07:32
“Bẫy” giao thông
Biển báo, đèn hiệu cùng vạch kẻ đường rối rắm trở thành những chiếc bẫy mà khó ai có thể thoát để không bị phạt.
Đường Võ Văn Kiệt làn quay đầu vẫn còn vạch chỉ dẫn đi thẳng gây hiểu lầm cho lái xe. Ảnh: Lê Quang. |
Khổ vì cấm rẽ trái theo giờ
Giao lộ Võ Văn Tần - Cách Mạng Tháng Tám (CMT8) làm nhiều lái xe kêu trời khi bị CSGT bắt lỗi vi phạm. Đường Võ Văn Tần (hướng từ hồ Con Rùa về Cao Thắng), đến giao lộ CMT8 phân làm 3 làn xe, có bảng trộn làn. Tại đây, mặt đường làn ngoài cùng tay trái có vạch sơn cho rẽ trái hướng về Nguyễn Thị Minh Khai và đi thẳng Võ Văn Tần. Làn giữa có vạch sơn đi thẳng, làn bên phải có vạch sơn cho phép đi thẳng và rẽ phải. Thế nhưng, cách đó hơn 50 m, trên lề phải có một biển báo cấm rẽ trái từ 6 - 23 giờ. Điều này dẫn đến không ít tình huống oái oăm.
Vừa nhìn bảng, vừa nhìn giờ, tính toán xem có quẹo được không thì với 2 con mắt và 1 cái đầu không làm nổi
|
Anh Trần Hoàng Việt (ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết anh đã ngớ người chẳng hiểu chuyện gì xảy ra khi bị phạt lỗi rẽ trái không đúng quy định tại giao lộ này. Theo lời anh Việt kể, anh lái xe 4 bánh đi sát lề trái, hướng đến giao lộ này. Thời điểm đó, bên phải anh có 2 xe khách chạy song song cùng chiều che khuất tầm nhìn của biển cấm rẽ trái theo giờ. Vì thế, anh rẽ trái theo chỉ dẫn dưới mặt đường và lập tức bị CSGT thổi phạt.
Điều này khiến anh Việt không khỏi bức xúc: “Tôi thắc mắc sao dưới làn đường có chỉ dẫn được phép rẽ trái thì CSGT giải thích là hướng dẫn rẽ trái dành cho xe gắn máy. Rõ ràng đây không phải lỗi cố ý. Chỉ dẫn trên mặt đường khác với biển báo. Nếu ai không thuộc đoạn đường này, gặp tình trạng giống như tôi cũng sẽ phạm luật mà thôi. Tình huống này có khác gì một cái bẫy”.
Tương tự, tại ngã tư CMT8 - Nguyễn Thị Minh Khai có biển cấm quẹo trái theo giờ cũng gây khó cho nhiều tài xế vì lượng xe lưu thông đông đúc, quá tải nhưng biển báo lại nhỏ.
Cụ thể, đường Nguyễn Thị Minh Khai (hướng công viên Tao Đàn đi Bệnh viện Từ Dũ) cấm rẽ trái vào CMT8 từ 7 - 8 giờ, 17 - 19 giờ. Tương tự từ đường Trần Hưng Đạo (hướng từ Q.1 về Q.5) vào Nguyễn Thái Học cấm rẽ trái theo giờ từ 6 - 22 giờ.
Còn biển cấm rẽ trái theo giờ ở ngã ba Hồng Bàng - Nguyễn Kim kèm theo một bảng phụ cấm theo giờ dài sọc: cấm từ 6 - 8 giờ, 10 giờ 30 - 12 giờ, 16 - 18 giờ... Việc biển báo quá phức tạp khiến không ít tài xế, đặc biệt những người từ tỉnh khác đến, dễ bị “dính bẫy”. Anh Nguyễn Văn Long (ngụ An Giang), vừa bị CSGT “hỏi thăm”, than: “Các tài xế ở tỉnh lên, không thuộc đường, vừa canh xe, vừa xem biển báo chỉ có nước khóc ròng vì không xuể. Vừa nhìn bảng, vừa nhìn giờ, tính toán xem có quẹo được không thì với 2 con mắt và 1 cái đầu không làm nổi”.
Nhập nhằng làn quay đầu
Cũng liên quan đến vạch sơn chỉ dẫn, trên làn đường Võ Văn Kiệt hướng từ Q.1 ra quốc lộ 1, thời gian gần đây làn đường ngoài cùng bên trái (phần đường dành cho xe 4 bánh) gần đến đoạn dưới cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu chữ Y, giao lộ Hải Thượng Lãn Ông, Cao Văn Lầu, Phạm Phú Thứ được sửa lại thành làn đường cho xe quay đầu.
Cấm rẽ trái theo giờ ở giao lộ Võ Văn Tần - CMT8 trong khi làn đường bên trái dành cho xe 4 bánh vẽ cho phép rẽ trái, đi thẳng đánh đố tài xế. Ảnh: Lê Quang. |
Do trước đây là làn đường đi thẳng thì nay hướng đi này lại đột ngột từ thẳng chuyển thành nơi quay đầu. Vấn đề là việc thay đổi không đến nơi đến chốn, thay vì xóa hẳn mũi tên đi thẳng thì cơ quan chức năng chỉ bôi sơ sài nên chỗ trắng chỗ đen, trông giống như vạch chỉ đường lâu ngày bị tróc sơn.
Vì vậy, những xe đi ban đêm, dưới ánh đèn vẫn nhìn thấy mũi tên 2 hướng, tài xế dễ lầm tưởng rằng đi thẳng và quay đầu trên cùng một làn. Và như vậy, những xe nào lớ ngớ đi thẳng trên làn quay đầu, vừa băng qua giao lộ thì sẽ "thấy" CSGT ngay.
Nhiều bác tài sau khi bị phạt, do quá tin các mũi tên chỉ dẫn vẽ dưới đường, đã chỉ nhau kinh nghiệm tránh bị phạt bằng cách đi vào làn đường ở giữa và nhìn bảng chứ không nên nhìn hướng dẫn dưới đường.
Trong khi đó, tại giao lộ Trường Chinh - Phan Huy Ích (Q.Tân Bình), hướng Cộng Hòa về cầu Tham Lương, làn đường ngoài cùng bên trái sát con lươn trên mặt đường vẽ mũi tên đi thẳng và quay đầu nhưng đèn tín hiệu đi thẳng và quay đầu lệch pha nhau. Như vậy, xe đi thẳng và xe quay đầu nếu cùng đi vào làn đường này thì xe này cản trở xe kia.
Theo phản ánh của anh Nghĩa (lái xe ở Bình Dương), xe đi thẳng mà chạy vào làn đường này thường bị CSGT đứng dưới chân cầu Tham Lương xử phạt với hành vi chạy sai làn, cản trở lưu thông.
Tại giao lộ Trường Chinh - Phan Văn Hớn (Q.12, hướng từ ngã tư An Sương về Cộng Hòa) làn đường ngoài cùng bên trái vừa đi thẳng, vừa quay đầu nhưng đèn tín hiệu lệch pha nhau; nhiều giao lộ trên Quốc lộ 22 từ Tây Ninh về Củ Chi... cũng có tình trạng tương tự.
“Chết” vì vạch lúc liền, lúc đứt
Một “bẫy” khác khiến nhiều bác tài bị phạt oan là ở chân cầu Sài Gòn hướng từ Thủ Đức về Q.1. Khi vừa đổ dốc xuống cầu Sài Gòn vạch kẻ phân làn đường là vạch liên tục 1 đoạn chừng 10 m nối hai phần vạch đứt đoạn trên cầu và dưới cầu.
Điểm đen lãnh “thẻ đỏ”
Tại ngã tư Đinh Bộ Lĩnh và Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) giao thông phức tạp vì lượng xe lưu thông lớn, các xe cứ bám sát, nhích từng chút một. Nhất là các xe 4 bánh đi làn ngoài cùng bên tay trái khó nhìn được tín hiệu đèn giao thông nằm bên tay phải vì bị xe lớn che. Cộng với việc đèn tín hiệu nhiều lúc được CSGT điều chỉnh bằng tay cho phù hợp với lượng xe lưu thông, không hiển thị thời gian đếm ngược báo hiệu đổi đèn. Nhiều bác tài cho biết bị phạt ở đây vì lái xe bị các xe bên phải cao hơn che khuất tầm nhìn, che đèn tín hiệu, một mặt lo xử lý với các xe gắn máy rẽ trái cản đầu nên bị phân tâm, rất dễ dính lỗi vượt đèn đỏ.
|
Xe 4 bánh muốn rẽ phải chuyển hướng đi vào đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) hoặc phải chuyển làn từ trên cầu, 10 xe hết 8 xe cán vạch liên tục này. Vì nếu chạy đến đoạn vạch đứt đoạn mới rẽ phải thì rất khó khăn khi cúp đầu dòng xe đang đổ dốc hoặc sẽ chạy vượt quá lối rẽ phải.
Trong nhiều ngày ghi nhận ở đây, chúng tôi thấy CSGT hay đứng gần ngã ba này xử phạt nhiều nhất là lỗi cán vạch liên tục.
Tương tự, hai dốc cầu Chà Và (Q.5) xuống Võ Văn Kiệt, đi ra cầu Nhị Thiên Đường ở ngay khúc cua gắt cũng có "bẫy" tương tự. Với những lái xe kinh nghiệm ôm vô lăng nhiều năm cũng không thể chạy mà không cán vạch liên tục.
Anh Đỗ Hiếu Nghĩa (lái xe ở Q.7) cũng phản ánh bất hợp lý về một đoạn vạch kẻ liền ở bên hông cầu vượt Nguyễn Văn Linh hướng về Khu chế xuất Tân Thuận mà nhiều xe bị nộp phạt oan mạng.
"Khi ôm cua, xe hai bánh khó để không cán vạch liền bên trái vì vừa vào khúc cua, vừa đối phó với xe 4 bánh, xe 2 bánh ở khu hành chánh Q.7 đi ra bên tay phải. Vạch kẻ liền ở đây thật quá phi lý", anh Nghĩa nói.
Nhiều tài xế kể rất “ngán” khi phải rẽ phải từ Võ Văn Kiệt (hướng từ Q.1 ra quốc lộ 1) vào Hải Thượng Lãn Ông vì nhiều xe 4 bánh bị CSGT bắt lỗi cán vạch liền khi rẽ phải. Nguyên nhân, khi đến giao lộ này trên làn 4 bánh, đường Võ Văn Kiệt dành riêng 2 làn rẽ phải. Tuy nhiên, xe 4 bánh chỉ được rẽ phải ở góc hẹp gần sát vòng xoay, với chiều rộng chừng 4 m lại vuông góc vì phần còn lại được dành cho xe 2 bánh dừng chờ đèn.
Theo ghi nhận của phóng viên trong 15 phút, có hàng chục xe rẽ phải cán vạch liền. Để tránh khúc cua phải "quá khó" này, một số bác tài chuyển vào làn hỗn hợp đi chung với xe máy ở giao lộ trước đó để rẽ phải vào Hải Thượng Lãn Ông theo tiểu đảo. Nhưng giải pháp này cũng có nhiều người bị phạt vì lỗi đèn, lỗi chuyển làn…
Tất nhiên, lỗi cán vạch liên tục chỉ là lỗi nhỏ, nhưng CSGT thì lại hay có mặt tại những nơi "hiểm" này.
Theo Lê Nga - Lê Quang
Thanh Niên
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét