Hết thuốc chữa!
Lê Đức Thông chỉ là một trong hàng
ngàn “đạo văn gia” ở nước ta. Đã có không ít giảng viên, thậm chí giáo sư ở
một số trường đại học cũng bị phát hiện đạo văn. Đáng lo ngại hơn, vấn nạn
này đã trở thành chuyện quá đỗi bình thường.
Suy cho cùng Lê Đức Thông có thể là
“nạn nhân” trong một xã hội đang có quá nhiều giả dối và thiếu tự trọng.
Chính nền giáo dục đã và sẽ còn tiếp tục sản sinh những “vua“ đạo văn trong
tương lai.
Ngay từ tiểu học, giáo viên đã buộc
học sinh phải học thuộc lòng các bài văn mẫu để làm bài kiểm tra theo đúng
khuôn mẫu đó mới được điểm cao. Cách giáo dục này đã bóp chết mọi sáng tạo
của học trò và vô tình truyền đạt cho các em học cách lấy cái của người làm
cái của mình.
Cách thức giảng dạy trong nhà
trường phổ thông cũng như đại học thường theo cách “đọc-chép”. Đến khi thi
sinh viên đều phải chọn giải pháp an toàn là viết đúng theo ý thầy để bảo
đảm đậu. Ngay cả trong kỳ thi tuyển sinh đại học các môn năng khiếu như vẽ,
thí sinh cũng thường tìm giảng viên của chính trường dự định thi luyện
vẽ... đúng “gu” để có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Không ít lần báo chí phản ánh những
“phố luận văn” với hàng chục tiệm photocopy, đánh máy gần trường đại học,
cao đẳng luôn tấp nập khách hàng là sinh viên. Tại nơi đây là “kho tàng”
luận văn mẫu luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu cho những ai cần “tham khảo”.
Cũng chính từ đây những cái gọi là bài tập lớn, đồ án, luận văn tốt
nghiệp... liên tục được nhân bản bằng cách “xào nấu” thay vì nghiên cứu,
sáng tạo.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay hầu
hết sinh viên VN, thậm chí cả giảng viên đại học cũng còn mơ hồ về chuyện
đạo văn. Nguyên nhân của việc này được nhìn nhận ở tất cả các bậc học hầu
như không ai dạy để người học hiểu rõ thế nào là đạo văn, cách trích dẫn
thông tin của người khác và cả chuyện tác quyền.
Ngoài ra, có thể nói lòng tự trọng
trong giới làm khoa học VN hiện còn quá khiêm tốn. Thực tế ở rất nhiều
trường đại học, có những người không hề nghiên cứu nhưng vẫn đứng tên đồng
tác giả. Thậm chí có không ít giáo sư thường nhận làm chủ nhiệm đề tài được
giao kinh phí nghiên cứu nhưng lại không trực tiếp làm mà giao hết cho học
trò mình.
Một thực tế đáng sợ hơn là ngay sau
khi báo Tuổi Trẻ đăng bài “Vua” đạo văn, ngay lập tức một trang báo mạng về
giáo dục liền có bài viết về đề tài này trong đó dẫn nhiều nguồn tin... từ
báo Tuổi Trẻ. Bài viết có ký tên tác giả đàng hoàng nhưng không hề có một
dòng nêu nguồn tin người viết có được từ đâu. Đọc bài báo đó, TS Cao Huy Thiện
- phó viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM - lắc đầu ngao ngán: “Chúng tôi chỉ
trả lời với PV Tuổi Trẻ, nhưng
tác giả bài báo kia lại viết cứ như đã phỏng vấn chúng tôi. Đọc vào, tôi
biết tác giả đã chép ý kiến của chúng tôi trên Tuổi Trẻ, nhưng thể hiện cứ như phỏng vấn trực tiếp.
Trang báo mạng của giáo dục mà như thế thì đúng là nạn đạo văn hết thuốc
chữa!”.
TRẦN HUỲNH
Nên coi đạo văn là tệ nạn xã
hội
C.G. Fewston (giáo viên, người Mỹ)
Sống ở VN hơn ba
năm và từng giảng dạy tại một số trường đại học ở TP.HCM, tôi đã chứng kiến
nhiều bài báo cáo được hoàn thành bằng cách copy - paste (sao chép).
Trong những lớp tôi dạy, có một số
sinh viên tuy đăng ký học nhưng không bao giờ xuất hiện. Một lần vào cuối
khóa, có một chàng trai đến nộp bài báo cáo cho một cô sinh viên mà tôi chỉ
thấy trong danh sách chứ chưa bao giờ gặp mặt. Tôi nhanh chóng phát hiện
bài viết của cô có nhiều đoạn sao chép từ Internet. Điều này chứng tỏ sự không
tôn trọng đối với giáo viên đứng lớp và tác giả của bài viết gốc.
Tôi quyết định gặp trực tiếp sinh
viên đó. Bất ngờ và hổ thẹn, cô bẽn lẽn đưa mắt nhìn những đoạn văn được
sao chép được tôi chủ ý tô đậm trong bài báo cáo của cô và văn bản gốc trên
mạng. Tuy nhiên, cô không thừa nhận mình đã cắt dán mà nói rằng chồng cô
đã... viết giúp báo cáo đó. Đây là trường hợp đạo văn hèn hạ nhất mà tôi
từng chứng kiến!
Tôi bảo cô sinh viên đừng trở lại
lớp cho đến khi cô có thể tự hoàn thành bài một mình, nên học cách nghiên
cứu và viết một cách chuyên nghiệp. Cô đã không bao giờ trở lại.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng
và dễ tiếp cận của Internet, người ta càng dễ dàng tìm kiếm tài liệu để lắp
ghép vào bài viết của mình. Nhiều người không phân biệt phải trái và cũng
chẳng quan tâm đến đạo đức nghiên cứu.
Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta không
chỉ nên đổ lỗi hết cho sinh viên trong nạn đạo văn. Những người thầy, người
cô trực tiếp đứng lớp cần có trách nhiệm không chỉ kiểm tra việc copy-paste
của sinh viên mà cũng nên giáo dục về đạo đức, sự liêm chính khi bắt tay
viết một bài luận. Đây là điều tôi thấy các trường đại học VN còn chưa nhấn
mạnh và làm sát sao.
Tôi đọc báo thấy có trường hợp sinh
viên trong lớp nộp bài báo cáo thực tập cuối khóa giống nhau như đúc và
cùng sai một lỗi nhưng giáo viên chấm bài lại làm ngơ. Họ được trả lương để
đọc và đánh giá báo cáo của sinh viên, sao lại dễ dàng bỏ qua những bài
viết được sao chép giống nhau đến từng dấu chấm, phẩy? Liệu họ có làm đúng
vai trò và trách nhiệm của một giáo viên?
Nếu cứ dung túng cho nạn đạo văn
ngay từ trong trường học thì sau này sẽ để lại những hậu quả nặng nề trong
xã hội. Trong những sinh viên khi tốt nghiệp, có vài người học cao lên thạc
sĩ, tiến sĩ và tham gia những công trình nghiên cứu khoa học. Một số làm
việc cho các công ty đòi hỏi báo cáo, phân tích hằng tháng. Sau khi sống
sót bằng những bài đạo văn thời cử nhân, liệu họ có lặp lại thói quen cũ?
Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã
quan tâm và kiên quyết dẹp bỏ nạn đạo văn trong môi trường học đường và
chuyên nghiệp. Tôi nghĩ ở VN nạn đạo văn nên được liệt kê là một dạng tệ
nạn xã hội. Hành vi thiếu đạo đức này phá hoại những công trình nghiên cứu
chân chính được đầu tư bằng thời gian, công sức và trí tuệ của nhiều học
giả. Nó trải thảm cho sự chây lười hơn là động viên tính chuyên nghiệp và trung
thực trong xã hội.
PHƯƠNG THÙY ghi
“Một chữ cũng là thầy”, xưa cha ông ta từng dạy vậy. Nhưng ông Lê Đức
Thông lại nói người thầy đã hướng dẫn mình như trả lời phỏng vấn trên thì
thật buồn. Với nhân cách như vậy thì mọi người hiểu rõ thêm vì sao lại có
chuyện đạo văn của ông.
Thương Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét