Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

 14:27
Chức năng kinh tế của đại học

SGTT.VN - Những gì mà tôi trình bày trong bài viết này không có gì mới ở các nước khác và hầu như ai cũng biết, nhưng có thể khó chấp nhận ở Việt Nam. Trên tinh thần mong muốn đổi mới thực sự về tư tưởng, nhận thức từ các cấp có thẩm quyền, tác giả trình bày lại với hy vọng những điều này sẽ được quan tâm đúng mức.
Cho đến nay đại học Việt Nam chỉ có hai chức năng chính là truyền thụ kiến thức và nghiên cứu khoa học. Vấn đề đặt ra ở đây là trường đại học có làm kinh tế không? Và làm như thế nào? Quan niệm truyền thống còn nguyên giá trị cho đến nay (trong luật Giáo dục và Điều lệ đại học) đại học là nơi dạy người nên cần phải tạo ra môi trường sư phạm trong sạch, do vậy đại học không làm kinh tế, nếu có thì chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ – kỹ thuật, không thực hiện khâu thương mại hoá, gia tăng tài chính bằng việc thực hiện các đề tài nghiên cứu, các chương trình hợp tác từ nước ngoài, nhận tài trợ, ngoài ra còn có các hoạt động như tổ chức luyện thi, một vài dịch vụ lặt vặt như photocopy, kinh doanh nhà khách, căntin... nhưng đó chưa phải là hoạt động kinh tế đúng nghĩa theo luật Doanh nghiệp.
Các hoạt động kiếm tiền như hiện nay, nói cho cùng, chỉ là nối dài của giảng đường. Chính vì không xác định được dứt khoát chức năng này nên các trường, nhất là tư thục, làm kinh tế với nhiều hình thức méo mó theo kiểu “kinh doanh giáo dục, thương mại hoá bằng cấp”, trong đó có việc coi sinh viên là đối tượng kinh doanh để tận thu tiền của người học, trong khi các trường công lập chủ yếu trông chờ vào nguồn học phí eo hẹp và kinh phí bao cấp từ Nhà nước. Phần tài chính này nhỏ bé, chỉ đủ duy trì cho một trường đại học tồn tại theo chức năng nhưng không có đột phá, mà những đột phá mạnh thì phải có quỹ tài chính rất lớn. Bản thân các nhà khoa học không thực hiện được các hoạt động khoa học, lương bổng thấp cho nên chỉ đi dạy thuê kiếm sống, còn những người có cơ may thì phải kiếm tiền “lắt léo” qua các đề tài. Cần hiểu một đại học nghèo là một đại học yếu và đại học đó luôn có nguy cơ rơi vào loại đại học không lành mạnh.
Khu vực châu Á, những trường đại học có đẳng cấp, như National University của Singapore, Seoul University (Hàn Quốc), Chulalongkorn (Thái Lan), Quảng Châu, Vũ Hán (Trung Quốc)... đều được cấu trúc như một tập đoàn giáo dục – kinh tế đa chức năng. Ngoài bộ máy thực hiện chức năng giáo dục chuyên nghiệp ra còn có một bộ máy khác thực hiện chức năng kinh tế, kiếm tiền nuôi dưỡng giáo dục nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh về cơ thể và đạo đức của đại học và hướng đến mục tiêu đại học phi lợi nhuận. Khổng Tử đã nói rằng cần tách việc cứu người và dạy người ra khỏi tiền bạc “phàm hai thứ này vướng vào tiền bạc thì xã hội hỏng”.
Điều đó có nghĩa là hoạt động kinh tế là một hoạt động chính yếu chứ không phải là hoạt động phụ thêm, trong trường đại học có công ty, nhà máy và những hoạt động dịch vụ sinh lời khác. Các tổ chức kinh tế này thuộc trường đại học nhưng hoạt động theo luật Doanh nghiệp. Ở Việt Nam đã có mô hình tập đoàn kinh tế – giáo dục, tức là các tập đoàn kinh tế có trước sau đó mở rộng thêm ra các chức năng giáo dục như FPT, Tân Tạo, Bình An, tập đoàn dầu khí, tập đoàn truyền thông... còn mô hình giáo dục – kinh tế của đại học công lập thì chưa thấy có, trong khi đó mô hình này phát triển rất mạnh ở nước ngoài.
Lấy một ví dụ, trường đại học Chulalongkorn là trường hàng đầu của Thái Lan, nguồn tài chính dồi dào mà trường có được từ chính phủ, từ các doanh nhân vốn là cựu sinh viên, và phần lớn nhất từ hoạt động kinh doanh hiệu quả. Họ có ba khách sạn, hai siêu thị, hai bệnh viện, ba cao ốc văn phòng cho thuê, có hai khu liên hợp thể thao và rất nhiều bất động sản cho các doanh nghiệp bên ngoài thuê dài hạn dọc theo đại lộ Rama IV. Chính vì nhờ có nguồn tài chính mạnh này mà Chulalongkorn chủ động thực hiện rất nhiều các hoạt động nghiên cứu khoa học mang tầm quốc tế như các dự án, các hội thảo, mỗi học giả của trường mỗi năm có hai đến ba tuần đi làm việc ở nước ngoài. Sinh viên được cung cấp tài chính cho các hoạt động văn hoá, thể thao. Dàn nhạc giao hưởng, đội bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, Muay Thái thuộc top đầu quốc gia.
Tác giả bài viết này đã đưa ít nhất bốn doanh nghiệp có “máu mặt” đến đại học Quốc gia bàn chuyện hợp tác làm ăn như Hoàng Anh Gia Lai, Trung Nguyên, Thủ Đức House, Bitexco, có cả một công ty Hàn Quốc nhưng đều không có kết quả, vì 647ha đất của đại học Quốc gia chỉ sử dụng cho mục đích giáo dục, thà bỏ không cho cỏ mọc chứ không được phép cho ai thuê hay làm dịch vụ. Đã từng có một nhà đầu tư đề xuất xây dựng một trường thể thao chuyên nghiệp và một tổ hợp thể thao chuyên cho thuê tổ chức các giải đấu quốc tế và ăn chia với đại học Quốc gia, nhưng tất cả chỉ là nói cho vui! Tương tự như thế, nếu trên mảnh đất “kim cương” 1,1ha của đại học Khoa học xã hội và nhân văn ở đường Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM)được hợp tác khai thác, cho nhà đầu tư xây cao ốc vài chục tầng, nhà trường sử dụng một phần, phần còn lại cùng nhà đầu tư kinh doanh thì chắc chắn là hình ảnh đại học sẽ khác. Tất nhiên bộ phận làm kinh doanh phải tách bạch ra khỏi giáo dục, mọi sự lẫn lộn sẽ làm hư hỏng các thầy và làm bẩn đại học.
Đây là một nhận thức rất đúng và rất quan trọng.
TS Nguyễn Minh Hoà,
Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét