Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013


 07:09
Dừng cảng Kê Gà:
Vinacomin sẽ bồi thường thiệt hại
TP - Đó là khẳng định của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khi trả lời phỏng vấn Tiền Phong xung quanh việc tập đoàn này dừng đầu tư xây dựng dự án cảng Kê Gà (Bình Thuận).
Nhà máy Tân Rai nhìn từ góc hồ chứa bùn đỏ
Nhà máy Tân Rai nhìn từ góc hồ chứa bùn đỏ.
Sẽ cùng Bình Thuận tính toán bồi thường
Việc dừng xây dựng cảng Kê Gà có phải do xuất phát từ việc Vinacomin thấy có nhiều bất hợp lý?
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin: Lý do phải thay đổi vì theo tính toán, tại thời điểm hiện nay, khối lượng hàng hoá phục vụ cho cảng chưa đáp ứng đủ. Trước đây, dự kiến khối lượng lớn hơn.
Nay, theo tiến độ dự kiến, mới triển khai hai dự án tổ hợp chế biến bô xít Tân Rai và Nhân Cơ với công suất 1,3 triệu tấn/năm. Do đó, tổng lượng hàng hoá qua cảng đến thời điểm hiện nay so với quy hoạch trước đây rất thấp.
Vì sản lượng thấp như vậy nên xét về hiệu quả kinh tế, nếu đầu tư một cảng lớn như Kê Gà theo tính toán trước đây giai đoạn I khoảng 3.800 tỷ đồng (với công suất 3,5 triệu tấn/năm), nhưng vì tỷ giá hiện nay đã tăng lên, giá cả đầu vào tăng, chi phí đền bù tăng,… nên không đạt được hiệu quả như dự kiến ban đầu. Đó là những lý do vì sao tập đoàn lại đề nghị dừng xây dựng dự án cảng Kê Gà.
Xây cảng cũng là xây hạ tầng, về lâu dài nếu cảng thực sự cần thiết vẫn có thể đầu tư vì nó mang tính chiến lược lâu dài. Ở đây có phải vì số vốn đầu tư quá lớn nên thời điểm này Vinacomin không bố trí được vốn nên phải dừng?
Ông Nguyễn Văn Biên: Thực ra nếu chia theo phân kỳ đầu tư vốn chưa phải quá lớn. Tính cả trượt giá, trước mắt cũng chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng. Vấn đề chính là hiện nay, khi mới triển khai hai dự án với tổng công suất hơn 1,3 triệu tấn thì khối lượng hàng hoá ít quá. Sau này, nếu chủ trương tiếp tục triển khai các dự án khác về bô xít ở Tây Nguyên với khối lượng đủ lớn, việc thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như cảng biển phục vụ cho phát triển công nghiệp nhôm chắc chắn sẽ phải nghiên cứu triển khai. Còn bây giờ khối lượng ít, buộc phải chọn phương án đi qua cảng khác (trước mắt là cảng Gò Dầu, Đồng Nai), tuy xa hơn chút ít nhưng vẫn hiệu quả hơn rất nhiều việc bỏ tiền xây dựng riêng một cảng Kê Gà, đồng thời cũng phát huy được hiệu quả các dự án hạ tầng, cảng hiện có ở trong khu vực.
Từ quyết định thay đổi này, tập đoàn có tính được thiệt hại bao nhiêu chưa?
Ông Nguyễn Văn Biên: Khi triển khai một dự án mà phải đền bù, di dời giải phóng mặt bằng, tập đoàn sẽ thực hiện theo đúng quy định của nhà nước. Nếu như việc tính toán ảnh hưởng tới các dự án ở đây, Vinacomin sẽ bồi thường thỏa đáng theo quy định pháp luật. Con số thiệt hại cả ngàn tỷ như báo chí nêu, tập đoàn chưa kiểm đếm và tính toán nhưng chắc chắn không thể có số lớn như vậy.
Ông Trần Văn Chiều - Phó tổng giám đốc Vinacomin: Để biết thiệt hại, phải đưa vào tính toán cụ thể mới biết được. Giai đoạn một, có đền bù nhưng không lớn. Toàn bộ giai đoạn một, khi tỉnh Bình Thuận có quyết định, chúng tôi mới chỉ giải ngân cho trung tâm quỹ đất liên quan tới 4 doanh nghiệp khoảng 4 tỷ đồng. Vì ở giai đoạn một, cơ bản đã xác định được số lượng phải đền bù, còn các giai đoạn khác, vì chưa tiến hành nên chưa biết con số cụ thể thiệt hại.
Các doanh nghiệp du lịch tại đây bị thiệt hại do trước đây phải dừng để nhường đất cho xây dựng cảng Kê Gà thì ai sẽ bồi thường?
Ông Nguyễn Văn Biên: Đền bù giải phóng mặt bằng phải theo quy định của nhà nước. Khi dự án thực hiện người ta cũng thực hiện theo tiến độ, ảnh hưởng đến đâu xử lý đến đó.
Hôm qua, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo ý kiến Thủ tướng về việc đồng ý tạm dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà như đề nghị của Vinacomin và ý kiến của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Công Thương và giao cho Bộ Công Thương.
Ông Trần Văn Chiều: Về nguyên tắc, chúng tôi không là người trực tiếp mà sẽ phối hợp và tỉnh Bình Thuận sẽ đứng ra chủ trì để kiểm đếm, xác định các chi phí về thiệt hại của doanh nghiệp rồi áp giá theo quy định của nhà nước, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ chuyển trả tiền theo quy định. Phần nào thuộc trách nhiệm của tập đoàn thì đương nhiên phải thực hiện. Các bên xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư đến đâu, sẽ thực hiện đến đó.
Khi phê duyệt đầu tư cảng Kê Gà, qua rất nhiều cấp thẩm định và phê duyệt. Nay lại thay đổi, ngoài lý do lượng hàng qua cảng thấp, còn lý do nào khác không?
Ông Trần Văn Chiều: Thực ra trong hai năm gần đây, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như một số ngành mỏ lỗ tới 13 tỷ USD. Trong dự án bô xít, khi có một số việc liên quan đến bùn đỏ, Chính phủ cũng đã quyết định phải thử nghiệm, khi thử nghiệm phải có đánh giá. Chính vì vậy, Chính phủ cũng hết sức cân nhắc và chúng tôi thấy rất đúng. Dù việc điều chỉnh quy hoạch bô xít chưa có quyết định chính thức nhưng đã có kết quả sơ bộ nên khi quy hoạch điều chỉnh, mọi thứ cũng phải điều chỉnh theo. Đó là những yếu tố khách quan ảnh hưởng.
Ông nói do điều chỉnh quy hoạch tổng thể, gồm những điều chỉnh gì?
Ông Trần Văn Chiều: Đó chính là điều chỉnh về quy hoạch. Tuỳ theo mốc thời điểm, nếu như trước đây, giai đoạn 2015-2020, xác định là 6-7 triệu tấn alumin/năm, nhưng bây giờ đến 2015 mới chỉ 1,3 triệu tấn. Tất nhiên quyết định điều chỉnh quy hoạch chưa có nhưng cũng đã được thông qua một số bước, hiện đang chờ Chính phủ thông qua.
Một vấn đề nữa, công suất của cả hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ chỉ khoảng 1,3 triệu tấn. Trong năm 2013 chỉ mới sản xuất khoảng 300 ngàn tấn và đến năm 2015 mới có thể đạt 1,3 triệu tấn nên đưa về cảng Gò Dầu mà chưa xây mới cảng Kê Gà là hợp lý. Đó là lý do mình xem xét lại để làm sao nguồn lực chung của xã hội phải được đảm bảo, tránh lãng phí.
Việc thay đổi cảng chuyển hàng khiến tập đoàn phải đầu tư khoảng 500 tỷ đồng để sửa chữa và nâng cấp QL 20. Nhưng khoản này lại không được đưa vào hạch toán trong chi phí giá thành sản phẩm. Điều này có hợp lý?
Ông Trần Văn Chiều: Về nguyên tắc khoản chi phí làm đường là đầu tư dự án thuần tuý thôi, nên không thể hạch toán vào giá thành sản phẩm bauxit. Theo tinh thần chung, Chính phủ đã có chỉ đạo Tập đoàn có trách nhiệm hỗ trợ về hạ tầng 481 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng sử dụng chung, tập đoàn cũng phải tuân thủ những quy định chung về lệ phí, thuế... Xe phục vụ hai dự bô xít Tân Rai và Nhân Cơ cũng chỉ chiếm hơn 1% trong lưu lượng lưu thông trên QL 20 về cảng Gò Dầu, chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Chưa tính được hiệu quả của hai dự án bô xít
Người dân đang rất quan tâm và băn khoăn đến hiệu quả của hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ, tập đoàn đã có đánh giá chưa?
Ông Trần Văn Chiều: Về hiệu quả, chúng tôi mới tính trong dự án, thực tế thì chưa tính được vì dự án cũng chưa đi vào hoàn chỉnh, kết thúc.
Nhưng có thể dự báo và so với giá thế giới liệu sản phẩm sản xuất ra khi tiêu thụ liệu có lãi không?
Ông Trần Văn Chiều: Vì chưa tính được với lại dự án đang giai đoạn chạy thử để xem kết quả sản phẩm và mức độ thu hồi nên phải chờ một thời gian nữa.
Vậy phải chạy thử đến bao giờ?
Ông Trần Văn Chiều: Bắt đầu chạy thử toàn bộ vào ngày 25-11-2012; 26-12-2012 bắt đầu có sản phẩm và ngày 27-12-2012 bắt đầu đóng bao. Tuy nhiên, vì chạy thử nên công suất chỉ đạt 40-50%. Thời gian chạy thử khoảng 3-6 tháng để hoàn chỉnh, hiệu chỉnh. Hiện, chúng tôi đã có khoảng 16 ngàn tấn sản phẩm alumin và 13 ngàn tấn hy-đờ-rát. Sản phẩm cũng đã bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu cũng đã sẵn sàng.
Vậy đã có đánh giá về chất lượng của sản phẩm chưa?
Ông Trần Văn Chiều: Về chất lượng sơ bộ toàn bộ chỉ tiêu chưa có hết. Nhưng về các chỉ tiêu cơ bản tương đối tốt. Ví dụ chỉ tiêu chính Oxit nhôm AL2O3 chúng tôi đã đạt và thậm chí tốt hơn yêu cầu.
Vì chưa tính toán được hiệu quả, có ý kiến cho rằng tập đoàn nên hoàn thành dự án tổ hợp Tân Rai trước, sau đó thấy hiệu quả mới làm dự án Nhân Cơ. Quan điểm của tập đoàn thế nào?
Ông Trần Văn Chiều: Điều này Chính phủ cũng đã chỉ đạo rồi, hiện nay hai dự án đang thực hiện gần như song song, cách nhau trên 1 năm. Hiện, Tân Rai đang chạy thử còn Nhân Cơ đang xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Biên: Xét về hiệu quả, thực ra sản phẩm alumin cũng như hy-đơ-rát, hiện trong nước đang phải nhập khẩu. Lượng bán trong nước dự kiến khoảng 100 nghìn tấn/năm. Do đó, nhà máy Tân Rai sẽ góp phần thỏa mãn nhu cầu trong nước vì hiện đang dùng ngoại tệ để nhập khẩu. Ở đây, rõ ràng nhà máy đã góp phần vào việc giảm nhập siêu.
Hơn nữa, hiệu quả dự án phải tính trong dài hạn, nhất là các dự án khoáng sản giá cả thường biến động lớn vì đời dự án Tân Rai tới 30 năm. Hiện nay kinh tế thế giới đang khủng hoảng, có nhiều khó khăn, giá nhiều loại khoáng sản xuống rất thấp.
Nếu chỉ lấy giá lúc khủng hoảng này tính cho cả giai đoạn dài hạn thì thường là thấp và cũng rất khó mà chuẩn được. Hơn nữa, đây là dự án đầu tiên của Việt Nam, công nghệ phức tạp nhưng dự án Tân Rai đã ra được sản phẩm cũng là dấu hiệu rất tốt vì công nghệ sản xuất ra sản phẩm alumin đạt chất lượng.
Thủ tướng đồng ý dừng xây dựng cảng Kê Gà
Ngày 21-2, ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý để Vinacomin tạm dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà. Bộ Công Thương chỉ đạo Vinacomin nghiên cứu lập phương án vận tải đáp ứng yêu cầu khai thác sản xuất cho các dự án bauxit Tân Rai và Nhân Cơ cả trước mắt và lâu dài, báo cáo Thủ tướng trong quý II-2013.
Vinacomin chủ trì với các cơ quan liên quan làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về phần công việc đã triển khai tại khu vực cảng Kê Gà đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng.
(Theo TPO) Bá Kiên-Phong Cầm
thực hiện


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét