Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013


10:01

Lãng phí công chức


Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong một cuộc họp báo của Chính phủ, đã chia sẻ ông từng làm việc ở nhiều cơ quan và nhận thấy ở đâu cũng có những cán bộ “có cũng được, không có cũng được”. Ngay trong Văn phòng Chính phủ cũng có chuyên viên làm cả ngày nghỉ nhưng không hết việc trong khi có người lại rảnh rỗi.

Ở cấp địa phương, đang nở rộ tình trạng cán bộ công chức “ăn cắp” giờ Nhà nước để làm việc riêng hoặc bù khú ở quán cà phê, quán nhậu trong giờ hành chính. Điều này không mới nhưng nó củng cố thêm cho nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
 
Cán bộ ăn lương Nhà nước nhưng “không cống hiến hết mình” đang làm trì trệ bộ máy công quyền và gây lãng phí lớn. Một trong những lãng phí lớn nhất là thời gian, con người. Đáng buồn là việc này lại tương đối phổ biến.
Cả nước hiện có 2,8 triệu công chức, trong đó có khoảng 840.000 người đang làm việc “vật vờ” (30%). Tính mức thu nhập trung bình mỗi người 2 triệu đồng/tháng thì số tiền hằng năm ngân sách trả lương cho họ không nhỏ. Đáng nói hơn, cách làm việc “vật vờ” còn làm giảm đi niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền. Bởi tiền trả lương cho công chức là từ tiền thuế của dân nhưng họ lại không nhận được dịch vụ tốt từ bộ máy Nhà nước.
Sự tồn tại của những công chức “làm việc không hết mình”, “ăn cắp” giờ công còn tạo sự không công bằng trong công tác tuyển dụng. Chắc chắn trong số 30% đó có nhiều người chen chân vào cơ quan Nhà nước không bằng thực lực mà bằng con đường “chạy chọt”, quan hệ con ông cháu cha… trong khi người tài lại không có cơ hội để cống hiến. Hậu quả lớn nhất là chảy máu chất xám. Mọi thứ bắt đầu từ khâu tuyển dụng cán bộ đang có vấn đề. Chỉ dựa vào bằng cấp là chính mà chưa coi trọng năng lực thực sự và hiệu quả của công việc. Do đó về lâu dài, nếu không đổi mới chế độ công vụ, công chức, không đánh giá chất lượng công chức bằng hiệu quả công việc thì tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp về” sẽ còn phổ biến.
 “Vi hành” đến các quán cà phê trong giờ hành chính mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính cho rằng “không thể chấp nhận cán bộ ăn lương Nhà nước, ăn lương của dân mà đi la cà như thế, trong khi cứ kêu là thiếu cán bộ, thiếu biên chế!”. Và sau chuyến đi kiểm tra của ông bí thư tỉnh ủy, lượng khách ở các quán cà phê đã giảm hẳn.
Nên chăng, lãnh đạo các địa phương cũng bắt đầu từ đây! 
(Theo Người Lao động) LÊ CƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét