Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013


 09:11
 LÂM ĐỒNG có luật Lâm… đồng
Tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp

Tỉnh đã thay bằng văn bản khác nhưng chuyên gia cho rằng văn bản mới cũng chưa ổn, ẩn chứa tính tùy tiện.
                                   
Như chúng tôi đã thông tin, nghi ngờ các doanh nghiệp (DN) gian dối trong việc hoàn thuế, khấu trừ thuế GTGT, tháng 12-2012, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản 7005/UBND-TC có nội dung “không sử dụng hóa đơn GTGT của các DN ngoài tỉnh xuất bán cà phê lên Lâm Đồng để xác định thuế GTGT được khấu trừ của các DN kinh doanh cà phê”. Theo quy định, nội dung văn bản trên là sai luật...
Sửa sai
Ngày 25-3, trao đổi với chúng tôi về văn bản 7005/UBND-TC, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết tỉnh đã ra văn bản khác thay thế.
Theo ông Yên, trong văn bản thay thế văn bản 7005, tỉnh này vẫn tiếp tục chỉ đạo cho Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng và các ngành liên quan tập trung chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh cà phê trên địa bàn.
Bà Phan Thị Vịnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, cho biết văn bản mới của UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục khẳng định tạm thời không chấp nhận khấu trừ thuế GTGT của các hóa đơn GTGT mà các DN ngoài tỉnh xuất bán cà phê lên Lâm Đồng để xác định nguồn gốc của cà phê. Cạnh đó, tỉnh cũng đã thành lập tổ công tác chuyên môn để xác minh nguồn gốc cà phê của hóa đơn GTGT mà các DN ngoài tỉnh xuất bán lên Lâm Đồng. Đối với những hóa đơn mà cà phê không có nguồn gốc rõ ràng thì Cục Thuế sẽ truy thu thuế hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật…
 
Lực lượng liên ngành kiểm tra xe chở hàng hóa trước khi xe ra khỏi Lâm Đồng. Ảnh: DĐ
“Tạm thời” cũng không thể chấp nhận
Nhận xét về văn bản 7005, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng: Có lẽ cơ quan quản lý tỉnh Lâm Đồng cho rằng tỉnh mình là thủ phủ trà, cà phê nên chỉ có bán đi chứ làm gì có mua về nên nghi ngờ DN. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ thì cơ quan thuế đi kiểm tra, xác minh theo quy định chứ không thể không chấp nhận các hóa đơn hợp pháp của DN.
Việc DN ở các “thủ phủ” vẫn phải đi mua hàng từ tỉnh khác là chuyện bình thường. Ví dụ, DN trà, cà phê ở Lâm Đồng có nguyên liệu trà, cà phê nhưng lại không có máy móc để sơ chế, chế biến. Họ có thể bán cho DN ở TP.HCM sơ chế, đóng gói, rồi sau đó lại mua về. Hoặc như ở TP.HCM, làm gì có nguồn tôm, nguồn cá nhưng lại là nơi bán tôm, cá thành phẩm, xuất khẩu thủy sản rất nhiều. Đấy là do TP.HCM có nhiều DN có máy móc, dây chuyền, nhân công để chế biến, đóng gói thủy sản, mua nguyên liệu từ các tỉnh về.
Ngay cả quy định “tạm thời không hoàn thuế để đi xác minh hóa đơn” của Lâm Đồng cũng bất ổn. Tạm thời là thế nào? Bao lâu thì anh mới hết “tạm thời” để bắt đầu hoàn thuế? Anh gửi hồ sơ đến tỉnh khác xác minh mà tỉnh đấy không phản hồi thì anh cứ treo thuế, không hoàn hay sao? Hoàn thuế phải theo quy định chứ không thể tùy tiện. Có hai dạng hoàn thuế: Nếu DN thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì cơ quan thuế có thời gian để kiểm tra đúng thời gian quy định. Nếu DN thuộc diện được hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì cơ quan thuế cứ phải hoàn thuế trước đã, sau đó nếu qua kiểm tra mà cơ quan thuế thấy cần phải thu hồi số thuế đã hoàn thì có quyền thu hồi, xử lý DN.
Theo Điều 60 Luật Quản lý Thuế (năm 2006), đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì cơ quan thuế phải quyết định hoàn thuế trong vòng 15 ngày (từ 1-7-2013, theo Luật Quản lý Thuế sửa đổi thì chỉ còn sáu ngày). Cơ quan thuế có thể chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau (có điều kiện). Nếu không hoàn thì cơ quan thuế phải thông báo lý do. Trường hợp hồ sơ cần phải kiểm tra trước khi hoàn thuế thì cơ quan thuế cũng phải ra quyết định hoàn thuế trong vòng 60 ngày (từ 1-7-2013 chỉ còn 40 ngày).
Quá thời hạn quy định mà cơ quan thuế chậm hoàn thuế và có lỗi trong việc chậm thì phải trả tiền lãi cho DN.
Theo Nghị định 106/2010 hướng dẫn Luật Quản lý Thuế, các trường hợp sau sẽ phải kiểm tra hồ sơ trước khi hoàn thuế: DN đề nghị hoàn thuế lần đầu; DN có hành vi trốn thuế, gian lận về thuế trong vòng hai năm trước; DN không thanh toán qua ngân hàng theo quy định…; hết thời hạn theo thông báo của cơ quan quản lý thuế nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế theo yêu cầu.
Nếu cơ quan thuế muốn kiểm tra thì có đến 10 năm để kiểm tra việc hoàn thuế cho DN nhưng cứ phải hoàn thuế cho DN trước đã!
DUY ĐÔNG - QUỲNH NHƯ
(Theo Người Lao động, tựa do Thương Giang đặt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét