Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013


 08:45
“Trung Quốc phải học hỏi nhiều từ Nhật Bản”

(VnMedia) - Ông Lex Zhao – một giáo sư người Trung Quốc có thời gian sống lâu năm ở Nhật Bản cho rằng, bất chấp những mâu thuẫn sâu sắc tồn tại giữa hai nước, người Trung Quốc vẫn nên nhìn sang nước láng giềng hiện đại hơn để học cách giải quyết những vấn đề đã ăn sâu, bén rễ trong xã hội. 
 Ảnh minh họa
 Nhật Bản có nhiều điều mà các nước khác cần phải học hỏi.

“Bất chấp mâu thuẫn và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh vấn đề quần đảo Điếu Ngư, tôi vẫn phải thừa nhận rằng, chúng ta cần phải học hỏi nhiều từ Nhật Bản, thậm chí là cả bây giờ. Nhật Bản đã từng xâm lược và gây ra nỗi đau cho Trung Quốc nhưng 'hội chứng nạn nhân' đã khiến nhiều người Trung Quốc mờ mắt không nhận ra thực tế rằng, Nhật Bản hiện đại hơn chúng ta rất nhiều”, ông Lex Zhao đã phát biểu như vậy.

Giáo sư người Trung Quốc đã chỉ ra một loạt điều mà người nước ông cần phải học hỏi từ Nhật Bản. Thứ nhất, tổng sản lượng quốc dân tính trên đầu người của Nhật Bản (tính theo đồng USD hiện hành) vẫn lớn hơn gần gấp 10 lần của Trung Quốc thậm chí ngay cả khi Trung Quốc vừa trải qua 3 thập kỷ bùng nổ về kinh tế trong khi Nhật Bản đã phát triển chững lại trong hai thập kỷ qua. Thứ hai, trên bình diện thế giới, một vài trong số những biển hiệu sáng nhất ở các ngôi nhà chọc trời của thế giới vào buổi đêm là quảng cáo của các tên tuổi lừng danh của các tập đoàn đa quốc gia đến từ Nhật Bản như Sony, Toyota, Toshiba và Panasonic. Thứ ba, mặc dù mật độ dân số dày đặc hơn Trung Quốc nhưng Nhật Bản vẫn là nước sạch nhất, an toàn nhất và đi lại thuận tiện nhất thế giới, đặc biệt là đối với trẻ em và người già.

Ngoài 3 điều trên, còn nhiều điều khác mà Trung Quốc phải học hỏi từ nước láng giềng phát triển hơn, ông Lex cho biết. Theo ông này, điều thứ 4 là NhậtBản gần như hoàn toàn xóa bỏ được nạn mù chữ. Hầu hết thanh niên nước này đều vào đại học và sự bất bình đẳng giữa khu vực nông thôn và thành thị ở mức tối thiểu. Thứ 5, Nhật Bản là một cường quốc hiện đại hàng đầu thế giới nhưng vẫn giữ được truyền thống một cách duyên dáng và đáng nể. Và thứ 6 là, các nước hay các vùng lãnh thổ bên cạnh Trung Quốc như Hàn Quốc, Vùng lãnh thổ Đài Loan hay Hồng Kông đều thành công trên con đường hiện đại hóa sau khi học hỏi từ Nhật Bản.

“Nhiều người có thể lập luận, những điều được đưa ra ở trên quá chung chung để có thể bắt chước nhưng hãy để tôi vạch ra 4 điều cụ thể mà Trung Quốc có thể học hỏi từ Nhật Bản, bắt đầu ngay từ ngày hôm nay”, Giáo sư Lex cho biết.

Thứ nhất là về vấn đề sương khói và ô nhiễm. Nhật Bản đã làm hai điều: một là phát triển năng lượng hạt nhân (khoảng 1/3 nguồn năng lượng được sử dụng trong nước này là từ năng lượng hạt nhân trước khi thảm họa Fukushima xảy ra hồi tháng 3 năm 2011), hai là hạn chế lái xe trong các thành phố lớn bằng một loạt biện pháp như tăng phí cầu đường, phí đỗ xe và giá xăng; làm cho quy trình, thủ tục lấy bằng lái xe trở nên đắt đỏ và mất nhiều thời gian; đồng thời phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng, trong đó có hệ thống tàu điện ngầm nhiều tầng và xe buýt trong thành phố. Ở Nhật Bản, một người không thể mua được xe hơi nếu không có xác nhận của cảnh sát về việc người chủ tương lai đã có sẵn chỗ đỗ xe. So sánh với điều này ở Trung Quốc thì thấy, những người giàu đủ tiền mua xe gặp rất ít hạn chế và họ được khích lệ để làm ô nhiễm môi trường nhiều hơn.

Điều thứ hai mà Trung Quốc cần học hỏi từ Nhật Bản là về vấn đề tham nhũng. Cách căn bản để xóa bỏ tham nhũng là sự cạnh tranh và minh bạch. Nhiều người đang đề xuất “luật thanh thiên, trong đó yêu cầu các quan chức công khai thu nhập và tài sản. Một cách đơn giản và hiệu quả hơn mà Trung Quốc có thể học từ Nhật Bản là thực hiện cơ chế luân phiên giới quan chức đến các tỉnh, địa phương. Cơ chế luân phiên giới hạn số năm một quan chức tại vị ở một địa điểm hay một vị trí, từ đó sẽ giúp giảm cơ hội hình thành nhóm lợi ích và tăng khả năng phát hiện tham nhũng.

Thứ ba là vấn đề an toàn thực phẩm. Một chi nhánh của nhãn hiệu thực phẩm nổi tiếng Snow Brand của Nhật Bản đã bị buộc phải phá sản sau khi bị phát hiện dãn nhãn mác sai mặt hàng thịt bò để được nhận trợ cấp từ chính phủ. Trách nhiệm từ trên xuống dưới chính là những gì mà Trung Quốc cần để đối phó với nạn thực phẩm độc hại. Đó là chưa nói đến những cây cầu, con đường và tòa nhà được xây dựng với chất lượng kém.

Điều thứ 4 Trung Quốc cần học từ Nhật Bản là trong vấn đề bong bóng bất động sản và bất công bằng giữa các khu vực. Bong bóng bất động sản đã biến một số thành phố được gọi là hạng một của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải trở nên vô cùng đắt đỏ để sống. Hệ thống đăng ký nhà ở lỗi thời đã dẫn đến tình trạng những người không đến từ thành phố tìm cách nói dối và đút lót để được vào sống trong thành phố. Đã đến lúc phải xóa bỏ hệ thống thiếu công bằng và không hợp lý đó. Chính phủ cũng có thể áp dụng đánh thuế bất động sản, ngăn chặn việc tăng giá nhà...

Chắc chắn, còn nhiều điều khác nữa mà Trung Quốc có thể học hỏi từ nước láng giềng Nhật Bản như kỹ thuật, công nghệ y học tối tân, hệ thống quản lý hiệu quả và trách nhiệm từ trên xuống dưới ở mọi cấp quản lý.

Trung Quốc có thể đang bước vào cái gọi là bẫy thu nhập trung bình. Nâng cấp nền tảng công nghiệp đòi hỏi một gói biện pháp tổng thể gồm nền giáo dục chất lượng, hệ thống pháp lý độc lập và sự ủng hộ công bằng từ chính phủ. Thời sử dụng hàng triệu nhân công giá rẻ để sản xuất một thứ gì đó ở một địa phương nào đó đã qua và nó đang được chuyển đến những nước có giá nhân công rẻ hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang dần cạn kiệt nguồn lực tự nhiên, nước và thậm chí là kể cả không khí trong lành.

Theo Giáo sư Lex, có lẽ do "hội chứng nạn nhân", nhiều người Trung Quốc dường như có thiên hướng muốn học hỏi từ Mỹ thay vì từ Nhật Bản. Tuy nhiên, đây là điều sai lầm, ông Lex nói. Mỹ là một đất nước rộng lớn, mật độ dân thưa thớt và giàu tài nguyên. Đó là chưa kể nước này hàng năm thu hút hàng triệu người nước ngoài có kỹ năng vào trong nước làm việc. Trong khi đó, Nhật Bản là nước có mật độ dân số dày đặc và hầu như không có nguồn lực tự nhiên.

Sự pha trộn hài hòa giữa cách quản lý hiện đại với văn hóa, phong tục truyền thống Đông Á, cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực hạn chế của Nhật Bản là tấm gương mẫu mực cho bất kỳ nước đang phát triển nào nếu họ muốn bắt kịp với các nước khác trên con đường hiện đại hóa.
Kiệt Linh - (theo SCMP)

 Còn một điều nữa người TQ cần học Nhật Bản là tính khiêm nhường, tôn trọng người khác. Khi Nhật Bản vươn lên trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới nhưng tuyệt nhiên họ không huênh hoang, coi thường nước khác bằng thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi như Lãnh đạo TQ hiện nay đang cổ súy.
 Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét