Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

 10:01

Thực hư chuyện khỉ “dê” gái đẹp ở đảo Hòn Lao


ANTĐ - Nhiều cô gái trẻ trước khi bước chân lên đảo Hòn Lao thường được dặn: “Coi chừng lũ khỉ bụi đời, chúng dê lắm đấy”.  
Không chỉ ở Hòn Lao (VN); tại đảo Bali (Inđônexia) cô nữ sinh 22 tuổi Charmian Chen
người Đài Loan (Trung Quốc) cùng từng bị lũ khỉ sàm sỡ. Charmian Chen sau đó
"cáo buộc" hành động của những con khỉ là có chủ ý.
Sự phân chia bầy đàn đặc biệt
Từ trung tâm TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ngược QL 1A về phía bắc chừng 18km thì gặp đầm Nha Phu. Đứng đây nhìn về bên phải, là thấy đảo khỉ (còn gọi là Hòn Lao)- thế giới riêng của khoảng 1.200 con cháu “Mỹ Hầu Vương”.
Đàn khỉ này thuộc 2 chủng: Macaca Rhérus và Macaca Fassicularit- đều là loại đuôi dài. Trước năm 1986 khỉ được nuôi trên đảo để xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) phục vụ cho công tác nghiên cứu và điều chế vác-xin. Sau này, Liên Xô tan rã, khỉ không còn được xuất khẩu nên sinh con đàn, cháu đống cho đến nay. Một số con khỉ già trên đảo, trên đùi hoặc bụng vẫn còn những con số: 83, 85- là năm nó được đưa ra đảo.
Sự phân chia trong xã hội loài khỉ tại Hòn Lao thực sự là một điều đặc biệt, không trùng với bất cứ nơi đâu (dù nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam có đảo khỉ như tại Cần Giờ- Tp.Hồ Chí Minh; Cát Bà- Hải Phòng hay đảo khỉ Quảng Ninh…). Cao nhất ở đảo có khỉ Chúa, thấp hơn có khỉ Thái giám, rồi khỉ bầy và cả khỉ… bụi đời.
Đám khỉ bụi đời trên đảo Hòn Lao vô cùng dạn dĩ
Dê như… “khỉ bụi đời”
Bát nháo nhất là đám khỉ bụi đời, chúng sỗ sàng ra sát mép nước cầu tầu ngóng người lạ. Thấy người di chuyển vào trong đảo, cả trăm con khỉ đuổi theo ràn rạt trên đầu, bằng cách đu qua các tàu lá dừa. Một anh bạn đi cùng, cầm gói đậu phộng định nhử lũ khỉ bụi đời lại gần thì bỗng từ tít trên ngọn dừa, một con khỉ vàng nhanh nhẹn phóng xuống vai anh này, cướp trắng gói mồi trong tay người rồi lại nhảy phóc lên cao, khiến “nạn nhân” giật mình kêu oai oái. Có chiến lợi phẩm trong tay, nó lập tức xé toạc vỏ, vốc cả nắm tướng đậu phộng, nhét phùng mồm rồi cong đuôi bỏ chạy, phía sau cả chục con khỉ bụi đời khác chí chóe đuổi theo.
Người dân trên đảo quen gọi là “khỉ bụi đời” bởi những con khỉ này không thuộc quân số khỉ bầy- chịu sự cai quản của khỉ Chúa. Ban đầu, chúng ở trên núi nhưng dần quen được con người cho ăn, nên rời rừng núi xuống sát mép biển. Sau đó khỉ Chúa không cho phép chúng quay trở lại bầy nên trở thành “bụi đời”. Một số trường hợp khác bị khỉ Chúa đuổi cũng trở thành khỉ bụi đời như: tranh giành thức ăn, tranh giành “ái thiếp”, vô kỷ luật bầy đàn…. Những con khỉ này mãi mãi không được vượt qua một lằn ranh giới vô hình (mà chỉ có chúng mới xác định rõ) nằm ở chân núi- nếu không muốn bị khỉ Chúa xé xác.
Thực hư chuyện này, chúng tôi đem hỏi ông H.- một ngư dân gần như cả đời đã gắn bó với hòn đảo này. Người đàn ông dáng nhỏ thó, da săn quắt vì cái nắng, cái gió và vì nước biển mặn mòi, thủng thẳng: “Mấy con khỉ bụi đời nó ranh mãnh lắm. Đàn ông con trai lên đảo bị nó cướp đồ thường ít la làng hơn mấy cô gái trẻ, nên nó biết chọn đối thủ yếu để bắt nạt, hù dọa. Chủ yếu là nó kiếm thức ăn, nhiều khi gói bim bim, đậu phộng bị xé toạc nên rơi vãi vào trong áo mấy cô. Khỉ mà- nó sờ lần để lấy lại thức ăn ngay. Cũng có khi gặp gái đẹp đi qua, có con nhe răng cười khèng khẹc, tay gãi khắp người làm duyên. Thậm chí gác chân từ trên cao mà…tè xuống, một cách tỏ tình rất khỉ”.
Không chỉ cướp thức ăn, nhiều người sơ sểnh còn bị đám khỉ bụi đời cướp mũ, ví tiền hay điện thoại. Thường thì sau khi lục lọi cho giấy tờ tùy thân rơi lả tả, thấy không có gì ăn, đám khỉ lại ném ví xuống đất. Còn đối với điện thoại, người dân đảo có một cách lấy lại khá buồn cười là gọi điện thẳng vào số máy con khỉ đang giữ khư khư (hoặc đang gặm). Trăm lần như cả trăm, thấy cái điện thoại rung bần bật là con khỉ giật mình đánh rơi. May mắn rơi trúng đám lá khô hay bãi cát thì còn, bằng không rơi trúng tảng đá thì điện thoại… tan tành.
Trên đảo Hòn Lao có một số nhà hàng ăn uống, giải khát. Nhân viên phục ở đây hầu hết đều biết bắn súng (ná) cao su. Bởi nhiều khi đói quá, đám khỉ bụi đời liều mạng mò vào nhà hàng ăn trộm thức ăn. Chúng phục kích trên các ngọn cây quanh nhà hàng hoặc trên mái nhà, rình thời cơ là ra tay “đạo chích”. Các nhân viên buộc phải đuổi đám khỉ “ba trợn ba trạo” này bằng súng cao su. Khối con bị bắn sỏi u đầu nhưng chỉ được hôm trước hôm sau, lại rình rập quay lại.
Cao Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét