Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013


14:01
“Bình ổn thị trường vàng chứ không bình ổn giá”?

SGTT.VN - Sau khi giảm mạnh ngày 27.3, hôm qua (28.3), giá vàng miếng SJC đã tăng nhanh trở lại, kéo rộng hơn nữa khoảng cách với giá thế giới, sau phiên đấu thầu vàng cùng ngày của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chỉ có 2.000/26.000 lượng vàng của NHNN chào được giao dịch với mức giá cao hơn giá thị trường xấp xỉ 400.000 đồng/lượng. Một trong những lý do chào giá cao được đại diện lãnh đạo NHNN giải thích là: “NHNN tham gia bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá” và “NHNN bán đúng giá thị trường, đảm bảo tài sản Nhà nước”.
   
“Ế” vì giá cao?
Sáng 28.3, đã có 21 thành viên tham gia phiên đấu thầu vàng lần đầu tiên được NHNN tổ chức. “Bất ngờ và thất vọng”, giám đốc một công ty kinh doanh vàng (không nêu tên) nhận xét ngắn gọn với Sài Gòn Tiếp Thị về phiên đấu giá này. Theo đó, lý do vị giám đốc này bất ngờ là mức giá chào NHNN đưa ra rất cao, tới 43,81 triệu đồng/lượng chênh tới 400.000 – 600.000 đồng/lượng so với giá vàng trên thị trường trong ngày giao dịch trước đó (hôm 27.3, trước thông tin NHNN chào bán 26.000 lượng vàng, giá vàng trong nước đã có lúc giảm xuống còn 43,2 triệu đồng/lượng) và chênh tới hơn 3 triệu đồng so với giá thế giới. (xem tiếp trang 4)
“Tại sao chúng tôi lại phải mua vàng của NHNN với giá 43,81 triệu đồng/lượng trong khi giá thị trường rẻ hơn nhiều”, vị giám đốc đặt câu hỏi, và cho biết phiếu của đơn vị ông đã bỏ trắng. Khối lượng giao dịch thành công vỏn vẹn 2.000 lượng, chưa tới 1/10 lượng chào bán, theo ông, là một kết quả có phần gây thất vọng. Ông nói: “Mặc dù các thành viên có tâm lý nghe ngóng, thăm dò, song mức giá bất hợp lý là nguyên nhân chính khiến 24.000 lượng vàng bị ế. Thị trường vàng trong nước vì thế cũng có cớ bật tăng, dù giá thế giới dao động rất nhẹ”.
Chỉ có ACB và Phú Quý đăng ký mua và cùng trúng thầu ở mức giá sàn với khối lượng 1.000 lượng mỗi đơn vị. Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại, giải thích lý do đã đặt mua vàng của NHNN với giá 43,81 triệu đồng/lượng, trong khi giá trên thị trường quanh mức 43,4 triệu đồng/lượng, đó là, đầu giờ sáng, các doanh nghiệp vàng treo giá đó song thực tế không bán vàng ra, trong khi ACB có nhu cầu vàng thực sự để cân bằng trạng thái. Mặt khác, lượng vàng mua vào của ACB cũng rất nhỏ, mang tính thăm dò thị trường, đồng thời thể hiện vai trò thành viên của phiên đấu thầu.
NHNN: tham gia bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá?
Sau khi tăng lên 43,8 triệu đồng/lượng bằng với giá chào của NHNN, chiều qua, giá vàng trong nước giảm nhẹ còn 43,76 – 43,78 triệu đồng/lượng. Lý do đặt mức giá sàn 43,81 triệu đồng/lượng được đại diện lãnh đạo NHNN giải thích với tờ báo điện tử Vneconomy là có “lý do riêng”, cụ thể: “NHNN tham gia bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá, đặc biệt là không để bù bỗ cho ai cả. Việc xác định giá được tính toán để đảm bảo nhiều yêu cầu, đảm bảo lợi ích của Nhà nước mà ở đây là dự trữ ngoại hối, là tài sản của Nhà nước. Điều quan trọng nhất hiện nay là thị trường thiếu cung, NHNN tạo cung cho thị trường”. Cũng vẫn theo vị lãnh đạo này, khối lượng giao dịch thành công thấp, là bởi 26.000 lượng NHNN đưa ra là một nguồn cung lớn, trong khi hầu hết các thành viên tham gia thị trường đều rất thận trọng, nhất là với diễn biến giá đang phức tạp những ngày qua.
Trước hiện tượng giá trong nước bật tăng sau phiên đấu thầu, đại diện lãnh đạo NHNN cho biết: “Không thể qua một phiên để giải quyết thị trường. Thậm chí chúng tôi đã dự phòng trước sẽ có phản ứng về mức giá chào bán đó. Song, NHNN là người mua bán cuối cùng, thị trường thiếu cung thì tạo cung. Nếu giá xuống một cách thực tế thì sẽ bán giá xuống đúng thực tế, chứ không đi bù lỗ, bán giá thấp cho bất cứ ai mà ảnh hưởng đến tài sản Nhà nước”.
Trong khi đó, trước phiên đấu giá, lãnh đạo một ngân hàng nhận xét với Sài Gòn Tiếp Thị: “26.000 lượng vàng NHNN chào bán là quá thấp so với nhu cầu thị trường, trong đó nhu cầu chỉ tính riêng của các ngân hàng cũng tới hàng chục tấn”.
Một đại diện hiệp hội Kinh doanh vàng bày tỏ băn khoăn về cách điều hành thị trường vàng của NHNN khi liên tục “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Theo ông, để bình ổn thị trường, yếu tố cung cầu – giá cả phải gắn chặt chẽ với nhau, trong khi NHNN khẳng định “bình ổn thị trường nhưng không bình ổn giá”.
(Theo SGTT) THẢO NGUYỄN
Ngân hàng Nhà nước thì nói “bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá vàng”, còn Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thì cũng thực hiện “bình ổn lợi nhuận cho doanh nghiệp xăng dầu chứ không bình ổn giá”. Nền kinh tế của ta toàn những chuyện lạ. Có lẽ mức sống của người dân sẽ được bình ổn ở mức thấp. 
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét