08:17
Giá độc quyền dễ tăng khó giảm
- Không biết đến khi nào thì EVN hết thua lỗ và không biết đến
bao giờ mới hết lý do để tăng giá điện? Phải chăng giá độc quyền luôn dễ tăng
khó giảm?
Theo EVN, lý do tăng là giá điện đang được bán dưới giá thành. Việc tăng giá điện nhằm bù một phần các khoản lỗ chục ngàn tỷ cho EVN. Đồng thời, việc tăng giá điện cũng giúp thu hút đầu tư vào ngành điện, khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Tiếp đà này, năm 2013, EVN lại "dọn đường" với thông tin sẽ còn tiếp tục tăng giá điện 11% hoặc 13% nữa. Lý do cũng nhiều, đó là EVN chủ yếu đi mua điện và bán lại, bản thân EVN cũng không bù đắp được chi phí nếu bán giá thấp, hơn nữa nếu tiếp tục ép các nhà máy bán giá thấp thì họ cũng không đầu tư thêm nữa và nguy cơ thiếu điện sẽ xảy ra. Rồi cần khoảng 30.289 tỷ đồng để trả nợ trong 2013 này. Rồi nguy cơ hạn hán, thủy điện suy giảm có thể phải phát 1,5 tỷ kWh điện từ dầu FO... Nếu như vậy thì chi phí dầu dự kiến sẽ tăng thêm 6.000-7.000 tỷ đồng. Vì thế, không tăng giá, EVN sẽ mất cân đối tài chính. Theo EVN, năm 2012, tập đoàn lãi khoảng 6.000 tỷ đồng, đấy là chưa tính tới nguồn thu từ đợt tăng giá điện vào ngày 22/12/2012. Với lần tăng giá điện này theo tính toán, năm 2013 EVN sẽ thu thêm 7.000 tỷ đồng nữa
Tuy nhiên, giá điện vẫn tiếp tục tăng
là điều khó tránh khỏi.
Vì thế, nhiều người đặt câu hỏi không biết giá điện tăng đến bao nhiêu thì EVN mới thỏa mãn, không biết đến khi nào thì EVN hết thua lỗ và không biết đến bao giờ thì EVN hết lý do để tăng giá điện? Nhiều ý kiến cho rằng khi EVN vẫn độc quyền thì giá điện sẽ còn tăng. Nếu có một thị trường cạnh tranh, trong đó có nhiều người bán, thì EVN có muốn tăng giá điện cũng phải nhìn ngó các nhà cung cấp khác. Vì vậy, việc tăng giá dù có muốn và có quyền tự quyết cũng khó có thể tự tung tự tác được. Hơn thế, để có thể cạnh tranh, EVN phải xem lại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và tự đặt câu hỏi: Vì sao phải tăng giá bán điện, tăng giá như vậy có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, sự tồn tại của DN... và tự tìm câu trả lời cho chính mình. Điều đó có nghĩa, thay vì tìm đủ mọi lý do tăng giá thì DN phải nghĩ đến các giải pháp nâng cao hiệu quả, để tránh tăng giá nhằm duy trì thế mạnh cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay điện vẫn là thị trường độc quyền chỉ có 1 người bán duy nhất là EVN. Mà đã độc quyền thì có đủ lý do để tăng giá là làm bằng được. EVN nói giá điện thấp làm họ thua lỗ nhưng báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố cuối năm 2011 cho thấy, có đến 2/3 các dự án điện của EVN chậm tiến độ, hàng loạt các dự án đã phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, nhiều hợp đồng ký với đối tác lớn hơn giá trị dự toán được duyệt đến hàng chục triệu USD, các nhà thầu chậm tiến độ hàng năm trời gây tổn thất hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn không phạt họ.
Đặc biệt, một số công ty thành viên sai phạm làm ảnh hưởng
đến kết quả kinh doanh như huy động và sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư phát
sinh so với kế hoạch dẫn đến việc không cân đối nguồn vốn, phải dùng đến vốn
sản xuất kinh doanh và tiền điện để bù đắp... Thua lỗ nhưng trả thu nhập cho
người lao động cao chót vót.
Vì thế, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận, mặc dù có số thua lỗ lớn như vậy nhưng vẫn có những cơ sở để làm giảm lỗ kinh doanh điện. Ngoài ra, EVN cũng có thể tăng kết quả sản xuất, kinh doanh điện nếu tiết giảm chi phí nhân công hợp lý. Tuy nhiên, trong điều kiện độc quyền và được tự chủ tăng giá thì EVN sẽ chẳng cần phải làm ngay những công việc mang ý nghĩa sống còn đối với DN như: tăng cường tiết kiệm, cắt giảm nhân sự, nâng cao năng suất... để làm giảm giá thành. Mà cách dễ nhất là tất cả mọi chi phí cứ chuyển vào giá và cứ thua lỗ lại tăng giá. Tất cả chuyển sang khách hàng gánh chịu mà chẳng cần phải lo lắng bởi độc quyền thì dân không có lựa chọn nào khác. Chỉ khổ cho DN và người dân điện vừa mới tăng giá lại tiếp tục nhận được thông tin sẽ tăng giá tiếp. Giá điện tăng kéo hàng loạt chi phí khác lên theo nên DN và người dân đành phải ngậm đắng nuốt cay để dùng điện độc quyền. Thế mà mới đây, Bộ Công thương lại tiếp tục đề xuất cho EVN tăng giá khi có biến động đầu vào 2% nhưng lại chỉ giảm giá khi đầu vào giảm 5%. Đây hẳn là một điều vô lý vì như thế chẳng khác nào cho EVN quyền tăng nhanh và nhiều nhưng giảm ít và chậm. Chuyện là như thế chắc chỉ có trong cơ chế độc quyền mà thôi.
(Theo VietNamnet) Trần Thủy
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét