Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012


23:04

 Trung Quốc: Kháng sinh làm từ dầu ở cống rãnh


Người dân Trung Quốc thêm một phen rúng động khi một công ty dược hàng đầu nước này đã thu mua 1,62 triệu tấn dầu bẩn, múc ra từ các cống rãnh gần nhà hàng để sản xuất các loại kháng sinh phổ biến trên thị trường.


Theo các công tố viên, từ giữa năm 2010 đến tháng 7-2011, Công ty TNHH Sản phẩm Sinh học Jiaozuo Joincare (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) - công ty con của tập đoàn dược phẩm danh tiếng Joinca, đã chi khoảng 145 triệu Nhân dân tệ (hơn 475 tỉ đồng) để mua dầu đã qua sử dụng ở các nhà hàng.


Dầu thải loại này tràn lan trên thị trường Trung Quốc

Vụ mua bán bẩn thỉu này bị phơi bày ra ánh sáng khi giới chức Trung Quốc tiến hành kế hoạch triệt phá đường dây tái chế dầu bẩn đầu tiên của nước này tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang.

Jiaozuo Joincare là một trong những khách hàng lớn nhất của Công ty TNHH Dầu ăn Huệ Khang (Hà Nam). Công ty Huệ Khang đã mua một lượng lớn dầu thải pha với một ít dầu chất lượng cao, sau đó bán cho người dân, số khác bán làm nguyên liệu thô cho các công ty đối tác.

Được biết, công ty này đã kiếm bộn tiền nhờ vào việc mua dầu thải chỉ với 8.950 Nhân dân tệ mỗi tấn (gần 30 triệu đồng), chênh lệch hơn 2.000 nhân dân tệ (6,5 triệu đồng) so với giá dầu thị trường.

Công ty Jiaozuo Joincare thừa nhận đã mua dầu từ Huệ Khang một lần nhưng họ khẳng định không hề biết số dầu thu mua xuất xứ từ nước cống nhà hàng.

Năm 2010, Jiaozuo Joincare đạt được mức doanh thu kỷ lục là 912 triệu nhân dân tệ (2.900 tỉ đồng) nhưng mức thu này giảm còn 698 triệu nhân dân tệ (hơn 2.200 tỉ đồng) trong năm 2011 kể từ khi dừng hợp đồng với Huệ Khang. 
Lê Thoa (Theo Nhân dân Nhật Báo)

22:11
 Xe máy lại cháy trên cầu Chương Dương


TPO–Đang trên đường đi làm, gần qua cầu Chương Dương (hướng sang Gia Lâm, Hà Nội), xe máy Dream của anh Đoàn Thế Vinh (27 tuổi, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bốc cháy dữ dội. Rất may, chủ nhân chạy thoát.
 
Chiếc xe Dream cháy trơ khung.
Khoảng 7h20 hôm nay (31-8), anh Đoàn Thế Vinh đang điều khiển xe máy Dream đi làm, khi gần qua cầu Chương Dương thì thấy xe bốc khói. Anh Vinh vội dừng xe, thấy ngọn lửa bốc cháy dữ dội.
Thượng tá Lê Đức Đoàn - Đội Cảnh Sát giao thông đội 1, Công an Hà Nội, cùng chiến sỹ thuộc Cảnh sát Giao thông đội 5 và bảo vệ cầu vội mang sáu bình cứu hỏa chữa cháy.
Sau khoảng 15 phút, ngọn lửa được dập tắt. Tuy nhiên, lúc này, chiếc xe Dream chỉ còn lại bộ khung.
Theo anh Vinh, nguyên nhân gây cháy có thể do chập điện ở phía dưới phần máy.
Sự việc xảy ra đúng giờ cao điểm, khiến giao thông khu vực cầu Chương Dương bị ùn tắc nghiêm trọng. Khoảng 8h30, giao thông tại đây mới trở lại bình thường.
(Theo TPO) Thiên Long

21:01

 Tướng Nguyễn Đức Nhanh nghỉ chế độ, Công an Hà Nội có Giám đốc mới

 

Ngày 31.8, Đại tá Nguyễn Đức Chung - Anh hùng lực lượng vũ trang (năm 2004), Phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội được bổ nhiệm Quyền giám đốc Công an Thành phố.

Đại tá Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, quê Hải Dương), tốt nghiệp Thạc sĩ Luật học, Đại học Cảnh sát nhân dân chuyên ngành Điều tra hình sự, Cử nhân Kinh tế ngành Quản trị kinh doanh; Điều tra viên cao cấp; hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Đại tá, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Đại tá Nguyễn Đức Chung
Cùng ngày, lãnh đạo Bộ Công an đã trao quyết định nghỉ theo chế độ đối với Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội.

Trong suốt quá trình công tác 43 năm của mình, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh đã có nhiều thành tích trong lãnh đạo và chỉ huy lực lượng Công an thủ đô lập nhiều chiến công xuất sắc, đóng góp vào thành tích chung của Công an Hà Nội.

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh
Tên tuổi của Trung tướng từng gắn với rất nhiều vụ điều tra phá án lớn như triệt phá đường dây buôn bán trái phép chất ma túy Vũ Xuân Trường, vụ giải cứu con tin là cháu bé người Nhật… Trung tướng đã được Nhà nước trao tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất (năm 2001), Huân chương Lao động hạng Ba (2004), Huân chương Chiến công hạng Nhất (2007, 2009).
Theo VnMedia, Petrotimes

20:35

 Điện lực Cà mau:

Phiếu tín nhiệm thấp được làm lãnh đạo

 

(NLĐO) - Công ty Điện lực Cà Mau vừa có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Luy, người có phiếu tín nhiệm thấp nhất trong cuộc họp lấy ý kiến giới thiệu cán bộ quy hoạch, vào chức danh Phó giám đốc Công ty Điện lực huyện Phú Tân.


Theo biên bản kiểm phiếu ngày 4-6, trong cuộc họp lấy ý kiến giới thiệu cán bộ quy hoạch các chức danh do công ty quản lý, ông Luy chỉ được 7/13 phiếu thuận, thua  “đối thủ” Phan Hoàng Khởi (12/13 phiếu) và ông Lê Minh Hoàng (8/13 phiếu).

Tuy nhiên, sau đó, Giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau đã ký quyết định bổ nhiệm ông Luy vào chức danh nêu trên. Quyết định này đã gây sự khó hiểu trong dư luận và tạo nhiều bức xúc đối với nhân viên Công ty điện lực huyện Phú Tân.
(Theo Người Lao Động) M.Anh

Có lẽ ông Luy tuy phiếu ít nhưng tiền nhiều và công tác cán bộ ở đây không cần sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng.
Thương Giang

19:46
 Chia nhỏ Petrolimex để phá thế chi phối giá?


Nhiều ý kiến cho rằng cần chia Petrolimex thành ba DN độc lập chịu trách nhiệm từng khâu: nhập khẩu, phân phối và bán lẻ.

Petrolimex hiện là doanh nghiệp (DN) chiếm đến 55% thị phần và có sức ảnh hưởng khá lớn đến việc quyết định mức giá xăng tăng, giảm trong nước.
Lợi thế thống lĩnh
Nhìn lại thời gian gần đây thì thấy trong quá trình đề xuất tăng giá xăng, một đầu mối xăng dầu nhỏ, thị phần thấp thường đề xuất tăng giá trước tiên. DN chiếm thị phần cao như Petrolimex thì rất dè dặt và ít có các tuyên bố về đề xuất tăng giá. Petrolimex luôn là DN kín kẽ nhất về các mức giá đề xuất tăng. Tuy vậy, trước giờ tăng giá, hầu hết các DN đều có động thái nghe ngóng mức giá mà Petrolimex đưa ra và sau đó áp theo mức này.
Còn nhớ, ngay sau khi DN được trao quyền định giá, trong đợt tăng giá ngày 20-7, có rất nhiều DN đề xuất các mức tăng khác nhau. Có DN đề xuất tăng 500 đồng/lít, có DN đề xuất tăng 450 đồng/lít. Sau đó, Petrolimex đề xuất tăng 400 đồng/lít và các DN cùng theo mức này. Mới đây nhất, trong đợt tăng giá ngày 28-8, hầu hết các DN cầm chắc sẽ tăng 700 đồng/lít. Riêng Petrolimex đã “gút” mức tăng là 650 đồng/lít và các DN còn lại sau đó cũng tăng ở mức này.
Việc một DN lớn có ảnh hưởng lớn đến thị trường xăng dầu như Petrolimex có sức chi phối về giá là điều đương nhiên. Nếu Petrolimex luôn đưa ra mức giá thấp nhất, các đầu mối phải theo thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Ngược lại, nếu các DN cùng “bắt tay” để đưa ra một mức giá bất lợi cho người tiêu dùng thì sao? Hiện Nghị định 84/2009 lại chưa quy định chế tài khi DN tăng giá chưa hợp lý.
Từ đây, nhiều chuyên gia cho rằng cần chia tách Petrolimex để hạn chế vị trí thống lĩnh.
Tách nhập khẩu khỏi phân phối, bán lẻ
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói thẳng: “Chia tách Petrolimex để tránh lùng bùng như bấy lâu nay!”. Theo ông Doanh, việc chia tách Petrolimex sẽ không làm xáo trộn thị trường như nhiều người băn khoăn, bởi hệ thống bán lẻ và cơ sở vật chất của Petrolimex vẫn như thế. Việc chia sẽ tiến hành theo hướng lập ba công ty riêng, có hạch toán riêng và độc lập. Mỗi công ty sẽ chịu trách nhiệm từng khâu như nhập khẩu, phân phối và bán lẻ. “Thực tế, trên thế giới từ trước tới nay khâu nhập khẩu là khâu riêng. Xăng được nhập về ngày nào, giá bao nhiêu sẽ được công khai. Đơn vị nhập về sẽ bán cho đơn vị có bồn xăng (phân phối). DN phân phối trên cơ sở đó tính thêm chi phí, thuế để ra giá bán lẻ. Khâu bán lẻ vẫn như hiện nay. Quan trọng là tạo thêm sự công khai minh bạch, tránh che giấu các số liệu. Hiện nay chẳng ai biết khi DN nâng giá thì số xăng cũ của DN là bao nhiêu, DN nhập ở giá nào”.
Ủng hộ quan điểm này, trên VOV, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: Với sức vóc hiện nay, Petrolimex là DN có lợi thế lớn trong nhập khẩu và phân phối. Nếu tách riêng hai khâu này, đơn vị nhập khẩu có thể cùng lúc bán cho Petrolimex và các DN khác, bước đầu phá thế thống lĩnh, tạo được sự cạnh tranh giữa các đơn vị nhập khẩu trong việc bán xăng dầu cho các đơn vị phân phối.
TS Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh: Kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh. Petrolimex đang thống lĩnh nên nhiều người đặt ra vấn đề chia nhỏ Petrolimex bằng cách cổ phần hóa, hoặc có thể chia làm ba khâu như ý kiến của TS Lê Đăng Doanh. Điều này là tất yếu “trước, sau gì cũng phải làm, vấn đề là phải có đề án rõ ràng và khả thi”.
“Gom lại là do cơ chế”
Tuy vậy, TS Nguyễn Ngọc Sơn, ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, băn khoăn: Nếu chia Petrolimex thì vẫn có nhiều rủi ro. “Ví dụ, chúng ta chia ra nhưng chính ba DN đó vẫn thỏa thuận với nhau thì sao? Vấn đề là ở chỗ con người và cơ chế. Mỗi khi DN tăng giá, ta phải xét giá đó có hợp lý hay bất hợp lý. Nếu có gì uẩn khúc thì là do chính cơ chế giám sát DN thống lĩnh, DN độc quyền của chúng ta chưa mạnh chứ không nằm ở việc chia tách DN. Nếu chia ra thì vẫn là bình cũ rượu mới thôi”. Ông Sơn so sánh: Ở thị trường viễn thông, đâu có phải từ Vinaphone hay Mobile mà xuất hiện Viettel. Chúng ta làm được thị trường viễn thông cạnh tranh hơn là vì chúng ta khai sinh được một DN lớn mới, để DN mới đó phát triển.
Theo ông Sơn, việc 12 đầu mối “nhìn ngó” Petrolimex trong việc đưa ra mức giá nghĩa là thị trường không có cạnh tranh về giá. Vì vậy, cơ quan quản lý phải xem xét đây có thể là dạng thỏa thuận về cạnh tranh giá hay không? “Thị trường cần minh bạch thì phải làm rõ vì sao DN đưa ra mức giá đó? Cơ sở nào? Tại sao DN nào cũng tăng mức giá giống nhau…”.
Cổ phần hóa đâu phải là bán lại cho nhân viên
Bước một là tách riêng khâu nhập khẩu ra trước, sau đó với DN phân phối thì có thể cổ phần hóa, như thế sẽ dễ dàng hơn. Khâu phân phối nội địa nên cổ phần hóa ở mức cao. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là ở nhiều lĩnh vực, họ thường tổ chức thành ba đơn vị đủ lớn, ngang nhau, nên họ cạnh tranh rất ngang ngửa.
TS PHẠM CHI LAN (Theo VOV)
Nếu DN cổ phần hóa mà công khai minh bạch, mời những nhà đầu tư chiến lược thì họ sẽ tham gia. Nhưng có vẻ như việc cổ phần lại là bán cho các cán bộ, nhân viên của chính DN và bảo đấy là đồng sở hữu. Thực tế, các nhân viên đó chỉ đồng sở hữu về danh nghĩa thôi chứ với một, hai cổ phiếu thì họ có tiếng nói gì đâu? Cho nên đó chỉ là câu chuyện… lãng mạn, một ý tưởng tốt đẹp nhưng không hiện thực!
TS LÊ ĐĂNG DOANH
Tách riêng chẳng giúp được gì
Tôi cho rằng vấn đề này không thể nói lý thuyết được mà phải trên cơ sở thực tế điều hành. Điều hành làm sao để mục tiêu cuối cùng là đảm bảo ổn định thị trường.
Thực ra việc tách khâu nhập khẩu, phân phối, bán lẻ riêng ra làm ba đơn vị sẽ chẳng giúp được gì. Minh bạch hay không là trên hồ sơ và qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Dù có tách khâu nào đi chăng nữa thì giá mua cũng phải qua hải quan, chứng từ. Năm nào chúng tôi cũng có kiểm toán độc lập, các con số đã hiển thị trên hồ sơ.
Ông TRẦN NGỌC NĂM, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex
(PL TPHCM) MAI PHƯƠNG


13:11

 Xăng dầu: Giá tăng nhanh, bất ổn xử lý chậm


(VEF.VN) - Xăng dầu tăng giá là điều không tránh khỏi khi mà giá thế giới tăng và mặt hàng này đang được thả dần theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, nếu như việc tăng giá thực hiện rất nhanh thì việc quản lý thị trường mà nổi bật là tình trạng găm hàng trục lợi và tình trạng tràn lan xăng kém chất lượng… lại rất chậm được giải quyết. Đây hẳn là một nghịch lý. 
  
Nhanh như tăng giá
Không phải chờ đợi quá lâu, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi phương án điều hành thị trường được Bộ Tài chính thông qua, giá xăng dầu đã được các doanh nghiệp (DN) đồng loạt điều chỉnh tăng, đa số DN đều áp dụng mức tối đa có thể.
Thời gian tăng giá xăng cũng đúng quy định cho phép. Nếu tính từ ngày 20/7 tới nay mặc dù xăng dầu đã tăng tới 4 lần (tính riêng trong tháng 8 là 3 lần) nhưng mỗi lần đều cách nhau đảm bảo đúng với quy định hiện hành là khoảng cách giữa những lần điều chỉnh tối thiểu là 10 ngày.
Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu thế giới gần đây tăng khá mạnh, tính tới 27/8 giá xăng thành phẩm tăng 13,24% so với 30 ngày trước và giá cơ sở theo đó cao hơn giá bán lẻ khoảng 1.450 đồng/lít. Giá các loại dầu cũng tăng nhưng ở mức thấp hơn.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, mức tăng nói trên là chỉ bằng khoảng 50% so với mức chênh của giá thế giới do chưa tính tới lợi nhuận định mức vào 1 phần bù đắp từ Quỹ bình ổn. Rõ ràng, việc điều chỉnh giá xăng theo Nghị định 84 là: Nếu giá cơ sở tăng 7% so với giá bán lẻ, doanh được quyền định giá. Nếu mức tăng này từ trên 7-12%, doanh nghiệp được tăng 60%, 40% bù từ Quỹ. Còn nếu tăng giá cơ sở trên 12% thì Nhà nước sẽ can thiệp. Tuy nhiên, điều mà nhiều người dân còn băn khoăn là giá xăng dầu được điều chỉnh rất nhanh nhưng khi giá thế giới giảm thì DN phản ứng rất chậm.
Thực tế, giá xăng được DN theo dõi sát và tính toán từng ngày, nên chỉ cần đến đủ ngưỡng thời gian và mức tăng giá là DN lập tức đề xuất tăng giá. Và theo cơ chế mới, thì các đề xuất này cũng lập tức được đáp ứng sau đó không lâu.
Thậm chí, sau đợt tăng giá mới nhất ngày 28/8, các DN chưa thỏa mãn vì vẫn còn chịu lỗ và đang tính toán cho một đợt tăng mới nếu giá xăng dầu thế giới không xoay chiều giảm mạnh. Và cứ đúng theo cơ chế giá thị trường, nếu nhà nước không áp dụng các công cụ điều tiết khác như thuế, quỹ bình ổn thì giá sẽ buộc phải tăng đúng hạn theo yêu cầu của DN.
Còn nhớ, trong lần giảm giá xăng gần nhất (21/6), giá xăng A92 và giá dầu diezel bán lẻ đã được điều chỉnh giảm tương ứng là 700 đồng và 400 đồng mỗi lít. Đây là lần giảm giá thứ 4 trong năm 2012, nhưng tổng mức giảm của cả 4 lần khá khiêm tốn ở con số 2.600 đồng/lít
Vào thời điểm đó, có không ít ý kiến cho rằng đây là mức giảm chưa thật sự thỏa đáng trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đã giảm rất mạnh trong gần 1 tháng liền, xuống dưới 100 USD/thùng. Các doanh nghiệp, khi đó, được cho là có lãi tới hơn 1.000 đồng, thậm chí mức lãi được nhiều ý kiến xác nhận lên tới 2.000 đồng/lít.
Theo tính toán của các chuyên gia khi đó, doanh nghiệp lãi từ 1.400-1.900 đồng/lít và các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và các tổng đại lý đã tăng chiết khấu bán hàng cho đại lý với mức 550-600 đồng/lít xăng và 650-700 đồng/lít dầu.
Nghịch lý tăng nhanh, giảm chậm và nhỏ giọt đã khiến hàng loạt các hàng hóa và dịch vụ khác “ăn theo” và cũng… không chịu giảm khi thị trường ổn định trở lại.
Bó tay với găm hàng và xăng bẩn?
Trong khi việc tăng giá thực hiện một cách nhuần nhuyễn và nhanh chóng thì vấn đề quản lý chất lượng xăng dầu và ngăn chặn tình trạng đại lý găm hàng, đóng cửa không bán hàng… được xử lý rất chậm, không đáp ứng được sự mong đợi của người dân. Thậm chí, những vấn đề này cứ nóng lên vì sự bức xúc của dư luận rồi lại lặng xuống mà không có cách nào để xử lý triệt để từ cơ quan chức năng.
Tình trạng găm hàng khi giá xăng dầu sắp tăng với lý do như “thiếu xăng”, “mất điện”… cũng gây ra bức xúc rất lớn vốn đã tồn tại từ lâu đã bùng phát mạnh trong hai lần tăng giá gần đây.
Mặc dù lý do đóng cửa thì ai cũng đoán rằng là do các DN, đại lý, cửa hàng găm hàng chờ giá lên nhưng việc xử phạt xem ra rất ít, thậm chí những hình thức nhắc nhở, cảnh cáo, đe dạo rút giấy phép… không khiến cho các nhà kinh doanh lo sợ. Thậm chí, tình trạng găm hàng cứ lặp đi, lặp lại như một thách thức, các đại lý bán lẻ, DN đầu mới tìm đủ lý do biện minh… còn cơ quan quản lý thì dường như bất lực dù đã tăng hết quân đi kiểm tra, cảnh báo hết mức nhưng không giải quyết được tình hình.

Nếu cứ cung cách quản lý cũ, những tai họa thế này sẽ tái diễn.

Không chỉ chịu cảnh “khát xăng” người tiêu dùng trên cả nước còn đang phải đối mặt với tình trạng xăng dầu dởm, có khả năng gây ra cháy nổ xe.
Phản ánh của người tiêu dùng và báo chí gần đây cho thấy, hiện tượng xăng dầu dởm đang là 1 vấn nạn đe dọa tới sự an toàn của người dân. Thời gian vừa qua, có rất nhiều phương tiện giao thông như xe máy, ô tô cháy nổ và nó khiến cho nhiều người nghi ngờ về chất lượng xăng dầu.
Hiện tượng này đã xảy ra dồn dập hơn 1 năm qua nhưng việc phanh phui các cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu dởm xem ra rất chậm chạp và nếu có được phát hiện thì cũng không được xử lý mạnh tay.
Rõ ràng, tránh nhiệm bán xăng dởm trước tiên thuộc về các cây xăng và từ đó việc truy cứu tiếp các đơn vị cung cấp cũng rất dễ dàng nhưng cho tới nay tình trạng xăng dầu dỏm vẫn được được phát hiện ngày càng nhiều. Nó cho thấy 1 điều là việc điều hành quản lý thị trường xăng dầu hiện vẫn vẫn còn nhiều hạn chế. Những vấn nạn trên đây tồn tại trong thị trường mà người tiêu dùng phải chấp nhận vì cơ quan nhà nước xử lý quá chậm.
(VietNamnet) Mạnh Hà

12:20

 Mẫu teen An “Tây” trải lòng về người mẹ Việt ngày Vu lan

 

(Dân trí) - Cùng nghe người mẫu teen đình đám này chia sẻ và tri ân người mẹ Việt Nam tuyệt vời của cô nàng như thế nào nhé!


Thật sự, trước đây An chưa biết đến ngày lễ Vu lan và ý nghĩa của nó bởi vì An là người châu Âu và ở quê hương Tây Ban Nha của mình không có ngày nào để tri ân và báo hiếu cha mẹ (ngoại trừ ngày của mẹ và ngày của cha trên toàn thế giới).

Nhưng vừa rồi mới được biết đến ngày Vu lan qua người mẹ Việt Nam hiện tại cũng như bạn bè đồng nghiệp, An thấy đây là một ngày lễ thực sự ý nghĩa. Và may mắn là hiện tại An đã có mẹ, một người mẹ rất tuyệt vời để An được hạnh phúc bày tỏ tình cảm của mình với mẹ nhân ngày này.





(Theo Dân Trí) Hồng Anh

12:01

 Lạm thu đầu năm học:

“chỉnh” mãi chưa “chuẩn”



(VTC News)- Đại diện Bộ GD&ĐT nói bộ này sẽ có nhiều biện pháp quyết liệt để chấm dứt tình trạng lạm thu đầu năm học.

Chiều nay 30/8, trong cuộc họp báo đầu năm học mới, nhiều vấn đề “nóng” được đề cập đến như thu chi đầu năm học, dạy thêm học thêm, đội ngũ nhà giáo, chế độ cho giáo viên… đã được tập trung thảo luận.

Trước tình hình lạm thu đang diễn ra phổ biến trong nhiều năm nay, nhiều hiệu trưởng các trường phổ thông đều cho rằng nguyên nhân chính là do ngân sách của nhà nước chi về các trường không đủ.

Ý kiến của một số lãnh đạo các trường cho rằng nên tăng học phí để tránh hiện tượng lạm thu tràn lan như hiện nay.

Trả lời về vấn đề này, ông Lê Khánh Tuấn – Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho biết, Bộ GD&ĐT đã làm việc với các tỉnh, bộ ngành và thống nhất trình Thủ tướng, nhưng chưa đặt vấn đề tăng học phí trong điều kiện kinh tế như hiện nay.
  



“Chúng tôi đề xuất với lãnh đạo Bộ, ngay đầu năm học sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra các địa phương, cùng với UBND các địa phương để giám sát việc này”.


Ông Lê Khánh Tuấn

Ông Tuấn cũng cho biết, mặc dù chưa bắt đầu vào năm học mới nhưng ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lạm thu đầu năm học.

Để khắc phục tình trạng lạm thu, Bộ GD&ĐT đã tiến hành nhiều giải pháp, trong đó, quan tâm làm sao để đảm bảo đủ nguồn đầu tư ngân sách theo quy định của Thủ tướng, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn chi thường xuyên để cải thiện nguồn chi tại nhà trường.

Ngoài ra, hiện Bộ GD&ĐT đang soạn thảo 2 văn bản. Văn bản thứ nhất là thông tư hướng dẫn việc thu tự nguyện trong các nhà trường. Hiện nay đang đến bước cuối cùng có thể ban hành thông tư này.

Thứ 2 là thông tư theo nghị định 49, cho phép những trường tổ chức dịch vụ, chương trình chất lượng cao được thu tương xứng, cũng là một cách để chống lạm thu.

Ông Tuấn nhấn mạnh “Chúng tôi cũng đề xuất với lãnh đạo Bộ, ngay đầu năm học sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra các địa phương, cùng với UBND các địa phương để giám sát việc này. Nếu phát hiện ra có vấn đề sẽ cùng với các địa phương xử lý”.
Phạm Thịnh (Theo VTCNews, tựa đề của Thương Giang)

11:47
“Cần bình tĩnh trước chuyện amib “ăn” não người”


SGTT.VN - Những ngày qua, nhiều người dân xôn xao về thông tin một trường hợp bị nhiễm amib Naegleria fowleri “ăn” não người và tử vong. Đáng quan tâm hơn khi loài ký sinh trùng này có thể tồn tại trong môi trường nước ngọt như hồ bơi. Để làm rõ điều này, Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn TS.BS Nguyễn Hoan Phú, phó khoa nhiễm Việt – Anh bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nơi tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân.

Ông nói: “Không thể nói đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam nhiễm Naegleria fowleri, nhưng có thể khẳng định đây là lần đầu tiên bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ghi nhận một trường hợp như thế”.
Ông có thể nói cụ thể hơn?
Cách đây hai năm, có một thông tin trên mạng đề cập đến một trường hợp tương tự, nhưng sau đó không thấy báo chí thông tin, nên tôi không rõ thực hư ra sao. Tuy nhiên, muốn xác định chính xác nhiễm Naegleria fowleri thì cần phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Theo tôi, trong thực tế có thể có những ca sốt cao, co giật và vào cơ sở y tế rồi tử vong. Tuy nhiên, do chưa ai nói đến amib Naegleria fowleri nên có thể các bác sĩ không chú ý và bỏ sót.
Amib Naegleria fowleri xâm nhập vào cơ thể người như thế nào và phát hiện ra nó có khó không, thưa ông?
Loài amib này sống trong nước, xâm nhập vào mũi người rồi theo dây thần kinh khứu giác lên não gây bệnh. Phát hiện amib không khó vì nó lớn hơn vi trùng, chỉ cần lấy dịch não tuỷ của bệnh nhân mang đi soi tươi là thấy ngay. Vấn đề ở đây là đối với những ca như thế này, bác sĩ có cho làm xét nghiệm tìm amib Naegleria fowleri hay không vì từ đó đến nay chưa ai nói nhiều về bệnh này.
Sự tồn tại của Naegleria fowleri ngoài thiên nhiên như thế nào?
Nó có ở nhiều trên thế giới và người ta đã phân lập được nó trong nước ngọt, hồ bơi có hệ thống sưởi, suối nước nóng, hồ nhân tạo, đất, bụi trong không khí, chất thải... Naegleria fowleri là loài ưa nhiệt và thậm chí có thể phát triển trong nhiệt độ đến 450C. Do đó, không có gì lạ khi các trường hợp viêm não màng não nguyên phát do Naegleria fowleri thường xảy ra vào những tháng nóng, khi người ta thích ra ngoài để tham gia các hoạt động trong nước sông, suối, ao, hồ. Vào mùa lạnh, amib này tồn tại ở dạng bào nang và ngủ yên trong lớp cặn của sông, suối, ao, hồ.
Một số ca tử vong trên thế giới do nhiễm Naegleria fowleri
Tiệp Khắc (cũ): từ năm 1962 – 1965 có 16 người tử vong sau khi tắm ở một hồ bơi trong nhà.
New Zealand: từ năm 1968 – 1978 có tám ca tử vong sau khi đi bơi trong một hồ nước nóng.
Anh quốc: năm 1979, một bé gái bơi trong một hồ tắm La Mã ở TP Bath và năm ngày sau đó thì tử vong. Qua xét nghiệm, người ta thấy nước trong hồ có Naegleria fowleri và từ đó hồ này bị đóng cửa.
Mỹ: từ năm 2001 – 2010 có 32 người chết, trong số này 30 người nhiễm nước ở các khu giải trí. Mới nhất, trong tháng 7 và 8 năm nay, có ba em bé từ 8 – 9 tuổi tử vong được ghi nhận do nhiễm Naegleria fowleri, trong số này có một bé trước đó đã đi bơi trong hồ.
(Nguồn: Wikipedia)
Vậy khi mắc bệnh, bệnh nhân có triệu chứng gì?
Các trường hợp viêm não do Naegleria fowleri thường có khởi đầu nhanh, giai đoạn ủ bệnh ngắn từ 3 – 7 ngày. Bệnh nhân thường có dấu hiệu nhức đầu, sốt, buồn nôn, nôn và cứng gáy. Đi xa hơn, bệnh nhân bị co giật toàn thân, lơ mơ, hôn mê và tử vong trong vòng 48 – 72 giờ.
Thưa ông, thông tin amib Naegleria fowleri có trong hồ bơi khiến nhiều người rất hoang mang, vậy điều này được hiểu như thế nào?
Đúng là một số ca nhiễm Naegleria fowleri được phát hiện trên thế giới là có hoạt động bơi ở hồ bơi trước đó. Tuy nhiên, theo tôi cần thận trọng với điều này, vì thực tế Naegleria fowleri nhạy cảm với chlorine và bị tiêu diệt ở nồng độ 1mg chlorine/lít trong nước có nhiệt độ 260C hay thấp hơn. Nếu nhiệt độ nước cao hơn 260C, nồng độ chlorine cần tăng lên 2mg/lít. Do đó điều quan trọng là các hồ bơi cần được duy trì nồng độ chlorine thích hợp vào mọi thời điểm. Dĩ nhiên, với những nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông, suối thì người ta không thể sát khuẩn được, do đó cần phải có biện pháp phòng ngừa nhiễm Naegleria fowleri khi tham gia những hoạt động tắm, lặn ở đây.
Trước thông tin về ca tử vong do nhiễm Naegleria fowleri, ông có lời khuyên nào cho người dân?
Theo tôi, người dân cần phải bình tĩnh vì đây không phải là một bệnh phổ biến và gây dịch. Mặt khác, nếu mắc bệnh thì cũng có thuốc để chữa. Tuy nhiên, đối với những người làm công việc dưới nước như nông dân mò ốc, thợ lặn, người tham gia các hoạt động du lịch sinh thái như tắm sông, suối, ao, hồ thì phải lưu ý và nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý sau khi lên bờ. Nếu tham gia những hoạt động này và sau đó xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ, thì nên lập tức đến ngay một cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị.
Qua trường hợp này, có thể xác định rằng Naegleria fowleri thật sự tồn tại ở Việt Nam, và điều này cũng lưu ý các bác sĩ trong chẩn đoán, tránh bỏ sót những trường hợp nghi ngờ.
(SGTT) Phan Sơn thực hiện

11:23
Khai trương Báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung Quốc

NDĐT- Sáng 30-8, tại Hà Nội, Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã long trọng tổ chức khai trương báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung Quốc. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đã bấm nút chính thức khai trương báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung Quốc hòa  mạng internet toàn cầu. 

Dự Lễ khai trương Báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung Quốc có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Khương Tái Đông, Đại biện lâm thời Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam; cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và Trung Quốc,… 
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: “Báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung ra đời nhằm cụ thể hóa việc thực hiện chiến lược thông tin đối ngoại trong tình hình mới, góp phần tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hóa, hình ảnh con người và đất nước Việt Nam; chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình và hữu nghị của Đảng và Nhà nước ta; giới thiệu những thành tựu của công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam với đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc”.
Đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao quyết tâm của Ban Biên tập và tập thể những người làm báo Nhân Dân cùng các cơ quan liên quan đã nỗ lực trong việc chuẩn bị để báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung ra mắt bạn đọc và nhắc nhở: “Để làm tốt nhiệm vụ của mình, Ban Biên tập Báo Nhân Dân và đội ngũ cán bộ, phóng viên báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung Quốc cần không ngừng nâng cao chất lượng tin, bài và hình ảnh, bảo đảm tính chân thực, hấp dẫn, kịp thời, phong phú và thuyết phục của thông tin trên báo, bảo đảm định hướng chính trị đúng đắn. Báo cần quan tâm xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi nghiệp vụ, ngoại ngữ, mở rộng đội ngũ cộng tác viên, đáp ứng yêu cầu phát triển của báo. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin để phát triển tờ báo, phục vụ bạn đọc; thu hút ngày càng đông hơn lượng người truy cập”.
Báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung Quốc có địa chỉ tên miền: http://cn.nhandan.org.vn.
Với 11 chuyên mục được trình bày thân thiện với bạn đọc, kho ảnh và phim tư liệu phong phú, từ báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung Quốc, bạn đọc có thể kết nối với Nhân Dân điện tử tiếng Việt và tiếng Anh. Báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung cũng có kết nối với Truyền hình thông tấn và một số cơ quan báo chí có trang tiếng Trung nhằm giúp bạn đọc có thể theo dõi thông tin đa dạng, nhanh nhạy và kịp thời. 
Với việc ra đời Báo Nhân Dân điện tử tiếng Trung Quốc, độc giả trong nước và nước ngoài, nhất là độc giả Trung Quốc sẽ nắm được những thông tin nhanh, chính xác, tin cậy về tình hình Việt Nam, tình hình quan hệ Việt Nam và các nước, đặc biệt quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc trong hiện tại và tương lai.
Theo Nhân Dân

11:10

Hiến đất


Ông Phạm Văn Bút, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Ba Điền huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), vừa có một nghĩa cử cao đẹp: hiến 200 m2 đất của nhà mình trị giá trên 100 triệu đồng để xây trạm y tế của xã.

 Người ta không ngạc nhiên khi biết rằng có những vị lãnh đạo ở một số thành phố, cố nắn làm sao cho con đường đừng xuyên qua nhà mình để khỏi phải di dời, bất chấp con đường cong quẹo thế nào; người ta cũng không ngạc nhiên khi biết rằng rất nhiều “dự án ma” mà các vị lãnh đạo vẽ ra để lấy đất của dân rồi tự cấp cho mình; người dân cũng không cảm thấy bất ngờ khi biết ông cán bộ X, bà cán bộ Y xà xẻo công quỹ hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng… Vì vậy, việc hiến 200 m2 đất có giá trị rất lớn so với đời sống thực tế của ông Bút trên đây đã thành chuyện hiếm. Càng hiếm hơn khi biết rằng, ông là người lãnh đạo cao nhất trong xã, một xã toàn người Hrê, ông cũng là người Hrê. Một vùng quê nghèo nhất của một huyện nghèo nhất, trình độ dân trí thấp nhất lại xuất hiện một con người giàu nhất về sự hào hiệp, hết lòng vì cộng đồng như thế, thật không có từ ngữ tốt đẹp nào để diễn tả hết.
Địa danh Ba Điền đã nóng lên từ hơn một năm qua với căn bệnh quái quỷ mà cho đến nay, để gọi đích danh căn bệnh ấy thì ngành y tế cũng phải bó tay. Định danh duy nhất để chỉ căn bệnh ấy là “bệnh lạ”. Hàng trăm người đã mắc bệnh, hàng chục người đã tử vong. Bộ Y tế đã loay hoay trong việc dập dịch bằng đủ các loại phương tiện y tế hiện đại nhưng cái chết vì căn bệnh này vẫn cứ rình rập người dân Ba Điền.
Để chữa căn bệnh này, người bệnh đã phải di chuyển hàng trăm cây số về Quảng Ngãi hoặc vô Quy Nhơn trong điều kiện thiếu thốn mọi bề. Cần phải có các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị y tế để “dập dịch tại chỗ”! Đó là lời khẩn cầu từng vang lên trong mỗi nếp nhà sàn của đồng bào Hrê nơi này. Một trong những “điều kiện” đó là phải có trạm y tế xã. Ba Điền là xã miền núi, tìm được mặt bằng khả dĩ để xây trạm y tế là rất khó khăn. Trong lúc ngành y tế và huyện Ba Tơ chưa tìm ra lời giải cho mặt bằng ấy thì ông Bút, không một chút đắn đo, hiến luôn 200 m2 đất vườn nhà mình.
Nếu nói lãnh đạo phải là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân thì vị bí thư kiêm chủ tịch xã ấy là một “đầy tớ” nghĩa hiệp, một “công bộc” tận tụy hết lòng vì “ông chủ” là nhân dân xã mình. Căn “bệnh lạ” ở Ba Điền chưa chắc sẽ được dập tắt hoàn toàn nhờ vào “mặt bằng” của ông Bút để xây trạm y tế xã, nhưng nghĩa cử của người lãnh đạo ấy ít ra cũng an ủi người dân phần nào. Đó là một hành động xả kỷ rất “lạ” trong thời buổi hiện nay. Ông Bút xứng đáng làm hậu duệ của các bậc cách mạng tiền bối ở Ba Tơ - nơi ra đời đội quân du kích lừng danh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cánh mạng tháng Tám ở miền Trung từ 67 năm trước.
(Theo TNO) Trần Đăng

10:19

 "Búp bê Barbie" Ukraine lại gây sốt

 

Cộng đồng mạng đang phát sốt với những bức ảnh nóng bỏng của cô gái người Ukraine giống hệt búp bê Barbie.

Cô Valeria Lukyanova gần đây bỗng trở nên nổi tiếng với hơn 100 triệu thành viên theo dõi trên trang mạng xã hội Vkontakte của Nga. Nhiều người nhầm lẫn cô là một... loại búp bê Barbie mới xuất xưởng.
Theo VTV, cô gái có vẻ ngoài giống hệt búp bê Barbie với thân hình hoàn hảo, nước da trắng, mắt xanh cùng mái tóc dài màu vàng óng đặc trưng.
Có nguồn tin cho biết Valeria 21 tuổi, quốc tịch Ukraine, sống tại Nga và có sở thích: nghe nhạc, ngồi thiền. Cô đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để có được ngoại hình mỹ miều như hiện nay.
Tuy vậy, đến nay, cô gái này vẫn chưa hề lên tiếng về bất cứ thông tin nào liên quan đến mình.



(iHay)

08:25

 Nghi vấn doanh nghiệp xăng dầu gây sức ép để tăng giá

Sau khi được trao quyền, cứ 10 ngày, các đầu mối lại kêu lỗ rồi đề nghị tăng giá. Trong khi đề xuất này chưa được đáp ứng thì nhiều đại lý cũng vô tình đóng cửa với lý do hết hàng.
 

Quyền chủ động “định giá bán buôn” được giao cho doanh nghiệp đầu mối kể từ năm 2009 cùng với sự ra đời Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày được “thả”, giá xăng dầu đã dồn dập tăng, khiến cơ quan quản lý phải nhanh chóng đưa vào vòng kiểm soát và bị “giữ” suốt hơn 3 năm sau đó cùng với những thất thường của giá xăng dầu.
Cuối tháng 6/2012, sau 5 lần giảm giá bán lẻ trong nước, cơ quản quản lý giá mới có “đủ cơ sở” để trao lại quyền định giá cho doanh nghiệp. Văn bản nhắc nhở doanh nghiệp về quyền này được phát đi cùng với điều kiện phải thực hiện “đăng ký giá trước khi điều chỉnh”. Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, giá xăng dầu thế giới đột ngột đảo chiều và leo thang trở lại.
Doanh nghiệp bắt đầu kêu lỗ và xin phép được tăng giá. Trong những lần điều chỉnh đầu tiên, tín hiệu "đèn xanh" được đưa ra khá nhanh bởi giá bán lẻ cũng như lạm phát trong nền kinh tế đều ở mức thấp. Tuy nhiên, sau 5 lần doanh nghiệp xin tăng giá của doanh nghiệp tính đến thời điểm này, họ càng lúc càng phải chờ đợi lâu hơn để nhận được cái “gật đầu” của cơ quản quản lý.
Doanh nghiệp kêu lỗ trong khi sức ép xã hội trước việc tăng giá xăng dồn dập ngày một lớn. Cùng lúc đó, nhiều cây xăng đóng cửa, ngưng bán với lý do “hết hàng” hay “mất điện”. Nhiều đoàn kiểm tra cũng đã đến, và hầu hết kết luận được đưa ra là các cây xăng không thể nhập hàng hoặc mất điện “thật”. Trong đợt tổng kiểm tra gần nhất do Bộ Công Thương thực hiện, có 2 doanh nghiệp vi phạm quy chế kinh doanh xăng dầu. Tuy vậy, câu hỏi về việc doanh nghiệp dùng chiêu “găm hàng” để ép cơ quan quản lý tăng giá vẫn được đặt ra.
Bởi theo dữ liệu của Bloomberg, giá xăng A92 thành phẩm tại thị trường Singapore liên tục giảm kể từ ngày 13/8 đến gần đây. Sau khi leo lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 tháng ở 128,4 USD, giá xăng A92 tại thị trường này đi xuống dần và giảm còn 125,34 USD tính đến ngày 27/8.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex giải thích, mặc dù giá xăng dầu tại thị trường Singapore có giảm, tuy nhiên, so sánh giá bình quân 30 ngày gần đây vẫn cao hơn so với bình quân 30 ngày kể từ 12/8. Cụ thể, giá từ Platt’s bình quân 30 ngày từ ngày 12/8 trở về trước đối với xăng là 116,83 đôla mỗi thùng, diezel 123,22 đôla, dầu hỏa 121,65 đôla và madut 640,54 đôla.
Còn giá bình quân 30 ngày kể từ ngày 27/8 về trước đối với mặt hàng xăng 123,51 đôla mỗi thùng; diezel là 129,36; dầu hỏa 127,97 đôla và madut 667,24 đôla. Như vậy, không chỉ riêng xăng tăng 6,68 đôla mỗi thùng mà hàng loạt các mặt hàng khác như diezel, dầu hỏa, ma dút tính từ ngày 27/8 cũng cao hơn so với thời điểm trước ngày tăng giá lần thứ 5 vào ngày 12/8.
Ông Trần Ngọc Năm cho rằng, không có chuyện doanh nghiệp gây sức ép đối với cơ quan Nhà nước tăng giá xăng dầu vì họ "lấy quyền gì để ép". Thực tế, thị trường thế giới tăng liên tục thì trong nước cũng buộc phải điều chỉnh, vì "không thể có phương án nào khác". Theo ông Năm, việc 10 ngày tăng giá chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên dẫn đến sức ép đổ đồn về doanh nghiệp. Bởi thực tế, trong trường hợp giá xăng dầu thế giới ổn định hoặc tăng, giảm không đáng kể thì trong nước không thể điều chỉnh tăng.
"Đây là một minh chứng cho tính minh bạch, chỉ cần biết cộng trừ nhân chia đơn thuần thì với công thức tính giá cơ sở và giá xăng dầu thế giới thì ai cũng tính toán được. Khi giá thế giới tăng, nếu không can thiệp bằng thuế nhập khẩu, trích, chi Quỹ bình ổn thì đương nhiên là phải điều chỉnh giá", ông Năm nói.
Lãnh đạo Petrolimex khẳng định không có chuyện găm hàng đối với các đại lý của tập đoàn bởi lượng cung bán ra thực hiện theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, doanh nghiệp chiếm 60% thị phần xăng dầu Việt Nam cũng thẳng thắn: "Trường hợp khi có lãi đại lý lấy hàng của đầu mối khác. Khi sắp tăng giá, nguồn hàng khan hiếm thì lại yêu cầu Petrolimex phải đáp ứng thì không thể được". Theo ông, một số đại lý đã vi phạm Nghị định 84 vì cùng một lúc ký với nhiều đầu mối dẫn đến khi kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp đầu mối khác hạn chế nhập dẫn đến ảnh hưởng nguồn cung.

Cũng theo ông Năm, trường hợp các đại lý kêu đứt nguồn cung phải kiểm tra, xử lý nghiêm, để xem rõ thực hư. "Không nên để tình trạng một số đại lý kinh doanh không nghiêm túc lại tạo ra trào lưu ý kiến thế được. Các cụ có câu: Gái có công thì chồng không phụ, vì vậy nếu họ kinh doanh nghiêm chỉnh thì tôi tin sẽ khó có việc này xảy ra", ông Năm ví von.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) – Nguyễn Tiến Thỏa thừa nhận việc phát hiện hành vi găm hàng không dễ. Bởi muốn xác định hành vi này cần có điều tra cụ thể, căn cứ lượng hàng bán ra hằng ngày, hằng tháng của doanh nghiệp, nhất là gần thời điểm có thông tin tăng giá. Ví dụ ngày bình thường bán 5 tấn, nay chi bán một tấn, hàng còn tồn trong kho mà người mua vẫn khó thì mới có thể kết luận sai phạm.
Tuy nhiên, cá nhân ông Thỏa cho biết ông tin là có hiện tương nêu trên. Đại diện cơ quan quản lý cũng khẳng định luật đã có quy định rõ ràng về vấn đề này, theo đó hành vi găm hàng cần được triệt tiêu, kể cả xử lý nghiêm như rút giấy phép. “Bản thân tôi thấy phạt vài chục triệu đồng như thời gian qua là chưa “đã”, vì họ găm hàng rồi bán giá cao thì lãi đủ bù tiền phạt rồi”, ông Thỏa chia sẻ.
Một lãnh đạo xăng dầu chia sẻ, nói doanh nghiệp dùng chiêu ép tăng giá là "đổ tiếng oan". Lý do tăng giá, theo ông, là công thức tính giá hiện tại của Bộ Tài chính đã lạc hậu khiến doanh nghiệp luôn bị lỗ. Đầu mối xăng dầu chỉ được lãi định mức 300 đồng kèm theo 600 đồng mỗi lít tiền phí cho việc bơm hàng từ tàu lên kho, chi phí lưu kho, chi phí vận tải, chi phí tiền lương, điện nước, khấu hao nhà xưởng bộ máy, lãi vay ngân hàng, chênh lệch tỷ giá...
Theo ông, hàng loạt chi phí chỉ gói gém trong 600 đồng mỗi lít xăng thì "không đầu mối nào chịu nổi". "Cách đây 3 năm, cơ quan chức năng đã đề nghị mức phí này là 870 đồng thay vì 600 đồng mỗi lít. Hiện nay mức phí nay phải lên tới 1.000-1.100 lít doanh nghiệp mới không chịu áp lực", ông nói.
Theo lãnh đạo Petrolimex, không có lý gì bắt doanh nghiệp mua giá cao bán giá thấp. Ông Năm chia sẻ: "Đối với các nước châu Âu khi kinh tế khó khăn họ còn phải kêu gọi cả quốc gia phải thắt lưng buộc bụng. Bởi vậy, mỗi người dân Việt phải cần cân đối lại mức độ sử dụng xăng dầu của mình cho tiết kiệm để giảm tổng giá trị chi tiêu".
(VnExpress) Hoàng Lan- Nhật Minh
Xin thách đố ai tìm được cây xăng “hết hàng” trong giai đoạn xăng thế giới giảm sâu trước đây cũng như sau này. Biểu hiện “hết xăng” chỉ xảy ra khi có dấu hiệu (hoặc ngầm báo) là chuẩn bị tăng giá. Việc rầm rộ “mất điện” cũng trong tình trạng tương tự. Nếu lãnh đạo ngành xăng dầu giải thích thỏa đáng được lí do của biểu hiện trên thì chẳng cần loanh quanh giải thích gì nhiều.
Thương Giang

08:02
'Hai sổ sách':
 Chiêu gian lận của doanh nghiệp


TP - Việc gian lận bằng hai hệ thống sổ sách kế toán để đối phó với cơ quan thuế, nhằm có tiền trả lãi vay ngân hàng và có lợi nhuận đang là thực tế tồn tại ở không ít doanh nghiệp.

Không gian lận, khó có lời
Do chi phí vốn quá cao, nên rất ít doanh nghiệp có lãi nếu minh bạch tài chính theo kiểu “1+1=2”, mà phần lớn, họ phải tìm nhiều cách lách luật để tìm kiếm lợi nhuận.
Bà Nguyễn Thu Hương, cán bộ kế toán của một công ty chuyên sản xuất ống nhựa tiết lộ: “Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có 2 hệ thống sổ sách: một để nội bộ doanh nghiệp kiểm tra (phản ánh đúng số lỗ- lãi). Hai là sổ để báo cáo cơ quan thuế, sổ này luôn ở dạng lãi ít hoặc lỗ”.
Tùy từng mục đích sử dụng, doanh nghiệp sẽ “chế biến” số liệu trên các báo cáo dùng cho cơ quan khác nhau như thanh tra, thuế, ngân hàng… Chẳng hạn, để ngân hàng tin tưởng cấp vốn, báo cáo của doanh nghiệp lúc nào cũng phải “đẹp” như có lãi, khả năng thanh toán tốt, không có nợ đọng...
Để ngân hàng cho vay nhiều vốn, doanh nghiệp sẽ khai tăng sản lượng hàng cần mua thêm 30-50%. Nếu ngân hàng cho vay hạn mức chỉ 50-70% giá trị hàng thế chấp, thì doanh nghiệp vẫn có đủ tiền mua hàng.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội kế toán và kiểm toán Việt Nam chỉ ra nhiều biểu hiện gian dối về tài chính của doanh nghiệp. Một “chiêu” thông thường là giấu sản lượng hàng trên hóa đơn đầu vào và đầu ra.
Trên sổ sách báo cáo thuế, doanh nghiệp sẽ rút bớt sản lượng. Ví dụ, mua 10 tấn nguyên liệu, chỉ lấy hóa đơn 6 tấn, phần còn lại sẽ trả tiền ngoài.
Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp sẽ “vẽ” thêm nhiều chi phí như tiếp khách, đi công tác, sửa chữa phương tiện, phí đào tạo, phí quản lý của nước ngoài… Để hợp thức hóa chứng từ, họ sẽ lấy hóa đơn có chi phí cao hơn thực tế, thậm chí là mua thêm hóa đơn.
Bằng cách này, báo cáo tài chính của doanh nghiệp luôn cho thấy chi phí rất lớn, dẫn tới lãi ít hoặc lỗ để giảm tiền nộp thuế.
Tình trạng “hai sổ sách” đã tồn tại trong doanh nghiệp từ lâu, gây thất thu lớn cho ngân sách. Theo ông Thanh, cơ quan thuế chỉ có thể thu thuế trên cơ sở báo cáo thuế, hóa đơn của doanh nghiệp… Mà sổ sách, hóa đơn chứng từ đã được hợp thức hóa ngay trong quá trình kinh doanh, nên khó phát hiện.
Bà Hương cho rằng, vì ngân hàng là cơ quan dân sự, thuế là cơ quan giám sát nhưng lại không quan hệ trực tiếp với nhau. Bản thân cơ quan thuế cũng hạn chế chia sẻ thông tin doanh nghiệp ra bên ngoài.
Do đó, hai đơn vị này khó mà phát hiện doanh nghiệp khai gian. Trong lúc kinh doanh khó khăn, lãi suất cao khiến chi phí tăng lên, thì doanh nghiệp phải tìm cách gian lận để đảm bảo lợi ích của mình.
Về lý thuyết, trốn được thuế qua việc giảm chi phí đầu vào, đầu ra thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Nhưng thực tế, vì vay ngân hàng nhiều và lãi vay cao, cùng nhiều chi phí cộng gộp… nên doanh nghiệp phải dùng khoản tiền này để bù đắp chi phí.
“Sự gian lận diễn ra quá nhiều, số liệu tài chính mù mờ, chính sách không rõ ràng… là điều rất tồi tệ trong một nền kinh tế. Tài chính không minh bạch sẽ dẫn tới những tiêu cực, gian lận, gây thiệt hại cho nhà nước và các đối tượng liên quan đến doanh nghiệp”- Ông Thanh nói.
Lãi suất chỉ nên 6-7%
Ông Đậu Công Lưu, lãnh đạo một công ty kinh doanh kho bãi tại Hải Phòng cho biết: “Lãi suất cho vay 15%/năm là trên lý thuyết, còn thực tế, doanh nghiệp phải chi thêm 1-2% nữa để vay được vốn. Do đó, doanh nghiệp làm ăn phải có lãi trên 20% mới có lời chút ít”.
Theo ông Lưu, trong điều kiện khó khăn hiện nay, nếu làm ăn nghiêm chỉnh rất khó đạt được lợi nhuận cao như vậy.
May ra, chỉ khối doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ có lời được 18%-20%, còn khối sản xuất, đầu tư dự án, nhất là bất động sản thì không thể sống nổi. Hơn nữa, mức chênh tối thiểu 3% lợi nhuận chỉ đủ trang trải chi phí, chứ không có lãi để trả cổ tức, tích lũy.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Cty cổ phần Tập đoàn Thế kỷ cho biết: “Lợi nhuận đầu tư bất động sản giờ rất thấp, có lãi 10% trên doanh số là quá tốt”.
Nhưng theo ông Hưng, thời điểm hiện nay, giá bất động sản đã giảm mạnh (giảm tới 30-40% so với 2 năm trước), chi phí đầu tư tăng, thị trường đóng băng nên tiêu thụ rất khó.
“Nếu doanh nghiệp vay lãi suất 15%/năm, tỷ lệ vốn vay chiếm 50% tổng giá trị đầu tư công trình thì lãi phải trả là 7,5%/năm. Với lợi nhuận 10% như trên, người mua chỉ chậm trả một năm thì chủ dự án hết cả lợi nhuận”- Ông Hưng nhẩm tính.
Theo ông Hưng, lãi suất 15% doanh nghiệp rất khó sống. Lãi suất cho vay chỉ nên dưới 10%, còn lãi suất huy động khoảng 6-7%, như thế ngân hàng có lãi, mà doanh nghiệp cũng chịu được. Việc giảm lãi này chẳng có gì khó cả, nếu ngân hàng xử lý được vấn đề nợ xấu.
(TPO) Thu Hằng