12:25
Nguyên thủ thực quyền, quốc gia thực lực
- So với quy định của Hiến pháp hiện hành, tôi thấy toàn bộ chương VI (Chủ tịch nước) trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã quy định rõ hơn về quyền hạn của Chủ tịch nước với tư cách là “người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Tuy nhiên, tôi cho rằng một số tờ báo đã có sự nhầm lẫn khi nhận xét quy định trong dự thảo là “mở rộng quyền của Chủ tịch nước”.
Mở rộng hay quy định rõ hơn?
Khoản 5 điều 93 dự thảo viết chủ tịch nước có quyền hạn: “Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…”.
Dẫn quy định này, các báo so sánh với thực tế hiện nay là Chủ tịch nước chỉ phong, thăng hàm sỹ quan cấp thượng tướng, đại tướng, còn cấp thiếu tướng, trung tướng do Thủ tướng phong, thăng để nói rằng Chủ tịch nước được “mở rộng quyền” là không đúng. Đây hoàn toàn chỉ là sự phân cấp, bởi Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, còn Thủ tướng giữ chức phó chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Như vậy, nội dung của dự thảo nhằm hiến định rõ hơn vai trò “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân” của Chủ tịch nước và Chủ tịch nước cũng hoàn toàn có thể ủy quyền cho Thủ tướng ký các quyết định phong, thăng hàm cấp thiếu tướng, trung tướng.
Cả hiến pháp hiện hành và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều quy định nguyên tắc “phân công, phối hợp” giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thiết chế Chủ tịch nước - nguyên thủ quốc gia - là để “điều hòa” sự phân công, phối hợp giữa các nhánh quyền lực trên. Vì vậy, cả quy định hiện hành cũng như dự thảo đều trao cho Chủ tịch nước đồng thời có một số quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Một số báo đã dẫn điều 95 của dự thảo viết: “Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Chính phủ. Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”, để kết luận Chủ tịch nước được mở rộng quyền thì cũng không đúng. Mỗi một cơ quan quyền lực nhà nước đều có vị trí độc lập nhất định. Với vị trí là người đứng đầu nhà nước và vai trò điều hòa giữa các nhánh quyền lực, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ triệu tập cuộc họp bàn về một vấn đề nào đó, mục đích là để Chủ tịch nước nắm rõ tình hình, quan điểm của các thành viên Chính phủ về vấn đề đó, nhưng không có nghĩa là Chủ tịch nước nắm quyền chủ tọa và kết luận phiên họp ấy.
Nguyên thủ phải mạnh
Với quy định rõ hơn về thẩm quyền của Chủ tịch nước như một vài ví dụ vừa nêu trên, có thể thấy rõ rằng tới đây khi Hiến pháp mới được thông qua thì Chủ tịch nước sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tốt hơn và vì vậy vị trí Chủ tịch nước sẽ “thực quyền” hơn. Nhưng, chắc chắn những người bảo vệ quan điểm nguyên thủ quốc gia phải mạnh khó có thể hài lòng.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh ủng hộ phương án tăng thẩm quyền cho Chủ tịch nước và đề nghị “tiến tới bầu cử trực tiếp vị trí này”. Nhìn vào các mô hình tổ chức nhà nước phổ biến trên thế giới, thì một nguyên thủ quốc gia mạnh như đề xuất của bà Khánh thường ở trong mô hình cộng hòa - tổng thống. Trong mô hình này (kiểu Mỹ, Nga) thì nguyên thủ quốc gia được nhân dân bầu trực tiếp và chịu trách nhiệm trước nhân dân, người đứng đầu nhà nước cũng đồng thời là người đứng đầu hành pháp. Trong mô hình đại nghị, nguyên thủ quốc gia cũng có thể được bầu trực tiếp (kiểu Singapore), nhưng quyền lực của tổng thống hạn chế, vai trò hành pháp thuộc về thủ tướng.
Thiết chế nguyên thủ quốc gia mạnh, thực quyền cũng đã được Việt Nam áp dụng sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguyên thủ quốc gia trực tiếp đứng đầu Chính phủ. Hiến pháp năm 1946 quy định Chủ tịch nước không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trước nghị viện ngoài tội phản quốc. Nhiều người cho rằng thiết chế Chủ tịch nước như vậy chỉ có thể áp dụng với lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, người được nhân dân tín nhiệm tuyệt đối, nên rất khó áp dụng trong điều kiện hiện nay. Lập luận này là khiên cưỡng. Đúng là lãnh tụ thiên tài như Hồ Chí Minh thì nhiều trăm năm mới xuất hiện, nhưng một chế độ bầu cử tốt thì sẽ chọn được người ưu tú nhất để lãnh đạo quốc gia.
Trong điều kiện của Việt Nam, khi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được hiến định, tôi cho rằng một thiết chế nguyên thủ quốc gia mạnh là cần thiết. Một khi “người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại” là người con ưu tú nhất của dân tộc, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, được trao quyền hiến định đủ mạnh, thì đó sẽ là người tập hợp được khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy tối đa thực lực quốc gia. Tôi đề nghị đổi tên chương VI (Chủ tịch nước) trong dự thảo thành chương “Nguyên thủ quốc gia” và bổ sung quy định: “Ứng cử viên chức vụ Chủ tịch nước là những người được đề cử, ứng cử trong số các đại biểu Quốc hội và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Trước khi Quốc hội bầu, các ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động; sau khi trúng cử, Chủ tịch nước phải tuyên thệ trước Quốc hội”.
Nếu nguyên thủ quốc gia được bầu chính là người lãnh đạo cao nhất của Đảng (phù hợp với chủ trương nhất thể hóa) thì vị nguyên thủ quốc gia ấy sẽ có thực quyền (ví dụ: Chủ tịch nước chỉ thực sự thể hiện đầy đủ vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang khi đồng thời là bí thư Quân ủy trung ương - vị trí hiện nay do Tổng bí thư đảm nhiệm); nếu người lãnh đạo cao nhất của Đảng được lựa chọn làm nguyên thủ quốc gia trong cuộc bầu cử dân chủ, bình đẳng, có tính cạnh tranh thì chứng tỏ “ý Đảng” hợp với “lòng dân”.
Tất nhiên, để người giữ vị trí nguyên thủ quốc gia không lạm quyền thì dự thảo cần phải bổ sung các điều khoản cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực, thiết lập Hội đồng bảo hiến (hoặc tòa án hiến pháp) độc lập và luật định cơ chế nhân dân giám sát hoạt động của Đảng.
Bạn đọc Bảo Linh
(Phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét