Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013


17:02
 “Lạm phát” sinh viên khá giỏi: Mừng hay lo?Sinh viên Trường ĐH Ngoại Thương - một trong những trường được đánh giá cao về chất lượng đào tạo. Ảnh: G.Huy

“Lạm phát” sinh viên khá giỏi: Mừng hay lo?

 

Tại kỳ thi tuyển sinh đại học, đầu vào của nhiều trường hết sức đì đẹt, thì ngược lại, ở “đầu ra”, sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng khá, giỏi lại cao bất thường. Điều này không phải là tín hiệu vui  mà trái  lại, đang là thực trạng  đáng lo, bởi hàng loạt nghi vấn như “đánh bóng” tên tuổi trường; chạy điểm; mù mờ chất lượng đầu ra...
Choáng với tỉ lệ khá, giỏi 94,5%

Tỉ lệ SV tốt nghiệp khá giỏi gần đây trở nên khá... giật gân, khi hàng loạt trường cho “ra lò” những “thế hệ” SV mà có tới trên dưới 90% nhận bằng từ loại khá trở lên. Có thể kể đến như niên khóa 2007-2011 của ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) có 4,22% trung bình. Kết quả tốt nghiệp của ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) chỉ có 4,8% trung bình. Tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, khóa 2006 - 2011 tốt nghiệp với tỉ lệ đạt loại khá trở lên chiếm 82%. Tại Trường ĐH Duy Tân, số sinh viên tốt nghiệp trong năm 2011, nhận bằng loại khá, giỏi, xuất sắc chiếm đến 94,5%. Hay khóa 58 (2008 - 2012) của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong số 1.547 sinh viên hệ ĐH, CĐ chính quy tốt nghiệp chỉ có 9 SV tốt nghiệp loại trung bình (chiếm 0,58%)!

Nếu đem những con số thống kê của các trường trên “tham chiếu” qua những trường có truyền thống, uy tín về chất lượng đào tạo sẽ khiến không ít người phải... giật mình về tỉ lệ SV khá giỏi. Trường ĐH Bách khoa TPHCM trong lễ tốt nghiệp tổ chức vào cuối năm 2012, trong số 1.606 tân tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân hệ chính quy và sinh viên hệ ĐH không chính quy, số SV nhận bằng chính quy loại khá, giỏi cũng chỉ 27,6%. Còn Trường ĐH Văn Hiến cuối năm 2012 trao bằng tốt nghiệp cho 1.155 SV, thì chỉ có 27 em loại giỏi, loại khá 386 em, đạt tỉ lệ 36%.

TS Lê Viết Khuyến - Ban hỗ trợ chất lượng GDĐH thuộc Hiệp hội các trường ĐH và CĐ ngoài công lập VN - cho rằng: SV tốt nghiệp loại giỏi của loại trường này chưa chắc đã bằng SV loại khá của trường khác. Năm 2010, Bộ GDĐT đã yêu cầu các trường ĐH nhanh chóng xây dựng chuẩn đầu ra, cam kết về chất lượng đào tạo của các trường.

Tuy nhiên, theo như công bố của các trường thì chuẩn đầu ra vẫn là khái niệm khá mù mờ. Chỉ trừ  trình độ ngoại ngữ, tin học có thể đo đếm được (đa số các trường dựa trên điểm TOEIC, TOEFL, IELTS hay bằng A, B, C...) những tiêu chí khác trong chuẩn đều khá chung chung, thường theo kiểu SV ra trường “có kiến thức cơ bản về toán”... “Vậy thế nào là có kiến thức cơ bản về toán? Một người biết cộng trừ nhân chia đã phải là có kiến thức cơ bản về toán không”? - ông Khuyến đặt câu hỏi và khẳng định: “Sự thiếu rõ ràng như vậy dẫn tới đánh giá trình độ SV càng mông lung”.

GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) - cũng nhận định: “Sự công bố này thực ra không có nhiều ý nghĩa với xã hội. Hiện chúng ta chưa có một mức chuẩn để đánh giá trình độ SV. SV được công nhận giỏi hay khá chỉ là so sánh “trong nội bộ” trường ĐH đó mà thôi”.

Lý do “lạ” để thành sinh viên giỏi

Không phải những nguyên nhân “chính thống” như chất lượng dạy - học tốt đã tạo nên kết quả khá giỏi nhiều mà những người trực tiếp giảng dạy lại đưa ra các lý do bất ngờ để giải thích hiện tượng tỉ lệ sinh viên khá giỏi tăng đột biến ở không ít trường ĐH, CĐ thời gian gần đây. Lý do đầu tiên chính là cách tính điểm trong đào tạo tín chỉ tính hệ 10 sang hệ 4 và từ hệ 4 sang hệ chữ A, B, C, D tạo một khoảng quá rộng giữa các điểm hệ 4 và hệ chữ.

Chính điều này làm thay đổi tỉ lệ xếp loại các SV. Do quy chế đào tạo theo hình thức tín chỉ, cho phép người học học lại những môn có kết quả thấp. Bên cạnh đó, quy trình đào tạo cho phép có thể kéo dài thời gian học nên nếu cảm thấy sức học yếu, SV có thể đăng ký ít tín chỉ hơn trong mỗi năm học để có kết quả học tập tốt hơn...

Ở góc độ là giảng viên hợp đồng của một trường ĐH dân lập - cô T chia sẻ: Không ít lãnh đạo, nhất là lãnh đạo trường ngoài công lập xuất phát từ quan niệm nếu có nhiều SV tốt nghiệp loại khá giỏi sẽ là một cách “đánh bóng” tên tuổi trường nên dẫn đến tình trạng giảng viên “nới tay” khi cho điểm, đánh giá SV. Nếu cho điểm “chặt tay” hoặc đánh rớt SV nhiều sẽ bị trường hỏi ngược lại rằng, cô (hoặc thầy) dạy thế nào để SV không hiểu, đạt điểm thấp quá. Thậm chí, nhiều trường còn tỏ ý sẽ “cắt hợp đồng với giảng viên” nếu tình trạng tỉ lệ SV trung bình, điểm yếu vẫn tiếp diễn, kéo dài. Cũng theo giảng viên này, tỉ lệ SV khá giỏi trở thành “lạm phát” ở một số trường cũng bị tác động bởi sự tuyển dụng của một số địa phương, Cty. Khi chế độ tuyển dụng có một số ưu ái nhất định cho những SV đạt loại khá, giỏi...

Người sử dụng lao động: Bằng giỏi mà thiếu kỹ năng

Bạn Phi Nhu - thủ khoa ngành bảo hiểm kinh tế K23 - ĐH Kinh tế TPHCM - cho biết: “Bằng giỏi, bằng thủ khoa của tôi là thực lực. Thế nhưng, ngay sau khi tốt nghiệp, khi được tuyển dụng làm đúng chuyên ngành tại một Cty bảo hiểm quốc tế,  tôi vẫn không thể tiếp cận được công việc của mình. Tôi nhận ra rằng, những gì mình đã được học đều rất “mơ hồ”, cách xa “hàng trăm thước” so với những gì thực tế phải làm. Thậm chí, bây giờ khi nhìn lại luận văn đạt loại ưu của mình, tôi lại thấy những vấn đề tôi đề cập rất “ngô nghê”! Để đáp ứng tốt yêu cầu của công việc, tôi luôn tự trang bị lại kiến thức qua hàng chục khóa đào tạo chuyên ngành khác nhau, từ trong nước đến nước ngoài”...

Trước thực trạng này, TS Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa TPHCM - cũng công nhận: “Quan trọng là chất lượng đào tạo thật của từng trường”. Theo ông Nam, nếu danh tiếng của trường đã được xã hội, cộng đồng công nhận, đánh giá cao thì chỉ cần cầm tấm bằng tốt nghiệp của trường ấy cũng đã  phần nào khẳng định được người đạt tấm bằng là ai, có năng lực ở mức nào chứ không cần phải là bằng giỏi hay khá... “Và suy cho cùng,  giá trị tấm bằng là ở chỗ người sở hữu bằng có những năng lực gì, làm việc ra sao khi cọ sát với ngành nghề thực tế, khẳng định mình trong cuộc sống chứ không dừng ở mức hình thức “giỏi - dở” được in ở tấm bằng” - ông Nam nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc Cty đào tạo, tuyển dụng và cung cấp nguồn nhân lực, nguyên chuyên viên của Tập đoàn Cung cấp giải pháp nhân sự Navigos Group - khi nói về việc tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đã thẳng thắn: “Có thể hơi cảm tính nhưng với hơn 10 năm trong nghề “săn đầu người”, tôi thấy SV tốt nghiệp ĐH loại khá, giỏi nhưng không hề có kỹ năng làm việc, phải đào tạo lại là khá phổ biến, tỉ lệ trên dưới 40%”.

“Cũng qua quá trình tuyển dụng và cung cấp nguồn nhân lực cao cấp cho các Cty có nhu cầu, tôi được biết, gần như mọi SV (kể cả SV trình độ khá giỏi) khi vào làm việc thực tế tại một doanh nghiệp đều phải trải qua một quá trình đào tạo lại để thích ứng với công việc thực tế, đặc thù riêng ở từng doanh nghiệp - khoảng thời gian này thường được xác định là thời gian thử việc. Sau đó, tất cả những bạn đã được chọn, ký hợp đồng thử việc sẽ phải trải qua một kỳ “sàng lọc” cuối để doanh nghiệp xác định rõ hơn trình độ, năng lực, từ đó mới tuyển dụng thực tế”.

TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Cách đào tạo theo tín chỉ sẽ giúp có nhiều SV đạt khá giỏi hơn, nhưng cũng có không ít SV bị rơi vào tình trạng cảnh báo học vụ. Vì vậy, khi áp dụng học chế mới, nếu ở một trường mà tình trạng SV khá giỏi tăng lên song song với số SV bị “cảnh báo” nhiều thì lại là điều bình thường. Trái lại, sẽ là bất thường trong đào tạo và không loại trừ yếu tố “đánh bóng tên tuổi” của trường.
Theo Lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét