Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

11:05

Ngân hàng thu phí ATM bởi “Đi buôn phải có lãi”*  



Tại cuộc họp báo về triển khai thu phí rút tiền nội mạng trên máy ATM ngày 27-2, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, khẳng định người dân được lợi là sẽ tỉnh ngộ ra rằng việc này phải mất phí

* Phóng viên: Người dân không phản đối thu phí nhưng thực tế là hiện nay, dịch vụ của các ngân hàng (NH) chưa tốt, máy ATM hay trục trặc. NH Nhà nước tính toán thế nào về việc thu phí nhưng dịch vụ chưa nâng cấp thực sự như người dân mong muốn?
- Ông Bùi Quang Tiên: Các NH thương mại luôn kỳ vọng nâng cao chất lượng phải được thu phí và thu phí để tập trung lại đầu tư bảo đảm tốt hơn dịch vụ. 15 năm nay, NH thương mại bỏ ra lượng vốn rất lớn đầu tư theo chủ trương của Nhà nước và miễn phí. Nay đã đến lúc phải thu phí để bảo đảm lợi ích chung của NH cũng như của người sử dụng dịch vụ.
Công nhân Khu Chế xuất Tân Thuận - TPHCM chen chúc chờ rút tiền qua máy ATM và hưởng "gió biển, khí trời". Ảnh: TẤN THẠNH
Hưởng gió biển, khí trời quen rồi...
- Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội Thẻ NH Việt Nam: NH cũng là doanh nghiệp, phải có lợi nhuận, chăm sóc khách hàng tốt nhất. Chúng tôi rất tự ái khi bị hỏi “thu phí thì chất lượng có tốt hơn không?”. Tôi bảo đảm rằng không thu phí thì chất lượng phục vụ khách hàng vẫn thế vì còn phải cạnh tranh. Nếu dịch vụ của mình kém thì khách hàng sang NH khác ngay. Ở đây có 2 vấn đề, làm tốt mới bán được hàng và mục đích của ATM chỉ là rút số tiền thiếu hụt. Tuy nhiên, ở nước ta, máy ATM thành kênh phân phối lương, phân phối tiền mặt.
Ông Nguyễn Văn Tuân (trái) và ông Bùi Quang Tiên tại buổi họp báo. Ảnh: TÔ HÀ
* Vì sao khi mới cung cấp dịch vụ thẻ, NH không nói gì đến chuyện thu phí nhưng nay lại thu?
- Ông Bùi Quang Tiên: Đưa dịch vụ mới vào cuộc sống phải quảng bá, chịu lỗ một thời gian, sau đó hòa vốn rồi mới tính đến thu phí. Hợp đồng phát hành thẻ đều ghi trách nhiệm chủ thẻ và NH thế nào, khách hàng đều có khả năng đọc và đã ký thì phải chịu trách nhiệm. Lẽ ra phải xem điều khoản thế nào trong hợp đồng nhưng khách hàng thường không xem. Nhà cung cấp đều định kỳ công bố biểu phí ở website hoặc trung tâm giao dịch.
* NH thương mại có lợi thế nào khi triển khai thu phí giao dịch nội mạng? Dự kiến mức phí các NH thu được năm nay là bao nhiêu?
- Ông Bùi Quang Tiên: Lợi là hình ảnh cả hệ thống NH tương đồng với các nước thế giới. Tôi đã nói với ngành rằng lịch sử giao cho chúng ta toàn việc khó, mình không làm thì ai làm, xã hội ì ạch mãi. Hành động các NH đang làm sẽ thuộc về lịch sử, sản phẩm sẽ thuộc về thời đại, nếu không làm thì tụt hậu. Lợi là như vậy, còn lợi trước mắt là NH có thêm mấy đồng để tăng thêm động lực phục vụ tốt công chúng. Người dân cũng được lợi là sẽ tỉnh ngộ ra rằng việc này phải mất phí. Ở nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí trời quen rồi, bây giờ mất phí thì phải học quy trình thao tác cho tốt để đỡ trục trặc khi giao dịch trên máy ATM. Cũng phải cân nhắc rút tiền lúc nào phù hợp. Còn Chính phủ và NH hoan nghênh hưởng ứng việc này để bộ mặt kinh tế - xã hội đất nước thay đổi. Đó là lợi ích chung.
Nguồn thu phí từ rút tiền mặt không đáng kể. Một giám đốc chi nhánh NH thương mại cho biết đầu tư một máy ATM mỗi tháng lỗ 22 triệu đồng, được giao chỉ tiêu phát hành thẻ càng nhiều càng lo. Cho rằng “lãi khủng, lén thu phí” là chưa chính xác, chúng tôi đã tính toán rất kỹ chứ không chỉ nói vu vơ.
- Ông Nguyễn Văn Tuân: Các NH có thể dự tính được số tiền thu được nhưng không công bố vì đó là bí mật kinh doanh. Theo tính toán thì chi phí trung bình cho một giao dịch ATM khoảng 7.000 đồng. Được thu phí 1.000 đồng thì chi phí phải bỏ ra giảm xuống còn 6.000 đồng. Cũng nên công bằng với thẻ, không phải phí chồng phí như dư luận nói. 15-17 loại phí mà dư luận cho rằng một thẻ phải cõng, thực chất có những loại không liên quan đến thẻ.
Đi buôn phải có lãi
* Các NH có lường trước phản ứng của thị trường như thế nào khi áp dụng thu phí nội mạng?
- Ông Bùi Quang Tiên: Khi đưa ra dịch vụ, các NH đều mong đợi dịch vụ đó đi vào cuộc sống, không ai muốn nó không được thực tế chấp nhận. Đi buôn phải có lãi. Phí là giá dịch vụ mà giá cả không chỉ là giá thành cộng lợi nhuận và thuế. Giá cả còn phụ thuộc nhiều vấn đề như tâm lý, thương hiệu và kể cả tình yêu của người tiêu dùng. NH đưa sản phẩm ra cũng kêu gọi người dân sử dụng và cố gắng phục vụ tốt.
* Một số nhà hàng, siêu thị vẫn thu phí 2% của khách hàng thanh toán bằng thẻ là có phạm luật? Đối với công nhân trong các KCN, KCX, cần ưu tiên gì để giảm phiền hà khi họ phải rút tiền lương từ ATM?
- Ông Bùi Quang Tiên: Thu thêm phí khách hàng thanh toán bằng thẻ là điều vi phạm lớn, nếu chúng tôi phát hiện thấy sẽ xử phạt nghiêm minh. Đối với dịch vụ ở KCN, KCX, các NH phải có chính sách thân thiện, chia sẻ như miễn, giảm phí giao dịch… Đó là việc của NH thương mại, còn NH Nhà nước chỉ tính toán mang tính chất khuôn mẫu, không thể làm tất cả các việc cụ thể.
22 ngân hàng chưa thu phí
NH Nhà nước cho biết đã có 34 NH  thương mại cung cấp dịch vụ thẻ gửi báo cáo về NH Nhà nước biểu phí giao dịch nội mạng. Trong đó, 2 NH thu phí 200-500 đồng/giao dịch rút tiền nội mạng, 10 NH quy định 1.000 đồng, các NH còn lại vẫn chưa thu phí từ ngày 1-3.
Theo quy định tại Thông tư 35, các NH thương mại được phép thu phí tối đa 1.000 đồng/giao dịch trong năm 2013, sau đó tăng lên 2.000-3.000 đồng trong 2 năm tiếp theo.
Cả nước hiện có 50 NH thương mại cung cấp dịch vụ thẻ. Số lượng thẻ đã phát hành là hơn 54 triệu, số máy ATM đã lắp đặt là 14.200, số thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) là 124.000 máy.
(Theo Người Lao động) TÔ HÀ 
* Ngân hàng "đi buôn" kiều kỳ quặc, mượn vốn của dân lẽ ra phải trả lãi cho họ đằng này lại bắt họ trả tiền vì đã cho Ngân hàng mượn tiền! Việc lĩnh lương qua thẻ của nhiều DN hiện nay là sự ép buộc người lao động chứ không có tự nguyện. Tốt nhất hãy để người lao động nhận lương tại DN, không có DN nào "thu phí trả lương" cả, nếu ai có nhu cầu nhận qua thẻ thì mới thực hiện trả qua thẻ.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét