Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013


09:05

Ngổn ngang dự án bauxite


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành liên quan hỗ trợ về chủ trương, thủ tục để các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, thử nghiệm công nghệ sản xuất các sản phẩm từ bùn đỏ, bảo đảm tính khả thi và bền vững

Ngày 21-2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp xem xét kết quả triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc nghiên cứu, xây dựng phương án, công nghệ xử lý bùn đỏ thành các sản phẩm hữu ích, góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến và khai thác bauxite tại Tây Nguyên theo hướng bền vững.
Nhiều vấn đề đặt ra
Tại cuộc họp, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) trình bày đề án nghiên cứu mới nhất về bùn đỏ trong khai thác bauxite tại khu vực Tây Nguyên. Theo đó, hàm lượng sắt trong bùn đỏ khô tại Nhà máy Hóa chất Tân Bình dao động 35,8%-40% tính theo Fe và 51,1%-56,3% tính theo Fe2O3; tại dự án alumin Lâm Đồng, hàm lượng Fe2O3 là 46%-53%. Hàm lượng này được coi là tương đương với quặng sắt nghèo, khối lượng lớn và có thể định hướng để sản xuất gang thép.
Trong năm 2012, một đơn vị nghiên cứu của VAST đã tiến hành thử nghiệm quy mô công nghiệp từ 1-10 tấn/mẻ, kết quả cho thấy hiệu suất thu hồi sắt trung bình đạt trên 70%, xỉ lò có đủ tiêu chuẩn sản xuất clinker và vật liệu xây dựng không nung. Quá trình này còn tách được một lượng hóa chất xút. Tại mẻ thử nghiệm tiến hành vào tháng 5-2012, 10 tấn bùn đỏ có hiệu suất thu hồi sắt 71%, tạo ra 2,539 tấn thép với cường độ chịu lực cao.
 
Đoàn khảo sát của Viện Tư vấn phát triển làm việc tại Tân Rai - Lâm Đồng. Ảnh: QUANG TÚ
Tuy nhiên, VAST thừa nhận có 2 vấn đề đặt ra trong quá trình sản xuất. Thứ nhất, công nghệ sản xuất alumin đang áp dụng thải ra bùn ướt, trong khi sản xuất sắt từ bùn khô là tốt nhất. Vì vậy, VAST đã tìm doanh nghiệp sở hữu công nghệ xử lý bùn đỏ ướt sang bùn đỏ khô. Thứ hai, không hoàn nguyên về sắt bằng công nghệ lò cao phổ biến hiện nay được do thành phần nhôm trong bùn đỏ còn cao. Để khắc phục lỗ hổng này, VAST đề xuất sử dụng đá vôi.
VAST cũng băn khoăn kết quả mẻ thử nghiệm hoàn nguyên trực tiếp sắt trên lò hồ quang có nhược điểm là cần một lượng thép phế liệu để đánh hồ quang, đặt ra bài toàn kinh tế nếu sản xuất công nghiệp. Vì vậy, phải cải tiến sang sản xuất sắt xốp (hàm lượng sắt 89%-96%) - sản phẩm nguyên liệu đầu vào có nhu cầu cao trên thị trường sản xuất sắt thép.
Phải bảo đảm tính kinh tế
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành liên quan hỗ trợ về chủ trương, thủ tục để các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, thử nghiệm công nghệ sản xuất các sản phẩm từ bùn đỏ, bảo đảm tính khả thi và bền vững. “Khi thực hiện quy mô sản xuất công nghiệp, phải bảo đảm tính kinh tế và lập báo cáo các dự án cụ thể. Trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền xem xét tạo cơ chế, chính sách để thực hiện dự án được thuận lợi. Đối với vấn đề tách xút và dịch trong bùn đỏ, cần phối hợp với doanh nghiệp có công nghệ, kinh nghiệm, nhu cầu xỉ để sản xuất vật liệu clinker và vật liệu không nung” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về đề xuất “giải cứu” dự án bauxite ở Tây Nguyên của VAST, ông Phạm Ngọc Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam - người trực tiếp khảo sát sản xuất alumin tại Tây Nguyên, nhận định: “Đây mới chỉ là sản xuất mang tính thí nghiệm, để đi vào thực tiễn còn một khoảng cách rất xa. Trong bùn đỏ đương nhiên có ôxít sắt nhưng vấn đề ở đây là tỉ lệ bao nhiêu và chi phí sản xuất công nghiệp như thế nào?”.
Theo ông Tú, việc sản xuất sắt từ bùn đỏ được xử lý theo công nghệ thải ướt rất khó khả thi, đáng tiếc là cả 2 nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) đều sử dụng công nghệ này. “Công nghệ thải ướt quá lạc hậu, không còn phù hợp trong thời điểm hiện nay và đe dọa môi trường” - ông Tú nhận định.
Xây dựng cảng Vĩnh Tân thay Kê Gà
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc đồng ý tạm dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà (Bình Thuận). Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt nam (Vinacomin) nghiên cứu phương án vận tải đáp ứng yêu cầu khai thác sản xuất cho các dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, đồng thời làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về phần công việc đã triển khai tại khu vực cảng Kê Gà và đề xuất phương án xử lý...
Ông Lê Minh Chuẩn, Tổng Giám đốc Vinacomin, cho biết tập đoàn đã thuê Công ty Tedi đưa ra 3 phương án xây cảng. Trong đó, dự án cảng Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong - Bình Thuận) là ưu tiên số 1, dù lộ trình dài hơn 60 km nhưng tính hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn do tận dụng mặt bằng Vĩnh Tân đã đầu tư và chỉ cần mở rộng thêm. Trong khi chờ đợi cảng Vĩnh Tân hoàn thành, sản phẩm của 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ sẽ được vận chuyển tới cảng Gò Dầu (Đồng Nai). “Bộ GTVT và Bộ Công Thương đã chấp thuận phương án này” - ông Chuẩn nói.
Ông Nguyên Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện vẫn chưa có phương hướng bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại vì dự án cảng Kê Gà. “Tỉnh đang chờ hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Công Thương và Vinacomin để giải quyết thiệt hại cho các doanh nghiệp” - ông Ngọc nói.
B.Trân - Q.Triều
(Theo Người lao động) THẾ DŨNG
Xây dựng riêng một cảng chủ yếu phục vụ cho một dự án là khai thác bô xít trong khi còn quá nhiều vấn đề của bài toán kinh tế với bô xít này thì quả là mạo hiểm. Liệu có nên mạo hiểm với nguồn lực là đồng tiền thuế của dân? Làm kinh tế cũng phải “chắc thắng mới quyết đánh”.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét