Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012


18:30
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Đừng để doanh nghiệp ôm tiền tỉ đi xài mà không có gì ràng buộc

SGTT.VN - Hội thảo “Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)” do bộ Tài chính và ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức sáng 31.5 tại Hà Nội diễn ra với sự dè dặt góp ý kiến của đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.


Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mang tiền tỉ đi tiêu, xuất quỹ, xuất tiền mà không có gì ràng buộc. 
Bắt đầu phần phát biểu của mình, ông Đặng Văn Thanh, nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhắc ngay đến những năm 60 của thế kỷ trước, theo quy định, các DNNN đến cuối ngày kiểm kê quỹ, còn có hơn 50 đồng cũng phải đem nộp ngân hàng. Trong khi đó, hiện nay các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mang tiền tỉ đi tiêu, xuất quỹ, xuất tiền mà không có gì ràng buộc nên mới có chuyện bỏ ra đến 19.000 tỉ đồng để mua một cái tàu mà không có hiệu quả. “Chuyện đó vô lý lắm”, ông Thanh nói. Ông đề nghị muốn tái cơ cấu DNNN, trước hết bộ Tài chính cần cho khôi phục lại hệ thống kiểm soát nội bộ trong từng doanh nghiệp, có tác dụng như “chiếc cầu chì” ngăn tiền bạc, tài sản của doanh nghiệp bị lãng phí, thất thoát.
Ông Thanh nhấn mạnh: “Làm gì thì làm, ít nhất người điều hành phải chịu sự kiểm soát của hệ thống kiểm soát nội bộ”. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp phải có ba vòng “kim cô”. Thứ nhất là điều lệ – mọi người đều phải tuân thủ, quy định giám đốc có quyền gì, trách nhiệm gì, thậm chí thủ kho cũng có quy định trách nhiệm buộc phải tuân thủ. Thứ hai là hệ thống giám sát rủi ro – ví như bảo vệ, và thứ ba là hệ thống kiểm toán nội bộ để xem có gì sơ sẩy, nhắc nhở mọi người về trách nhiệm trong từng khâu công việc.
Nêu ý kiến xung quanh lộ trình thoái vốn khỏi các ngành không phải ngành kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc EVN cho biết ông đồng tình với đề xuất của nguyên thứ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển là nếu cổ phần hoá DNNN không được thì bán luôn cho bên ngoài hoặc giải thể doanh nghiệp tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, theo ông Tri, với quy định DNNN thoái vốn không được làm mất vốn hiện nay sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, là điều “tắc” đối với EVN. Ông Tri lý giải, hiện nay thị trường chứng khoán đang thấp, DNNN không dám bán vì nếu lỗ thì sẽ “phải vào tù”, do đó không ai dám bán.
Đại diện của tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) thì cho biết cái khó của VNPT trong sắp xếp nhân sự để tái cơ cấu là với 40.000 cán bộ, công nhân viên hiện có, đa phần cán bộ “không muốn đi” vì có người không có khả năng đi đâu khác.
Trước câu hỏi phải chăng Vinashin và Vinalines đang thiếu ba vòng kiểm soát này, ông Thanh nói: “Điều đó chưa biết được vì chưa xuống kiểm tra, chỉ thấy hiện tượng chi tiền dễ quá thôi. Có thể họ sẽ nói có hệ thống kiểm soát nhưng cầu chì liệt mất hoặc bảo vệ ngủ gật”.
Chốt lại vấn đề, ông Thanh thúc giục bộ Tài chính nên sớm có cơ chế tài chính cho các tập đoàn kinh tế hiện nay, bởi mô hình vẫn đang là thí điểm, “mà tập đoàn thì phức tạp, kinh doanh đa ngành, chéo có, ngang có dẫn đến báo cáo tài chính hợp nhất, tính chất công ty mẹ – con như thế nào cũng không rõ. Từ đó dẫn đến xử lý các tập đoàn hiện nay rất lúng túng, nói sai cũng được mà nói đúng cũng không sao. Đó là căn bệnh trầm kha vài năm nay đã nhìn thấy mà không xử lý được”. Theo ông Thanh, “tái cơ cấu gì thì tái, nên bắt đầu từ tài chính, nên khẩn trương và tích cực nếu không dòng tiền vẫn chảy ra ngoài rồi cuối cùng cái muốn làm thì không làm được”.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị bên lề hội thảo, ông Thanh nhấn mạnh: thời kỳ bao cấp quy định về ngân hàng chặt chẽ hơn, có những cái rất hay lại bị bỏ đi khi chuyển sang kinh tế thị trường, như việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ông nói: “Chúng ta bỏ lỏng việc đó nên nhiều giao dịch khó kiểm soát gây ra nhiều tiêu cực”.
Khá gay gắt khi nói về vai trò chủ đạo của DNNN, ông Phạm Đình Soạn, nguyên cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp (bộ Tài chính) nêu câu hỏi: “Cái gì to, lớn, nhiều là chủ đạo hay chủ đạo là tổng doanh thu, lợi nhuận lúc nào cũng phải lớn, lao động lúc nào cũng phải chiếm số đông? Hay là không nhất thiết phải thế?”
Theo ông Soạn, Nhà nước không nên mơ hồ về vai trò chủ đạo của DNNN, vì điều đó ảnh hưởng tới sắp xếp lại doanh nghiệp. Tái cơ cấu DNNN là tiếp tục quá trình đổi mới DNNN trước đó (sắp xếp lại, cổ phần hoá), nhưng “Dường như chúng ta đang dừng lại. Một trong những ngộ nhận, sai lầm là khi chuyển quan hệ hành chính nhà nước – doanh nghiệp sang quan hệ kinh tế thị trường, chuyển sang đầu tư vốn rồi thì chúng ta bỏ mất giám sát, không theo dõi chặt chẽ DNNN”, ông Soạn nói.
Theo ông Soạn, việc tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện chỉ làm trực tiếp với một số doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh hoặc bộ; còn với các tập đoàn, tổng công ty khác, SCIC không trực tiếp cấp vốn dẫn tới việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của SCIC cũng chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp sau cổ phần hoá, còn các tập đoàn nhà nước như Điện lực, Dầu khí, Than… vẫn đầu tư trực tiếp và làm chủ sở hữu ở các doanh nghiệp bên dưới, là việc cần xem xét lại. Theo ông, phải xem xét vấn đề chủ sở hữu của DNNN ở nhiều tầng nấc khác nhau, từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh thành v.v. nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn vốn của Nhà nước.
(SGTT) Việt Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét