Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

 11:19
Nếu có tên, vở kịch này chỉ có thể gọi: vô luân

SGTT.VN - Vậy là phương tiện kỹ thuật của thời đại internet vừa cho ta biết thêm một vụ án kinh khủng mang đủ những yếu tố: sa đoạ đạo đức, bạo lực tinh thần, thù hận nghề nghiệp và cuối cùng là tính vô luân của tất cả những nhân vật tham gia bi kịch gia đình này.

Câu chuyện này hoàn toàn không phải một vụ “mỹ nhân kế”. Nhân vật nữ bác sĩ hoàn toàn không lừa gạt “nạn nhân”. Họ thoả thuận ăn nằm ngay từ giai đoạn đầu tiên cho đến ngày cuối cùng kết thúc vụ việc.
Câu chuyện này cũng không phải “tình thù” đơn thuần, nó có những yếu tố nghề nghiệp, sự thăng tiến, đề bạt chức vụ, tham vọng, âm mưu…
Câu chuyện này cũng không chỉ thù oán cá nhân, yếu tố bạo lực ở đây không mang thực tế đánh đập nhân vật. Nhưng nó khủng bố tinh thần của tất cả những người trong cuộc: giữa chồng với vợ, giữa giám đốc và nữ nhân viên, giữa cha mẹ với con cái…
Nếu đấy là một vở kịch, một bộ phim thì nó có thể thách đố tất cả những tác giả kịch bản nổi tiếng hay tự cho mình nổi tiếng nhất Việt Nam có thể hình dung, viết ra và đặt nó lên sân khấu. Câu chuyện cuộc đời này thách thức mọi hư cấu, trí tưởng tượng nếu trí tưởng tượng của tác giả không bệnh hoạn.
Trưa 16.4, bác sĩ Hoàng Mạnh H. (chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh một bệnh viện ngành tại Hà Nội) đã công bố những đoạn clip quay cảnh vợ mình là bác sĩ H.T.B.N., công tác tại trung tâm y tế đường bộ 2 (khu quản lý Đường bộ 2, tổng cục Đường bộ Việt Nam) ái ân với cấp trên ở nhà nghỉ. Người chồng cho giới truyền thông biết ông đã bàn với vợ quay các clip cảnh ái ân để làm bằng chứng tố cáo: “Tôi cắn răng cho vợ mình thêm ba lần quan hệ với cấp trên để lấy bằng chứng”. Còn người bị tố cáo, ông Nguyễn Mạnh Cường lại khẳng định: “Vợ chồng nhà nó là đồ lừa đảo, âm mưu thâm độc tống tiền và đòi chức phó giám đốc trung tâm!”
Trên thực tế, sự bệnh hoạn của “kịch bản” có thật này đã diễn ra từ lâu (suốt gần hai năm dài), nó chỉ vừa tạm dừng. Mọi sự thật về từng vai nhân vật: người chồng, người vợ, ông sếp… còn đang được dư luận và luật pháp tìm hiểu những góc khuất của nó, của từng người.
Có lẽ không chỉ pháp luật. Vụ án này hẳn phải cần đến bác sĩ tâm lý, đến ngành tâm phân học. Sự vụ thì ta đã thấy, nhưng nguyên nhân sâu xa nào đưa đến sự vô luân kinh sợ đến thế thì theo thiển ý của người viết, y học cũng phải tham gia.
Tất cả các nhân vật của vở kịch vô luân này đều có gia đình riêng, đều có con cái đang lớn, đã lớn. Họ, tất thảy dường như chỉ tìm phương pháp tối ưu để vạch mặt lẫn nhau, bất chấp tương lai những đứa trẻ sẽ ra sao. Sự thù hận cũng đã đến đỉnh điểm.
Vở kịch này nếu có tên, nó sẽ chỉ là hai từ đơn giản: vô luân.
Đỗ Trung Quân
Sự chung thuỷ đang trở thành xa xỉ? (Hoàng Thiên Thi, 27 tuổi, Bình Thạnh TP.HCM)
Là người ngoài cuộc, nhìn vào hoàn cảnh đó, tôi quả thật đau lòng, đau cho chính xã hội mình đang sống. Quy luật phát triển nào cũng phát sinh những mặt trái, nhưng đây là mặt trái đi ngược với đạo đức con người. Sự việc không đổ dồn lỗi cho bất cứ ai, nhưng cả ba người: người chồng, người vợ, ông sếp, ai cũng gây nên mầm mống của tội ác. Đó là một biến thái, xuống cấp đạo đức một cách trầm trọng. Càng đau hơn nữa, sự xuống cấp này lại rơi vào tầng lớp trí thức. Lý giải chuyện này là do đâu, tôi nghĩ rằng, vì gia đình họ từ lâu đã không còn là một tổ ấm, sự chung thuỷ đã không được đưa lên hàng đầu, vì thế mà con người ta đã tìm hoan lạc bên ngoài, để rồi tội ác xảy ra và gây nên những hậu quả khó lường.
Đừng để cái xấu lan rộng (Hoàng Văn Hải, 35 tuổi, bác sĩ)
Hành vi ép vợ quay clip sex với sếp thì không ai chấp nhận được. Và mọi oán trách, lý giải, lên án cũng đã được đưa ra. Ở đây tôi chỉ muốn nói cái hệ luỵ lan truyền của hành vi đồi bại kia sẽ gây hiệu ứng xấu, hoang mang trong toàn xã hội. Đáng lo nhất là thế hệ con trẻ: chúng sẽ học được gì từ thế hệ cha mẹ? Cái xấu thường lan truyền nhanh và dễ bắt chước, sao y. Vì vậy, với những hành vi trái luân lý trên, pháp luật cần phải trừng trị thích đáng để làm gương cho toàn xã hội. Ngay cả những gia đình bình thường cũng phải nhìn vào tình trạng của vợ chồng bác sĩ này để làm bài học.

THS XÃ HỘI HỌC PHẠM THỊ THUÝ, GIẢNG VIÊN HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH TP.HCM
Do ích kỷ đỉnh điểm mà không nhận ra đúng, sai
Đó là một hành vi không thể chấp nhận, và không còn lòng tự trọng của con người. Một khi người chồng sai khiến người vợ làm những chuyện trái luân lý như vậy thì cũng là lúc tình cảm vợ chồng của họ không còn gì. Nhưng có lẽ người chịu nhiều áp lực nhất chính là các con của họ. Các em sẽ phải chấp nhận việc này như thế nào trong hiện tại và tương lai, khi bố mẹ các em thực hiện những hành vi không còn tính người như vậy? Có thể bỏ qua chuyện trừng phạt người vợ vì sự ngoại tình vụng trộm, nhưng nếu nói đây là hành động nhằm tố cáo người khác thì hành vi này cũng không thể thông cảm. Có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề một cách đàng hoàng, ngôn chính chứ không chỉ hành động đồi bại như trên. Trong chuyện này, sự uất hận, ích kỷ ở người chồng đã lên đến đỉnh điểm, khiến anh ta không còn nhìn được đâu là đúng, là sai. Và chính người vợ đã tiếp tay cho sự ích kỷ này mà không hề nhận thấy sự sai trái ở hành vi của họ.
Sự việc đưa thêm bằng chứng khẳng định gia đình trong xã hội Việt Nam hiện nay đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Những giá trị đạo đức cơ bản đã bị coi thường. Không chỉ không chung thuỷ mà còn xâm phạm nhân phẩm của nhau và bất chấp hậu quả với con cái, gia đình hai bên nội ngoại. Chỉ còn lại sự tự ái và hành động bản năng theo nhu cầu của phần con trong con người. Gia đình đang đánh mất chức năng tình cảm của nó, và không còn là bến đỗ bình yên, chốn đi về để chia sẻ, để chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên. Chính sự mất đạo đức đã đẩy gia đình đến thảm hoạ này. Con người chạy theo nhu cầu sinh lý nhiều hơn nhu cầu tình cảm cao thượng như sự tôn trọng từ mọi người, sự tự trọng, sự giữ thể diện cho con cái.
Xã hội cần có những hình thức phê phán hành vi ngoại tình, có thể bằng nhiều hình thức: dư luận xã hội hoặc xử phạt bằng luật pháp. Mỗi người cần luôn ý thức gia đình có ý nghĩa thế nào đối với hạnh phúc của chính mình, vợ chồng, con cái để giữ gìn, nâng niu, chăm sóc tổ ấm. Xây dựng tổ ấm không chỉ là trách nhiệm của vợ mà là của cả hai vợ chồng. Chồng không chăm sóc vợ cũng sẽ đánh mất tình yêu của vợ và vợ dễ bị tấn công và phạm tội ngoại tình.
Nguyên Cao (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét