Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013


09:30

Những chính sách "made in" phòng máy lạnh

Theo một nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ, trong buổi họp Chính phủ thường kỳ tháng trước, lãnh đạo Chính phủ tỏ ý không hài lòng với chất lượng các dự thảo văn bản lần cuối được trình ký khiến cho gần đây, có một số văn bản, quyết định khi ban hành có nhiều lỗi “không đáng có”, phải sửa đổi.
Ông đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải làm tốt hơn công việc rà soát, thẩm định các nội dung dự thảo để có những dự thảo văn bản “sạch” nhất trước khi trình ký.

Nhưng không chỉ ở Văn phòng Chính phủ, một loạt văn bản dưới dạng Nghị định, thông tư đã ban hành hoặc chuẩn bị ban hành gần đây do các bộ, ngành chuẩn bị cũng bị lỗi rất nhiều. Lỗi không chỉ ở câu từ, ngữ pháp…mà có không ít quy định có nội dung xa rời thực tế, thiếu tính khả thi và không phù hợp, đồng bộ với các quy định pháp luật đã có, hiện đang áp dụng ở các luật, chính sách khác của nhà nước.

Ở một góc độ nào đó, có thể coi đây là những văn bản “trong phòng máy lạnh” do các cán bộ, chuyên viên soạn thảo chỉ ngồi một chỗ trong phòng nghĩ ra, trình ký mà không có những khảo sát, đánh giá vấn đề phải giải quyết trên thực tiễn nên nó thiếu tính thực tế nghiêm trọng. Cho nên, đang dự thảo hoặc chỉ mới ban hành được ít ngày, các quy định, chính sách ấy đã vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận, thậm chí từ chính các cơ quan nhà nước khác, từ cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nên đã ngay lập tức phải sửa đổi hoặc hủy bỏ.

Cụ thể nhất là  thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT  được ban hành ngày 28/2 của liên Bộ Khoa học và công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông - Vận tải ký về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm trong đó quy định phạt với người đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng như đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Ngay khi vừa ban hành ra, tuy chưa đến thời điểm áp dụng như trong thông tư này nêu, quy định trên đã vấp phải phản ứng rất mạnh trong dư luận. Bộ Tư pháp cũng ngay lập tức có ý kiến phản đối quy định này.
Người phát ngôn Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng quy định buộc người dân phải biết mũ thật, mũ giả và là căn cứ để xử phạt theo Thông tư 06 là "thiếu thuyết phục". Bởi hiện nay việc quản lý nhà nước từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bán mũ bảo hiểm chưa tốt.  Theo ông Dũng, nhiều loại mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm, mũ giả, mũ không đúng tiêu chuẩn... người dân rất khó phát hiện, phân biệt, thậm chí là rất khó đối với cả lực lượng cảnh sát giao thông.
Ảnh VnExpress.

Bản thân những người thừa hành, thực thi quy định trên cũng không tán thành nội dung quy định này. Đại tá Đào Vịnh Thắng (trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) cho rằng việc xử phạt theo thông tư 06 sẽ gặp khó khăn, bởi cảnh sát chưa được tập huấn, chưa có văn bản hướng dẫn hay trang thiết bị để phân biệt mũ bảo hiểm kém chất lượng. Hơn nữa, Nghị định 34 và Nghị định 71 mới chỉ quy định xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hay đội mũ bảo hiểm không cài quai, chứ chưa có chế tài cụ thể về xử phạt người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Luật cũng chưa cho phép cảnh sát dừng xe người đội mũ bảo hiểm rởm để kiểm tra, xử phạt.

Do những phản ứng như trên, các bộ tham gia ký Thông tư số 06 thống nhất dừng việc phát hành để xem xét sửa đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Việc dừng phát hành một thông tư khi bút ký còn chưa ráo mực như trên vì quy định bất khả thi như vậy là cần thiết. Nhưng qua đó có thể thấy, một văn bản  thông tư mà có đến 3 bộ cùng thò bút ký vẫn để xảy ra lỗi như vậy thì đây cũng là một điều đáng báo động về tư duy, cách thức làm chính sách ở nhiều bộ hiện nay.

Trước đó, 3 tuần, một thông tư của bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành  thông tư số 04 (ngày 26/2) sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013 quy định “không được phát tán thông tin tiêu cực”. Chỉ một ngày sau ban hành, thông tư này đã bị phát hiện: “Vi phạm quy định về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân”, theo Luật Khiếu nại, tố cáo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng phải lên tiếng: "Quả thật việc này không đúng quy định pháp luật, vi phạm quyền tố cáo của công dân”. Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho biết đã trao đổi với lãnh đạo Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Giáo dục  và ông Bộ trưởng đã phải thừa nhận ngay có sai sót và sẽ phải sửa đổi thông tư trên.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam trong một lần xuất hiện trước báo chí gần đây cũng phải thừa nhận:: "Đúng như báo chí nói trong thời gian qua có rất nhiều văn bản (ít ra trên 3 cái), có nhiều quy định không sát thực tiễn, chưa nói có những quy định không đúng pháp luật".

Trước đó nữa, một văn bản nghị định của Chính phủ- Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ban hành ngày 17.12.2012 quy định về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức viên chức. trong đó quy định: “Linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài” (điều 4) cũng được cho thiếu tính khả thi, không có tình và cũng không có lý. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có văn bản đề nghị rút lại quy định này. Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng cục này cũng đã lên tiếng: “Dù nại bất cứ lý do gì để bảo vệ nội dung này cũng không thể chấp nhận được”.

Đó là các dạng văn bản, chính sách đã ban hành nhưng không có tính khả thi phải rút, thu hồi lại. Nhưng cũng có rất nhiều quy định thiếu tính khả thi cao đã phải rút ngay từ khi còn đang dự thảo lần đầu…Ví dụ như quy định người xuất cảnh, đi nghĩa vụ quân sự…trên 2 năm thì xóa tên khỏi sổ hộ khẩu trong dự thảo Luật Cư trú hay quy định thu phí bảo trì đường bộ với người đi xe đạp điện trong một thông tư của Bộ Tài chính.

Tuy việc sửa đổi, gỡ bỏ các quy định thiếu tính khả thi đó, có thể cho là bình thường do vẫn còn đang trong quy trình xây dựng, lấy kiến, cái gì chưa hợp lý thì bỏ đi. Nhưng tần suất số quy định thiếu tính khả thi đó nhiều cũng phản ánh não trạng, tư duy người làm chính sách ở nhiều cơ quan, ban ngành đang rất có vấn đề.

Kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, văn bản chính sách ban hành ngày càng nhiều để điều chỉnh, xử lý các vấn đề nảy sinh để đưa trật tự xã hội, các hành vi của tổ chức, cá nhân vào khuôn khổ, trật tự, đảm bảo công bằng. Nhưng một loạt chính sách và dự thảo chính sách của các cơ quan từ Chính phủ xuống đến các bộ, ngành có nhiều “sạn”, nhiều nội dung không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi như vậy đã thực sự là hồi chuông báo động về chất lượng công tác soạn thảo, xây dựng chính sách.

Thực trạng này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan chính phủ phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng luật, thay đổi tư duy làm chính sách và nhất là trong quá trình soạn thảo chính sách, trước khi ban hành, phải thực hiện đầy đủ các bước nghiên cứu, soạn thảo cơ bản: đánh giá tổng kết thực trạng vấn đề, đặt ra mục tiêu, giải pháp, lấy ý kiến đánh giá của các đối tượng bị tác động của chính sách…

Trên thực tế, đáng tiếc, có nhiều bằng chứng cho thấy, có nhiều khâu cần phải thực hiện trong việc làm chính sách của các bộ đã bị bỏ qua. Ví dụ như Ngân hàng Nhà nước, khi làm dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt, dự kiến phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp tổ chức trong tháng 2.2103 nhưng kế hoạch này đã được Ngân hàng Nhà nước hủy bỏ. Không lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, đối tác tượng bị điều chỉnh, các nhà làm chính sách còn nhiều sai lầm trong việc hoạch định chính sách và sẽ còn nhiều văn bản: luật, nghị định, thông tư…phải đình chỉ ngay khi mới ban hành hoặc phải liên tục sửa đổi, bổ sung, gây thêm nhiều tốn kém, chi phí cho nhà nước.

(Theo TuanVietNam, tựa do Thương Giang đặt) Trung Ngôn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét