Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013


06:51
Phiên họp thứ 2, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Quyết tâm tạo sự chuyển biến mới trong ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí
QĐND Online – Sáng 26-3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tổ chức phiên họp thứ 2. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Trưởng ban Nội chính Trung ương đọc các báo cáo, quy chế trình hội nghị bàn bạc và quyết định về Quy chế làm việc, chương trình công tác, phân công trách nhiệm thành viên và một số công việc liên quan.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị
Hội nghị thống nhất cho rằng: Trong thời gian tới, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả hơn nữa chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), chú trọng cả phòng và chống; cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật. Để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác này; Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN đề cập các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội để phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; trước hết là giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN; hội nghị đã thảo luận, làm rõ các quy định theo Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), khẳng định: Ban chỉ đạo có trách nhiệm giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, Ban chỉ đạo có quyền yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có quyền kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ; hoặc chỉ đạo, phối hợp các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong trường hợp cần thiết, Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ việc, vụ án cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền phúc tra hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cũng tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện, trình Ban Bí thư ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương để tham mưu, giúp cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
(Theo QĐND) HỒNG HẢI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét