Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

 

Gia đình bà Trần Lệ Xuân và những cái chết bất đắc kỳ tử

Ảnh bà Trần Lệ Xuân và con gái Ngô Đình Lệ Thủy trên bìa tạp chí Life (Mỹ)
 ra ngày 11.10.1963 - Ảnh: Life
(TNO) Vụ tai nạn giao thông của bà Ngô Đình Lệ Quyên, con gái bà Trần Lệ Xuân, hôm 16.4 tiếp tục bổ sung vào một danh sách dài những cái chết bất đắc kỳ tử trong gia đình người phụ nữ từng một thời được mệnh danh là đệ nhất phu nhân của chính quyền Sài Gòn cũ.

Vào năm 1963, sau vụ người chồng Ngô Đình Nhu cùng anh chồng là ông Ngô Đình Diệm bị sát hại, khi được hỏi có muốn xin tị nạn tại Mỹ hay không, bà Trần Lệ Xuân đã trả lời: “Tôi không thể cư ngụ tại một đất nước mà chính phủ họ đã đâm sau lưng tôi. Tôi tin rằng mọi quỷ sứ ở địa ngục đều chống lại chúng tôi”.
Câu nói đó hóa ra đã trở thành một lời nguyền cho những tai ương xảy ra với gia đình bà Trần Lệ Xuân đến tận ngày nay.
Từng được gọi là “rồng cái”, bà Trần Lệ Xuân, qua đời ở tuổi 87 vào năm ngoái, là một phụ nữ mảnh dẻ song có nhiều quyền lực tại miền nam Việt Nam dưới thời ông Ngô Đình Diệm cho đến khi ông này bị ám sát vào năm 1963.
Bà Trần Lệ Xuân thâu tóm nhiều quyền lực và của cải, nhưng bị lên án vì sự lộng quyền và những phát biểu cay độc trong vụ tự thiêu của các nhà sư nhằm phản đối việc đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Dẫu vậy, cuộc đời của người một thời là đệ nhất phu nhân không chính thức của chế độ Sài Gòn cũ vẫn có thể xem là bi kịch trong một vài khía cạnh.
Điềm báo cho sự thay đổi kéo theo đầy bi kịch trong cuộc đời của bà Trần Lệ Xuân xảy ra vào tháng 2.1962 khi bà thoát khỏi vụ ném bom dinh Độc Lập của hai viên phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc.
Mịt mù trong lửa khói, bà Nhu - tên thường gọi của Trần Lệ Xuân - nhanh chóng lao đến những đứa con ngủ tại căn phòng bên cạnh song bị rớt xuống một cái hố do vụ nổ gây ra, và rơi xuống tận tầng hầm, theo tờ The Guardian.
Bà Nhu tin rằng vụ tấn công được người Mỹ bí mật khuyến khích, do họ ngày càng thất vọng với ông Diệm và chán ghét cả ông Nhu.
Khi phong trào đấu tranh của Phật giáo bùng phát dữ dội năm 1963, bà Nhu đã có chuyến công du các trường đại học Mỹ để bảo vệ chế độ Sài Gòn.
Chuyến công du đã trở thành một trò hề. Thậm chí, cha của bà là Trần Văn Chương, đại sứ của chính quyền Sài Gòn tại Washington lúc bấy giờ, cùng không màng gặp mặt con gái. Các sinh viên Mỹ giận dữ với sự đàn áp ngày càng gia tăng tại Sài Gòn đã "tặng" cho bà Trần Lệ Xuân trứng gà và những lời lăng mạ.
Trong khi ngụ tại khách sạn Beverly Wilshire ở Los Angeles vào ngày 2.11.1963, bà Nhu được thông báo về cuộc đảo chính tại Sài Gòn do các viên tướng thực hiện. Hai anh em nhà họ Ngô đã bị bắn chết trong một chiếc xe bọc thép.
Các con của bà Nhu được phép rời Sài Gòn và gặp bà tại Paris, nơi bà bắt đầu cuộc sống lưu vong trong một căn hộ nhìn ra tháp Eiffel. Ít lâu sau, bà Nhu chuyển đến Rome, nơi người anh chồng là Ngô Đình Thục tị nạn.
Cuộc sống lưu vong là một giai đoạn đầy cay đắng với bà Trần Lệ Xuân. Ban đầu bà kiếm được một số tiền bằng cách thu phí cho mỗi cuộc phỏng vấn và chụp ảnh, trước khi rút vào cuộc sống ẩn dật, theo tờ The Guardian.
Người con gái đầu Ngô Đình Lệ Thủy qua đời vào năm 1967 trong một tai nạn xe hơi.
Năm 1986, cha mẹ bà được phát hiện bị bóp cổ đến chết tại ngôi nhà ở Washington. Người em trai Trần Văn Khiêm bị truy tố tội giết cha mẹ với động cơ tranh chấp quyền thừa kế, theo nhà chức trách. Trần Văn Khiêm được phát hiện bị tâm thần, khẳng định trước tòa án rằng những kẻ theo chủ nghĩa Do Thái phục quốc đã giết cha mẹ ông ta, theo New York Times.
Chưa một lần trở về Việt Nam kể từ năm 1963, bà Trần Lệ Xuân qua đời trong lặng lẽ vào ngày 24.4.2011, ở tuổi 87, tại một bệnh viện ở Rome.
Thế nhưng, lời nguyền bất đắc kỳ tử vẫn chưa buông tha gia đình người phụ nữ vang bóng một thời này. Vào ngày 16.4.2012, người con gái út của bà, Ngô Đình Lệ Quyên đã thiệt mạng trong một tai nạn giao thông bi thảm tại Rome.
Sơn Duân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét