Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012


17:11
Sơn Tinh trong khoa học thuỷ lợi

SGTT.VN - Nhóm tác giả của viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam vừa đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm công trình “Ngăn sông bằng đập trụ đỡ và đập sà lan di động” mà chủ trì là nhà khoa học lão thành, GS.TS Trương Đình Dụ.

Ông nguyên là Phó viện trưởng Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam. Đã nghỉ hưu, song ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, thậm chí không ít đồng nghiệp trẻ nhận định: giáo sư dành thời gian cho việc nghiên cứu còn nhiều hơn lúc đương chức.

Công trình ngăn mặn giữ ngọt (ứng dụng công nghệ đập trụ đỡ) Thảo Long – Thừa Thiên – Huế. Ảnh: T.L
Đón trước nguy cơ
Vào thập kỷ 90 thế kỷ trước, ít nhà khoa học bận tâm tới khái niệm “biến đổi khí hậu”. Nhưng qua chương trình cân bằng nguồn nước quốc gia, GS Dụ hiểu rằng các đồng bằng ven biển, nhất là đồng bằng sông Cửu Long - đang đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Ý tưởng “ngăn các cửa sông lớn để trữ nước ngọt và chống xâm nhập mặn ở đồng bằng ven biển” manh nha trong ông. Nhưng ngăn các sông lớn bằng công nghệ cống truyền thống là điều không tưởng. Cống truyền thống nhiều ưu điểm nhưng cũng lắm nhược điểm như việc thi công phức tạp, thậm chí phải đắp đập ngăn sông và đào kênh nối sông với cống rất tốn đất, tổn hại đến cảnh quan môi trường và giá thành cao; hoặc làm đê quai vây từng phân đoạn ở lòng sông để thi công móng, khó khả thi và giá thành cũng không mấy dễ chịu.
Trong bối cảnh đó, nguyên lý về đập trụ đỡ và đập sà lan di động mà GS Dụ và các cộng sự dày công nghiên cứu đã dẫn tới công nghệ xây dựng cống dưới lòng sông, đáp ứng yêu cầu bức bách về xây dựng các công trình ngăn sông lớn vùng ven biển mà công nghệ cống truyền thống phải chịu thua.
Làm chủ một công nghệ ngăn sông
Ngoài hiệu quả kinh tế cao (khối lượng công trình giảm nhiều nên tiết kiệm được vật liệu xây dựng; thời gian thi công rút ngắn khoảng 30%; giảm khoảng 80% khối lượng đền bù giải phóng mặt bằng và tiết kiệm 25 – 40% kinh phí), loại cống mới còn đảm bảo cảnh quan sinh thái của dòng sông trong quản lý khai thác cũng như trong xây dựng công trình.
“Nếu người lãnh đạo ngành tuân thủ luật nước, sợ phạm luật, sợ trách nhiệm, không dám phê duyệt cho ứng dụng kết quả nghiên cứu vào xây dựng công trình, họ cũng không sai và không trách họ được. Đây chính là trở ngại lớn nhất cho việc ứng dụng kết quả nghiên cứu”.
GS.TS Trương Đình Dụ
Cống Mương Chuối trong dự án chống ngập khu vực TP.HCM, sâu tới 20m, công nghệ cũ bó tay. Vậy mà công nghệ đập trụ đỡ dưới sông đã giúp tiết kiệm được 1.000 tỉ đồng, và tốn rất ít đất so với 30 ha theo cách cũ. Đập Thảo Long (Huế) giảm chi phí từ 300 tỉ đồng xuống còn 152 tỉ nhờ làm theo công nghệ mới… Điểm lại những công trình làm theo công nghệ mới, hầu như chỉ được chấp nhận khi chủ đầu tư không đủ kinh phí để làm theo kiểu truyền thống (cống Hiền Lương, Quảng Ngãi); xây dựng theo kiểu truyền thống có quá nhiều nhược điểm (như cống Thảo Long và nhiều cống lớn đang thiết kế ở dự án chống ngập úng khu vực TP.HCM); ở những vùng phân ranh mặn ngọt không thể ứng dụng cống truyền thống; do không giải phóng được mặt bằng; hoặc nếu làm cống truyền thống sẽ không kịp tiến độ… Nhưng đập trụ đỡ Thảo Long đã chiếm số điểm cao sau cuộc so chọn nhiều phương án thiết kế, trong đó có phương án của công ty Xaphe (Pháp), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Số phận của đập sà lan cũng vậy, nghiên cứu xong năm 1995, mời chào nhiều nơi chẳng ăn thua, mãi sau mới có được người “tri âm”. Đó là Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Trường Giang, khi nghe về đập sà lan, đã thốt lên: “Đây rồi, kiểu đập này là cứu tinh của chúng tôi, vì hiện tỉnh có kinh phí nhưng không dám xây cống, vì xây xong vài ba năm lại đập phá, rất lãng phí”. Nhờ thế hai cống Phước Long và Thông Lưu được phê duyệt xây dựng.
“Nhiều người tưởng tôi giàu lắm...”
Sáng tạo và làm chủ một công nghệ ngăn sông có thể tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng mỗi công trình, nhưng lắm lúc kinh phí không đủ trang trải, đó là “chuyện nội bộ” của các nhà khoa học. Vì thế, đã có người bỏ cuộc, trụ lại với ông là những kỹ sư trẻ mới ra trường giàu tâm huyết: “Thu nhập thấp chỉ là một việc nhỏ, nếu so với những thiệt thòi đáng kể của từng cá nhân do phải hy sinh việc riêng để tập trung cho nghiên cứu! Vậy mà nhiều người cứ tưởng tôi giàu lắm vì thấy có nhiều công trình...”
Điều khiến GS Dụ và các cộng sự băn khoăn, chính là việc nhiều người không tin vào kết quả đề tài được ứng dụng khi chúng có nguyên lý làm việc hoàn toàn khác với sách giáo khoa và quy trình quy phạm đang tồn tại trong nước và trên thế giới. Ông vẫn chưa hết bức xúc: “Nếu người lãnh đạo ngành tuân thủ luật nước, sợ phạm luật, sợ trách nhiệm, không dám phê duyệt cho ứng dụng kết quả nghiên cứu vào xây dựng công trình, họ cũng không sai và không trách họ được. Đây chính là trở ngại lớn nhất cho việc ứng dụng kết quả nghiên cứu”. Trớ trêu nữa, là ứng dụng công nghệ mới đưa lại hiệu quả lớn, giảm tổng mức đầu tư 30 – 40%, nhưng vẫn bị lạnh nhạt, khó dễ vì… làm “thiệt hại” tới thu nhập không chính thức của bộ phận thiết kế, thi công và quản lý xây dựng công trình!
Dù vậy, ở tuổi 74, sau những giải thưởng, nhà khoa học họ Trương vẫn đang ấp ủ phương án xây dựng công trình ngăn sông Lam. Đó là con sông lớn nhất xứ Nghệ, nơi cậu bé nhà quê Trương Đình Dụ hơn nửa thế kỷ trước bắt đầu những ước mơ của một Sơn Tinh trong khoa học thuỷ lợi…
Kim Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét