07:28
Khi mua vé số, bên cạnh ý thức đóng góp một phần để thực hiện các công trình phúc lợi công cộng, ai cũng mong mình trúng thưởng. Thế nhưng, thực tế trúng thưởng vé số, đặc biệt là giải độc đắc, có vẻ ngày càng khó hơn.
Một buổi quay số ở Công ty XSKT TP.HCM - Ảnh: Quang Thuần |
Bán ít, hủy nhiều…
Theo báo cáo của Công ty XSKT Quảng Ngãi, từ năm 2005 sau khi chuyển đổi từ mô hình liên kết sang mô hình thị trường cạnh tranh, doanh thu của công ty tăng vọt. Cụ thể, năm 2010 đạt trên 171 tỉ, năm 2011 lên 217,7 tỉ và năm 2012 gần 249,2 tỉ đồng. Ông Trần Phùng, Giám đốc Công ty XSKT Quảng Ngãi, cho rằng sở dĩ doanh thu tăng là do thị trường được mở rộng ra 14 tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Tuy nhiên, công ty XSKT cũng “bở hơi tai” trong việc đẩy mạnh lượng vé số tiêu thụ, bởi thị trường người mua vé số gần như bão hòa. Dù đã cố gắng hết sức nhưng công ty cũng đành “bỏ trắng” thị trường các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Nông và Bình Định. Do vậy, trong 3 năm qua, lượng vé số phát hành ở Công ty XSKT Quảng Ngãi khá lớn nhưng tỷ lệ tiêu thụ cũng chỉ đạt từ 25,64 - 31,48%. Đặc biệt, từ năm 2013, khi phát hành vé 6 số (10.000 đồng/vé) thì nghịch lý doanh thu tăng nhưng lượng vé tiêu thụ giảm vẫn tiếp diễn. Hiện mỗi kỳ (1 tuần phát hành 1 kỳ - PV), Công ty XSKT Quảng Ngãi phát hành 2 triệu vé nhưng lượng tiêu thụ được chưa đến 600.000 vé, phần còn lại đem hủy gây lãng phí lớn. Ông Phùng tính toán, nếu lượng vé tiêu thụ chỉ đạt từ 25-30% so với tổng vé phát hành thì mỗi năm công ty mất đi 2,8 tỉ đồng tiền in ấn vé số. "Theo tôi, để kinh doanh XSKT có lãi cao thì lượng vé tiêu thụ phải đạt tỷ lệ 50% trở lên, song đây là vấn đề không hề đơn giản”, ông Phùng nói.
|
Bán ít, hủy nhiều cũng là tình trạng của hầu hết các công ty xổ số hiện nay. Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Công ty XSKT Gia Lai, thừa nhận dù địa bàn phát hành vé của công ty từ Huế vào đến Khánh Hòa và Đắk Lắk nhưng tỷ lệ vé tiêu thụ đạt khá thấp. Cụ thể, năm 2011 tỷ lệ vé bán đạt 35%, năm 2012 là 40% và từ đầu năm đến nay, tỷ lệ này chỉ còn lại khoảng 30% khi công ty phát hành vé 6 số (10.000 đồng/vé) thay cho loại vé 5.000 đồng/vé như những năm trước.
Tại Ninh Thuận, năm 2012, Công ty TNHH MTV XSKT Ninh Thuận được phép in 2 triệu vé (loại 6 số dự thưởng mệnh giá 10.000 đồng)/kỳ/tuần nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 23%, còn 77% vé ế phải hủy. Chi phí in ấn cho 2 triệu vé là 80 triệu đồng. Như vậy, cứ mỗi tuần có khoảng 1,5 triệu vé, tương đương 60 triệu bị hủy bỏ. Cũng bi đát không kém, tỷ lệ tiêu thụ vé số của Công ty XSKT Quảng Nam trong 3 năm qua trên 14 tỉnh, thành tại miền Trung - Tây nguyên chưa có năm nào cao hơn 27%. Cụ thể, năm 2010 chỉ đạt 20%, năm 2011 đạt hơn 22% và năm 2012 hơn 26,5%.
Sợ trúng... độc đắc
Lượng vé bán ra quá ít trong khi giải độc đắc ngày càng phải cao để hấp dẫn người chơi, nên sau khi quay số mở thưởng, nhiều công ty vé số lập tức kiểm tra số độc đắc đã bán ra hay ế. Nếu ế thì thở phào... nhẹ nhõm, còn đã bán thì nơm nớp lo lỗ. Ông Đỗ Trường Sơn, Kế toán trưởng Công ty XSKT Quảng Nam, cho biết trị giá giải độc đắc của 1 đợt phát hành (2 triệu vé loại 10.000 đồng) là 3 tỉ đồng (cho 2 vé độc đắc), nên nếu giải độc đắc nằm trong 26% vé bán ra thì công ty sẽ bị lỗ nặng, chỉ khi rơi vào phần còn lại (vé ế) thì công ty mới có lãi. Năm nào, người chơi trúng thưởng độc đắc ít thì công ty mới lãi.
“Sau khi phát hành vé, tổ chức quay số, chúng tôi đều kiểm tra lại vé độc đắc đã bán hết chưa, qua đó sẽ kiểm tra số seri loại vé này có còn hay không. Nếu còn vé đó thì yên tâm là không ai trúng, nếu không thì chuẩn bị tiền để chung cho họ. Riêng tháng 11.2012, công ty bị lỗ khi phải chi trả 6 tỉ đồng (tiền trúng độc đắc và trúng vé phụ) cho những người dân sống tại Huế”, ông Sơn nói. Đây cũng là thực trạng của tất cả các công ty xổ số có mức tiêu thụ vé thấp hiện nay. Đặc biệt, theo quy định của Bộ Tài chính hiện nay, nếu không có khách hàng trúng thưởng thì số tiền đó được xem là lợi nhuận của công ty. Vì vậy, người chơi trúng độc đắc nhiều, công ty lỗ và ngược lại. Chưa hết, theo quy định hiện nay tỷ lệ trúng thưởng là 50%/tổng vé phát hành. Vì thế, tỷ lệ trúng thưởng giảm thì lợi nhuận của công ty xổ số càng cao và thực tế tại nhiều tỉnh, thành, tỷ lệ giải thưởng đang giảm đi.
|
Tất cả đều lãi
"Chiếu" theo phân tích trên thì trúng giải độc đắc đang ngày càng ít đi bởi tất cả các công ty xổ số "bán ít, hủy nhiều" vẫn đang có lãi. Cụ thể, năm 2012, tỷ lệ tiêu thụ vé của Công ty TNHH MTV XSKT Ninh Thuận chỉ đạt dưới mức 30% nhưng lợi nhuận trước thuế của công ty này vẫn đạt hơn 20 tỉ đồng. Còn ở Gia Lai, ông Nguyễn Hoàng Nam cho biết 3 năm trở lại đây lợi nhuận của công ty đạt trung bình từ 20-25 tỉ đồng/năm, dù tỷ lệ vé tiêu thụ đạt khá thấp. Hiện mỗi tuần, Công ty XSKT Gia Lai phát hành 2 triệu vé với tổng giải thưởng 10 tỉ đồng. Trong 12 kỳ phát hành, có 5 kỳ có trường hợp trúng giải đặc biệt (chỉ phát hành một cặp vé trúng giải đặc biệt với giải thưởng 1,5 tỉ đồng/vé). Đó là lý do dù tỷ lệ tiêu thụ đạt chưa đến 40% nhưng công ty vẫn sống khỏe.
Tại Hà Nội, trong vài năm trở lại đây, Công ty XSKT Thủ đô mỗi năm đạt doanh thu bình quân 750 tỉ đồng, nộp ngân sách khoảng 160 tỉ đồng. Quảng Ninh xếp thứ hai với tổng doanh thu 231 tỉ đồng, tăng 3,8 tỉ đồng so với 2011. Trong đó, phát hành vé truyền thống 173,6 tỉ đồng, vé lô tô 45,9 tỉ đồng, vé biết kết quả ngay 11,5 tỉ đồng. Ông Đỗ Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV XSKT TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng XSKT miền Nam, cho biết: “6 năm trước Công ty XSKT TP.HCM tiêu thụ chỉ khoảng trên 40% nhưng lợi nhuận hằng năm vài trăm tỉ, nộp ngân sách cũng mấy trăm tỉ. Các công ty ở miền Trung chỉ tiêu thụ vé số 20-30% cũng chưa công ty nào kêu lỗ; ở miền Bắc tiêu thụ dưới 20% nhưng họ vẫn phát hành vé số truyền thống bên cạnh vé số lô tô, cũng chưa thấy công ty nào kêu lỗ. Công ty nào cũng lời ít nhất vài chục tỉ, thậm chí có tỉnh chỉ riêng công ty XSKT đã đóng góp đến 30-40% tổng thu ngân sách hằng năm”.
Theo nhiều chuyên gia, thực ra do xác suất trúng giải đặc biệt quá thấp, cơ hội chỉ có 1/1 triệu vé nên dù phát hành thấp thế nào, nguy cơ rủi ro cao nhưng các công ty XSKT vẫn cố làm. Đó là chưa kể, dù tỷ lệ trúng thưởng luôn được cơ cấu 50/50 nhưng thực tế lại không vượt quá 40% so với lượng vé phát hành, vì thế các công ty XSKT đều có lãi.
Nhóm PV Kinh tế Báo Thanh niên
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét