Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013


 07:16

“Thủ phạm” là giá vàng?


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định không điều chỉnh tỷ giá tại thời điểm này nhưng liên tục những ngày qua, giá USD trên thị trường tự do vẫn tăng. Giá "đô" tăng trong bối cảnh nguồn USD tương đối dồi dào khiến dư luận lo ngại khả năng phá giá đồng nội tệ.

Chúng ta đều biết các lần điều chỉnh tỷ giá thường rơi vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu nhập khẩu tăng cao, dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại. Còn hiện là đầu năm, quãng thời gian tương đối "dễ thở" của tỷ giá. Hơn nữa trong năm 2012, NHNN công bố đã mua vào một lượng ngoại tệ dự trữ lớn, đủ sức can thiệp thị trường khi cần thiết. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta năm 2012 về tổng thể cũng thặng dư. Dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giảm nhưng vốn ODA và giải ngân FDI cũng đủ để cân đối nhu cầu thương mại xuất nhập khẩu... Nói thế để thấy, các yếu tố khiến tỷ giá căng thẳng về cơ bản là không có.
Nhưng bất chấp thực tế nói trên, giá USD trên thị trường tự do vẫn tăng. Câu hỏi đặt ra là, điều gì đã hun nóng tỷ giá và áp lực này liệu có dẫn đến chuyện phá giá đồng nội tệ như đòi hỏi của một số ý kiến hay không? Có thể thấy chỉ có một yếu tố khiến tỷ giá bị đẩy lên bất thường đó là vàng. Độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được đẩy lên mức kỷ lục từ đầu năm tới nay. Đến hôm qua, giá vàng trong nước đã cao hơn giá thế giới tới 5,3 triệu đồng/lượng. Chênh lệch quá cao khiến giới nhập vàng lậu gom USD để nhập vàng, áp lực tạm thời lên tỷ giá trên thị trường tự do. Nhưng nếu kéo dài, chắc chắn tỷ giá trên thị trường chính thức cũng sẽ bị tác động. Tỷ giá tăng thì giá vàng trong nước sẽ tăng và ngược lại. Cứ như vậy sẽ khiến thị trường bị rối loạn. Không chỉ vàng lậu, chênh lệch giữa vàng trong nước và vàng thế giới quá cao cũng gây lo ngại cho người dân, họ không dám mua vàng để bảo toàn vốn như trước vì sợ rủi ro và chuyển qua đầu cơ tỷ giá, ra thị trường tự do mua USD, đẩy tỷ giá trên thị trường này tăng lên, áp lực lên thị trường chính thức... Chính vì vậy, việc quản lý thị trường vàng mà quan trọng nhất là kéo giá vàng trong nước xuống sát với giá thế giới phải được thực hiện càng sớm càng tốt. NHNN đã và đang cho phép một số đơn vị tái xuất vàng phi SJC, nhập vàng khối để đẩy nhanh tiến độ dập vàng, nâng cung cho thị trường. Nhưng có một giải pháp nhanh chóng hơn  là tác động đến khả năng đầu cơ tích trữ ngay chính các công ty được phép kinh doanh vàng miếng để cân bằng cung cầu.
Chính sách tỷ giá không thể và không nên đòi hỏi thay đổi thường xuyên vì sẽ tạo tâm lý đầu cơ cho thị trường, dẫn đến mất giá đồng nội tệ, ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI... Hầu hết các yếu tố đang thuận lợi cho việc tiếp tục ổn định tỷ giá. Đừng để vàng làm hỏng cục diện tốt mà chúng ta đã rất khó khăn mới có được hiện nay.
(Theo Thanh niên, tựa đề của Th.Giang) Nguyên Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét