Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013


14:33

Trung Quốc “không có quyền” bác đơn kiện của Philippines

(Kienthuc.net.vn) – Một luật sư người Mỹ khẳng định, Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển và không có quyền bác đơn của Philippines lên tòa án quốc tế.
 Paul Reichler - luật sư người Mỹ đại diện cho chính phủ Philippines.
Trung Quốc mới đây đã lên tiếng bác bỏ chuyện Philippines đưa tranh chấp biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế phân xử, gọi đó là hành động sai trái cả về mặt luật pháp lẫn lịch sử. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố quyết theo đuổi vụ kiện và cho rằng đó là quyết định đúng đắn. 

Trả lời phỏng vấn của VOA, luật sư người Mỹ đại diện cho chính phủ Philippines là Paul Reichler cho rằng, Trung Quốc không có quyền bác bỏ việc Philippines kiện lên tòa án trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. Theo ông, “Trung Quốc có thể quyết định tham gia hoặc không tham gia quá trình xét xử của tòa, nhưng nước này không có quyền hạn để bác bỏ, ngăn chặn hay cản trở tòa trọng tài”.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều ký tham gia, Philippines có quyền đơn phương tiến hành các thủ tục yêu cầu tòa trọng tài phân xử và phán xét đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc có thể tham gia quá trình phân xử để đưa ra các luận điểm của mình như các nước khác từng làm, hoặc Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên từ chối tham gia tòa án trọng tài. Nhưng Trung Quốc không thể ngăn chặn tòa án tiến hành phân xử hay bổ nhiệm các thành viên tham gia xét xử và đưa ra phán quyết về giá trị pháp lý của các tuyên bố của Philippines. Chính vì vậy mà tòa án sẽ tiếp tục quá trình phân xử.
Luật sư Paul Reichler cũng nêu ra một thực tế là Philippines đã tham gia các cuộc đối thoại song phương với Trung Quốc về những quần đảo nêu trên suốt 15 năm qua, nhưng không dẫn tới bất kỳ một thỏa thuận hay giải pháp nào. Vì thế đã đến lúc phải tìm kiếm các kênh khác để đi đến giải pháp hòa bình.

Quyết định của tòa án quốc tế có tính ràng buộc 

Luật sư Paul Reichler khẳng định: “Chắc chắn sẽ là đạt được một điều gì đó vì quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên sẽ được xác định, dù Trung Quốc có quyết định ra trước tòa trọng tài để trình bày lý lẽ của mình hay không. Tòa sẽ ra phán quyết về các vấn đề mà Philippines nêu ra và các quyết định của tòa sẽ có tính ràng buộc đối với cả Trung Quốc và Philippines theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển. Một khi các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên rốt cuộc được xác định một cách chắc chắn và rõ ràng, nó sẽ giúp giải quyết các tranh chấp. Một khi tuyên bố chủ quyền 9 đoạn của Trung Quốc trên biển Đông bị tòa (gồm các chuyên gia xuất sắc và có uy tín về luật biển) tuyên bố là không có giá trị, Trung Quốc sẽ khó mà có thể tiếp tục duy trì các tuyên bố chủ quyền không có giá trị và trái luật… Một khi nhóm các thành viên có uy tín trên trường quốc tế của tòa trọng tài xác định rằng không một quốc gia nào có thể thiết lập vùng biển xa hơn 12 hải lý đối với bất kỳ hòn đảo nào mà họ tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa hay bãi cạn Scarborough thì Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục có những tuyên bố chủ quyền trái pháp luật và không có cơ sở. Một khi các quyền và nghĩa vụ pháp lý được tòa trọng tài xác định, sẽ dễ dàng cho các quốc gia tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề tranh chấp”.

Về việc chuyên gia hàng hải Sam Bateman nói rằng việc Trung Quốc từ chối tham gia tòa sẽ là một thảm họa đối với hình ảnh của nước này nhưng lại là điều mà chính phủ Philippines muốn, luật sư Paul Reichler nói: “Tôi nghĩ rằng các quốc gia công khai bất chấp luật lệ quốc tế, các thủ tục pháp lý quốc tế hay công khai bất chấp các nghĩa vụ đã đồng ý khi ký tham gia công ước sẽ phải trả giá đắt. Cả Philippines và Trung Quốc đều là các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển. Công ước đó trao cho các nước tham gia các quyền lợi nhưng cũng gắn với các nghĩa vụ”. 
Viện dẫn việc Trung Quốc đã công khai lên tiếng phản đối chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa đơn phương và ủng hộ luật pháp quốc tế, các hiến chương của Liên Hợp Quốc, các hiệp ước quốc tế cũng như ủng hộ quyền chủ quyền của các nước nhỏ hơn, luật sư Paul Reichler nói tiếp: “Giờ họ ở trong tình thế phải chứng tỏ họ thật sự tin tưởng vào các nguyên tắc đáng trân trọng đó. Bất kỳ nước nào phớt lờ các cam kết và nghĩa vụ theo luật pháp và hiệp ước quốc tế mà họ đã ký thì họ sẽ đánh mất uy tín và sự tôn trọng của quốc tế”.

(TheoKienthuc.net.vn
) Lê Chân  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét