Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013


20:01

Bauxite Tân Rai, đôi điều chất vấn và kiến nghị

 

            ... Công nghệ và thiết bị đã nhập từ Trung Quốc chỉ thích hợp cho loại quặng có nguồn gốc trầm tích ở Lạng Sơn, Cao Bằng, không thích hợp với loại quặng có nguồn gốc phong hóa ở Tây Nguyên...không chỉ dừng ngay nhà máy Nhân Cơ (Đắc Nông) mà ngay cả nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) cũng nên dừng lại.         
                 Ngày 18/2/2013, trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT), ông Trần Văn Chiều, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2013 thì nhà máy bô xít Tân Rai sẽ vận hành ổn định. Trước đó, vào cuối tháng 12/2012 thì nhà máy đã cho ra lò mẻ alumin đầu tiên sau khi hoàn tất công đoạn ủ mầm hydrat, một công đoạn quan trọng cho việc sản xuất alumin. Dự kiến cả năm 2013 sẽ sản xuất được 300.000 tấn alumin, trong đó chủ yếu dành cho xuất khẩu mà nhiều nhất là xuất sang Trung QuốcMalaysia và một số nước khác.”
                  Tuy nhiên, ông Chiều chỉ nói lấp lửng rằng, với giá xuất khẩu 340 đô la Mỹ/tấn theo kết quả đàm phán mới đây thì TKV vẫn chưa có lời, nếu điều kiện thuận lợi thì sang năm 2014 việc xuất khẩu alumin mới bắt đầu có lãi (?) Điều đó có nghĩa là giá thành alumin của các vị đến cảng Gò Dầu (Đồng Nai) để xuất theo giá FOB cho khách ông Chiều giấu nhẹm, hay thực lỗ bao nhiêu trong năm 2013 này có lẽ cũng còn trong cái gọi là “bí mật quốc gia”!...
                       Chất vấn 1- Giá bán alumin:
                     Là người thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức về Bauxite Tây Nguyên, tôi đã có nhiều bài học kinh nghiệm trước cách đưa tin lấp lửng, tiền hậu bất nhất của các vị đại diện cho Bộ Công Thương và Tập đoàn TKV. Vì vậy tôi không tin vào giá bán 340 đô la Mỹ/tấn mà TKV đã công bố.  Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố số liệu giá bán nhôm tháng 1/2013 tại thị trường chung của thế giới là 2.037,61 USD/tấn (giảm 2,35% so với tháng 12/2012 và có thể còn giảm nữa trong năm tài khóa 2013). Còn số liệu của thị trường Tây Âu -London Metal Exchange (LME) cho thấy giá bán nhôm (tiền mặt trả ngay) ngày 14/2 là 2.114 USD/tấn, giá trả sau kỳ hạn 3 tháng là 2.159 USD/tấn.
                 Như vậy theo thông lệ, giá alumin kỳ hạn và giá alumin giao hàng ngay trả tiền mặt thường được so sánh với giá nhôm LME 3 tháng trên thị trường giao dịch kim loại Luân Đôn (LME 3-month price), dao động từ khoảng 9% – 19% và có giá trị trung bình bằng khoảng 13% giá nhôm LME trung bình 3 tháng. Vậy theo đó mà tính, giá bán alumin FOB tại cảng Gò Dầu năm 2013 không thể vượt quá 264,89 USD/tấn (tính theo WB 1/2013) hoặc là 280,67 USD/tấn (tính theo LME 14/2/2013). Trung Quốc và ViệtNam đều là thành viên chính thức của WTO, không thể không tuân theo quy luật giá cả chung trên thị trường thế giới. 
                  Cái gọi là giá bán trên trời 340 USD/tấn alumin (giá FOB tại cảng Gò Dầu) do ông Trần Văn Chiều nói khống lên hay lại là một chiêu lừa đảo mới của khách hàng Trung Quốc? Người đặt chất vấn chợt lục lại trong ghi chép cá nhân về tài phù phép giá thành và giá bán của các vị trong Bộ Công Thương và TKV trong hai lần công bố năm 2009 và 2010: Năm 2009, tại cuộc Hội thảo do Bộ Công Thương và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, ông Trưởng ban Bauxite của TKV Nguyễn Thanh Liêm công bố giá thành alumin tính đầy đủ và chính xác của dự án Tân Rai là 223 USD/tấn, và của dự án Nhân Cơ là 241 USD/tấn; còn giá bán qua điều tra (ông Liêm cho biết TKV phải mua thông tin nước ngoài tốn hàng trăm triệu!) alumin của dự án Tân Rai là 362 USD/tấn và alumin của dự án Nhân Cơ là 310 USD/tấn. 
               Thế nhưng chỉ 1 năm sau vẫn công nghệ ấy, tình hình thị trường không có gì biến động mạnh, tại cuộc tọa đàm trực tuyến ngày 28/10 trên VnExpress, ông Liêm đại diện cho phía chủ đầu tư (TKV) cùng vị đại diện của cơ quan thẩm định (Bộ Công Thương) đưa ra những con số khác với lần hội thảo trước một trời một vực: giá thành alumin lúc đó được công bố của dự án Tân Rai là 265 USD/tấn và của dự án Nhân Cơ là 287 USD/tấn; còn giá bán alumin của dự án Tân Rai là 315 USD/tấn và của dự án Nhân Cơ là 330 USD/tấn. Các số liệu này chắc cũng đã được Bộ Công Thương một lần nữa thẩm tra cẩn thận và chẳng ai thấy ngượng vì sự tiền hậu bất nhất đối với hiệu quả kinh tế của một dự án trọng điểm quốc gia. 
 
Công nhân Trung Quốc trên công trường
 nhà máy bôxít Tân Rai (Lâm Đồng) 
Ảnh: Vĩnh Hòa
                Phải chăng lần này cũng vậy, khi công luận đưa ra con số giá thành của alumin Tân Rai do TS Nguyễn Thanh Sơn tính toán 12/2012 là không dưới 375 USD/tấn nên ông Chiều mới vội vàng công bố trên báo SGTT cái giá bán cực kỳ vô lý của alumin Tân Rai sắp xuất khẩu năm 2013 là 340 USD/tấn để trấn an dư luận, còn giá thành thì ông giấu nhẹm bởi nó chắc chắn lớn hơn nhiều so với hai lần công bố vừa nêu?...
                    Chất vấn 2- Vận chuyển alumin ra cảng Gò Dầu:
                   Theo công bố gần đây nhất của chính phủ, Dự án xây dựng cảng Kê Gà đã bị bãi bỏ. Như vậy để xuất khẩu 300.000 tấn alumin trong năm 2013 chỉ có thể vận chuyển bằng ô tô và theo kết luận của ông Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (2012) có hai cung đường ra cảng Gò Dầu (Đồng Nai) hoặc cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Người viết nhận thấy cung đường ra cảng Cam Ranh (đi từ TL725 - QL 20 - QL27 - QL1 ) xem ra khó khả thi vì đoạn QL27 địa hình rất phức tạp; còn các đoạn QL20, QL1 ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. 
                Cung đường ra cảng Gò Dầu (đi từ TL725- QL20- TL769- QL51) khả thi hơn, nhưng người viết lục lại trong sổ ghi chép chợt thấy có nhiều điểm cần chất vấn cho rõ. Tuyến đường cao tốc Dầu Giây- Đà Lạt dài 227,9 Km (QL20) phục vụ khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh Lâm Đồng được Chính phủ ôm ấp và chỉ đạo từ lâu, nhưng đến nay vẫn chỉ là trên giấy với 3 lần thay đổi dự toán: Năm 2003, báo Tuổi Trẻ đưa tin ngày 27/8 ông Hoàng Trung Hải làm việc với tỉnh Lâm Đồng dự toán đầu tư 3000- 3500 tỷ đồng. Năm 2010, báo Vietnamnet ngày 22/6 đưa tin, cũng ông Hoàng Trung Hải làm việc với tỉnh Lâm Đồng, đưa con số dự toán lên 1 tỷ USD. 
               Năm 2012, nguồn tin TTXVN ngày 23/12 cho biết Bộ GTVT bóp nhỏ dự toán chỉ còn 7648 tỷ đồng… Chỉ nhìn vào ba lần thay đổi dự toán đến chóng mặt vừa nêu cũng đủ thấy Chính phủ lúng túng trong Dự án đầu tư QL20 biết chừng nào. Nay trong lòng Dự án QL20 phục vụ du lịch lại bao chứa một tiểu Dự án 123 Km QL20 từ Dầu Giây đến ngã ba Lộc Sơn (thành phố Bảo Lộc) phục vụ vận chuyển alumin xuất khẩu trong năm 2013 với chi phí 4.467 tỷ đồng. Sự nhập nhằng trong đầu tư như trên chắc chắn sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể của hơn một nửa tuyến đường cao tốc Dầu Giây- Đà Lạt phục vụ du lịch dài 227,9 Km ai chịu trách nhiệm? 
            Một dự án 10 năm còn nằm trên giấy, nay chỉ trong năm 2013 vừa thi công vừa vận chuyển alumin trên nửa chiều dài Dự án với lưu lượng và trọng tải lớn, liệu có an toàn và đảm bảo chất lượng hay vừa xây vừa phá? Lại nói về các đoạn tuyến còn lại gồm TL725 (thuộc Lâm Đồng) và  TL769, QL51 (thuộc Đồng Nai) đều có mặt đường nhỏ, chất lượng xấu, hàng chục cây cầu không chịu được tải trọng của loại xe 30- 40 tấn thì thử hỏi trong năm 2013 khắc phục bằng cách nào để đảm bảo vận chuyển xuất khẩu 300.000 tấn alumin thành phẩm chiều đi và cỡ ngần ấy tấn nguyên liệu (than cám, vôi, xút, dầu) chiều về?...
              Kiến nghị:
           Từ những nghi ngờ và chất vấn trên, người viết thấy rằng, không chỉ dừng ngay nhà máy Nhân Cơ (Đắc Nông) mà ngay cả nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) cũng nên dừng lại. Có người sẽ hỏi lại: “Đã lỡ đầu tư nay kiến nghị dừng cả 2 nhà máy thì lãng phí tiền dân hay sao?” Thưa rằng, không dừng còn thiệt hại khủng khiếp gấp nhiều lần hơn thế. Mặt khác, người viết trong nhiều bài viết trước đây từng gợi ý có thể qua vài năm, thậm chí 10 năm sau, nếu điều kiện cho phép ta vẫn có thể chuyển toàn bộ dây chuyền thiết bị từ Tây Nguyên ra Bắc xây dựng nhà máy ở Tam Lung – Lạng Sơn vì những lẽ sau:
          - Công nghệ và thiết bị đã nhập từ Trung Quốc chỉ thích hợp cho loại quặng có nguồn gốc trầm tích ở Lạng Sơn, Cao Bằng, không thích hợp với loại quặng có nguồn gốc phong hóa ở Tây Nguyên.
             - Quặng ở Lạng Sơn, Cao Bằng có hàm lượng cao (50- 60%) nên không phải qua giai đoạn sơ tuyển như quặng ở Tây Nguyên đang phải nâng hàm lượng từ 39- 40% lên 49- 50% mới đưa vào dây chuyền tinh tuyển.
              - Trữ lượng quặng ở phía Bắc đạt 91 triệu tấn nên đủ cho một đời hoạt động của 2 nhà máy đã mua và lắp đặt ở Tân Rai và Nhân Cơ ít nhất là 50 năm.
              - Trên thực tế, từ những năm 70 của thế kỷ trước, Nhà nước đã có chủ trương khai thác và tinh tuyển quặng Bauxite ở Tam Lung- Lạng Sơn. Hồi đó, đoàn địa chất 49 với sự giúp đỡ của chuyên gia Hung Ga Ri đã thăm dò tỉ mỉ phục vụ khai thác, tính toán đến cả góc dốc của công trường khai quặng và phác thảo quy trình công nghệ theo hình mẫu Hung Ga Ri. Ngày nay ta thừa sức đưa vào công nghệ còn tốt hơn nước bạn hồi đó.
              - Vấn đề vận chuyển cho nhà máy đặt ở Tam Lung- Lạng Sơn không cần đặt ra vì ngay tại đó đã sẵn có ga xe lửa Tam Lung, chỉ cần nâng cấp là có thể theo đường sắt xuất qua Trung Quốc hoặc đưa về cảng Hải Phòng xuất cho các nước khác. Làm như vậy, ta hoàn toàn chủ động, không bị khách hàng Trung Quốc ép giá.
               - Vấn đề môi trường vẫn cần đặt ra, nhưng nhẹ hơn nhiều vì mạng lưới sông suối vùng Tam Lung đổ ra sông Kỳ Cùng sẽ không chảy về thành phố Lạng Sơn mà chảy ngược  lên phía Bắc nên có rất ít ruộng canh tác, cư dân thưa thớt…
Hà Nội ngày 22/2/2013
* VŨ NGỌC TIẾN
(Theo Viet-Studies.info).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét