Vụ việc xảy ra khi tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 20/3.
Một lần nữa Bắc Kinh thể hiện rõ bản chất “lời nói không đi đôi với việc làm” trong tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia hữu quan, nhất là tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Cố tình bao biện hòng đánh lạc hướng dư luận
Ngày 27/3, tờ Nhân Dân nhật báo đăng lại bài phỏng vấn ông Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của tờ China Daily xuyên tạc trắng trợn sự thật vụ tàu quân sự Trung Quốc bắn cháy cabin tàu cá Việt Nam hôm 20/3 khi đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Ông Ngô Sỹ Tồn không những cố tình xuyên tạc “Trung Quốc đã rất kiềm chế, nhưng Việt Nam lại giả làm nạn nhân, lừa gạt cộng đồng quốc tế một cách có kế hoạch”, mà còn chụp mũ khi cho rằng, báo chí Việt Nam đã “cường điệu hóa, tuyên truyền đối đầu” trong vụ tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam và việc này làm trầm trọng thêm tình hình khu vực Biển Đông!
Tờ Nhân Dân nhật báo còn dẫn lời Lý Quốc Cường, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử biên giới Trung Quốc thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc khi cao giọng đổ lỗi cho Việt Nam trong vụ việc này. Cũng trong ngày 27/3, Hãng BBC cho biết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo, tàu hải quân nước này đã bắn 2 quả pháo sáng vào một tàu cá Việt Nam tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức Hải quân Trung Quốc bao biện rằng, pháo sáng được bắn lên trời và đã cháy hết trên không trung nên “không có chuyện gây cháy tàu cá Việt Nam”. Quan chức hải quân này còn trắng trợn vu cáo “Việt Nam đã bịa đặt vụ bắn tàu cá”.
Tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận trái phép ở Trường Sa
Trước đó (26/3), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn từ chối cho biết tàu Trung Quốc bị tố giác bắn cháy tàu cá Việt Nam có phải là tàu chiến hay không. Ông Hồng Lỗi không những phủ nhận vụ nổ súng vào tàu cá Việt Nam, mà còn trắng trợn tuyên bố “đây là hành động cần thiết và chính đáng” và “tàu cá Việt Nam khi đó không bị thiệt hại gì”.
Ngày 26/3, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc thông báo, 2 tàu hải giám 167 và 75 đã trở về Quảng Châu sau khi kết thúc hoạt động tuần tra (trái phép) ở những vùng biển xung quanh 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cũng trong ngày 26/3, Trung Quốc đã điều tàu Ngư Chính 46012 thuộc biên chế Tổng đội Giám sát Hải dương và Nghề cá tỉnh Hải Nam để “tuần tra và bảo vệ nghề cá” ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham tranh chấp với Philippines, đồng thời đe dọa sẽ sử dụng biện pháp mạnh nếu cần thiết.
Theo ông Ngô Tráng, Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, chuyến đi lần này của tàu Ngư Chính 46012 sẽ kéo dài đến ngày 13/4 và đây là lần đầu tiên Tổng đội Giám sát Hải dương và Nghề cá tỉnh Hải Nam thực hiện nhiệm vụ tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.
Gia tăng cảnh giác
Ngày 26/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và kịch liệt phản đối việc dùng vũ lực hay áp bức trên Biển Đông sau khi biết tin tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam hôm 20/3.
Ông Patrick Ventrell cho rằng, vụ việc kể trên cho thấy sự cần thiết phải có “một bộ quy tắc ứng xử để những vụ việc như thế này có thể giải quyết theo cách minh bạch và theo luật định”, đồng thời tuyên bố: là một quốc gia trong Thái Bình Dương, Mỹ có quyền lợi quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật quốc tế, tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông, nên Mỹ rất quan ngại và đang tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc này.
Cũng trong ngày 26/3, tờ Manila Standard Today của Philippines dẫn lời giới quan sát nhận định, Trung Quốc đang tăng cường củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bằng cách tiến hành tập trận tại khu vực này. Được biết, hiện 4 tàu chiến của Hạm đội Nam Hải đang thực hiện cái gọi là “huấn luyện tuần tra” ở Biển Đông và tây Thái Bình Dương. Đội tàu này ngang nhiên tuần tra hàng loạt bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tờ Manila Standard Today còn cho rằng, quyết định chọn các khu vực kể trên để tập trận là cách Bắc Kinh gửi thông điệp cứng rắn, gây sức ép đối với các bên có tranh chấp ở Biển Đông. Theo chuyên gia Hải quân Trung Quốc Trương Quân Thiết, việc huấn luyện của hải quân nước này là một “hoạt động thông thường” và phù hợp với luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Manila đang xác định vị trí chính xác các cuộc diễn tập của Hải quân Trung Quốc.
Ngày 26/3, Tân Hoa xã đưa tin, một đội gồm 4 tàu chiến của Hạm đội Nam Hải đã tới bãi đá James Shoal mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền - đây là “cực Nam” của mình. Bởi bãi đá Jamesa Shoal (Bắc Kinh gọi là bãi ngầm Tăng Mẫu) chỉ cách thành phố biển Bintulu của Malaysia có 80km, cách Brunei 200km, nhưng cách đất liền Trung Quốc tới 1.800km.
Ông Gary Li, nhà phân tích cấp cao thuộc Trung tâm Tham vấn IHS Fairplay ở London, Anh cho rằng, sau những lần Hải quân Trung Quốc tuần tra Biển Đông thì việc đưa lực lượng đặc nhiệm ra khu vực này là một thông điệp đáng ngạc nhiên. Bởi không chỉ một số tàu tuần tra, mà cả tàu đổ bộ cùng thủy quân lục chiến và thủy phi cơ, được hỗ trợ bởi một số tàu hộ tống tốt nhất của Hải quân. Ông Gary Li còn nhận định, chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì tương tự ở khu vực này cả về chất lượng lẫn số lượng của tàu chiến Trung Quốc và dường như đây là thể hiện tham vọng của ban lãnh đạo mới Bắc Kinh.
Ngày 26/3, Tân Hoa xã lần đầu tiên công bố hình ảnh và tin tức về 4 tàu chiến Tĩnh Cương Sơn, Lan Châu, Ngọc Lâm và Hoành Thủy của Trung Quốc tuần tra trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước đó (25/3), giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, vào 2 giờ ngày 21/3, khu trục hạm Lan Châu đang tập trận trên Biển Đông báo động toàn biên đội bắt đầu cuộc tập trận diệt tàu ngầm đối phương, 2 tàu hộ vệ Ngọc Lâm và Hoành Thủy được lệnh tham gia tác chiến (kéo dài 33 giờ).
Giới truyền thông cho rằng, việc truyền thông Trung Quốc đưa tin (sau đó bị Itar-Tass phủ nhận) về thương vụ 24 máy bay chiến đấu Su-35 và 4 tàu ngầm lớp Lada của Nga nhằm khuếch trương thành công chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tập Cận Bình, đồng thời gửi một thông điệp tới Mỹ và các nước láng giềng đang có tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã bày tỏ quan ngại về thông tin cho rằng, Trung Quốc sẽ mua máy bay chiến đấu Su-35 và tàu ngầm lớp Lada của Nga.
Ngày 26/3, Đài Loan công bố kế hoạch tập trận bắn đạn thật lớn nhất kể từ năm 2008 nhằm đánh giá khả năng chống lại nguy cơ tấn công từ Trung Quốc. Cuộc tập trận dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/4 tại Bành Hồ. Trong cuộc tập trận mang tên Hán Quảng 29 sẽ thử nghiệm “Thần sấm 2000”, một hệ thống tên lửa đa nòng do Đài Loan tự phát triển nhằm ngăn chặn đối phương đổ bộ. Thông báo về cuộc tập trận được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc đưa tin, Bắc Kinh đã nhất trí mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 và 4 tàu ngầm lớp Lada của Nga.
Mối quan ngại của Nhật Bản và Philippines
Ngày 26/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, Tokyo sẽ thảo luận tổng thể kế hoạch triển khai quân tới đảo Yonaguni thuộc tỉnh Okinawa. Một quan chức Nhật Bản cho biết, việc triển khai lực lượng phòng vệ trên các đảo phía tây nam là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cũng trong ngày 26/3, Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki đã chính thức chuyển giao 2 máy bay tuần tra chống tàu ngầm hiện đại P-1 cho Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JMSDF).
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akira Sato cho biết, hiện tình hình trên biển Hoa Đông đang rất căng thẳng do tàu tuần tra Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát, do đó máy bay P-1 (thay thế máy bay P-3C đã cũ) sẽ đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực đảm bảo sự an toàn trên biển đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. P-1 được coi là khắc tinh của tàu ngầm Trung Quốc bởi ngoài trị giá khoảng 210 triệu USD/chiếc, còn được trang bị hệ thống radar tiên tiến cũng như thiết bị quan sát hiện đại. Dự kiến, máy bay P-1 sẽ được triển khai ở căn cứ Không quân Atsugi, thuộc quận Kanagawa.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera
Theo kế hoạch, trước tháng 3/2014, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản sẽ tiếp nhận, triển khai 7 máy bay này và sẽ có tổng cộng 70 chiếc P-1 đưa vào biên chế của JMSDF. Trước đó (giữa tháng 3), Nhật Bản tiếp nhận 6 máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-130R từng phục vụ trong thủy quân lục chiến Mỹ.
Tháng 2, Nhật Bản đã đưa vào biên chế loại thủy phi cơ tuần tiễu chống ngầm U-2 do Tập đoàn Shin Meiwa sản xuất. Đây là phương tiện săn ngầm tiên tiến nhất thế giới, được đánh giá có tính năng vượt trội so với các loại thủy phi cơ săn ngầm một số nước châu Á đang sử dụng như Be-200 của Nga, CL-415 của Canada.
Trong tương lai, JMSDF sẽ được trang bị một số máy bay trinh sát - tấn công chống ngầm P-8A Poseidon của Mỹ. Giới truyền thông Nhật Bản cũng đưa tin, Bộ Quốc phòng nước này vừa lên kế hoạch đến năm 2021 sẽ đóng mới 6 tàu ngầm để tăng cường phòng thủ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhằm đối phó với hoạt động bành trướng quân sự của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Trước đó (7/3), 4 tàu khu trục Akizuki đã được bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản để thực hiện nhiệm vụ tuần dương vùng biển Hoa Đông.
Việc Tân Hoa xã và tờ Thời báo Hoàn Cầu cùng đăng bài phân tích (26/3) của Thượng tá Hải quân Hình Quảng Mai, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Luật thuộc Viện Nghiên cứu Học thuật quân sự Hải quân Trung Quốc khiến dư luận quan tâm. Bởi bà Hình Quảng Mai cho rằng, khi bị chỉ định trọng tài đại diện cho Trung Quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò, Bắc Kinh sẽ khó đối phó. Thượng tá Hình Quảng Mai cho rằng, sau khi thành lập Hội đồng trọng tài Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển thụ lý vụ kiện của Philippines, bất luận Trung Quốc có tham gia hay không thì trọng tài cũng sẽ ra phán quyết “có ràng buộc” đối với cả hai bên.
Do đó, Trung Quốc đã bỏ qua cơ hội chỉ định trọng tài khi nhận định, việc Philippines kiện đường lưỡi bò và hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông ra trọng tài quốc tế là “không có căn cứ pháp lý”. 3 thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài LHQ về Luật Biển sẽ do hai bên đàm phán lựa chọn, nếu Bắc Kinh tiếp tục bỏ lỡ cơ hội này, thì 3 thẩm phán đó sẽ do Chủ tịch Tòa án trọng tài LHQ về Luật Biển chỉ định.
Việc này diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Philippines chính thức xác nhận (25/3), Chủ tịch Tòa án trọng tài LHQ về Luật Biển Shunji Yanai đã bổ nhiệm thẩm phán Stanislaw Pawlak người Ba Lan đại diện cho Trung Quốc tham gia thụ lý vụ Philippines kiện đường lưỡi bò phi pháp và các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông bất chấp việc Bắc Kinh từ chối tham gia trước đó.
Tuy nhiên, bà Hình Quảng Mai cũng khẳng định, vụ kiện của Philippines “không thuộc phạm vi chức năng” thụ lý của Hội đồng trọng tài LHQ về Luật Biển sau khi viện dẫn Điều 298, Khoản 3, Mục 15 Công ước LHQ về Luật Biển cho rằng, những tranh chấp chủ quyền liên quan đến lục địa và hải đảo giữa các nước đương sự không phù hợp với hội đồng trọng tài chỉ định.
Theo H.P (Petrotimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét