Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

10:31
Vụ phá tượng Thánh Dóng:
Phải làm rõ ai phá bản gốc

TP - “Tác phẩm của anh Xuân không phải là tác phẩm trung gian để đổ đồng, vì thế nó vẫn thuộc quyền tác giả. Đó là tác phẩm gốc. Vấn đề ở đây là phải làm rõ trách nhiệm ai đã phá hoại tượng gốc? ”.
Bản gốc Tượng đài Thánh Dóng trước khi bị phá hủy.
 
PGS - TS Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội đồng Lí luận và phê bình Mỹ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam), nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội trả lời phỏng vấn Tiền Phong, ngày 2-4.
Giá trị bản gốc
Thưa ông, bản gốc tượng đài có ý nghĩa như thế nào trong nghệ thuật điêu khắc - tạo hình?
Trong mỹ thuật tạo hình, bản gốc là bản đầu tiên mà tác giả đã sáng tác ra - chỉ có một bản duy nhất và không được phép làm lại bản thứ hai nữa. Những bản khác chỉ là sao chép, phiên bản.
Chính bản phác thảo đầu tiên Tượng đài Thánh Dóng được Hội Mỹ thuật Hà Nội chọn đi dự thi là bản gốc. Đó cũng là bản cuối cùng trở thành mẫu duy nhất được chọn ra từ 28 mẫu khác để xây dựng tượng đài hiện nay.
Tác giả Nguyễn Kim Xuân cho biết, khi dựng tượng đồng đã làm một bản thạch cao khác với tỷ lệ 1-1 (tức khuôn đúc tượng hiện nay). Bản khuôn đúc này mới là bản trung gian?
Từ bản gốc (nguyên mẫu), người ta có thể làm khuôn, để phóng to bản gốc làm tượng đài chính thức. Vì thế, có thể người ta ngộ nhận, nghĩ rằng tất cả quá trình đó nhằm thực hiện cho một công việc cuối cùng là bản đúc đồng. Nên người ta coi bản đồng là bản chính.
Nhưng nếu người ta coi nguyên mẫu là tầm thường thì rất sai lầm. Vì chính bản mẫu mới là bản “zin”, bản gốc của tác giả, rất có giá trị. Đó là giá trị tức thời ở thời điểm sáng tác và tác giả có toàn bộ bản quyền: quyền đứng tên tác phẩm, quyền định đoạt (thừa kế, cho tặng, chuyển nhượng). Cho nên, khi người ta đập phá là vi phạm bản quyền tác giả, vi phạm Luật Bản quyền.
Nhưng có người lại cho rằng bản bị phá là bản trung gian, không có giá trị gì?
Nếu nghĩ bản thạch cao to (tỷ lệ 1-1) là bản trung gian thì đúng, làm xong tượng đài có thể phá đi. Nhưng bản gốc là bản nhỏ hơn, do chính tay tác giả sáng tác. Không nên lầm lẫn bản gốc này với bản thạch cao tỷ lệ 1-1 (khuôn đúc).
Ví dụ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ của tác giả Nguyễn Hải (dựng trên đồi A1 Điện Biên), bản gốc của nó đang nằm tại Bảo tàng Mỹ thuật VN - do Bảo tàng mua lại của tác giả từ trước khi dựng tượng đài. Khi làm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta phải lấy bản gốc này để thực hiện việc phóng to. Lúc đó, có một số chi tiết phải sửa chữa, nhưng đều phải được sự đồng ý của tác giả.
Bản gốc tượng đài Thánh Dóng cũng như bản gốc Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được Bảo tàng Mỹ thuật lưu giữ, ai dám phá bản này? Giá trị bản quyền được thừa nhận theo pháp luật. Tác phẩm của anh Xuân không phải là tác phẩm trung gian để đổ đồng, vì thế nó vẫn thuộc quyền tác giả. Đó là tác phẩm gốc. Vấn đề ở đây là phải làm rõ trách nhiệm ai đã phá hoại tượng gốc?
Cơ quan chức năng nên vào cuộc
Theo ông, ai phải chịu trách nhiệm về bản gốc bị phá?
Ai chủ trì phá hoại phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Đây không phải trách nhiệm bình thường mà là việc phá một tác phẩm nguyên bản của tác giả, phá một tài sản của công dân. Và dù mới chỉ là ý định phóng thêm các bức tượng khác thôi, thì nguyên bản tượng vẫn thuộc về tác giả - đó là bản quyền tác phẩm.
Nguyên là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội (là Chủ tịch tại thời điểm sáng tác mẫu tượng này), ông có ý kiến gì?
Đây chính là tác phẩm Hội Mỹ thuật Hà Nội lúc đó chọn đi dự thi và được chọn làm mẫu chính thức dựng tượng đài Thánh Dóng, cho nên, Hội cần sớm vào cuộc, có ý kiến chính thức về việc này. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan đến việc phá hoại
bức tượng.
Việc tác phẩm gốc sau khi được chọn, trở thành bức tượng đặt ở khu vực bãi đúc để tiến hành các nghi lễ đúc tượng trong suốt hai năm qua có ý nghĩa gì không, thưa ông?
Tôi không biết bản gốc này còn có ý nghĩa đến mức nào, nhưng khi đã sử dụng để thực hiện các nghi lễ trong quá trình đúc tượng; để nhân dân đến lễ, mà bây giờ coi nó chẳng có giá trị gì, phá đi, thì hóa ra trước đó anh lừa người ta đến lễ à? Việc này liên quan đến văn hóa ứng xử, thái độ đối với văn hóa tâm linh - tín ngưỡng của dân tộc.
Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân:
“Người đáng buồn phải là tôi”
“Người đáng buồn phải là tôi chứ không phải ông Long (Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội), bởi tôi mới là nạn nhân bị xâm hại. Nhưng đến nay, lãnh đạo thành phố Hà Nội vẫn chưa có trả lời, làm rõ ai đã phá tượng gốc của tôi”.
Nghệ sỹ điêu khắc Nguyễn Kim Xuân trao đổi với Tiền Phong như vậy, hôm qua sau khi ông đọc một bài trả lời phỏng vấn của Giám đốc Sở VHTT Hà Nội trên một tờ báo địa phương cho rằng, bức tượng bị phá chỉ là “bản trung gian”, chẳng có giá trị gì.
Tác giả Kim Xuân cho biết: Bản gốc là bản đầu tiên được ông sáng tạo, có không gian, thời gian và thời điểm cụ thể. Chính thời điểm đón chào 1.000 năm thăng Long-Hà Nội mới là cảm hứng cho tôi sáng tạo ra tác phẩm này. Còn bản phóng to của Tượng đài Thánh Dóng hiện nay, mặc dù do ông chỉ đạo thực hiện, nhưng là kết quả lao động của nhiều người.
Bản gốc đã được Hội đồng nhà nước nghiệm thu, thẩm định, thực hiện suốt từ năm 2003-2009, qua 3 đời Chủ tịch thành phố Hà Nội và đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho ý kiến.
Về thời gian, nó xứng đáng đi vào ghi nét Việt Nam - một bản phác thảo lâu nhất, công phu nhất… “Nói bản gốc của tôi là bản trung gian như ông Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội là một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Nếu không có bản gốc của tôi, thì làm sao làm ra khuôn đúc thạch cao tỷ lệ 1-1 để đúc tượng đài bằng chất liệu đồng hiện nay. Chính bản khuôn đúc mới là bản trung gian” - ông Xuân nói.
T. Nguyễn

Nguyễn Tuấn (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét