18:44
Không có Quân đội đứng ngoài chính trị!?
Trong khi góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có quan điểm yêu cầu “quân đội phải trung lập, đứng ngoài chính trị”. Dù do ai đưa ra và với động cơ chính trị gì, thì quan điểm đó cũng không thể chấp nhận được, bởi lẽ thực tiễn tổ chức và hoạt động của quân đội trong lịch sử nhân loại đã chứng minh và khẳng định: Không có quân đội đứng ngoài chính trị.
Về bản chất, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp, nhà nước, đảng chính trị để tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm thực hiện mục đích chính trị nhất định. Tính chất chính trị của quân đội thể hiện tập trung rõ nét ở mục tiêu chiến đấu, tổ chức lực lượng, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của quân đội, phụ thuộc vào quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra quân đội.
Những quân đội đầu tiên xuất hiện trong xã hội chiếm hữu nô lệ. ở phương Tây, trong xã hội Hy Lạp, La Mã cổ đại, quân đội là bộ phận cơ bản hợp thành “Nhà nước lý tưởng” theo tư tưởng của Platon (427-347 trước công nguyên (tr.CN)-nhà triết học kiệt xuất nhất thời cổ đại và là đại biểu tư tưởng của giai cấp chủ nô quý tộc. Đó là tổ chức quân sự bao gồm các công dân tự do dưới sự chỉ huy của các chủ nô, trong đó kỵ binh gồm những công dân giàu có được trang bị tốt nhất, còn bộ binh nhẹ gồm những người nghèo khổ (đẳng cấp thứ tư) được trang bị kém. Quân đội đó có nhiệm vụ bảo vệ Nhà nước chủ nô, trấn áp sự chống đối của nhân dân, điển hình là đàn áp rất tàn bạo cuộc khởi nghĩa nô lệ do Xpactacut lãnh đạo (73-71 tr. CN); tiến hành chiến tranh thực hiện mục đích chính trị của giai cấp chủ nô, điển hình là các cuộc chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư (500-449 tr.CN), chiến tranh Pêlôpônedơ giữa Aten với Xpacta (431-404 tr.CN)… nhằm giành quyền bá chủ ở khu vực Địa Trung Hải, thống trị Hy Lạp và tranh giành quyền lực giữa các phái chủ nô quý tộc và chủ nô dân chủ.
Ở phương Đông, những đế chế hùng mạnh với tư duy chính trị-quân sự “nước lớn” và ưu thế về sức mạnh kinh tế, quân sự đã sử dụng quân đội không chỉ để bảo vệ Nhà nước phong kiến, mà còn để chinh phục các nước, thực hiện tham vọng bành trướng. Không phải ngẫu nhiên mà “Binh pháp Tôn Tử” (của Tôn Vũ, ra đời thời Tây Chu, khoảng 496-453 tr.CN), “Binh pháp Ngô Tử” (của Ngô Khởi, ra đời thời Đông Chu, khoảng 440-381 tr.CN) chứa đựng những tư tưởng chỉ đạo tác chiến của quân đội trong các cuộc chiến tranh nhằm tranh bá đồ vương và thôn tính các nước.
Tư duy chính trị-quân sự của dân tộc Việt Nam khởi nguồn từ chiều sâu văn hóa, với tư tưởng chủ đạo “hòa bình và tự vệ”. Dưới sự lãnh đạo của những minh quân- những nhà tư tưởng uyên bác và các nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất, quân đội được tổ chức và hoạt động nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, gìn giữ hòa bình. “Binh thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo mang tư tưởng chỉ đạo hoạt động của quân đội và nhân dân trong xây dựng tiềm lực và sức mạnh quốc phòng, tiến hành chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền của quốc gia dân tộc.
Trong từng thời kỳ lịch sử và ở mỗi quốc gia dân tộc, tổ chức và hoạt động của quân đội có những đặc điểm riêng gắn với điều kiện lịch sử-cụ thể, nhưng đều tuân theo vấn đề có tính quy luật “quân sự phục tùng chính trị”, đều do quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra quân đội quyết định, không có quân đội nào đứng ngoài chính trị.
Trong thế giới đương đại, quan điểm “quân đội phải trung lập, đứng ngoài chính trị” thường xuất hiện ở các nước có đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nhất là khi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị diễn ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị kéo dài. Quân đội Hoàng gia có vai trò rất quan trọng trong nền chính trị Thái Lan-một đất nước kể từ khi thiết lập chế độ quân chủ lập hiến năm 1932 đến nay đã xảy ra 18 cuộc đảo chính quân sự. Chính phủ và các đảng phái chính trị nắm quyền lực đều ra sức tranh thủ sự ủng hộ về chính trị của quân đội.
Trong nền chính trị với cấu trúc lưỡng đảng ở Mỹ, tuy Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thay nhau cầm quyền nhưng về thực chất là những hình thái tổ chức đại diện cho các “tập đoàn lợi ích” khác nhau của giai cấp tư sản, cho dù sự tranh giành quyền lực giữa hai đảng diễn ra rất gay gắt. Đúng như Clin-tơn Rô-xi-tơ (Clinton Rossiter) – nhà nghiên cứu chính trị Mỹ đã nhận xét: “Các đảng phái Hoa Kỳ đạt được nhiều thành công trong việc đối lập hơn là trong việc cai trị”. Không ít trường hợp tổng thống và nhiều quan chức cao cấp trong chính phủ là người của một đảng, còn Quốc hội lại thuộc quyền kiểm soát của đảng kia. Trong bối cảnh đó, nhiều chính khách và tướng lĩnh quân đội yêu cầu “quân đội cần trung lập, đứng ngoài chính trị”, về thực chất là muốn quân đội đứng ngoài cuộc đấu tranh của các đảng phái chính trị nhằm giành quyền kiểm soát các cơ quan quyền lực nhà nước. Còn trong thực tế, quân đội Mỹ không hề đứng ngoài chính trị.
Chỉ tính từ năm 1990 đến nay, quân đội Mỹ đã liên tục can dự vào đời sống chính trị của các nước và các khu vực, kể cả tiến hành chiến tranh như ở vùng Vịnh năm 1991, Nam Tư năm 1999, áp-ga-ni-xtan năm 2001, I-rắc năm 2003…, kích hoạt làn sóng “Mùa xuân ả-rập” dẫn đến biến động chính trị ở khu vực Bắc Phi – Trung Đông từ năm 2010 đến nay. Chính sách đối ngoại Mỹ phụ thuộc nhiều vào quân đội, vào các tướng lĩnh điều hành các sở chỉ huy của Mỹ ở nước ngoài. Quân đội Mỹ cũng không đứng ngoài những xung đột chính trị trong nước. Ngày 21-8-2012, tướng Martin Dempsey – Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quânchỉ trích các cựu sĩ quan Mỹ vì đã tiến hành một chiến dịch chống lại Tổng thống Ba-rắc ô-ba-ma (Barack Obama). ông yêu cầu “quân đội phải đứng ngoài chính trị”, song vị tướng bốn sao này lại bị những người thuộc Đảng Cộng hòa cho là thiên vị Đảng Dân chủ trong bầu cử tổng thống năm 2012.
Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, của Tổ quốc XHCN và nhân dân. Tính chất chính trị của quân đội kiểu mới thể hiện tập trung rõ nét ở lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; ở các quan hệ chính trị-xã hội sâu rộng, cốt lõi là sự trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước XHCN và gắn bó máu thịt với nhân dân; ở cơ chế lãnh đạo, chỉ huy thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội; ở việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đội quân công tác, đội quân chiến đấu và đội quân lao động sản xuất có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu rộng. Chúng ta luôn coi trọng hàng đầu việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu toàn diện của quân đội, kiên quyết chống “phi chính trị hóa quân đội”. Đây thực sự là một nguyên tắc chiến lược và mang tính cấp thiết, có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với quân đội, mà còn đối với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Trong bối cảnh cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị-tư tưởng đang diễn ra rất quyết liệt và phức tạp, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc lời cảnh tỉnh của V.I.Lê-nin: “Chừng nào người ta chưa biết phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay giai cấp khác ẩn đằng sau những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch, bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”(*).
. Trung tướng, PGS,TS NGUYỄN TIẾN BÌNH
—————-
(*) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, t.23, H.2006, tr.57.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét