12:32
Giáo viên dạy sử: 'Không được im lặng trước sự thật'
- "Lịch sử cần được tôn trọng, chúng ta không thể im lặng trước những sự thật. Nếu lịch sử không được giảng dạy chính thống sẽ còn nguy hại hơn..." - là quan điểm của nhiều giáo viên dạy sử về vấn đề đưa "Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 vào sách giáo khoa (SGK) mới."
Ảnh minh họa |
TS Nguyễn Đức Hòa – Trưởng bộ môn Lịch sử Trường ĐH Sài Gòn:"Tôi sẽ đưa nội dung này vào giáo trình giảng dạy ĐH"
Những vấn đề thuộc về phương diện lịch sử cần phải đưa vào SGK từ phổ thông đến ĐH. SGK lịch sử Việt Nam đã từng ghi rất cụ thể các cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp, chống Nhật nhưng điều đó không ảnh hưởng đến mỗi quan hệ ngoại giao.
Trong SGK Lịch sử Việt Nam hiện tại, các cuộc kháng chiến chống quân Tống, giặc Minh, quân Mông-Nguyên xâm lược cũng đã được vào sách sử và giảng dạy chính thống cụ thể. Tại sao phải e ngại khi đưa cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 vào SGK mới 2015 khi đó là một cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam?
Đưa cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 vào SGK mới sau 2015 là tôn trọng lịch sử. Vấn đề là cách đưa như thế nào để đảm bảo khách quan, vừa giáo dục truyền thống, vừa thể hiện một sự kiện lịch sử đối với người học, người nghe, người xem. Trình bày như thế nào để phản ánh khách quan lịch sử, không tạo ra những căng thẳng về mặt chính trị nhất là đối với những nước lớn. Tôi đang viết giáo trình Lịch sử sau 1975, chắc chắn là tôi sẽ đưa cuộc chiến này vào giáo trình giảng dạy ĐH.
Tôi đang viết giáo trình Lịch sử sau 1975, chắc chắn là tôi sẽ đưa cuộc chiến này vào giáo trình giảng dạy ĐH.
PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ, quyền Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH SP TP.HCM: "Không được im lặng trước sự thật lịch sử"
PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ |
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979) đã được đề cập trong SGK Lịch sử hiện hành, nhưng trước đây, do hoàn cảnh lịch sử, do sự “tế nhị” trong quan hệ hai nước... mà mức độ đề cập còn ít, vắn tắt.
Nay, hoàn cảnh lịch sử đã khác, cần được đưa cụ thể, sâu hơn vào SGK xuất bản 2015 để cho thế hệ trẻ, người dân Việt Nam, nhân dân thế giới hiểu đúng.
Cần nhìn nhận rằng, cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 là một sự kiện lịch sử có thật, là một phần của lịch sử dân tộc. Đây là điều chúng ta không thể im lặng.
Cuộc chiến cần được đưa vào SGK một cách cụ thể, rõ ràng, khách quan, không chỉ dừng lại ở việc mô tả sự kiện mà nên đề cập đến nguyên nhân của cuộc chiến; hậu quả của cuộc chiến đối với quan hệ hai nước, đối với môi trường an ninh khu vực…
Nếu như không đưa sự kiện này vào SGK ở một mức độ thích hợp thì học sinh, thế hệ trẻ có thế sẽ dễ bị nhiễu trước các luồng thông tin, khó nắm được một cách chính xác, khách quan về sự kiện lịch sử và chúng ta sẽ bỏ qua một kênh thông tin chính thống cung cấp cho học sinh và nhân dân những thông tin chính xác, tin cậy.
Thầy Trần Đình Phúc – giáo viên THPT: "Cần đưa vào để thế hệ sau...phải biết"
Cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 hiện đã có trong chương trình SGK Lịch sử 12 đang sử dụng, nhưng trong Hướng dẫn thực hiện chương trình, Bộ GD- ĐT lại yêu cầu cắt bỏ, không dạy (cả cuộc chiến tranh Tây Nam 1978)? Đây là một sự thật xảy ra cách đây chưa lâu, do vậy SGK cần tôn trọng sự thật đó và cần thiết phải đưa vào để thế hệ sau của dân tộc được biết và phải biết.
Cho nên, cuộc chiến bảo vệ biên giới 1979 nên được giảng dạy chính thống để có sự định hướng hiểu cho đúng.
Nếu như không đưa cụ thể cuộc chiến 1979 vào SGK, không giảng dạy cho học sinh, thì bản thân các em vẫn biết được qua nhiều nguồn tài liệu, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, nguy hiểm ở chỗ là các thông tin trên mạng không chính thống, có tư tưởng xấu, nếu để học sinh tiếp cận thì sẽ có tác dụng ngược?
- Lê Huyền (ghi)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét