Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Lễ hội Việt đang biến dạng:


11:45
Văn hóa giành giật

TP - Đêm 23 rạng sáng 24-2, ngay trong giờ phút trang nghiêm cử hành nghi lễ khai ấn đền Trần, cảnh hỗn loạn đã diễn ra.
Chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lấy ấn đền Trần.
            Ảnh: Công Khanh

Cảnh sát căng mình giữ trật tự khu vực phát ấn tại nhà Giải Vũ đền Thiên Trường
Hàng rào sắt phân cách đám đông với đoàn rước kiệu đã nhanh chóng bị đạp đổ trước sự bất lực của lực lượng cảnh sát.
Cảnh tranh cướp đồ thờ cúng tại hậu cung lại tái diễn không khác gì các năm trước. Trong chớp mắt, mọi thứ đều sạch bách, “chỉ còn lại những gương mặt vã mồ hôi nhưng không giấu được vẻ hả hê, vui sướng vì đã có được lộc thánh, trong đó có cả người đeo biển Ban Tổ chức” – PV Tiền Phong trực tiếp chứng kiến cảnh tượng này mô tả.
Chưa hết sáng 24-2, những hình ảnh vô cùng phản cảm, giẫm đạp lên đầu nhau để mua ấn lại tràn ngập các trang báo mạng. Thậm chí đến mái đền linh thiêng họ cũng không tha, sẵn sàng đu bám rồi quăng cả túi xách lẫn áo khoác lên.
Nạn chôm chỉa, rạch túi, ăn xin cũng được dịp tung hoành. Tệ hơn, cảnh tượng buôn bán ấn kiếm lời đã diễn ra công khai, nhiều người đã mua phải các bản ấn photocopy băn khoăn lo ấn... mất thiêng vì áp dụng công nghệ in sao hàng loạt thời nay.
Những sự việc phản văn hóa nêu trên không hề mới lạ với đông đảo công chúng cả nước, bởi năm nào cũng diễn ra, dù báo chí tốn rất nhiều giấy mực, các cấp bộ ngành, tỉnh thành tốn rất nhiều hội thảo về lễ hội này, mà có người còn gọi đó là “Lễ hội của quyền chức”.
Xã hội càng sùng bái chức quyền, những lễ hội mang yếu tố tâm linh để cầu xin quyền chức như đền Trần ắt sẽ ngày càng đông đúc, quá tải.
Có người lý giải cảnh tranh cướp, đạp lên đầu nhau để có trong tay lá ấn, cành lộc là thể hiện sự quá tải “cung vượt gấp nhiều lần cầu”. Đúng là nơi nào quá tải thường dễ xảy ra hỗn loạn, mất kiểm soát.
Song vấn đề còn ở chỗ đám đông đó là đám đông nào, văn hóa của họ ra sao, cách thức tổ chức thế nào? Nếu không có văn hóa xếp hàng nơi công cộng, ắt văn hóa tranh giành theo bản năng thời tiền sử sẽ lên ngôi.
Nhìn vào giao thông của một thành phố, hay rộng hơn một đất nước, ta sẽ biết được phần nào trình độ tổ chức xã hội, ý thức chấp hành luật pháp của người dân.
Nhìn vào cảnh tượng giẫm đạp xin ấn ở đền Trần liên tục tái diễn hết năm này qua năm khác, hẳn chúng ta không khỏi giật mình tự hỏi: Lẽ nào ai đó đến cầu xin chức quyền, cầu xin làm “đầy tớ của nhân dân” mà lại giành giật, lại hỗn loạn đến thế sao? Lẽ nào văn hóa xã hội lại xuống cấp đến thế sao ?
(Theo Tiền phong) Việt Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét