Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013


 09:00

 Sao không minh bạch giá alumin?


Cần phải tính đầy đủ các yếu tố, chi phí vào cơ cấu giá thành và đây chính là cơ sở đánh giá chính xác hiệu quả các dự án bauxite để có những hướng đi tiếp theo

Ngày 26-2, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tiếp tục có buổi tiếp xúc và trả lời báo chí xung quanh dự án bauxite Tây Nguyên. Ông Trần Văn Chiều, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin, cho biết mẻ alumin đầu tiên được bán tại nhà máy 340 USD/tấn, nếu tính cả chi phí vận chuyển tới cảng Gò Dầu (Đồng Nai) khoảng 55 USD/tấn, giá bán lên đến 395 USD/tấn. Dự báo, đến năm 2020, giá alumin khoảng 300 đến trên 500 USD/tấn và nếu tính trung bình trên 400 USD/tấn là khá tốt cho dự án.

 
Khu Du lịch Đồi Phong Lan bị bỏ hoang trong nhiều năm 
Ảnh: QUỐC TRIỀU
Nhiều chi phí đầu vào chưa tính đến
PGS-TS Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết từ tháng 4-2009, VUSTA đã có kiến nghị về dự án bauxite Tây Nguyên. Tại bản kiến nghị này, VUSTA đã đưa ra những đánh giá về tính khả thi của dự án và những góp ý này chủ yếu dựa vào thông tin mà Vinacomin cung cấp. “Còn nếu bây giờ, muốn làm rõ tính hiệu quả trong việc khai thác bauxite và sản xuất alumin ở Tây Nguyên thì cần có cuộc đánh giá một cách đầy đủ về giá thành sản phẩm” - TS Phạm Bích San phân tích.
Theo PGS-TS Phạm Bích San, lúc đó VUSTA đã đưa ra những phân tích về giá thành của alumin để khẳng định sự không hiệu quả của dự án, cầm chắc thua lỗ. Đó là chưa kể nếu muốn hoạt động bền vững thì dự án phải đầu tư một tuyến đường sắt khoảng 3,1 tỉ USD để giảm chi phí vận chuyển. 
Ông Phạm Bích San phân tích: Vốn đầu tư ban đầu của Nhà máy Tân Rai khoảng 800 triệu USD, Nhà máy Nhân Cơ khoảng 700 triệu USD. Như vậy, IRR (hệ số hoàn vốn nội bộ) của Nhà máy Nhân Cơ sẽ nhỏ hơn hệ số chiết khấu, còn đối với nhà máy Tân Rai, nếu tính giá bán alumin 344 USD/tấn với vốn đầu tư như trên thì IRR chắc chắn sẽ thấp hơn hệ số chiết khấu nhiều.

Theo đó, giá thành 1 tấn alumin của Nhà máy Tân Rai là 223 USD, Nhà máy Nhân Cơ là 241 USD. Cần lưu ý giá thành này chưa bao gồm các chi phí khác như chi phí vận chuyển từ nhà máy xuống cảng biển cho 1 km/tấn, tương đương khoảng 50-60 USD. Đó là chưa kể đến các chi phí duy tu, bảo dưỡng đường từ khu mỏ xuống cảng biển.
Nhận xét về giá thành alumin, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Vinacomin, nói: “Chỉ cần Vinacomin đưa đủ chi phí vận chuyển alumin 4.000 - 5.000 đồng/km/tấn, với quãng đường từ Tân Rai về cảng Gò Dầu là 260 km là rõ ngay dự án bauxite Tây Nguyên đã không hiệu quả kinh tế, chưa cần tính đến các chi phí khác”.
Chẳng ai phản đối dự án có hiệu quả
Để có chính xác giá thành alumin, ThS Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng  Viện Tư vấn phát triển (CODE), cho rằng việc đầu tiên là Vinacomin phải minh bạch và công khai toàn bộ cơ cấu và giá thành 1 tấn sản phẩm alumin. “Vinacomin ngại ngần gì mà không dám công khai việc này. Nhà nước, giới khoa học và người dân chẳng phản đối một dự án có hiệu quả kinh tế cao, minh bạch và công khai” - ông Tú nêu vấn đề.
Theo ông Tú, cơ cấu giá thành phải bao gồm đủ các chi phí trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể gồm chi phí trực tiếp là tổng đầu tư ban đầu cho dự án mà như Vinacomin nói là 15.600 tỉ đồng đối với Nhà máy Tân Rai; chi phí cảng, cầu đường, phương tiện để phục vụ cho dự án. Tất cả chi phí trực tiếp này phải được khấu hao trong bao lâu, đồng nghĩa mỗi tấn alumin phải cõng thêm số tiền đầu tư cơ bản bao nhiêu.

Tiếp đó là chi phí khai thác 4-5 tấn quặng nguyên khai tạo ra 2 tấn quặng tinh và cuối cùng để có 1 tấn alunim gồm chi phí nhân công (đào quặng, sàng tuyển…), nước rửa quặng… Cùng với đó là nguyên - nhiên vật liệu đầu vào như than, hóa chất, vôi bột, điện… Chi phí gián tiếp sẽ bao gồm những thiệt hại về môi trường, sức khỏe của người dân, xã hội ở khu vực dự án và chịu ảnh hưởng của dự án…

Ngoài ra, còn phải tính chi phí để khắc phục môi trường, sức khỏe của người dân. Chi phí cơ hội cũng phải tính vào vì 1 đồng đầu tư cho bauxite nếu đầu tư vào lĩnh vực khác có thể sinh lời cao hơn. “Vinacomin còn phải tính đủ và minh bạch các khoản thuế như thuế tài nguyên, môi trường, xuất nhập khẩu, giá trị gia tăng… Tập đoàn này cũng là một doanh nghiệp nên cũng phải công bằng như mọi doanh nghiệp khác”- ông Tú nhấn mạnh.

Sẽ tính lại giá thành

Ông Trần Văn Chiều cho biết hiện Vinacomin đã ký hợp đồng bán 17.000 tấn alumin cho khách hàng trong nước và ngoài nước. “Vinacomin đang tính lại toàn bộ giá thành và đề nghị Chính phủ xem xét đây là vùng đặc biệt khó khăn cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong tính toán giá thành” - ông Chiều nói.
Về dự án Nhân Cơ đã hoàn tất 73/74 tổng số hạng mục của nhà máy, ông Trần Văn Chiều cho rằng: “Vinacomin sẽ tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư cũng như cơ chế chính sách để có quyết định cụ thể sau”.

P.Dương

Doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại nặng nề
12 dự án du lịch đã và đang xây dựng phải dừng lại vì dự án cảng Kê Gà (Bình Thuận). Đến khi Chính phủ quyết định ngừng dự án này, nhiều doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng.
Theo ông Nguyễn Trường Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Du lịch Đồi Phong Lan, ông đã đầu tư khoảng 50 tỉ đồng vào Khu Du lịch Đồi Phong Lan. Đến năm 2006, ông được Sở Xây dựng Bình Thuận yêu cầu đình chỉ khi khu du lịch sắp hoàn thành. Đến nay, ông gần như trắng tay, trong khi khu du lịch đã xuống cấp trầm trọng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Đăng Khoa, con ông Nguyễn Đức Hiếu - chủ đầu tư Khu Du lịch Thế Giới Xanh, cho biết Thế Giới Xanh hoàn thành vào năm 2004 nhưng đến năm 2008 bị ngưng lại.
Chiều 26-2, ông Nguyễn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện vẫn chưa có phương hướng bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại vì dự án cảng Kê Gà.
Cũng theo ông Ngọc, sắp tới, đại diện Vinacomin sẽ làm việc với tỉnh để đánh giá thiệt hại của các doanh nghiệp. “Sẽ có 12 doanh nghiệp được bồi thường nhưng trong danh sách kiểm kê 12 dự án du lịch phải dừng lại vì cảng Kê Gà, chúng tôi chỉ mới kiểm tra, thẩm định giá được 4 dự án. Đây là những dự án tại khu vực dự định sẽ xây dựng cảng Kê Gà” -  ông Ngọc cho biết.
Q.Triều

(Theo Người Lao động) THẾ DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét