicolaiev, biên chế trong ban là các tướng lĩnh và sĩ quan điều hành cao cấp của Bộ Tổng tham mưu thuộc các cơ quan điều hành tác nghiệp khác nhau, bao gồm cả Cục điều hành tổ chức cán bộ, các Trung tâm điều hành – thông tin và Cục tài chính Bộ quốc phòng.

Kết quả là, ngày 10 tháng 6 năm 1962, đã hoàn thành các văn bản - kế hoạch chuẩn bị và tiến hành các hoạt động cho phương án triển khai lực lượng quân sự tại Cuba với tên gọi là Chiến dịch Anadyr, do thời gian đặc biệt ngắn, kế hoạch được quyết định ngay không có phê chuẩn, và có phương án triển khai tức khắc sau khi nhận được sự nhất trí của Chủ tịch Fidel Castro.
Chiến dịch được mã hóa dưới kế hoạch diễn tập với nhiệm vụ chuyển quân lực và binh khí kỹ thuật bằng đường biển đến các địa điểm khác nhau trên lãnh thổ Liên bang Xô viết. Để đảm bảo chiến dịch được tiến hành thuận lợi, Bộ hải quân Liên bang được yêu cầu tham gia chiến dịch. Theo những tính toán ban đầu của Cục điều hành tác chiến Bộ tổng tham mưu, để thực hiện kế hoạch vận chuyển tên lửa, lực lượng theo biên chế, vũ khí trang bị, khí tài và cơ sở vật chất hậu cần kỹ thuật cần 4 tháng. Quân số theo yêu cầu nhiệm vụ là 44 000 cán bộ chiến sĩ. Để vận chuyển lực lượng theo dự toán cần không dưới 70 tầu vận tải biển.
Theo ý kiến của các kiến trúc sư kế hoạch của chiến dịch. Điều đó dẫn đền cần nghi binh đánh lừa quân đội Mỹ về vị trí đến và loại hàng vận tải. Tất cả các cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch cũng như lực lượng vận tải, hộ tống được thông báo, họ sẽ cơ động về hướng Chukotka. Để tăng cường thêm độ tin cậy của thông tin, các toa tầu chở đầy áo lót lông và quần áo da được đưa đến các cảng vận tải. Nhưng dù được ngụy trang kỹ càng và trên diện rộng, bản thân chiến dịch vẫn có một yếu điểm: không thể che đậy được tên lửa dưới tầm quan sát của máy bay trinh sát U-2, thường xuyên bay lượn trên bầu trời Cuba.
Chính vì vậy, kế hoạch được phát triển với dự kiến, Mỹ sẽ phát hiện ra tên lửa trước khi các bệ phóng được lắp đặt, và tên lửa được đưa vào bệ phóng. Chỉ có một giải pháp duy nhất mà các chuyên gia quân sự có thể tìm ra – có kế hoạch lắp đặt các bệ phóng tên lửa phòng không SAM-2 đã có sẵn tại Cuba tại những điểm lắp đặt tên lửa chiến lược.
Ngày 10 tháng 6 trong hội nghị của Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Liên xô đã thảo luận những kết quả đạt được của phái đoàn ngoại giao tại Cuba. Sau báo cáo của Sh.R. Rashidov, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Liên xô Nguyên soái R.Y. Malinowski dã trình bày trước hội nghị toàn bộ kế hoạch đã được chuẩn bị cho chiến dịch và những hoạt động đã được triển khai cho vận chuyển tên lửa. Đề nghị triển khai tại Cuba hai loại tên lửa đạn đạo: R-12 (bán kính tầm bắn hiệu quả là 2000 km) và R-14 (bán kính tầm bắn hiệu quả là 4000km). Cả hai loại tên lửa này đều được lắp đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ là 1 MT. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác định chính xác số tên lửa được dự kiến lắp đặt là 40 tên lửa, trong đó có 24 tên lửa R-12 và 16 tên lửa R-14. Tên lửa sẽ được lấy từ các trận địa ở Ucraina và một phần ở nước Nga vùng biên giới với Châu Âu. Sau khi lắp đặt được tên lửa tại Cuba, số lượng đầu đạn hạt nhân có thể tiếp cận lãnh thổ nước Mỹ tăng lên gấp đôi.
Đến ngày 20 tháng 6 để tham gia vào chiến dịch Anadyr, đã tổ chức một Cụm lực lượng hỗn hợp quân đội Xô viết tại Cuba. Tư lệnh trưởng Cụm quân lực hỗn hợp là Đại tướng I.A. Pliev, phó Tư lệnh Cụm quân lực hỗn hợp là tướng P.B. Dankevich. Biên chế vào Cụm quân lực hỗn hợp: sư đoàn tên lửa chiến lược số 51. Sư đoàn trưởng – thiếu tướng I. Statsenko, trong biên chế của sư đoàn có tên lửa tầm trung R-12 và R-14, 4 trung đoàn BBCG tăng cường, mỗi trung đoàn có biên chế quân số và trang bị tương đương một lữ đoàn chiến thuật, 2 sư đoàn tên lửa phòng không, hai căn cứ trạm xưởng kỹ thuật tên lửa, một trung đoàn không quân tiêm kích (40 máy bay MiG 21), một phi đội độc lập (11 máy bay), một trung đoàn máy bay trực thăng chiến đấu Mi- 4 (33 chiếc) và hai trung đoàn tên lửa hành trình chiến trường (mỗi trung đoàn 8 bệ phóng tên lửa chiến thuật).
Lực lượng hải quân bao gồm một liên đội chiến hạm mặt nước và một lữ đoàn tầu ngầm (biên chế 11 tầu ngầm), liên đội theo biên chế có 2 tầu tuần dương, hai tầu khu trục tên lửa và hai tầu khu trục pháo hạm, lữ đoàn tầu tên lửa hạng nhẹ có 12 tầu phóng tên lửa. Một trung đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển (8 bệ phóng tên lửa Sopka – hệ thống tên lửa chống tầu); trung đoàn không quân ngư – thủy lôi (33 máy bay IL-28), phân đội đảm bảo kỹ thuật tầu (hai tầu chở dầu, 2 tầu vận tải biển và 1 ụ nổi). Theo kế hoạch đã được phê chuẩn, tất cả các đơn vị đều được biên chế vũ khí, khí tài mới nhất và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất lúc đó.
Cuối tháng 6 năm 1962, Bộ trường Bộ quốc phòng Raul Castro đến thăm chính thức và làm việc tại Matxcova, R.Castro cùng làm việc với người đồng cấp ông R.Y. Malinowskivà ký một hiệp ước bí mật giữa hai Nhà nước Cộng hòa Cu ba và Nhà nước Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết về việc triển khai lực lượng quân sự của Liên xô trên lãnh thổ nước Cộng hòa Cuba.
Ngày 27 tháng 8 năm 1962. Tổng bí thư N.S. Khrushchev tiếp nhận những sửa đổi và bổ xung dự thảo Hiệp ước ban đầu của Chủ tịch Fidel Castro. Bản cuối cùng của Hiệp ước có nêu rõ rằng: Liên bang Xô viết, nhằm tăng cừng khả năng phòng thủ, đối mặt với những nguy cơ gây chiến của các thế lực đế quốc từ bên ngoài, sẽ đưa lực lượng quân sự của mình đến Cuba, nhằm mục đích: ``Bảo vệ Hòa bình trên toàn Thế giới``. Trong trường hợp các thế lực phản động gây chiến tranh chống lại nước Cộng hòa Cuba hoặc tấn công Lực lượng quân đội Xô viết trên lãnh thổ Cuba, nhà nước Cuba và CCCP, sử dung quyền tự vệ độc lập hoặc liên kết để tự vệ, theo điều 51 của Hiến chương Liên hiệp quốc, sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hoạt động gây chiến xâm lược.
Chiến dịch Anadyr 
Đến thời điểm này, các hoạt động chuẩn bị cho cơ động vận chuyển khí tài, vũ khí trang bị, binh lực đang triển khai hết tốc lực. Do đường vận tải hàng không giữa CCCP và Cuba chỉ mới được mở (chuyến bay đầu tiên được tiến hành vào tháng 7 năm 1962). Do đó, phương tiện vận tải duy nhất lúc này để chuyển quân là các đoàn tầu biển.
Để chuyển quân, Bộ hải quân Liên bang Xô viết tiếp nhận 85 tầu vận tải biển. Ban lãnh đạo Bộ phải tập hợp, bổ xung trang thiết bị đồng thời lựa chọn các thủy thủ đoàn để chuyển quân và khí tài, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất quân sự. Nhiệm vụ nói chung không những vô cùng khó khăn, có trách nhiệm rất cao, mà còn đặc biệt phức tạp và nguy hiểm.
Các đơn vị của Cụm quân lực hỗn hợp phải cơ động trên chặng đường dài 10 – 11 nghìn ki lô mét đường biển. Trên phần lớn hải trình, các tầu vận tải của liên đội sẽ là mục tiêu theo dõi chặt chẽ của các lực lượng trinh sát đối phương, đặc biệt trong vùng Biển Đen, Địa Trung hải và Biển Ban tích.
Là lực lượng tác chiến đa nhiệm, các đơn vị quân binh chủng hỗn hợp, thực hiện nhiệm vụ quốc tế vô sản tại Cuba, được tổ chức và biên chế từ nhiều quân khu khác nhau, Các trung đoàn BBCG được lấy từ Quân khu Leningrad (một trong những trung đoàn đó, Trung đoàn trưởng là đại tá D.T. Yazov, sau này là Bộ trưởng Bộ quốc phòng liên bang Xô viết), các đơn vị tăng thiết giáp được biên chế từ Quân khu Kiev. Để lựa chọn các ứng viên ở quân khu Leningrad, trực tiếp Tư lệnh trưởng Lực lượng bộ binh Nguyên soái Liên bang Xô viết V.I Chuikov đến gặp và nói chuyện với từng sĩ quan được lựa chọn.
Trong hội nghị tại điện Kremlin ngày 7 tháng 7 năm 1962, với sự có mặt của toàn thể ủy viên ban chấp hành TW Đảng cộng sản Liên xô. N.S. Khrushchev với cách nói thông thường, điềm đạm của mình đã thông báo: Bộ Chính trị quyết định dành cho Mỹ một sự bất ngờ khó chịu: Triển khai trên đất nước Cuba tên lửa đạn đạo, để Mỹ không thể tiến hành chiến trang xâm lược đất nước Cuba. Đã có sự đồng thuận từ phía Đảng và Nhà nước Cuba. Mục đích chủ yếu – giúp đỡ Cách mạng Cuba dành thắng lợi trước âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ”.
Toàn bộ cơ quan lãnh đạo của Liên bang Xô viết về chính trị và quân sự đều không tìm được một phướng pháp nào tốt hơn khác ngăn chặn khả năng xâm lược của đế quốc Mỹ với hòn đảo Tự do, theo những nguồn thông tin mà chúng ta có được, cuộc xâm lược đó đang được Mỹ tích cực chuẩn bị. Khi các tên lửa được triển khai trên đất Cuba, người Mỹ sẽ nhanh chóng hiểu, nếu họ muốn tính sổ với Cuba, họ sẽ buộc phải đối mặt với chúng ta.
Cũng trong hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương, N.S. Khrushchev hiểu rất rõ rằng, triển khai lực lượng quân sự trên đất nước Cuba bí mật là điều hoàn toàn không thể. Đây là một sự thật khó chấp nhận được – bởi điều kiện tiên quyết để thành công – đó là yếu tố bí mật. Đặt Oasinhton trước một sự thật đã rồi, N.S. Khrushchev dự định sau đó sẽ đẩy mạnh hoạt động đối ngoại tại Liên hiệp quốc nhằm đạt được sự đối thoại, tránh được xung đột vũ trang có thể diễn biến thành chiến tranh..
Những giải pháp chắc chắn cho vấn đề đảm bảo bí mật tuyệt đối hoàn toàn không tồn tại. Bộ máy quân sự khổng lồ của Liên bang đã khởi động, phương pháp cuối cùng có thể làm được là thay đổi trình tự triển khai quân đội trên đất nước Cuba: Thê đội vận tải số 1 là các lực lượng quân lực, thê đội vận tải số 2 là chuyên chở hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung.
Bắt đầu tiến trình vận chuyển binh lực, vũ khí, khí tài và tên lửa từ các cảng vận tải (Kronstadt, Liepaja, Baltiysk, Sevastopol, Feodosia, Nikolaev, Poti, Murmansk). Để chuyển đổi căn cứ đóng quân của một trung đoàn tên lửa đạn đạo lên tầu cần từ 17 – 18 thê đội tầu hỏa, phụ thuộc vào loại tên lửa được biên chế. Lực lượng hành quân tiền phương – trinh sát vận tải do đại tướng I.A. Pliev ngụy trang thành các chuyên gia nông nghiệp của Liên xô, kỹ sư và các kỹ thuật viên ngành thủy lợi và cải tạo đất, vào ngày 10 tháng 7 năm 1962, lên đường đến Cuba.
Đồng thời, các hải cảng vận tải của biển Ban tích, Biển Đen và Biển Baren cũng cùng lúc triển khai các hoạt động đưa trang thiết bị, khí tài và phương tiện chiến đấu lên tầu. Để xếp đủ hàng lên một chiếc tầu vận tải biển, sử dụng cần cẩu của hải cảng và của tầu, cần tới 2-3 ngày xếp hàng liên tục. Xe tăng, pháo tự hàng, các xe đặc chủng được đưa lên tầu vào ban đêm – nằm ở khoang dưới hầm tầu, ô tô và máy kéo, xe ủi được xếp lên tầu ban ngày, trên boong tầu – dưới hình thức máy móc nông nghiệp. Các xuồng phóng tên lửa được xếp trên boong tầu do kích thước và khả năng sử dụng, sau đó được đóng xung quanh thành thùng gỗ và bịt tôn tấm bên ngoài, do đó các thiết bị trinh sát hồng ngoại hoàn toàn không có khả năng quan sát phát hiện được. Để chuyên chở binh lực một trung đoàn BBCG cần 3 tầu vận tải biển và hai tầu khách.
Đưa hàng lên tầu vận tải được tiến hành trong điều kiện bí mật cao độ. Các điểm đến của cuộc hành quân không được thông báo với ngay cả sĩ quan chỉ huy cao cấp. Khi đã có mặt trong khu vực tập kết, đưa hàng lên tầu, các đơn vị không một người nào được phép bước ra khỏi khu vực quy định. Không có một phương tiện thông tin liên lạc nào với bên ngoài, không thư, không điện báo, không điện thoại. Các biện pháp bảo mật được áp dụng cả với thủy thủ đoàn và thuyền trưởng của các tầu vận tải.
Tầu vận tải của Liên xô dưới tầm kiểm soát của không quân Mỹ
Tầu vận tải của Liên xô dưới tầm kiểm soát của không quân Mỹ.
 Để chống trả các nguy cơ bị phát hiện và tấn công bằng không quân hoặc lực lượng bảo vệ bờ biển, trên các tầu vận tải được lắp các khẩu súng máy phòng không hạng nặng, ngụy trang bằng các thùng gỗ chụp lên, khi cần thiết có thể bỏ ra nhanh chóng. Đồng thời cũng tổ chức một số phân đội tác chiến đặc biệt, được trang bị súng tiểu liên và súng máy cá nhân. Đặc biệt khó khăn khi đưa binh lực xuống tầu. Hầm tầu chật người, cán bộ chiến sĩ bắt buộc phải sống trong một cái hộp sắt vô cùng nóng nực, bị lèn chặt và kín bưng trong vòng gần một tháng.
Các tầu vận tải đầu tiên ở các hải cảng khác nhau hầu như cùng một lúc xếp xong hàng và đống loạt ra khơi. Trên biển Danish xuất hiện một lượng tầu vận tải lớn di chuyển, đồng thời trên biển Bosporus và Dardanelles cũng xuất hiện rất nhiều tầu cùng hoạt động. Cảnh tượng chưa bao giờ có, các tầu chở hàng của Xô viết đồng loạt ra khơi trên biển Đen và biển Ban tích. Mới đầu, cảnh tượng chỉ làm cho người xem ngỡ ngàng, sau đó là vô cùng ngạc nhiên, và cuối cùng là những nghi ngờ, suy đoán..
Các thuyền trưởng và chỉ huy trưởng thê đội được giao 3 phong bì dán kín với những chỉ lệnh bí mật bên trong về các nội dung nhiệm vụ phải thực hiện trong các tình huống khác nhau. Phong bì thứ nhất có ghi “ Mở sau khi đã ra khỏi hải giới Liên bang Xô viết” Trên hai phong bì còn lại hoàn toàn không ghi bất cứ nội dung gì. Khi mở phong bì thứ nhất, có chỉ lệnh mở phong bì số 2 sau khi đi qua biển Bosporus và Dardanelles. Trong phong bì thứ 2 có chỉ lệnh; Mở phong bì số 3 khi đi qua biển Gibraltar. Và chỉ khi được mở phong bì thứ 3 mới có mệnh lệnh chính thức: Nhằm hướng Cuba thẳng tiến.
Toàn bộ chuyến hải hành diễn ra trong điều kiện vô cùng khắc nghiệp, nhiệt độ trong hầm tầu thỉnh thoảng lại lên đến hơn +50°С. Thức ăn được đưa 2 lần trong một ngày vào ban đêm. Rất nhiều thực phẩm: Pho mát, thịt và rau quả dưới nhiệt độ quá cao đã nhanh chóng bị hư thối và buộc phải đổ đi. Trong điều kiện khắc nghiệp và chật chội đó, đã xuất hiện bệnh tật và một vài chiến sĩ hy sinh do không chịu đựng nổi. Các liệt sĩ được chôn theo phong cách Hải quân – Quấn vào vải bạt và thả xuống đại dương.
Những gian nan cực khổ mà cán bộ, chiến sĩ Hồng quân phải chịu đựng trong chuyến hải hành bí mật lớn nhất trong lịch sử được thuật lại trong một đoạn ngắn từ hồi ký của Đại tá A.F. Shorokhova, chỉ huy trưởng thê đội hải hành trên tầu Khabarovsk: “ Ngày 20 tháng 8, tầu tiến đến gần các hòn đảo trên biển Azor, có bão lớn, biển động dữ dội, tầu lắc rất mạnh. Bệnh trên biển quật ngã tất cả chúng tôi, cả binh sĩ và sĩ quan…đã đi được hơn chục ngày. Xung quanh biển trời mênh mông. Nóng kinh khủng, cởi hết quần áo chỉ còn quần lót. Ban đêm tất cả mọi người trèo lên tìm một chỗ trên boong tầu, ban ngày máy bay Mỹ quần đảo trên con tầu vận tải. Một tầu quân sự nào đó bám đuổi theo và yêu cầu được kiểm tra. Tầu đi trong im lặng, lắng nghe và không phản hồi. Mờ sáng, chúng tôi tỉnh giấc vì tiếng rít của máy bay. Một chiếc máy bay tiêm kích của Mỹ lượn sát cột cờ tín hiệu trên boong tầu. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy bờ biển của Cuba.
Tính từ ngày 18 tháng 9 năm 1962, các tầu chiến của Mỹ liên tục bám đuổi và truy hỏi tầu Xô viết về hàng hóa đang chở trên boong tầu. Để cặp bờ các tầu chở hàng quân sự, vũ khí trang bị, khí tài chiến đấu, đã lựa chọn 11 hải cảng của Cuba, đó là các cảng Havana, Mariel, Cabanas, Bahia Honda, Matanzas, La Isabela ….ngày 19 tháng 7 các nhóm tầu tiền phương của các trung đoàn tên lửa cập cảng Cuba. Các tầu vận tải chở quân và binh khí khí tài chiến đấu bắt đầu cập cảng từ ngày 26 tháng 7. Các tiểu đoàn tên lửa đạn đạo được triển khai ở phía tây đảo Tự do gần với làng San Cristobal và trung tâm của Cuba – bến cảng Casild.
Các đơn vị chủ yếu đóng quân quanh khu vực bố trí tên lửa ở pía tây của đảo quốc Cuba, nhưng có một số tên lửa hành trình và 1 trung đoàn BBCG được điều động lên phía Đông Cuba – khoảng gần trăm km tính từ Guantanamo và căn cứ quân sự Hải quân trong vịnh Guantanamo. Ban chỉ huy và tham mưu đóng quân tại Hanava.
Ngày 9 tháng 9 chuyến tầu đầu tiên được chuyển đến Cuba có 6 tên lửa đầu tiên, đến 16 tháng 9 bắt đầu cập bến các đầu đạn hạt nhân. Tên lửa từ cảng được đưa về vị trí tập kết chỉ từ 1 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Nhưng rất nhiều người dân Cuba cũng không ngủ vào lúc đó, họ tận hưởng không khí mát mẻ buổi đêm. Cũng không ngủ một lực lượng đông đảo của tình báo Mỹ, hoạt động trên đảo Cuba. Để vô hiệu hóa các trang thiết bị tình báo của Mỹ, các điệp viên Mỹ, một lực lượng phản gián của Liên xô cũng được đưa đến Cuba dưới quyền chỉ huy của đại úy hạng I A. Tikhonov.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan an ninh của Cuba, lực lượng phản gián Xô viết đã vô hiệu hóa nhiều tổ nhóm phản gián Mỹ, ví dụ: đã định vị được đài phát tín hiệu tốc độ cao và bắt được một điệp viên CIA Inklan. Từ vụ bắt giữ này thu được một máy phát tín hiệu tốc độ cao, một máy mã hóa model mới nhất, các phương tiện viết chữ bí mật, hai súng ngắn kiểu Browning, máy ảnh hiệu Minox, bút máy – súng lục ám sát, và 14 nghìn đồng peso vàng. Cũng thời gian này lực lượng an ninh Cuba đã vô hiệu hóa một tổ chức phản cách mạng - phá hoại ngầm có tên gọi là sư đoàn Narcissus Lopez. Trong chiến dịch phản gián này, lực lượng an ninh Cuba đã bắt 237 thành viên của tổ chức này, có 4 thiếu tá tự phong, 17 đại úy, 7 trung úy, phát hiện và thu giữ 9 kho vũ khí, thu giữ một số lượng lớn dollars và peso vàng.
Triển khai các đơn vị quân đội Xô viết cùng với những khó khăn gian khổ vô cùng lớn. Đặc biệt xuất hiện các khó khăn cùng với việc triển khai và đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu của sư đoàn tên lửa. Chuẩn bị vị trí để lắp đặt bệ phóng tên lửa cho các khẩu đội cần thiết phải đặt các tấm bê tông cốt thép được sản xuất từ Liên bang, đặt các hệ thống cáp điện thoại liên lạc, đào đắp công sự và hầm trú ẩn cho đơn vị. Nhiệt độ ngoài trời rất nóng, có thể lên đến +35-40°С và hơn nữa, độ ẩm của không khí rất cao, các chỉ huy trưởng đơn vị buộc phải ra quyết định phân công làm việc và liên tục thay đổi kíp làm việc sau một giờ. Do điều kiện địa hình nền đá rất cứng, các phương tiện công binh làm việc rất kém hiệu quả, vì vậy đại đa số khối lượng đào đắp phải làm thủ công.
Theo hồi ký của A.M. Burlov, vào thời gian đó đang là phó Trung đoàn trưởng kỹ thuật vũ khí, khó khăn thực sự rất nhiều, đặc biệt là làm việc với các thành phần của liều phòng tên lửa. Tên lửa đạn đạo R-12 sử dụng thuốc phóng lỏng, nạp vào cùng với chất ô xy hóa khử, nhiên liệu lỏng và hydro peroxyt. Yêu cầu cần có những thùng chứa đặc chủng để vận chuyển các thành phần đó trên tầu vận tải, sau đó tại hải cảng Bahia Honda lại bơm từ những thùng chứa đặc chủng sang những thùng chứa tiêu chuẩn để vận chuyển. Chỉ cần một lượng nhỏ các thành phần nhiên liệu chảy ra trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm đều bốc hơi thành khí rất độc. Các phân đội nạp nhiên liệu khi làm việc đều phải mặc bộ trang phục phòng hóa với mặt nạ phòng độc, làm việc thực sự là một cực hình.
Chỗ ăn nghỉ của bộ đội cũng còn xa lắm mới có thể gọi là doanh trại. Khu nhà ở bao gồm có các nhà bạt và các thùng xe đặc chủng bằng sắt. Hoàn toàn không có chỗ trú ẩn tránh cái nóng gay gắt của miền nhiệt đới. Trong các nhà bạt thật sự vô cùng ngột ngạt. Còn trong các thùng xe đặc chủng, bị nung cả ngày dưới trới nắng gắt, không khí nóng không thể tưởng tượng nổi. Khi trời tối, hàng đàn muỗi vằn bay dầy đặc tấn công người.
Đại tướng AI Gribkov sau này nhớ lại: Đồn trú của các lực lượng trong điều kiện môi trường Cuba gắn liền với vô vàn những khó khăn gian khổ và phức tạp. Các khu rừng của Cuba không rộng lắm, thông thường là những cụm cây cọ cao hoặc là rừng với các bụi cây không cao lắm, trong các khu rừng đó không có không gian cho chuyển động của không khí, do đó không có gió, rất ngột ngạt và nóng. Độ ẩm rất cao của không khí ảnh hưởng rất xấu đến duy trì, bảo quản khí tài, đồng thời làm suy giảm đáng kể thể lực của cán bộ chiến sĩ.
Nhưng tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng của hầu hết tất cả các cán bộ chiến sĩ Hồng quân Xô viết đã là động lực mạnh mẽ thúc đẩy lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ. Cụm quân lực hỗn hợp của quân đội Xô viết trong thời gian ngắn đã triển khai toàn bộ hệ thống vũ khí, khí tài trang bị và có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng Cuba, không cho lực lượng đối phương có cơ hội đổ bộ lên hòn đảo Tư do dưới mọi hình thức: Từ phía biển, từ trên không. Nói cách khác, đã biến Cuba thành một pháo đài vững chắc, tiền đồn của hệ thống XHCN.
Sơ đồ bố trí binh lực của Cụm quân lực hỗn hợp Xô viết
Sơ đồ bố trí binh lực của Cụm quân lực hỗn hợp Xô viết.
 Hạt nhân chủ yếu của Cụm quân lực hỗn hợp là sư đoàn tên lửa chiến lược số 51. Nhằm tăng cường năng lực tác chiến và khả năng hoàn thành nhiệm vụ chiến lược, trong biên chế đã thay thế gần 500 sĩ quan và hơn 1000 hạ sĩ quan chiến sĩ. Sư đoàn luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất và trong trường hợp xảy ra chiến tranh, theo mệnh lệnh của Matxcova, tấn công vào những mục tiêu quan trọng trên lãnh thổ nước Mỹ. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, 3 trung đoàn tên lửa tầm trung R-12 (24 bệ phóng tên lửa) 2 trung đoàn tên lửa tầm trung R-14 với 16 bệ phóng tên lửa). tổng số có 40 tên lửa được đưa vào sẵn sàng chiến đấu với tầm bắn từ 2,5 đến 4,5 km. Với tầm bắn này, tất cả các mục tiêu quan trọng trên lãnh thổ Mỹ đều có khả năng bị tiêu diệt. Toàn bộ sư đoàn có biên chế 8000 sĩ quan và binhh sĩ, sư đoàn từ trạng thái hành quân trên biển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện tối mật tất cả là 48 ngày đêm. Đến ngày 27 tháng 10, tất cả các bệ phóng của sư đoàn đều sẵn sàng phóng đạn đến mọi mục tiêu cần tiêu diệt.
 Lắp tên lửa đạn đạo lên bệ phóng tại Cuba
Lắp tên lửa đạn đạo lên bệ phóng tại Cuba.
 Cần nhận xét một thực tế quan trọng. Khi N.S. Khrushchev chỉ đạo nội dung sử dụng tên lửa hạt nhân chiến lược, có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ quốc phòng, nguyên soái Liên bang Xô viết R.Y Malinowski, Phó tổng tham mưu trưởng Bộ tổng tham mưu, Cục trưởng cục điều hành tác chiến Thượng tướng S.P. Ivanov – Tư lệnh trưởng Cụm quân lực hỗn hợp Đại tướng I.A. Pliev, xuất hiện vấn đề khó khăn với việc sử dụng các đầu đạn hạt nhân với các tên lửa chiến thuật. Sau một thời gian ngắn suy nghĩ, N.S. Khrushchev với tư cách là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên bang Xô viết ra chỉ lệnh cho Tư lệnh cụm quân lực hỗn hợp toàn quyền sử dụng tên lửa chiến thuật Luna theo quyết định của mình khi bảo vệ Cuba. Tổng tư lệnh nhấn mạnh, cần phải cân nhắc kỹ tình huống thực tế chiến trường và từ đó ra quyết định. Trong một nhiệm vụ mang tính bảo vệ hòa bình thế giới, mọi quyết định không được phép vội vàng và sai lầm. Chỉ lệnh này được đưa vào thực hiện trong điều kiện tình huống nguy hiểm và phức tạp, bị cắt hoàn toàn liên lạc với Matxcova.
Lực lượng bộ binh của Cụm quân lực hỗn hợp được trang bị xe tăng T-55 mới nhất, có nhiệm vụ bảo vệ các đơn vị tên lửa và các đơn vị kỹ thuật quân chủng, hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến của Cụm quân lực hỗn hợp, đồng thời sẵn sàng yểm trợ lực lượng vũ trang cách mạng Cuba tiêu diệt các lực lượng đổ bộ từ trên không, trên biển và các lực lượng phản cách mạng khác, nếu các lực lượng xâm lược này đổ bộ lên đảo.
Để trực tiếp bảo vệ các đơn vị tên lửa chống lại các đòn tấn công của các nhóm biệt kích và lực lượng phản cách mạng tại chỗ, hoặc các đội biệt kích dù, mỗi trung đoàn tên lửa được tăng cường một tiểu đoàn BBCG có năng lực phản ứng nhanh.Các trung đoàn BBCG được bố trí đóng quân cách xa nhau với khoảng cách 70, 350 và 400 km, đưa toàn bộ các trung đoàn đồng thời tác chiến không dự kiến tình huống này, mỗi trung đoàn sẽ tác chiến độc lập với không gian chiến trường có diện tích rộng đến 200 km tiền duyên và chiều sâu từ 30 km đến 150 km, có nghĩa là từ phía Bắc đến phía Nam bờ biển của đảo quốc Cuba. Các tiểu đoàn tên lửa chiến thuật Luna lên kế hoạch liên kết phối thuộc với các trung đoàn BBCG, do đó, theo mệnh lệnh từ Matxcova, các tiểu đoàn tên lửa sẽ trực thuộc quyền chỉ huy trung đoàn BBCG, đồng thời cũng được đóng quân trong địa bàn chủ yếu của trung đoàn.
Lực lượng không quân chiến thuật của Cụm quân lực hỗn hợp, hoạt động tác chiến liên kết phối hợp với các lực lượng lục quân, lực lượng của hải quân và các đơn vị của lực lượng vũ trang cách mạng Cuba tiêu diệt các lực lượng đổ bộ đường biển và đường không của địch, đồng thời tấn công căn cứ quân sự Mỹ và phong tỏa vịnh Guantanamo.
Cụm lực lượng Hải quân xô viết tại Cuba được giao nhiệm vụ cùng với không quân và lục quân của Cụm quân lực hỗn hợp, hiệp đồng tác chiến với các lực lượng của Cuba tiêu diệt các tầu chiến, tầu đổ bộ đường biển của địch, ngăn chặn không cho địch đổ bộ lên đảo. Ngoài ra, lực lượng của hạm đội còn có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ, hộ tống các tầu vận tải của Liên bang Xô viết trên các tuyến đường vận tải đến Cuba, sẵn sàng thả thủy lôi phong tỏa căn cứ hải quân Mỹ tại Guantanamo, tiến hành trinh sát bí mật các khu vực phía Tây và phía đông của Cuba nhằm mục tiêu phát hiện và theo dõi các chiến hạm Mỹ và các tầu đổ bộ của địch.
Lực lượng phòng không của Cụm quân lực hỗn hợp có nhiệm vụ ngăn chặn không quân đối phương thâm nhập vào vùng trời của Cuba, vô hiệu hóa các đòn tấn công của không quân đối phương vào các mục tiêu quân sự của quân đội Xô viết, quân đội Cuba, các cơ sở kinh tế, chính trị, các sân bay, bến cảng của Cuba. Lực lượng phòng không tập trung thành cụm phòng không ở phía tây và ở khu vực trung tâm của Đảo quốc, nơi được bố trí các đơn vị tên lửa chiến lược và binh lực chủ yếu của Cụm quân lực hỗn hợp.
Hệ thống đài radar đảm bảo các hoạt động tác chiến của máy bay tiêm kích MiG 21 và hệ thống tên lửa phòng không SAM-2 được giao cho hệ thống radar của Cụm quân lực và radar của Cuba. Hai tập hợp hệ thống được tổ chức và đồng bộ hóa trong một tổ hợp thống nhất nhằm trinh sát toàn bộ lãnh thổ Cuba từ tầm cao 50 m đến trần hoạt động thực tế của các đài radar, cho phép phát hiện mục tiêu trên khoảng cách đến 200 km. Giao nhiệm vụ trên những hướng có khả năng đổ bộ lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ cho lực lượng tên lửa chiến thuật Luna trên cơ sở địa hình thực tế tác chiến, nhằm đảm bảo các tiểu đoàn tên lửa có thể tấn công các mục tiêu đổ bộ đường thủy đang trên hải trình tiếp cận khu vực đổ bộ, đồng thời có thể tấn công khi đối phương tập trung lực lượng trên bàn đạp chiếm được. Quyền lựa chọn mục tiêu cho tên lửa tấn công được giao cho các trung đoàn trưởng BBCG.
Lực lượng hậu cần kỹ thuật của Cụm quân lực được giao nhiệm vụ đảm bảo các hoạt động của các phân đội, đơn vị cơ sở vật chất, đạn, vật tư chiến tranh cần thiết, dự trữ chiến thuật cho lương thực thực phẩm và nhiên liệu đủ dùng trong 3 tháng, không tính các đơn vị đang chuyên chở lưu động. Chiến sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan (trừ lính thủy) cần phải có 2 cơ số quần áo trang phục, một là dân sự, mặc thường xuyên để ngụy trang và quân phục (miền Bắc theo tên gọi) được sử dụng trong trường hợp đặc biệt theo mệnh lệnh từ cấp trên xuống.
Trên thực tế chiến đấu, đây là Cụm quân lực hỗn hợp quân binh chủng lớn đầu tiên của quân đội Xô viết ở nước ngoài có trang bị tên lửa đạn đạo.
Tháng 7 năm 1962, phân đội phi công huấn luyện viên Xô viết dưới sự lãnh đạo của nguyên soái không quân Liên xô E. Y. Savinskovo đến trung tâm huấn luyện bay Cuba. Trong một thời gian ngắn ngủi các huấn luyện viên phải huấn luyện cho phi công Cuba học được cách tiêu diệt các xuồng đổ bộ tốc độ cao của lực lượng phản cách mạng Cuba – gusanos trong khu vực nước ven bờ biển, đồng thời truyền đạt kinh nghiệm sử dụng máy bay MiG 15 cho các phi công Cuba. Liên xô cũng đã đóng container và chuyển 42 máy bay ném bom IL-28, những máy bay chiến đấu này người Mỹ đưa vào danh sách máy bay chiến đấu tiến công. Sáu chiếc IL – 28, được lắp ráp trong thời kỳ trước khủng hoảng tên lửa Cuba, bắt đầu tiến hành các cuộc bay thử nghiệm tuần tra trên căn cứ San-Julian. Máy bay ném bom ngoài bom còn được trang bị để có thể mang ngư lôi và máy ảnh để có thể tiến hành không ảnh. Trong cơ số vũ khí đạn bom có 5 quả bom nguyên tử đương lượng nổ 12 kT.
Theo quyết định của Ủy ban quốc phòng Liên bang, liên đội chiến hạm nổi, dự kiến chuyển đến cho chiến dịch Anadyr, bị loại bỏ do không đáp ứng được yếu tố cần và đủ.
Kết quả: Chiến dịch Anadyr – kế hoạch chuyển một lực lượng quân đội lớn chưa từng thấy trong điều kiện tuyệt đối bí mật của Cụm quân lực hỗn hợp Liên bang Xô viết đã thành công.Người Mỹ hầu như ngày nào cũng tiến hành trinh sát lãnh thổ Cuba, nhưng phải hơn 1 tháng trôi qua, người Mỹ mới phát hiện ra vị trí bệ phóng tên lửa. Đồng thời, người Mỹ cũng không thể phát hiện được số lượng vũ khí trang bị được chuyển đến Cuba và các loại vũ khí, cũng như quân số của lực lượng. Cụm quân lực theo báo cáo của người Mỹ lúc đầu vào tháng 9 năm 1962 là khoảng 4,5 nghìn người, đến 22 tháng 10 báo cáo tăng lên là khoảng 8 – 10 nghìn binh sĩ, đến cuối tháng 10 sang đầu tháng 11 là 22 nghìn binh sĩ.
Nguy cơ nổ ra chiến tranh thế giới thứ 3
Tháng 8 năm 1962 với sự cảnh giác đặc biệt của Ban tham mưu trung đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển, đã phá hủy kế hoạch đổ bộ của lực lượng lính thủy Mỹ. Khủng hoảng Caribeen bùng nổ, gây chấn động quốc tế và làm thay đổi toàn bộ lịch sử chính trị thế giới. Trong những ngày này, toàn thế giới lặng đi trong lo lắng, số phận của nền văn minh hoàn toàn phụ thuộc vào sự khôn ngoan, tỉnh táo và suy luận chính xác của một số người. Nhưng sự so sánh tỉnh táo trong cán cân vũ khí, trang bị hai bên đã buộc hệ thống lãnh đạo quân sự - chính trị của nước Mỹ đã xem xét lại toàn bộ các kế hoạch của mình và quyết định chấm dứt việc dùng vũ lực xâm lược Cuba.
Ngày 27 tháng 10 năm 1962. Mỹ và Liên xô ký hiệp ước cùng rút tên lửa của mình ra khỏi những vị trí xung yếu, Liên xô – rút tên lửa khỏi Cuba, Mỹ - rút tên lửa khỏi Thổ nhĩ kỳ. Tổng thống Kennedy hứa sẽ không triển khai bất cứ hành động nào nhằm lật đổ Fidel Carstro và không phong tỏa Cuba. Quốc đảo Cuba trở thành hòn đảo Tự do bên bờ biển nước Mỹ. Thế giới, nhận thấy mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân đối với sự tồn vong của nhân loại, bắt đầu tiến trình đấu tranh đòi giải giáp vũ khí hạt nhân..
Cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân trên quốc đảo Cuba nếu không có sự tỉnh táo, sáng suốt của các lãnh đạo hai cường quốc, có thể trở thành chiến tranh thế giới thứ 3 có sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhờ có những nỗ lực tột cùng của các nhà ngoại giao, chính trị, vấn đề Chiến tranh và Hòa bình được giải quyết với lợi thế cho Hòa bình và hòa hợp dân tộc. Khủng hoảng Caribeen có ý nghĩa vô cùng quan trong cả về chính trị - tư tưởng tinh thần và ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Nhân loại lần đầu tiên trong suốt tiến trình phát triển đã nằm trên ranh giới của sự diệt vong. Giải quyết khủng hoảng Caribeen là một bước ngoặt vĩ đại trong giai đoạn Chiến tranh lạnh và cũng bắt đầu cho quá trình dài của lịch sử về đấu tranh nhằm giảm sự căng thẳng dẫn đến nguy cơ chiến tranh trong quan hệ quốc tế.
Giá trị của chiến dịch quân sự được tiến hành, có thể nhận định như sau:
Thứ nhất: Tổ chức triển khai thành công kế hoạch cơ động hải hành chiến dịch Anadyr là một chiến lệ đỉnh cao trong nghệ thuật tổ chức hành quân bí mật với một lực lượng quân sự rất lớn, chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới. Trong điều kiện hoàn toàn bí mật đã vận chuyển một lực lượng quân sự khổng lồ 42 nghìn quân với một khối lượng rất lớn vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh, đặc biết là vũ khí hạt nhân. Với một khối lượng công việc được triển khai trên diện rộng, chuẩn xác trong từng con người và chính xác đến từng phút, hoàn toàn giữ bí mật. Chỉ đến ngày 14 tháng 10, tức là sau khi các trung đoàn tên lửa, các đơn vị binh chủng hợp thành của không quân, lục quân, hải quân cập đảo đến một tháng. Trinh sát không quân Mỹ mới mới phát hiện những dấu hiệu sự có mặt của quân đội Xô viết trên đất nước Cuba.
Thứ hai: Các cán bộ chiến sĩ Hồng quân – quốc tế tình nguyện đã giúp đỡ nhân dân Cuba gìn giữ nền độc lập, xây dựng Hệ thống chính quy đào tạo và huấn luyện các cán bộ quân sự của Lực lượng vũ trang Cách mạng. Đồng thời, cán bộ chiến sĩ hồng quân sẵn sàng cùng với các chiến sĩ cách mạng Cuba chiến đấu, bằng danh dự của người chiến sĩ thực hiện sứ mệnh của tinh thần quốc tế vô sản. Trong những ngày tháng vô cùng khó khăn gian khổ và căng thẳng, chiến sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan luôn có tinh thần chiến đấu rất cao, tính kỷ luật nghiêm minh, bản lĩnh vững vàng và khả năng chịu đựng khó khăn, luôn trung thành với lời thề người lính. Mặc dù thời tiết, khí hậu vô cùng khó khăn gian khổ - nhưng không hề có sự chán nản mệt mỏi. Tất cả đều sẵn sàng bảo vệ Cuba như bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 26 tháng 10 năm 1962 Tư lệnh Cụm quân lực hỗn hợp Xô viết, đại tướng I.A.Pliev khi phát biểu kết thúc hội nghị quân sự toàn lực lượng. Đại tướng tuyên bố: Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, nếu địch không sử dụng vũ khí hạt nhân, chúng ta sẽ chiến đấu bằng vũ khí thông thường. Chúng ta không lùi bước, Tổ quốc ở rất xa, vũ khí trang bị và cơ sở vật chất đủ để chiến đấu từ 5 – 6 tuần. Nếu địch đánh tan thế trận cụm quân lực hỗn hợp, sẽ chiến đấu trong đội hình sư đoàn, nếu sư đoàn bị tan vỡ- chiến đấu trong đội hình trung đoàn, nếu đội hình trung đoàn bị tan vỡ, sẽ tổ chức thành các đơn vị hỗn hợp quân binh chủng, cùng với các chiến sĩ Cuba tiến hành chiến tranh du kích trong vùng núi.
Thứ ba: trong cuộc đấu tranh chính trị, đã đạt được mục tiêu trọng yếu, giảm nguy cơ đe dọa trực tiếp bằng tên lửa đạn đạo chiến lược của đối phương từ phía Nam. Mỹ buộc phải rút tên lửa đạn đạo Jupiter cùng với các bệ phóng khỏi lãnh thổ của Thổ Nhĩ kỳ, mặc dù các tên lửa này đang nhằm vào những khu vực mục tiêu quan trọng trong lãnh thổ Xô viết.
Thứ tư: Mỹ, Anh, CCCP cuối cùng đã phải cùng nhau ký một hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trong không trung, trong vũ trụ và dưới mặt nước, điều mà trước đây, trong một khoảng thời gian rất dài không thống nhất được..
Thứ năm: chính phủ Mỹ lần đầu tiên tiến hành các cuộc đàm phán với CCCP trên vị thế một đối thủ ngang hàng, từ bỏ vị thế độc quyền giải quyết các vẫn đề của thế giới, bắt đầu tiến trình giới hạn cuộc chạy đua vũ trang, mà sức nặng của nó đã gây nhiều khó khăn cho nhân dân Xô viết..
Theo Bản tổng kết công tác thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của giai cấp vô sản tại Cuba, hầu như tất cả các cán bộ chiến sĩ Xô viết được tặng thưởng những phần thưởng cao quý của nhà nước Liên bang Xô viết: Theo quyết định của Xô viết Tối cao liên bang từ 1 tháng 10 năm 1963 № 1739 Vì thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiêm vụ đặc biệt của Nhà nước liêng bang Xô viết” 1001 cán bộ chiến sĩ được thưởng huân huy chương : 18 quân nhân. – huân chương Lê nin , 38 – quân nhân huân chương Cờ đỏ, 591 – Huân chương Sao đỏ, 1 – Huân chương Danh dự; 138 – Huy chương vì Lòng Dũng cảm , 205 – Huy chương Danh dự quân nhân, 6 – Huy chương Lao động hạng nhất và 4 Huy chương lao động hạng hai. Hơn hai nghìn quân nhân được tặng thưởng bằng khen của Xô viết Tối cao toàn Liên bang đồng thời được thưởng Huy chương danh dự - Chiến sĩ quốc tế cộng sản của Cuba hạng nhất.
Nhưng cũng không thể tránh khỏi những tổn thất, mất mát. Từ 1 tháng 8 năm 1962 đến 16 tháng 8 năm 1964 trên đất nước Cuba, khi thực hiện nhiệm vụ Quốc tế đã có 64 công dân Xô viết hy sinh. Đấy là những tổn thất của sự hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả và Khủng hoảng hạt nhân Caribeen đối với Liên bang Xô viết.
Bắt đầu từ những năm 1960 đến tận năm 1991, 11,293 quân nhân với nhiệm vụ là cố vấn, huấn luyện viên, chuyên gia và phiên dịch đã phục vụ trên đất nước Cuba. Liên xô đã giúp đào tạo cho Cuba 15,905 chuyên gia quân sự. Sự tồn tại của các quân nhân Liên xô tại Cuba sau này luôn gặp phải sự phản đối từ phía các cơ quan quyền lực của nước Mỹ. Một thời gian dài Liên xô không công nhận sự có mặt của lực lượng vũ trang Xô viết trên đất nước Cu ba, chỉ đến năm 1979 Tổng bí thư L.I.Brezhnev chính thức công nhận có một lữ đoàn chuyên viên đóng quân tại một trung tâm huấn luyện các chuyên gia quân sự Cuba.
Khủng hoảng tên lửa hạt nhân Caribeen là vấn đề xung đột mang tính quốc tế. Chiến tranh và Hòa binh với những đối đầu và đối thoại vẫn là vấn đề không chỉ riêng thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mà còn tồn tại và nóng bỏng đến ngày nay.
Trịnh Thái Bằng
Nguồn: trang thông tin điện tử Bộ Quốc phòng Liên bang Nga. Tài liệu được biên soạn và chuẩn bị bởi Viện nghiên cứu lịch sử và chiến lược Viện hàn lâm quân sự liên bang Nga Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét