Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013


 07:14

HOÀNG SA – ĐẤT QUÊ HƯƠNG


 Ông Đặng Công Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Hoàng SaÔng Đặng Công Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Hoàng SaNgày 29/3/2013, UBND huyện Hoàng Sa công bố và ra mắt trang thông tin điện tử chính thức của mình. Điều này đáp ứng sự mong mỏi và đợi chờ của rất nhiều tấm lòng người con đất Việt thân yêu cũng như bạn bè trên thế giới gần xa.
Một trang thông tin thôi nhưng chúng tôi muốn qua đây nói lên nhiều điều cao cả, đó là việc tiếp tục gìn giữ và phát huy các di sản ông cha để lại, là truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam hơn bốn nghìn năm lịch sử, là lời dặn cháu con phải luôn ghi nhớ “Một thước núi, một tất sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần…Nếu dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di…” trong sắc dụ của Vua Lê Thánh Tông năm 1473; đó còn là lời tri ân cho những người đã ngã xuống, đã ra sức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho đến hôm nay.
Sẽ chỉ có trên bản đồ địa lý thế giới những khoảng rất nhỏ để định vị, mô tả về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng sức ám ảnh về “khúc ruột” đau thương ấy đã xuất hiện trên hàng ngàn trang viết, trong tâm thức của bao thế hệ người Việt. Vì ở đó, Hoàng Sa là biểu tượng cho lòng tự tôn dân tộc, là niềm khắc khoải của người mẹ Việt Nam như vẫn ngóng chờ con từ phương xa chưa về. Cũng từ đó, người Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã có trách nhiệm hơn nhiều đối với lãnh thổ, chủ quyền của Việt Nam.
Thời gian qua, trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nói chung, biển đảo nói riêng, Hoàng Sa - Trường Sa luôn được nhắc tới bởi vì ở đó máu đã đổ, chủ quyền đã bị xâm phạm, đe dọa đến an ninh Tổ quốc. Triệu triệu tấm lòng người Việt và bạn bè thế giới đã lên tiếng phản đối sự lấn chiếm trắng trợn của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Đó là những người con tuy đang ở rất xa Tổ quốc, nhưng vẫn dõi theo tình hình trong nước và dành nhiều thời gian sưu tầm để gửi về những chứng cứ lịch sử dân tộc; là một cụ già, cần mẫn trong từng mũi chỉ, đường kim để thêu lên lá cờ Tổ quốc dài hàng trăm mét gửi đến UBND huyện Hoàng Sa; là những trí thức, học giả, nhà nghiên cứu, báo chí, truyền thông nặng lòng Tổ quốc trên từng nét bút, con chữ; là những em nhỏ bên gian trưng bày kỉ vật Hoàng Sa, chăm chú ghi chép, tìm hiểu và bày tỏ ước mong được đóng góp một phần nhỏ bé cho quần đảo thương yêu của Tổ quốc, và đó là bất kì ai, đã viết, nói, hành động, trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, để tiếp tục thắp lên niềm tin bất diệt về chân lý “Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Website của UBND huyện Hoàng Sa sẽ tiếp tục là nơi để những tâm hồn Việt Nam được nói tiếp, viết tiếp về Hoàng Sa, để góp thêm sức, thắp thêm lửa và làm vang vọng thêm lời sấm truyền từ ngôi đền Như Nguyệt năm xưa với khúc ca “Sông núi nước Nam” hùng tráng, để lịch sử sẽ viết tiếp những trang hào hùng, cho chí khí, sức mạnh thống nhất dân tộc, cùng chung sức khẳng định chủ quyền Hoàng Sa.
Dẫu biết rằng Tổ quốc là của mọi người, gìn giữ, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của mọi người và của mỗi người dân đất Việt, nhưng Ban biên tập Website Hoàng Sa cũng xin được nói lên lời tri ân, ngàn lần tri ân đến đồng bào, các nhà nghiên cứu, bạn bè thế giới trong thời gian qua, bằng nhiều hình thức, đã tâm huyết hướng về Hoàng Sa. Mỗi nghĩa cử của các bạn, mỗi lời quan tâm, góp ý, bày tỏ, chia sẻ từ phía độc giả đối với Website Hoàng Sa cũng sẽ là một biểu hiện sinh động cho tinh thần “Tổ quốc trên hết”.
Hãy cùng chung sức đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa!
Đặng Công Ngữ
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét