Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013


13:11
 Khúc quanh mới của cuộc chiến pháp lý

SGTT.VN - Mỹ bày tỏ ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế. Thái Lan, Singapore, Việt Nam cũng đã có những tuyên bố hậu thuẫn Manila.

Hạ viện Mỹ ngày 29.1 vừa bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với việc Philippines kiện Trung Quốc ra toà án trọng tài. Trước đó, Thái Lan, Singapore, Việt Nam cũng đã có những tuyên bố hậu thuẫn các nỗ lực của Manila trong việc dàn xếp tranh chấp biển đảo thông qua con đường tài phán quốc tế. Khởi xướng của Philippines khiến cho cuộc chiến về pháp lý trên Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN có thể tiến đến một khúc quanh mới. Rồi đây, nếu Việt Nam, Malaysia, Brunei đều dũng cảm tiến bước trên con đường Philippines lựa chọn, một tiền lệ mới trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán có thể mở ra trên hồ sơ Biển Đông.
Chuyển thế chiến lược
 
Nhiều nước đã lên tiếng hậu thuẫn Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế trước những đòi hỏi vô lý của quốc gia này.

Trong trận chiến mới này, các quốc gia liên quan sẽ bình đẳng và buộc phải bộc lộ quan điểm pháp lý của mình, điều Trung Quốc hoàn toàn không mong muốn khi thực hiện chiến lược vừa lấn lướt, vừa bẻ gãy từng chiếc đũa trong “bó đũa ASEAN”, kết hợp với sử dụng sức mạnh quân sự trên thực địa. Với vụ kiện này, Philippines đã chuyển thế chiến lược, biến đối đầu quân sự thành cuộc đối đầu giữa các luật sư.
Hãng tin GMA trích dẫn lời trợ lý ngoại trưởng Philippines Carlos Sorreta, cho biết, phái đoàn Hoa Kỳ gồm năm thành viên do dân biểu Ed Royce, chủ tịch uỷ ban Ngoại giao Hạ viện dẫn đầu, đã bày tỏ quan điểm “hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực của Manila nhằm giải quyết tình hình tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông một cách hoà bình và phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS)”.
Phát biểu với báo chí sau cuộc tiếp xúc tại bộ Ngoại giao giữa phái đoàn Mỹ và các quan chức Philippines do ngoại trưởng Albert del Rosario dẫn đầu, ông Sorreta cho biết thêm là hai bên đã thảo luận khá chi tiết về các hành động của Philippines. Phía Mỹ rất quan tâm đến giá trị trong các lập luận của Philippines và tỏ ý hết sức ủng hộ các chứng cứ pháp lý ấy. Sau Philippines, phái đoàn cao cấp của Hạ viện Mỹ tiếp tục chuyến công du qua Trung Quốc vào ngày 30.1. Tại Bắc Kinh, chắc chắc vấn đề Biển Đông sẽ lại được nêu lên trên bàn đàm phán Mỹ – Trung.
Sự lựa chọn của Philippines rõ ràng đã không hề làm “phức tạp hoá” tình hình Biển Đông, ngược lại thể hiện mong muốn tìm kiếm một giải pháp bền vững, không sử dụng vũ lực mà giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở tôn trọng các quy định của luật quốc tế.
Không thể đem ra mặc cả
Trong một tuyên bố mới nhất trên cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được New York Time trích dẫn ngày 29.1, nói: “Chủ quyền quốc gia và lợi ích cốt lõi là những thứ không thể đem ra đổi chác”. Phát biểu của ông Tập không đề cập cụ thể đến các tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các nước láng giềng Đông Nam Á khác. Tuy nhiên, tuyên bố của nhân vật tháng 3 tới sẽ thay thế ông Hồ giữ cương vị nguyên thủ quốc gia, dường như để gia cố thêm cho các kỳ vọng dân tộc chủ nghĩa đang phun trào trên đất nước Trung Hoa. Theo giám đốc trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ từ đại học Phục Đán (Thượng Hải) Shen Dingli, đây là phát ngôn khá cứng rắn so với các vị tiền nhiệm.
Trước đây bốn năm khi Barack Obama bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã kêu gọi hình thành ra những lĩnh vực hợp tác mới giữa Hoa Kỳ và một nước Trung Quốc đang trỗi dậy. Giờ đây, Obama bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình với việc Washington có lời lẽ cứng rắn hẳn lên với Bắc Kinh về cuộc tranh chấp lãnh thổ Nhật – Trung trên biển Hoa Đông, làm dấy lên phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, sự thay đổi lập trường của chính quyền Obama đối với Trung Quốc là một phản ứng kịp thời trước các chính sách ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh, bắt nguồn từ thẩm định của Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang trên đà xuống dốc. Hai khối quyết tâm này, một của Trung Quốc, một của Mỹ đang làm cho cuộc chiến nhằm duy trì thế cân bằng địa – chính trị ở châu Á trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết.
Đối với Việt Nam, việc toà án trọng tài thụ lý tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc sẽ có những tác động trực tiếp. Đặc biệt, các cấu trúc địa chất được Philippines yêu cầu toà xác định quy chế pháp lý nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam có thể tham gia vụ kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc Philippines quyết định giải quyết tranh chấp bằng con đường tài phán quốc tế thể hiện thái độ bình tĩnh trong việc giải quyết mọi xung đột, mâu thuẫn theo quy định của luật pháp. Điều này cho thấy, luật quốc tế nói chung, UNCLOS nói riêng vẫn có hy vọng là cơ sở pháp lý để các quốc gia giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
(Theo Sài Gòn tiếp thị) HẢI ĐĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét