12:15
Tính mạng dân không thể 'quyết' bằng nghị định
Không thể "quyết" tính mạng của dân bằng nghị định và
ủy thác cho một nhân viên hay một nhóm nhân viên công lực chiếu theo đó tùy ý
thi hành, nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm về đề xuất cho phép
nổ súng vào đối tượng chống người thi hành công vụ đang gây tranh cãi.
Không cần thiết và vượt quá thẩm quyền
Ông
Nguyễn Minh Thuyết: Thời gian gần đây có khá
nhiều văn bản, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật vừa ra đời đã bị treo, bị
hủy. Nguyên nhân trước hết là những người soạn thảo các văn bản đó đã không
làm công tác phân tích chính sách chu đáo trước khi ban hành hoặc đề xuất lên
cấp có thẩm quyền ban hành.
Việc phân tích chính sách
không thể chỉ dừng ở mô tả thực trạng bằng những con số, chẳng hạn có bao
nhiêu vụ chống người thi hành công vụ một năm, bao nhiêu chiến sĩ đã bị
thương hay hy sinh v.v... Sau khi đã chỉ ra thực trạng, còn phải xác định
nguyên nhân, từ đó tính toán xem áp dụng giải pháp nào là tốt nhất.
Ví dụ: Có thể giải quyết
nguyên nhân ấy bằng các quy định hiện hành không? Nếu không thì áp dụng biện
pháp gì? Biện pháp đó có tạo ra những bức xúc dẫn đến bất ổn xã hội không?
Đáng tiếc là những bài học
khai tâm này vẫn chưa được một số nhà hoạch định chính sách lưu ý.
Nguyên nhân thứ hai là một số
cơ quan soạn thảo hoặc ban hành chính sách mới chỉ nghĩ đến mình, cốt làm sao
giành được thuận lợi hoặc bảo đảm lợi ích cho ngành mình, thậm chí cũng có
trường hợp có dấu hiệu lạm quyền.
Đề xuất của Bộ Công an về
việc cho phép nổ súng trực tiếp vào người hoặc phương tiện chống người thi
hành công vụ trước hết là không cần thiết, vì việc sử dụng vũ khí đã được quy
định trong Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
của UB Thường vụ Quốc hội khóa XII, vừa ban hành ngày 30/6/2011. Không lẽ mới
sau hơn 1 năm đã xuất hiện những tình huống đến mức phải ban hành quy định
mới?
Thêm nữa, việc dự kiến sử
dụng hình thức nghị định để cho phép lực lượng công an được nổ súng trực tiếp
vào người hoặc phương tiện chống người thi hành công vụ là vượt quá thẩm
quyền của Chính phủ. Những quy định động chạm trực tiếp đến quyền con người,
quyền công dân, nhất là quyền sống của con người phải do Hiến pháp quy định hoặc
tối thiểu cũng phải do Quốc hội ban hành.
Đối với những trường hợp có
dấu hiệu phạm tội thì chỉ tòa án mới có quyền nhân danh Nhà nước tuyên có tội
hay không có tội và áp dụng khung hình phạt như thế nào.
Không thể "quyết"
tính mạng của dân bằng nghị định và ủy thác cho một nhân viên hay một nhóm
nhân viên công lực chiếu theo đó tùy ý thi hành.
Đừng ngăn cách với dân
Nhiều quan điểm, trong đó cả
từ các luật sư, cho rằng đề xuất là cần thiết, vì hiện tượng chống đối, tấn
công gây thiệt hại cho nhân viên công lực đã xảy ra. Trang bị thêm quyền cho
họ là cần thiết?
Pháp lệnh của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội đã quy định rất rõ các trường hợp được nổ súng. Nhưng vũ khí của
công an không chỉ có súng.
Trước hết, lực lượng công an
nhân dân phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chấp hành pháp
luật. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng vũ lực thì cũng phải áp dụng những
biện pháp từ thấp đến cao, từ các công cụ hỗ trợ không gây nguy hiểm tính
mạng đến vũ khí có khả năng sát thương. Vũ lực luôn là biện pháp nguy hiểm và
thất bại nhất, theo cả quan điểm triết học lẫn thực tế.
Mấy hôm nay, báo chí đang đưa
tin về vụ giết người và đám đông đưa quan tài nạn nhân diễu quanh thành phố
Vĩnh Yên do nghi ngờ người nhà quan chức của tỉnh can dự vào vụ án. Nếu đám
đông bị kích động vì tình cảm không chịu giải tán theo yêu cầu của công an
thì đó có phải hành vi chống đối người thi hành công vụ không?
Cũng mới hai năm trước, ở Hải
Phòng xảy ra vụ Đoàn Văn Vươn đã gây xúc động lớn trong công luận; nhiều đồng
chí lãnh đạo cao cấp, cựu lãnh đạo cao cấp cũng không tán thành. Chắc chúng
ta đều chưa quên vụ việc này.
Nói thực là anh em công an bây
giờ cũng có người có khuynh hướng lạm dụng vũ lực. Cũng có trường hợp bị công
an đánh, thậm chí đánh gây tử vong trên đường hay ở nơi giam giữ. Với những
người có khuynh hướng lạm dụng vũ lực này, việc cho phép nổ súng có thể dẫn
đến những hậu quả khôn lường, sẽ đào sâu thêm hố ngăn cách giữa chính quyền
và lực lượng công an với người dân, rất nguy hiểm cho chế độ và an ninh xã
hội.
Đó là chưa kể biện pháp này
sẽ tạo ra những kẽ hở pháp luật dẫn tới việc nhân viên công lực có thể lạm
quyền để vi phạm pháp luật. Trở lại vụ án cầu Chương Dương (Hà Nội), cảnh sát
Nguyễn Tùng Dương giết anh Nguyễn Việt Phương tròn 20 năm trước. Sau nhiều
biện pháp điều tra, cơ quan pháp luật đã chứng minh Tùng Dương giết người,
cướp của. Sau đó anh ta đã bị xử tử. Nếu giả sử bây giờ ta cho sử dụng vũ khí
bắn người thì những vụ án như Tùng Dương sẽ giải quyết thế nào?
Nhưng trên thực tế đã có
nhiều chiến sĩ công an hy sinh, hoặc bị thương tích nặng khi bị những đối
tượng hung hãn tấn công. Họ cũng phải bảo vệ tính mạng của họ trước?
Tôi đã đọc thống kê của ngành
về những vụ chống đối người thi hành công vụ, chủ yếu trong lĩnh vực giao
thông. Tôi nghĩ công an giao thông có nhiều biện pháp xử lý, không nhất thiết
phải dùng cách tấn công trực diện những người vi phạm, gây nguy hiểm cho
chính mình.
Với tội phạm khác, ngoài việc
nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ, có thể trang bị thêm các công cụ hỗ
trợ, thiết bị bảo vệ... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng huấn thị công an:
"Đối với dân, phải kính trọng lễ phép. Đối với địch, phải cương quyết,
khôn khéo."
Điều quan trọng nhất - theo
tôi - là đừng lẫn dân với địch, lẫn người vi phạm với tội phạm. Muốn vậy,
phải tìm ngọn nguồn của hành động chống đối để phân loại đối tượng.
Ví dụ: (1) những tội phạm
nghiêm trọng, chống đối quyết liệt; (2) những trường hợp do bồng bột, thiếu
hiểu biết hoặc do tính cách thiên về bạo lực như cô gái tát cảnh sát trên
đường; (3) những người dân mất niềm tin vào việc đòi công lý hoặc quyền lợi
khi tính mạng hoặc tài sản của họ bị xâm phạm mà không tìm được cách giải
quyết, đấu tranh theo kiểu "con giun xéo lắm cũng quằn".
Mỗi đối tượng và nguyên nhân
phải có cách giải quyết riêng.
Ví dụ, đối với những người
dân bị thu hồi đất một cách bất công, họ thấy thiệt thòi, đau xót, kiện tụng
khắp nơi không được thì họ bất đắc dĩ đi khiếu kiện đông người. Những trường
hợp này phải giải quyết tận gốc bằng chính sách, pháp luật. Còn nếu dùng vũ
lực để giải quyết thì đó là cách giải quyết dở, chứa đựng những nguy cơ tệ
hại nhất.
Hoàng Hường (thực hiện)
Xã hội cũng
như một gia đình ở quy mô lớn. Khi người chủ gia đình chỉ quan tâm duy trì kỷ
cương bằng bạo lực có nghĩa là đã bất lực với các biện pháp khác. Mà bạo lực
gia đình chỉ mang tới điều tệ hại. Hiện ta đang đấu tranh loại bỏ bạo lực gia
đình, vậy sao các cơ quan công quyền vẫn thích sử dụng bạo lực?
Thương Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét